Nhân Ngày Môi trường Thế giới (5-6):

Mối lo khí hậu trong tương lai gần

Thứ Năm, 06/06/2019, 16:33
Kể từ khi tồn tại, loài người luôn sống dưới một "lớp vỏ - vòm trời" bảo vệ, nhưng nếu cái vỏ này bị "chọc thủng", hãy coi chừng! Trong thế kỷ XXI con người sẽ cảm thấy nóng bức hơn. Lý do vì lượng khí điôxít cacbon (CO2) và các khí thải khác tăng cao trong bầu khí quyển.

Giới khí tượng học đã chỉ ra bức tranh thời tiết của 2 thế kỷ XXI và XXII, với nhiệt độ trung bình tăng cao hơn, hạn hán lan rộng và mức nước biển dâng lên.

CO2 phá cân bằng sinh thái

Trung tâm nghiên cứu do Giáo sư A. Robert làm Giám đốc trực thuộc Trường đại học Tổng hợp ở Lucerne (Thụy Sĩ), đã tiến hành tạo dựng các "mẫu khí hậu", nguyên bản theo phương diện toán học, mang vào mọi yếu tố liên quan tới các hiện tượng khí hậu và thời tiết trên trái đất, cho phép thấy trước điều gì sẽ xảy ra - khi ta thêm vào hay bớt đi một vài yếu tố nào đó.

Áp phích của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) kêu gọi nhân loại hãy chung tay làm giảm tiến trình trái đất đang ấm dần lên.

"Đương nhiên các tiến trình khí tượng, thay đổi theo thời gian trên hành tinh của chúng ta thường diễn ra rất phức tạp. Thật khó mà nói trước được một cách chắc chắn là dạng khí hậu nào sẽ tới sau 100 năm nữa - Tiến sĩ A. Robert và các đồng nghiệp khẳng định - Giới sinh thái học, đạt được thắng lợi trong nỗi sợ hãi về một thảm họa hạch tâm, đã bỏ qua vấn đề CO2 khi họ đòi quay về với những nguồn năng lượng truyền thống. Còn giới ủng hộ cho việc kiến tạo nền năng lượng hạt nhân lại lợi dụng vấn đề CO2, nhằm chứng minh cho kỳ được, rằng năng lượng nguyên tử sẽ là "người bạn đồng hành" của trái đất trong tương lai".

Thực ra CO2 là thứ khí nguy hiểm nhất, làm vỡ mối cân bằng sinh thái. Từ khi có cuộc cách mạng kỹ thuật đầu tiên cách đây 3 thế kỷ cho đến nay, sự tập trung lượng khí CO2 trong bầu khí quyển không ngừng tăng và ngày một nhanh hơn. Tại sao vậy? Đầu tiên là do nạn phá rừng làm giảm khả năng hấp thụ thán khí. Các trận cháy rừng, hay lấy gỗ làm củi đun cũng là những nguyên nhân khác…

Nhưng các nguồn năng lượng khai khoáng (than, dầu mỏ, khí tự nhiên…) không ngừng tăng lên cùng với đà phát triển kinh tế, ngày càng khiến cho việc dày đặc thêm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển.

Tiếc thay CO2 không phải là nguyên nhân duy nhất. Sự tập trung hóa lượng khí metan (CH4) cũng tăng, với nhịp độ 1% mỗi năm. Khí azot (N), hậu quả trước hết của việc dùng phân hóa học, cũng tăng 0,3%/năm. Còn khí freon (CFC) đặc trưng của kỹ nghệ lạnh, nguyên nhân chính làm "thủng" tầng ozone lại tăng tới 6%/năm…

Tuy các khí thải này không trải rộng như điôxít cacbon, nhưng chúng sẽ hấp thụ nhiệt nhiều hơn. Một phân tử freon (CFC-11 hay CFC-12) có độ hấp thụ tương đương 10.000 phân tử CO2.

Theo Giáo sư tiến sĩ A. Robert, thì các loại khí khác cộng lại cũng có ảnh hưởng ngang bằng với khí điôxít cacbon. Nếu chúng vẫn tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ như hiện nay, chúng ta sẽ thấy bức tranh thời tiết bi đát trong thế kỷ này và đầu thế kỷ sau.

Nhiệt độ tăng cao

Các "mẫu khí hậu" trong Trung tâm nghiên cứu của A. Robert được trộn lẫn, cho thấy lượng khí thải trong bầu khí quyển tăng gấp đôi, đồng thời kéo theo nhiệt độ tương ứng của không khí tăng lên từ 1,5 - 4,5 độ C. Đó là cách tính quân bình.

Sự thay đổi mỗi nơi một khác và thường diễn ra theo tuần tự sau: nhiệt độ ở vùng xích đạo sẽ tăng ít hơn, nhưng tại các vùng địa lý khác rất dễ dàng nhận thấy sự tăng nhiệt độ đó. Điều này thể hiện cụ thể là nhiệt độ ở các vùng cực sẽ tăng từ 8-12 độ C cao hơn hiện nay, còn nhiệt độ trung bình trong mùa đông sẽ bớt lạnh đi từ 4-8 độ C.

