Hiện tượng gia súc chết ở một số tỉnh phía Bắc: Bệnh than, đừng xem thường!

Thứ Hai, 10/11/2014, 18:25

Thời gian gần đây, một số tỉnh miền núi phía Bắc đã xuất hiện hiện tượng trâu, bò bị bệnh than (hay còn gọi là bệnh nhiệt thán - anthrax) và lây sang người qua việc giết mổ, ăn thịt con vật bị bệnh.

Bệnh than là một bệnh nguy hiểm, có khả năng làm chết người vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công điện khẩn, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh than, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng bệnh cho người và gia súc…

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 9/2014, tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã xuất hiện gia súc mắc bệnh than và lây sang người do việc giết mổ, ăn thịt con vật bị bệnh, đồng thời những năm gần đây, một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc liên tục xuất hiện các trường hợp gia súc mắc bệnh than như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang. Do vậy, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh than trên gia súc là rất cao, đặc biệt ở các địa phương đã từng có ổ dịch.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Giang, từ ngày 17/9 đến 9/10/2014, đã có 9 trường hợp mắc bệnh than thể da được ghi nhận tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Tất cả những bệnh nhân này đều đã ăn thịt gia súc mắc bệnh. Tại Lai Châu, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cho biết, 3 năm trước, tại bản Nam, xã Ta Gia có 10 bệnh nhân bị bệnh than nhập viện tại Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, 1 người tử vong. Thời điểm đó, đầu tháng 6/2011, tại bản Nam, xã Ta Gia, huyện Than Uyên, bà con bắt được một con ngựa đi lạc, có triệu chứng bỏ ăn, sau 4, 5 ngày vẫn không có ai nhận. Vì tiếc rẻ nên những hộ trong bản đã rủ nhau mổ thịt.

Biểu hiện của bệnh than thể da trên người.

Sau 3 ngày ăn phải thịt ngựa mắc bệnh, anh Tòng Văn Son ở bản Nam là người đầu tiên thấy trên tay có nhiều vết loét màu đen và sốt cao. Những ngày tiếp theo, 6 người tham gia mổ hoặc ăn thịt ngựa cũng có biểu hiện giống anh Son. Đến ngày 9/6, lại thêm 3 người ở các bản lân cận trong xã là bản Nam, bản Củng, bản Khen cũng có những biểu hiện trên.

Ngày 23 và 24/6, Trung tâm Y tế huyện Than Uyên lại tiếp nhận thêm 2 ca bệnh là anh Tòng Văn Sinh ở khu 9, thị trấn Than Uyên và Lò Văn Pỏ ở bản Đông, xã Phúc Than. Theo những người này thì trước đó mấy ngày, họ mổ thuê một con trâu đang bị bệnh cho lò mổ Sỹ Phương ở khu 10, thị trấn Than Uyên. Vài ngày sau, ở nếp lằn khuỷu tay phải của anh Pỏ xuất hiện một nốt bỏng màu đen.

Do chủ quan, không ý thức mức độ nguy hiểm của bệnh nên sáng ngày 24/6 anh Pỏ mới đến bệnh viện khi đã có những  biểu hiện xuất tiết đờm dãi, đau buốt đầu. Mặc dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng rạng sáng 25/8, anh Pỏ tử vong.

Bệnh than là bệnh gì?

Bệnh than do một loại vi khuẩn gọi là trực khuẩn than (hay trực khuẩn nhiệt thán) gây ra. Nó khiến những động vật như trâu, bò, ngựa chết đột ngột do sốt cao. Điều đáng nói là trực khuẩn này có nha bào (nghĩa là kén) bao bọc rất bền vững, có thể giúp nó tồn tại vài chục năm ở môi trường bình thường như trong đất, trong nước, trong da súc vật đã thuộc, lông động vật, thịt đóng hộp, xông khói... Một số động vật khác như chuột, lợn, khỉ cũng có thể là nguồn lây bệnh.

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gặp vào cuối mùa hè, đầu mùa thu, thời gian ủ bệnh tương đối ngắn - chỉ từ 1 đến 5 ngày và triệu chứng cũng khá âm thầm, khó nhận biết. Mọi người, mọi lứa tuổi đều có khả năng nhiễm bệnh như nhau.

Trâu, bò, ngựa nhiễm trực khuẩn than thường xuất hiện 2 thể. Một là thể cấp tính cao. Con vật đột ngột sốt cao 41-420C, đi run rẩy, thở gấp, bỏ ăn, hai má sưng, vã mồ hôi, các niêm mạc đỏ tím, đầu gục xuống, lưỡi thè ra, mắt đỏ ngầu. Tiếp theo, con vật mất thăng bằng, quay cuồng lảo đảo, đứng không vững, rồi chết.

Khi con vật chết, ở miệng, hậu môn, âm hộ thường có máu tím bầm hay đỏ sẫm chảy ra, không đông. Một số con còn có biểu hiện thần kinh như nhảy xuống ao, húc đầu vào tường, đâm vào bụi rậm hoặc kêu rống lên. Tỉ lệ chết 100%.

Tiêm vắc xin cho gia súc là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh than.

Hai là thể cấp tính: Trâu, bò, ngựa ủ rũ, lông dựng, mắt lờ đờ, sốt cao, bỏ ăn, mắt đỏ sẫm pha lẫn vết đen tím, con vật đi tiêu ra phân có lẫn máu, đái ra máu. Các lỗ tự nhiên như mũi, hậu môn, âm hộ thường có máu đỏ sẫm hoặc tím, ngực, bụng sưng nóng và đau đớn. Tỷ lệ chết khoảng 80%.

