Hậu quả khôn lường nếu xảy ra thêm một vụ nổ hạt nhân

Thứ Ba, 09/05/2017, 20:15
Với khát vọng "cho Mỹ và cả thế giới biết sức mạnh thật sự của Triều Tiên" bằng 5 vụ thử hạt nhân tiến hành vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và lời khuyến cáo sẽ tiếp tục tiến hành vụ thử thứ 6 với "thiết bị nổ trong vụ thử hạt nhân lần này có thể mạnh hơn các lần trước đó", Triều Tiên sẽ đánh thức ngọn núi lửa Paektu. Khi đó, không chỉ có Triều Tiên mà các quốc gia lân cận cũng phải hứng chịu các thảm họa.

Núi Paektu (hoặc Baekdu) trong tiếng Hàn hoặc Changbaishan (Trường Bạch) trong tiếng Trung Quốc là một núi lửa còn hoạt động. Ngọn núi Paektu cao 2.744 mét, là đỉnh cao nhất trong dãy Baekdudaegan, hình thành ranh giới tự nhiên giữa 2 quốc gia Triều Tiên và Trung Quốc.

Trên đỉnh núi có một miệng núi lửa được tạo ra từ vụ nổ Thiên Niên Kỷ (Millennium eruption) xảy ra vào năm 946. Được ước tính có sức mạnh hủy diệt tương đương 100 triệu trái bom nguyên tử từng được thả xuống Hiroshima, lần "thức giấc" đó của Paektu đã tung vào bầu khí quyển 100 km3 đất đá, dung nham, tro bụi cùng 45 triệu tấn lưu huỳnh.

Hồ Thiên Đường vốn là miệng núi lửa Paektu được tạo ra từ vụ nổ năm 946.

Miệng núi lửa ngày nay đã biến thành một hồ nước rộng mênh mông như biển hồ trên núi - diện tích đến 9,82 km2, độ sâu trung bình 213 mét - cùng vẻ đẹp kỳ vĩ hoàn toàn xứng đáng với tên gọi Hồ Thiên Đường (Heaven Lake). Ngày nay, đây là một thắng cảnh du lịch cho cư dân của cả 2 quốc gia cùng thưởng ngoạn.

Trong lịch sử Triều Tiên, núi Paektu được cho là nơi chào đời của Dangun, người khai lập vương triều Triều Tiên cổ đại. Đây cũng là ngọn núi lửa lớn mà các nhà khoa học ít có dịp tiếp cận để nghiên cứu, dù họ đã thu thập được một số dữ liệu từ các hoạt động địa chấn trong giai đoạn 2002-2005. Núi lửa Paektu gắn liền với tên tuổi lãnh tụ Kim Nhật Thành của CHDCND Triều Tiên.

Quãng thời gian tiến hành cuộc kháng chiến chống lại quân đội Phát xít Nhật, ông Kim Nhật Thành dùng ngọn núi làm nơi ẩn náu, vì thế giới truyền thông Triều Tiên thường gọi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành là "Người anh hùng huyền thoại núi Paektu". Còn nhà lãnh đạo Kim Jong Il cũng được sinh ra ở núi Paektu.

Dù không tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu nhưng núi lửa Paektu được sử dụng như một bối cảnh quan trọng trong các hoạt động tuyên truyền của Triều Tiên. Gần đây, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un hiên ngang đứng trên đỉnh núi.

Lần "trở mình" gần đây nhất của Paektu là vào năm 1903. Hiện tại, ngọn núi lửa này đang có dấu hiệu "chưa muốn nghỉ". Một số nhà địa chất trên thế giới đã được phép đến đây để tiến hành đo đạc, quan sát. Bắt đầu từ 2002, người ta phỏng đoán dung nham đang len lỏi trong các vết nứt địa tầng bên dưới ngọn núi.

Tờ Telegraph dẫn lời cảnh báo của các chuyên gia cho biết, sự gia tăng các hoạt động địa chất dưới ngọn núi trong những năm gần đây có thể khiến "kho" magma trong núi lửa nở rộng. Theo thống kê của Chương trình Núi lửa Toàn cầu của Viện Smithsonian (Mỹ), hiện có khoảng 1,6 triệu người sống trong vòng bán kính 100km quanh núi lửa. Và núi Paektu chỉ cách Punggye-ri, khu vực thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên khoảng 115-130km đường chim bay. Với vụ nổ hạt nhân mà Triều Tiên tiến hành vào đầu năm 2016, một vụ chấn động 5,1 độ Richter đã được ghi nhận gần khu vực này.