"Chúng ta không cần phải chỉ ra là những sự thay đổi này sẽ làm đảo lộn nền nông nghiệp - Giáo sư A. Robert cho biết thêm - sự tăng nhiệt độ trên những vùng băng giá nhất của trái đất sẽ tạo ra sự tan băng 2 đầu cực, mực nước các đại dương sẽ tăng lên, tạo nên những mối nguy với các vùng duyên hải. Bỉ và Hà Lan phải bỏ ra hàng chục tỉ USD nữa vào việc xây cao thêm các đập chắn, thế còn các quốc gia nghèo thì biết làm sao? Lượng mưa hàng năm cũng tăng lên 11%… Đó là sự thay đổi nhanh chóng nhất và khắc nghiệt nhất kể từ khi xuất hiện loài người đến nay.

Trong 10.000 năm trở lại đây - sau thời kỳ băng hà, chu kỳ dao động hàng năm của nhiệt độ trái đất không bao giờ vượt quá 2 độ C, nhưng tới năm 2030 giới hạn này sẽ bị vượt qua. Có nghĩa là số các cơn bão nhiệt đới sẽ tăng gấp đôi. Còn độ ẩm cũng tăng và phân bổ không đều, kích thích sự sa mạc hóa. Các nhà khoa học coi sự sa mạc hóa ở Sahel phía nam Sahara ở châu Phi là những dấu hiệu đầu tiên của thảm họa sinh thái lớn lao này".

Nếu băng ở Greenland tan ra, đủ làm nước biển dâng cao 8m và các dân biểu Mỹ ở thủ đô Washington D.C sẽ "đi từ trụ sở Quốc hội trên đồi Capitol tới Nhà Trắng bằng… phà", như tờ tạp chí khoa học uy tín New Scientist mô tả. Còn nếu băng ở cực Bắc cũng tan hết, mực nước đại dương sẽ lên cao tới… 55m.

Tuy nhiên dù nhiệt độ có tăng tới 4 độ C cũng không thể làm tan hết băng ở 2 đầu cực được, nhưng sẽ làm mực nước biển dâng lên 3m trong thế kỷ này và tới 10m vào thế kỷ sau. "Khi đó - như Giáo sư A. Robert đã chỉ rõ - mặt nước sẽ chiếm thêm 10 triệu cây số vuông nữa, một diện tích ngang bằng Trung Quốc.

Đa số các vùng bị đe dọa (gần 70%) là nằm ở Bắc bán cầu. Bờ đông Đại Tây Dương của nước Mỹ sẽ ngập trong nước. Một phần đất Nga ở phía bắc biển Caspian, Đan Mạch, Hà Lan, Bangladesh, bắc New Zealand, các lưu vực sông Hằng, sông Amazon và sông Mekong đều bị ngập.

Còn nước biển Adriatic ở Italy sẽ dâng cao 15m vào tận tới Bologna, "dìm" các đô thị như Venice, Ravenna và Ferrara xuống đáy. Các thành phố lớn nhiều triệu dân như London (Anh), Cairo (Ai Cập), New York (Mỹ) và Bắc Kinh (Trung Quốc) nước cũng không "buông tha"…

Dĩ nhiên viễn cảnh trên cũng chỉ là tương đối, vì thiên nhiên biến đổi không ngừng. Ví như khoa học vẫn chưa giải thích nổi, rằng tại sao hiện nay chỉ tồn tại có 58% lượng khí trong tổng số khí đã thải lên khí quyển trong 3 thập niên qua, cái gì đã tác động khiến "dung hòa" phần còn lại? Cũng như chưa ai lý giải nổi tại sao "lỗ hổng" trên tầng bình lưu lại rơi đúng vào phía trên Nam cực?…".

Đó là viễn cảnh của khí hậu trái đất trong tương lai không xa, có thể có một vài nhân tố khác sẽ tác động ngược lại, như dòng chảy của các đại dương sẽ làm chậm đi độ 20 năm các hệ quả từ việc tập trung gấp đôi lượng khí thải trên bầu khí quyển.

Ngoài ra sức chiếu của mặt trời cũng thay đổi theo chu kỳ: từ giữa thế kỷ XX đã giảm đi chừng 0,02%/năm, nhưng trong thế kỷ XXI này có khi sức chiếu lại tăng dần lên, làm tăng các hoạt tính khí.

Hiểm họa của việc nhiệt độ tăng là điều miễn bàn cãi. Nhưng thảm cảnh khí hậu trong tương lai gần sẽ lên tới mức báo động nào? Đó là điều luôn trăn trở cho các nhà khoa học hiện nay.

Quang Phú (tổng hợp)
.
.