Hé lộ công nghệ hiện đại của cảnh sát Mỹ

Thứ Bảy, 25/11/2017, 09:55
Một giáo sư đại học đã dày công thực hiện một dự án suốt hai năm rưỡi về những công nghệ hiện đại mà cảnh sát Mỹ sử dụng trong cuộc chiến chống tội phạm mà hầu như người dân còn khá mơ hồ.


Đó là Sarah Brayne, Giáo sư Xã hội học Trường Đại học Texas ở Austin, Mỹ, người đã thực hiện hơn 100 cuộc phỏng vấn với các nhân viên dân sự và sĩ quan cảnh sát. Bà thậm chí còn đi cùng ô tô và trực thăng tuần tra của cảnh sát, theo dõi các nhà phân tích dữ liệu trả lời câu hỏi từ thám tử. Bà Brayne cũng quan sát các sở cảnh sát áp dụng công nghệ mới.

Từ năm 2011, công ty phần mềm Palantir ở Thung lũng Silicon đã hỗ trợ Sở Cảnh sát Los Angeles phân tích dữ liệu, từ ảnh chụp biển số xe tới vé phạt giao thông, danh sách các tài sản bị tịch thu thế nợ…

Cảnh sát Los Angeles.

Công ty này vốn cũng hợp tác với các cơ quan chính phủ Mỹ như Cục Tình báo Trung ương và Cục Điều tra Liên bang, đang âm thầm tạo ra một chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động của cảnh sát. Palantir không tiết lộ số lượng khách hàng sử dụng công cụ của mình, nhưng các sở cảnh sát ở cả California và New York trước đây từng làm việc với công ty này.

Big data - mạng xã hội kiểu cảnh sát

Điều đầu tiên mà dự án của bà Brayne tập trung là quá trình giám sát của cảnh sát mà theo bà đánh giá là chưa từng có tiền lệ ngày nay. Giống như Facebook giúp cho người ta dễ dàng tìm kiếm bạn bè, công ty Palantir cũng tạo điều kiện tối đa cho cơ quan thực thi pháp luật giám sát tội phạm tiềm ẩn. Nền tảng của công ty tương tự như một mạng xã hội.

Thông tin cơ bản của một người như tên tuổi, giới tính, trường học được nhập vào hệ thống dữ liệu lớn (big data). Cảnh sát thỉnh thoảng ghi lại dữ liệu này vào sổ sách, trong trường hợp như khi họ yêu cầu công dân nào đó dừng lại trên đường sau một vụ tai nạn giao thông. Thông tin được thu thập không chỉ về cá nhân liên quan trực tiếp mà còn về những người ở cùng họ lúc bấy giờ. Ngoài ra, còn rất nhiều dữ liệu do các cơ quan chính phủ cung cấp, hoặc là dữ liệu mà sở cảnh sát mua từ các công ty tư nhân.

Một khi tên của ai đó xuất hiện trong hệ thống dữ liệu, cảnh sát có thể nhận được cảnh báo tự động về người này qua điện thoại di động. Ví dụ, cảnh báo có thể được gửi cho cảnh sát khi ô tô của một người nào đó bị phát hiện đi vào một khu vực cụ thể. Sở Cảnh sát Los Angeles đã tích hợp các camera lắp đặt trên xe tuần tra và dọc các con phố vào hệ thống của công ty Palantir.

Các camera chụp ảnh biển số xe, cung cấp thời gian và địa điểm của chiếc ô tô vào hệ thống. Một ví dụ khác: Nếu xe của một nghi phạm cướp ngân hàng bị bắt gặp trên camera là đang di chuyển gần một ngân hàng nào đó, cảnh sát có thể nhận được cảnh báo.

Một khi dữ liệu đã được lưu lại thì cần phải tìm kiếm nhiều lần. Tuy nhiên, nhờ được tập trung hóa bởi công cụ của Palantir, dữ liệu sẽ dễ tiếp cận hơn, từ đó hỗ trợ các điều tra viên dễ hơn.

Giáo sư Brayne phát hiện ra rằng không chỉ những cá nhân từng "chạm mặt" cảnh sát mà nếu cần, cảnh sát có thể dò tìm cả những người chưa từng tiếp xúc với họ trực tiếp. Ví dụ, chỉ cần có một mối liên quan tới một người nằm trong diện bị lưu tâm là đủ để xuất hiện trong hệ thống Palantir của thành phố. Ví dụ như va chạm xe với một thành viên băng nhóm.

Ngoài ra, còn có danh mục "người yêu" trong hệ thống Palantir, tức là có mối quan hệ yêu đương với người nằm trong diện bị lưu tâm cũng khiến một người có tên trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát. Một khi có tên, cảnh sát có thể nhận được cảnh báo về người đó.

Giáo sư Brayne nói: "Tôi cần lưu ý là đừng chủ quan khi nghĩ rằng nếu mình không có gì phải giấu thì không có gì phải sợ hãi". Suy nghĩ đó dựa trên giả định không thể sai lầm. Suy nghĩ đó phụ thuộc vào giả định rằng các yếu tố được nhập vào hệ thống một cách công bằng, không có sai sót, định kiến. Trong thực tế, theo nghiên cứu, người Mỹ gốc Phi có khả năng dễ bị kết án giết người oan sai gấp 7 lần người Mỹ da trắng.