Trong một bài báo được đăng tải trên tạp chí Nature vào đầu năm nay, nhóm nghiên cứu do Hong Tae-kyung, chuyên gia về địa chấn học tại Đại học Yonsei ở Seoul dẫn đầu, cho biết các hoạt động dưới lòng đất có thể kéo theo những chấn động và tác động đến núi lửa chứa nham thạch, dẫn tới hiện tượng phun trào dung nham. "Một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất gần một núi lửa còn hoạt động sẽ gây ra mối đe dọa trực tiếp tới núi lửa" - ông Hong nhận định.

Theo trang IFL Science, như mọi cơn chấn động khác, các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất sẽ tạo ra sóng địa chấn lan truyền theo mọi hướng, trong đó có các hướng xuống bên dưới vỏ Trái Đất và tiếp cận với các bể dung nham nằm sâu khoảng 116 km dưới mặt đất. Nghiên cứu mới nhất từ các nhà địa chất Hàn Quốc cho thấy các sóng địa chấn này có thể đánh thức "những con rồng lửa đang ngủ yên trong lòng đất". Thông thường một vụ phun núi lửa sẽ xảy ra khi áp suất tạo ra từ khối dung nham lỏng vượt quá mức chịu đựng của khối đá cứng xung quanh.

Tại thời điểm ấy, xuất hiện các vết nứt gãy của lớp vỏ cứng bên trên và đỉnh của bể dung nham bên dưới sụp đổ, tạo ra một sự giảm áp đột ngột khiến năng lượng của toàn khối dung nham được giải phóng dưới dạng một vụ phun trào. Nếu khối đá cứng càng lớn thì áp lực làm bung vỡ khối dung nham càng mạnh. Những vụ phun trào có khoảng thời gian "ngủ yên" càng lâu thì thường sẽ càng tích lũy nhiều năng lượng hơn các vụ phun trào diễn ra liên tục.\

Với trường hợp của núi Paektu, bằng các công cụ mô hình máy tính, các nhà địa chất cho rằng, một vụ nổ tạo ra cơn chấn động cấp 7 độ Richter đến từ bên trên, có thể sẽ "trợ lực" cùng lớp dung nham bên dưới làm đứt gãy lớp đá cứng ở giữa. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là vụ phun trào núi lửa đầu tiên do con người kích hoạt.

Bruce Bennett, một chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, lo ngại nếu Triều Tiên tiến hành thêm một vụ nổ hạt nhân thì sẽ "chọc giận người khổng lồ Paektu đang ngủ". "Đó có thể là một vụ phun trào cực lớn, giết chết hàng ngàn người nếu không muốn nói là chục ngàn người Trung Quốc và Triều Tiên", Bennett chia sẻ với hãng CNN.

Tiến sĩ Amy Donovan, giảng viên địa lý và những rủi ro môi trường, thuộc Đại học Hoàng gia London đồng thời là một thành viên trong nhóm các nhà khoa học quốc tế gồm có người Triều Tiên đã nghiên cứu hoạt động của núi lửa Paektu kể từ cơn địa chấn trong những năm 2000 cho biết: "Chúng tôi biết tương đối ít về hệ thống các dòng magma trong núi Paektu cũng như biết rất ít về kích thước, hay độ sâu của chúng, do đó chúng tôi không thể có mô hình về nó".

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định những vụ thử hạt nhân có đương lượng nổ khoảng 10.000 tấn TNT khó có thể kích hoạt một vụ phun trào ở núi lửa Paektu. Chỉ có những vụ nổ đạt sức công phá tương đương 50.000-100.000 tấn TNT mới có thể gây ra vụ phun trào lớn.

Không chỉ Triều Tiên bị ảnh hưởng mà các quốc gia kế cận như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng sẽ bị tác hại liên đới. Ngoài ra, khối tro và bụi của vụ nổ lớn đến như vậy có thể sẽ che kín một phần bầu khí quyển, tạo ra các biến đổi về mặt khí hậu.

Quang Học (tổng hợp)
.
.