Vụ điều dưỡng viên bị bệnh nhân tâm thần “tấn công”: Họa luôn chực chờ

Thứ Năm, 06/08/2015, 18:35
Vừa tan ca trực trở về nhà thì điều dưỡng viên Võ Văn Đấu nhận được cuộc gọi từ lãnh đạo bệnh viện yêu cầu xuống hiện trường hỗ trợ các đồng nghiệp khống chế một bệnh nhân tâm thần đang lên cơn, dọa đốt nhà. Điều không may là trong lúc giằng co, vật lộn, anh Đấu đã bị bệnh nhân này hắt thùng xăng lên người, rồi hơi xăng bắt lửa biến anh thành một “ngọn đuốc sống”, gây bỏng đến 70% cơ thể… Hoàn cảnh vốn nghèo khó khiến gia đình anh Đấu càng rơi vào khốn khó. Chứng kiến những giọt nước mắt xót thương, đau đớn của người thân anh Đấu, nhiều người không khỏi quặn lòng…

Xót thương điều dưỡng viên tận tụy

Ngày 27/7, trao đổi với chúng tôi, TS.BS. Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết, thời gian này khoa đang điều trị cho bệnh nhân Võ Văn Đấu (SN 1989, điều dưỡng viên Khoa Điều trị của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Tiền Giang) bị bỏng lửa xăng rất nặng.

Sau hơn hai tuần điều trị tại đây, các bác sĩ đã dùng nhiều biện pháp và kết hợp kháng sinh mạnh để điều trị sốc bỏng và nhiễm trùng. Tuy nhiên, tình trạng bỏng sâu của bệnh nhân rất nặng, diện tích bỏng lên đến 70% diện tích cơ thể khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng suy thận, phải chạy thận nhân tạo, lọc máu liên tục. Các bác sĩ đã rất nỗ lực, cố gắng làm tất cả những gì có thể để cứu chữa cho bệnh nhân và cũng là đồng nghiệp của mình, nhưng đây là một trường hợp cực kỳ nguy kịch, khó tiên lượng.

Bộ trưởng Y tế thăm hỏi và trao quà cho thân nhân điều dưỡng Đấu hôm 3/8.

Anh Đấu lâm vào tình cảnh này do bị một bệnh nhân tâm thần tưới xăng lên người rồi bị lửa bén vào gây cháy phỏng. Trước đó, vào khoảng 19 giờ ngày 12/7, kết thúc ca trực, anh trở về nhà bên vợ và đứa con gái 4 tuổi. Cùng thời điểm trên, Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang nhận được tin báo nhờ giúp đỡ khẩn cấp của chính quyền địa phương và người nhà bệnh nhân Nguyễn Văn Trí (40 tuổi, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đang bị kích động thần kinh đòi đốt nhà. Theo tìm hiểu thì bệnh nhân Trí trước đây đã từng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, sau đó được các bác sĩ cấp thuốc cho về nhà điều trị.

Ngay sau đó, bệnh viện đã điều xe cấp cứu cùng điều dưỡng đến hiện trường can thiệp, khống chế bệnh nhân đưa về điều trị. Đồng thời, anh Đấu cũng được lãnh đạo bệnh viện gọi điện yêu cầu xuống hiện trường để cùng phối hợp làm việc với hai điều dưỡng khác. Nhận được tin báo, anh nhanh chóng tới hiện trường làm nhiệm vụ.

Anh Đấu khi còn được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Và khi xuống tới gia đình này, anh Đấu cùng hai đồng nghiệp thấy bệnh nhân Nguyễn Văn Trí tỏ ra như đang lên cơn, la hét, đập phá đồ đạc trong nhà. Người thân và đông đảo bà con hàng xóm cố khống chế nhưng không được. Lúc này, các điều dưỡng viên đã sử dụng kỹ năng nghiệp vụ để cố gắng ngăn cản người bệnh. Nhưng bệnh nhân Trí như càng bị kích động nên đã cầm bình xăng tìm cách châm lửa.

Trước tình thế nguy cấp, anh Đấu không quản ngại hiểm nguy lao vào khống chế bệnh nhân. Nhưng trong lúc giằng co, vật lộn, bệnh nhân phản kháng quyết liệt, nên tạt bình xăng lên người anh Đấu. Vị trí diễn ra việc này gần ngay với một điểm bán bánh bao của người dân lúc đó đang có lò hấp bánh nên ngay lập tức xăng bắt lửa và bùng lên dữ dội…

Sự việc xảy ra quá nhanh khiến anh Đấu không kịp phản ứng, ngọn lửa nhanh chóng trùm lên cơ thể người điều dưỡng này. Lúc này anh Đấu chỉ biết vùng vẫy, la hét đau đớn trong đám lửa. Sau khi mọi người cùng nhau ào vào dập tắt lửa thì toàn thân anh Đấu đã bị bỏng nặng. Anh Đấu nhanh chóng được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại đây, các bác sĩ tiến hành sơ cứu, nhưng do bệnh trạng quá nặng nên anh được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.