Nhìn chung, cơ sở dữ liệu giúp cảnh sát rất nhiều. Sở Cảnh sát Los Angeles phụ trách một khu vực rộng lớn gần 1.300km2.  Các tội ác liên quan nhưng xảy ra ở vị trí xa nhau có thể không được kết nối với nhau. Tuy nhiên, ở Palantir, thám tử có thể dễ dàng thấy mối liên hệ hơn. Một cảnh sát có thể đăng ký cảnh báo về một loại tội phạm cụ thể chỉ với những từ khóa như: cần sa, cướp, nam giới, cao 1,8 mét. Họ có thể biết rằng một đồng nghiệp cũng đang tìm cách giải quyết một vụ phạm tội tương tự.

Hệ thống cũng có lợi với cảnh sát trong lên kế hoạch cho các chiến dịch. Nếu cảnh sát định lục soát một ngôi nhà, họ có thể tìm kiếm dữ liệu liên quan từ Palantir. Họ có thể được cảnh báo rằng nhà bên cạnh có súng, rằng một băng nhóm liên quan hoạt động ở cùng khu vực hoặc một lệnh bắt giữ được đưa ra liên quan tới một tội ác gần đó.

Có một vụ mà bà Brayne ghi nhận về cách thức cảnh sát khoanh vùng một ô tô liên quan tới một loạt vụ trộm dây đồng. Cảnh sát đã tìm kiếm biển số xe được chụp gần vị trí dây đồng bị ăn cắp trong một khung thời gian liên quan. Từ đó, họ có một danh sách ô tô có mặt tại cả ba địa điểm xảy ra trộm cắp để thu gọn đối tượng tìm kiếm.

Công nghệ camera hành trình thông minh

Không chỉ công ty Palantir, nhiều công ty khác cũng đang cung cấp cho cảnh sát những công cụ làm việc hiệu quả. Ví như công ty Coban Technologies ở Houston, đơn vị bán camera cho các sở cảnh sát. Mới đây, công ty này đã chào hàng chiếc camera hành trình (dashcam) mới được thiết kế. Dashcam này sử dụng trí thông minh nhân tạo nhằm xác định mọi thứ từ người cho tới xe cộ, súng ống.

Dashcam mới của Coban có thể tự động phân tích các vật thể như xe cộ.

Các nhà phát triển thuộc bên thứ ba sẽ có thể tạo các khả năng đặc biệt cho chiếc camera, ví dụ như phần mềm xác định vũ khí. Trung úy cảnh sát Daniel Gomez, trưởng đơn vị công nghệ chiến thuật của Sở Cảnh sát Los Angeles cho biết đơn vị của mình đang thử nghiệm một loại dashcam để thực hiện các nhiệm vụ như phân tích các cuộc kiểm tra giao thông để huấn luyện cảnh sát tốt hơn.

Sở Cảnh sát Los Angeles cũng có thể tích hợp công nghệ nhận diện trong tương lai vào dashcam. Một khó khăn tồn tại là camera hành trình không phải lúc nào cũng ghi lại được chính diện khuôn mặt đối tượng.

Hiện nay, công nghệ của Coban có thể hoạt động với 6 camera. Nhờ đó, các sở cảnh sát có thể biến xe tuần tra thành cỗ camera có góc nhìn 360 độ, dễ dàng nhận diện đối tượng. Hiện xe cảnh sát thường chỉ có một camera. Ngoài ra, công nghệ của Coban còn cho phép phân tích video tự động, tức thì. Ví dụ, Coban đang thử nghiệm tính năng cảnh báo cảnh sát khi có ai đó tới gần xe của họ.

Các sở cảnh sát rất quan tâm tới việc sử dụng trí thông minh nhân tạo để hỗ trợ giảm tỷ lệ tội phạm. Sở Cảnh sát Los Angeles có hơn 3,3 triệu video ghi từ camera gắn trên xe tuần tra và 2,5 triệu video từ camera gắn trên người. Một khi hoàn thiện trang bị camera gắn trên người, sở sẽ thu thập được 8.500 video mỗi ngày. Phân tích video thường mất thời gian nhưng với công nghệ của Coban, điều này sẽ được thực hiện tức thì.

Hiện có một danh sách các sở cảnh sát khắp nước Mỹ muốn thử nghiệm dashcam mới của Coban.

Mặt trái của công nghệ

Qua dự án, bà Brayne phát hiện ra rằng không phải cảnh sát nào cũng thích công cụ giám sát mới. Nhìn từ bên ngoài, các sở cảnh sát dường như một khối đá, làm việc liên tục để thu thập dữ liệu và giám sát người dân. Nhưng trong số hơn 12.500 nhân viên trong Sở Cảnh sát Los Angeles, không phải ai cũng có chung quan điểm về hệ thống dữ liệu lớn.