Sau khi chết, bụng con vật chướng to, hậu môn trực tràng lòi ra, lưỡi lè ra, các lỗ tự nhiên như mồm, mũi, hậu môn, âm hộ chảy dịch nhầy lẫn máu tím bầm và thường khó đông hoặc không đông. Các hạch như hạch hầu, hạch trước vai, hạch đùi sưng to, tụ máu, dưới da có nhiều dịch vàng, thịt tím tái, lá lách sưng to, tím sẫm và nát nhũn như bùn.

Khi gia súc chết vì bệnh than được chôn sơ sài hoặc vứt bừa bãi thì vài chục năm sau, trâu bò đến ăn cỏ ở đó vẫn bị bệnh. Người giết mổ thịt gia súc mắc bệnh hoặc cắt xẻ thịt, ăn thịt, sẽ bị lây. Triệu chứng phổ biến nhất khi lây nhiễm là xuất hiện những vết lở ngoài da, sưng to nhanh chóng, có phủ nước xung quanh rồi vỡ thành mụn loét, sâu, màu đen, có xu lướng lan rộng kèm theo sốt. Đây được gọi là bệnh than thể da, nó xuất hiện sau 6 hoặc 12 giờ kể từ lúc bị nhiễm, chiếm đến 95% các trường hợp nhiễm, tỉ lệ tử vong khoảng 5%.

Nếu nhiễm trực khuẩn than theo đường hô hấp, bệnh nhân thấy chóng mặt, đau ngực, khó thở, ho khan. Nếu nhiễm qua đường tiêu hóa, bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng, thở khó. Nhiễm trực khuẩn thể phổi và thể tiêu hóa  rất nguy hiểm vì sau từ 2 đến 6 ngày, bệnh nhân có thể chết do suy hô hấp hoặc nhiễm trùng máu. Tỉ lệ tử vong vào khoảng 80 đến 90%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh than là một trong những bệnh được xếp vào nhóm bệnh "đặc biệt nguy hiểm" vì ngoài việc lây lan cho người, nó còn được những tổ chức khủng bố sử dụng như vũ khí sinh học.

Năm 2001, sau sự kiện kinh hoàng xảy ra tại Trung tâm Thương mại thế giới vào ngày 11/9, nước Mỹ lại hứng chịu đợt tấn công khủng bố bằng vi khuẩn gây bệnh than. Trực khuẩn than được bọn khủng bố tẩm vào phong bì bắt đầu bùng phát ở bang Florida hôm 18/9/2001, sau đó lan sang thành phố New York và thủ đô Washington khiến 3 người chết.

Năm 1979, tại Liên Xô do sự sơ suất trong việc quản lý chủng loại trực khuẩn bệnh than dùng để nghiên cứu đã làm cho 100 người bị nhiễm, 66 nạn nhân tử vong.

Phòng chống bệnh than như thế nào?

Để chủ động phòng chống bệnh than, ngày 15/10, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, khẩn trương chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh than, lấy mẫu bệnh phẩm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nhất là tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động và nơi có ổ dịch cũ, triển khai kịp thời các biện pháp quản lý bệnh nhân và vệ sinh môi trường để xử lý triệt để ổ dịch, không để xảy ra tử vong và hạn chế lây lan, phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý các ổ dịch bệnh than trên gia súc, xử lý tốt các gia súc bị bệnh, kịp thời thông báo về tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để lây nhiễm sang người...

Đặc biệt chú trọng tuyên truyền để người dân khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh than, gia súc chết bất thường thì phải khai báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để xử lý triệt để mầm bệnh; không tự ý giết mổ gia súc mắc bệnh, chết để ăn hoặc chia cho mọi người trong thôn, bản cùng ăn; chủ động thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi để tiêu hủy.

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát công tác tiêm phòng vắc xin bệnh than cho đàn gia súc trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo tiêm phòng bổ sung, tiêm phòng triệt để cho đàn gia súc - kể cả loài dê - trong vùng có ổ dịch cũ và những khu vực có nguy cơ cao...

Theo WHO, tiêm phòng cho gia súc là cách hiệu quả nhất để đối phó với bệnh than vì theo nhiều khảo sát, có đến 93% vật nuôi miễn nhiễm với bệnh sau khi được tiêm vắc xin.

Khi đã xuất hiện bệnh trên gia súc, người dân tuyệt đối không nên giết mổ trâu, bò, ngựa - kể cả khi chúng đã chết hoặc chưa chết để ăn thịt. Với những con vật đã chết, phải chôn sâu hơn 2 mét giữa 2 lớp vôi bột. Nơi chôn phải cách xa làng bản, thôn xóm, ao hồ, sông suối. Hố chôn con vật cần cắm biển báo để tránh trường hợp người dân chăn thả gia súc ở gần nơi này, đồng thời tiến hành tẩy uế toàn bộ chuồng trại, phân, rác, nước tiểu bằng vôi bột hay phun thuốc sát trùng. Do trực khuẩn than có khả năng tồn tại lâu dài nên không chế biến thịt trâu bò bị bệnh thành những món đặc sản như bò khô, trâu gác bếp…

Vũ Cao
.
.