Bà Chung không kìm được nước mắt khi nói về bệnh trạng của con trai.

Bà Nguyễn Thị Chung (47 tuổi, mẹ của anh Đấu) vừa khóc vừa kể lại sự việc tối hôm đó, lúc ấy bà đang ở nhà xem tivi thì nghe điện thoại có người báo con trai bà bị bỏng… "Thật tình khi được báo tin, tôi cứ nghĩ là con mình chỉ bị bỏng ga hay gì đó sơ sơ thôi, chứ ai ngờ đến bệnh viện thì nhìn không ra con. Lúc vào phòng cấp cứu tìm con, tôi chỉ thấy một người cháy đen hết từ đầu đến chân, tôi cứ tưởng bệnh nhân đưa vào cấp cứu. Nên tôi bấm số người vừa gọi báo tin thì họ bảo là ra cổng họ đón. Đến khi họ ra cổng đón và dắt vào đúng chỗ người cháy đen đó, vừa nghe họ bảo con trai bác đó, tôi gần như ngất xỉu, không biết gì nữa", bà Chung nghẹn ngào.

Theo lời bà Chung, gia đình bà vốn làm nông nghiệp. Nhưng do nhà không có nhiều ruộng đất, nên bà đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập, còn ruộng vườn thì để cho chồng là ông Võ Văn Điền (48 tuổi) ở nhà lo liệu. Anh Đấu là con trai đầu của vợ chồng bà (anh Đấu còn một em trai năm nay vừa thi vào đại học).

"Để cứu con, vợ chồng tôi sẽ bán nhà"!

Tiếp lời vợ, ông Điền cũng buồn bã cho biết: "Từ lúc chuyển con tôi lên Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi nghe bác sĩ bảo con tôi bị bỏng sâu, phải chạy thận... Nói chung là tình hình rất nghiêm trọng. Thực sự tôi rất đau xót và lo lắng cho tính mạng của con mà không dám khóc. Lúc này tôi cũng cố mà cứng rắn, mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho cả nhà, chứ tôi mà suy sụp thì chả biết mọi việc sẽ ra sao".

Nói về gia cảnh nhà mình, bà Chung chia sẻ rằng do vợ chồng bà không được ăn học do cha mẹ nghèo nên sau này vợ chồng bà quyết tâm làm mọi cách để lo cho hai con được học hành tới nơi tới chốn. Với anh Đấu, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y, anh đã xin được vào Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang làm việc.

Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang - nơi anh Đấu công tác.

Theo lời bà Chung thì thực sự lúc đầu khi nghe con trai báo tin mình xin được việc, bà có thoáng chút lo lắng: "Đúng là tôi có lo cho con vì nghĩ rằng làm việc ở bệnh viện hàng ngày sẽ gặp toàn bệnh nhân tâm thần, không may lại gặp chuyện xui rủi thì không biết ra sao? Nhưng khi thấy tôi tỏ ý như vậy, nó lại trấn an tôi rằng cứ yên tâm, vì nếu ai cũng sợ thì sẽ chẳng có người nào chăm sóc những bệnh nhân có số phận nghiệt ngã ấy. Thấy con yêu nghề nên tôi cũng không nói gì thêm và ủng hộ quyết định của con".

Và cũng từ đó đến nay anh Đấu đã gắn bó với công việc khá đặc biệt này được 5 năm, dù đồng lương khiêm tốn. Trong khi đó, vợ anh Đấu cũng chỉ làm công nhân, nên thu nhập của cả hai vợ chồng cũng chỉ đủ lo cho đứa con gái 4 tuổi ăn học, trang trải các khoản phí sinh hoạt thường ngày của gia đình. Tuy vậy, khi hoạn nạn bất ngờ ập đến, gia đình nhỏ này đã bị đẩy vào tình cảnh khốn khó.

Chia sẻ với chúng tôi hôm 27/7 ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, chị Nguyễn Thị Ngọc Bảo, vợ anh Đấu, nghẹn ngào nói trước giờ anh Đấu luôn là trụ cột gia đình, rồi cả hai vợ chồng cùng vun vén lo cho gia đình nhỏ của mình. "Anh ấy lâm vào tình cảnh này vừa bị bỏng nặng, vừa phải chạy thận, bệnh tình quá nặng khiến cả gia đình ai cũng lo sợ chuyện không mong muốn sẽ xảy ra. Nhà vốn đã nghèo, không biết chúng tôi sẽ trụ được đến lúc nào nữa".