Không phải bộ phận nào thuộc sở cảnh sát này cũng sử dụng Palantir và một số cảnh sát thậm chí còn không biết Palantir là gì. Số khác lại lo ngại về hệ thống này. Tăng cường giám sát cũng có nghĩa là cảnh sát cũng có thể bị theo dõi. Việc xe cảnh sát tự động báo cáo vị trí xe cứ 5 giây một lần là điều không phải cảnh sát nào cũng thích.

Ngoài ra, dữ liệu lớn cũng gây ra bất bình đẳng. Các khu vực người thiểu số có thể có nguy cơ bị cảnh sát theo dõi nhiều hơn. Năm 2011, Los Angeles bắt đầu một chương trình trong một khu vực nhằm xác định những người phạm tội thường xuyên. Những đối tượng này bị đánh giá bằng điểm và xếp hạng. Điểm được áp dụng với các đối tượng có tiền án hình sự, tham gia băng đảng, bị bắt giữ khi có súng hoặc bị quản thúc, tù treo. Mỗi lần những đối tượng này bị cảnh sát dừng lại, họ sẽ bị cộng thêm điểm. Biện pháp này được giải thích rõ trong các văn bản của cảnh sát nhưng hầu như báo chí ít đề cập rõ.

Theo giáo sư Brayne, nguy hiểm của hình thức điểm này là ở chỗ dữ liệu về các đối tượng này có thể "tự đầy". Tức là một đối tượng có điểm cao nhiều khả năng sẽ bị cảnh sát tìm tới. Mà mỗi lần cảnh sát tìm tới, điểm của đối tượng lại bị tăng, và lại dẫn tới bị cảnh sát "hỏi thăm" nhiều hơn. Theo một bức thư tháng 1-2017 từ Cảnh sát trưởng Charlie Beck ở Los Angeles, 12 trong số 21 đơn vị tuần tra của sở đã sử dụng hình thức điểm nói trên trong chương trình đánh giá nguy cơ định lượng vào cuối năm 2016.

Dù công nghệ ngày càng phát triển và được áp dụng nhiều trong công việc của cảnh sát nhưng giáo sư Brayne phát hiện ra một điều rằng luật pháp không theo kịp công nghệ. Hệ thống dữ liệu lớn đã tác động tới hoạt động khám xét và gây ra tình trạng vi hiến. Cảnh sát phải có trát mới có thể tiếp cận một số thông tin nào đó. Nhưng giờ họ có thể sử dụng cơ sở dữ liệu để tìm kiếm điều muốn tìm mà không cần xin lệnh.

Quyền riêng tư không còn là một vấn đề. Các nhân viên dân sự cho bà Brayne biết: Họ đang xem xét các nguồn mới, ví dụ như dữ liệu cuộc gọi từ chuỗi cửa hàng pizza, thông tin địa chỉ từ đợt giảm giá kính áp tròng… Mọi mẩu dữ liệu, cho dù do chính phủ hay công ty tư nhân thu thập, đều có thể hữu ích cho cơ quan thực thi pháp luật.

Việc sử dụng Palantir của các sở cảnh sát cho thấy công nghệ có thể là một con dao hai lưỡi. Giáo sư Andrew G. Ferguson, Giáo sư khoa Luật Đại học Quận Columbia và tác giả của cuốn sách sắp ra mắt "Sự trỗi dậy của kiểm soát dữ liệu lớn", cho rằng dự án của Giáo sư Brayne đã tiết lộ tương lai của quá trình kiểm soát. Ông cho rằng cần phải mở một đối thoại quốc gia vì công chúng phần lớn không biết gì về công việc của cảnh sát.

Với những sở cảnh sát nhỏ, công nghệ như của Palantir có thể là quá tốn kém. Một nguồn tin gần đây cho thấy các cơ quan thực thi pháp luật ở California đã tốn hơn 50 triệu USD cho Palantir từ năm 2009. Giáo sư Ferguson nói: "Trước khi công nghệ đi quá xa và quá tân tiến, chúng ta cần bàn bạc về việc liệu chúng ta có thoải mái với việc thu thập dữ liệu về công dân ngày càng tăng như thế này không".

Các chuyên gia cho biết dự án của bà Brayne là một cánh cửa để nhìn vào tương lai của cơ quan thực thi pháp luật. Dự án cho thấy hệ thống dữ liệu lớn đầy triển vọng đã giúp cho công việc của cảnh sát hiệu quả hơn như thế nào. Tuy nhiên, dự án cũng cho thấy các mặt trái của công nghệ: dữ liệu tưởng như khách quan và công bằng lại có thể tạo ra định kiến về một đối tượng nào đó và vi phạm quyền riêng tư.

Cả công nghệ của Palantir và Coban đều đặt ra vấn đề về tính riêng tư và bản chất "anh lớn" của công nghệ nhận diện. Với một mạng lưới camera thông minh, các chính phủ có thể theo dõi vị trí của mọi công dân, thậm chí cả khi họ không bị nghi ngờ làm điều sai trái. 

Các luật sư và người ủng hộ các cộng đồng thiểu số đã chỉ trích việc các sở cảnh sát sử dụng dữ liệu lớn. 19 thành phố đã xem xét các đề xuất pháp lý liên quan tới sự giám sát của cảnh sát.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.