Theo BS. Trần Đoàn Đạo, tổng chi phí điều trị của điều dưỡng Đấu thời gian đầu mỗi ngày tiêu tốn cả chục triệu đồng. Chưa kể khá nhiều chi phí khác như ăn uống của vợ chồng, mẹ con bà Chung ở bệnh viện chăm nuôi con trai. Do vậy gia đình anh Đấu đã lâm vào cảnh vô cùng khó khăn và lúc ấy đã phải đi vay mượn số tiền lên đến cả trăm triệu đồng mà sức khỏe của anh Đấu lúc đó vẫn chưa thể tiên liệu gì được.

"Hôm đưa con lên Bệnh viện Chợ Rẫy, nằm trên xe cấp cứu, nó thều thào câu được câu mất với tôi rằng nếu chẳng may nó có mệnh hệ gì thì nó nhờ tôi thay nó nuôi giùm con gái nó. Nghe thế tôi không thể nào cầm lòng được… Trước tình cảnh khốn khó này, vợ chồng tôi  đã nghĩ tới chuyện phải bán nhà đi để cứu con. Vì mấy ngày đầu ngoài chữa trị vết bỏng khắp người, con tôi còn phải chạy thận nên số tiền tiêu tốn mỗi ngày lên đến 10 - 20 triệu đồng", bà Chung bật khóc.

Bà Chung cũng cho biết thêm, khi biết hoàn cảnh gia đình bà khó khăn đã có nhiều người tốt bụng, hảo tâm giúp đỡ ít nhiều. Tuy vậy cũng chưa thấm vào đâu so với số tiền cần có để chi trả cho việc điều trị hằng ngày. "Cuộc sống này còn nhiều người tốt lắm, họ giúp đỡ nhà tôi, bệnh viện nơi con tôi công tác rồi bà con lối xóm và những người cùng công ty của tôi và con dâu cũng quyên góp giúp đỡ. Nhưng thật sự thì số tiền đó cũng chỉ góp phần giúp đỡ gia đình tôi phần nào đó thôi. Do đó, chúng tôi quyết định có thể bán nhà để chữa trị cho con tôi...".

Riêng bệnh viện nơi anh Đấu công tác thì ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan đã vận động khẩn cấp cán bộ, công nhân viên ủng hộ cho anh Đấu được khoảng 20 triệu đồng. Theo lãnh đạo bệnh viện này, do biết hoàn cảnh gia đình anh Đấu quá khó khăn nên thời gian từ lúc xảy ra sự việc cho đến ngày 27/7 bệnh viện đã kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ chi phí điều trị... Tuy vậy trong ngày 3/8 khi đến thăm anh Đấu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, biết được gia cảnh vô cùng khó khăn của gia đình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã quyết định chuyển từ việc hỗ trợ một phần viện phí sang hỗ trợ toàn bộ viện phí điều trị cho điều dưỡng này...

Từ vụ việc này, một điều hết sức lưu ý là những người thân trong gia đình chung sống với người bệnh, hoặc các y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tâm thần cần hết sức cảnh giác với những cơn bộc phát của bệnh nhân, kẻo họa luôn chực chờ.

Sáng 3/8/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng phái đoàn Bộ Y tế đã tới thăm bệnh nhân Võ Văn Đấu tại Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, Bộ trưởng Y tế đã không kìm được sự xúc động khi chứng kiến tình trạng bệnh nghiêm trọng của anh Đấu và cho rằng "Đây là sự hy sinh lớn lao vì nhiệm vụ".

Vì thế, Bộ trưởng Y tế đã căn dặn lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cần dùng mọi trang thiết bị, thuốc men, kỹ thuật tốt nhất để cứu chữa cho anh Đấu. Thậm chí dùng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể, một kỹ thuật cao trong hồi sức cấp cứu, từng hồi sinh nhiều ca suy hô hấp nặng, ngưng tim, ngưng thở) để chữa trị cho bệnh nhân dù biết sẽ rất tốn kém.

Ngoài ra, cũng tại buổi thăm này, Bộ trưởng đã thay mặt ngành Y tế trao tặng cho người thân điều dưỡng Đấu một phần quà và tiền mặt, nhằm hỗ trợ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, trước những khó khăn về kinh tế của gia đình bệnh nhân, Bộ trưởng đã quyết định chuyển phương án hỗ trợ một phần viện phí sang hỗ trợ toàn bộ viện phí điều trị cho điều dưỡng Đấu.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, sáng 4/8, BS Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, cho biết dù các y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa nhưng điều dưỡng Đấu đã qua đời vào tối 3/8. Sự ra đi của điều dưỡng này đã để lại sự thương tiếc, đau buồn cho người thân, gia đình và đồng nghiệp, bè bạn.

Phú Lữ
.
.