Hội chứng ám ảnh hình thể đang lan rộng trong xã hội hiện đại

Thứ Bảy, 29/08/2015, 09:00
Mọi sự bực dọc về hình thể cá nhân tác động tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đó là hội chứng mà giới chuyên môn gọi là "rối loạn ám ảnh hình thể" (body dysmophic-disorder, BDD). Những người mắc phải BDD không thể kiểm soát được suy nghĩ của mình và không tin lời những người khác nói rằng họ trông vẫn đẹp.

Họ có thể lơ là trong công việc hay học tập, cố tránh những sự kiện xã hội và tự cô lập bản thân thậm chí với cả gia đình và bạn bè do lo sợ mọi người nhìn thấy những khuyết điểm hình thể. Thậm chí, những người mắc phải BDD tìm đến giải pháp phẫu thuật không cần thiết mà cuối cùng vẫn không thấy hài lòng với kết quả.

Bác sĩ David Veale.

Phần lớn trong chúng ta thường hay bị ám ảnh về hình dáng bên ngoài - mũi khoằm, nụ cười méo mó, cặp mắt quá to hay quá nhỏ.

Theo số liệu thống kê, rối loạn ám ảnh hình thể tác động đến 1 trong số 50 người và trong đó nhiều người còn kèm theo triệu chứng gọi là "tự chữa trị" - nghĩa là thường xuyên phẫu thuật thẩm mỹ. Cựu người mẫu Alicia Douvall đã tiêu gần 2 triệu USD cho hơn 300 ca phẫu thuật thẩm mỹ và cách đây 2 năm cô lên tiếng giải thích chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ của mình bắt nguồn từ BDD. Các triệu chứng BDD thường bắt đầu xuất hiện từ tuổi thiếu niên.

Minnie Wright, nạn nhân của BDD.

Minnie Wright, 47 tuổi, bị BDD trong gần suốt cuộc đời mình. Wright cho biết: "Các triệu chứng bắt đầu lộ ra khi tôi chỉ mới 11 tuổi, sau khi bị bạn bè trong trường học chế nhạo. Mọi người luôn trêu chọc cái mũi của tôi". Wright cố trang điểm thật khéo để che mờ khuyết điểm nơi khuôn mặt song cũng chẳng ăn thua. David Veale, bác sĩ tâm thần Anh và là một trong những chuyên gia đầu tiên về BDD, bắt đầu nghiên cứu chứng rối loạn nguy hiểm này cách đây 20 năm sau vụ tự sát của một bệnh nhân BDD đang được ông điều trị.

Theo bác sĩ David Veale: "Chúng tôi cố gắng phát hiện các triệu chứng BDD nơi bệnh nhân thật sớm để dễ dàng điều trị trước khi bệnh có chiều hướng xấu. Thông điệp quan trọng nhất là BDD có thể chữa khỏi".

Phương pháp điều trị BDD thường là sử dụng kết hợp thuốc chống trầm uất và liệu pháp nhận thức hành vi, nhưng thời gian chẩn đoán ra bệnh để điều trị có thể mất khá nhiều thời gian. Do đó, bệnh nhân BDD sẽ cố sức "tự chữa trị" bằng cách chạy theo những ca phẫu thuật thẩm mỹ không cần thiết để sửa chữa khuyết điểm hình thể bản thân.

Wright nói rằng: "Tôi muốn làm điều gì đó nhưng tuổi còn quá nhỏ. Tôi nghĩ sẽ làm lại cái mũi khi 18 tuổi. Ban đầu, tôi cảm thấy mình khá hơn nhưng cuối cùng tôi vẫn là người bất hạnh. Bởi vấn đề cơ bản vẫn còn đó”. Tiếp theo, Wright không hài lòng với mái tóc của mình và các triệu chứng BDD ngày càng tăng đến mức chị có ý định tự sát! Các nghiên cứu tiết lộ sự thật là tỷ lệ tự sát ở những bệnh nhân BDD khá cao. Wright cũng biết 4 vụ tự sát do BDD. Bác sĩ Veale, cho biết 1/3 trong số các bệnh nhân BDD của ông đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ ít nhất 1 lần.  Và, chưa đến 10% số bệnh nhân BDD cảm thấy hài lòng sau phẫu thuật.

Trào lưu "tự sướng" đang lan rộng trong xã hội.

Khoảng 15% số người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ được đánh giá là mắc phải BDD. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Simon Withey cho biết: "BDD là rối loạn cực kỳ phức tạp và cần phải có giác quan thứ 6 mới có thể nhanh chóng nhận ra. Đối với tôi, một trong những dấu hiệu là bệnh nhân có yêu cầu quá đáng. Nếu nhận thấy có điều gì không đúng, tôi sẽ không tiến hành phẫu thuật".

Các chuyên gia tâm thần có trong tay nhiều công cụ đánh giá để phát hiện BDD song chúng không hữu dụng trong khoa phẫu thuật. Nhóm nhà khoa học của bác sĩ Alex Clarke đang phát triển bảng câu hỏi giúp phát hiện các triệu chứng BDD và thăm dò ý muốn của bệnh nhân. Kết quả thử nghiệm hiện nay cho thấy bảng câu hỏi này được các bác sĩ và bệnh nhân chấp nhận. Bác sĩ Marc Pacifico, thuộc Hiệp hội Các nhà phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Anh (BAAPS), khuyên mọi người nên tìm đến địa chỉ phẫu thuật có uy tín hay các bác sĩ là thành viên của hiệp hội. Bởi vì, bất cứ ai cũng có thể tự xưng là "chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ" và tiến hành can thiệp ngay cho bệnh nhân. Giáo sư Leo Fontanelle, chuyên gia về BDD ở Rio de Janeiro, Brazil, cho biết, nước này có tỷ lệ bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ thuộc hàng cao thứ nhì thế giới. 

Những hình ảnh lan tràn trên phương tiện truyền thông cũng là yếu tố dẫn đến sự phát triển BDD, và gần đây người ta thấy rộ lên trào lưu gọi là chụp hình "tự sướng" ở khắp nơi trên thế giới. Theo nghiên cứu mới đây, giới trẻ ở độ tuổi 16 - 25 mất trung bình 16 phút để hoàn thành một bức ảnh chụp "tự sướng" hoàn hảo.

David Veale cho rằng: "Khó để vạch ra lằn ranh nơi mà cảm giác không thỏa mãn hình thể chấm dứt và BDD khởi đầu". Theo bác sĩ Veale những sự kiện xảy ra đầu đời như là quan hệ mẹ - con lỏng lẻo và sự chế nhạo là những yếu tố quan trọng tác động đến trạng thái tâm thần con người. Trong khi đó, "sức ép từ phương tiện truyền thông chỉ là phần nhỏ của câu chuyện". Bác sĩ Veale có lời khuyên: "Trẻ em cần được dạy để hiểu rằng mọi hình ảnh trau chuốt trên phương tiện truyền thông mà chúng nhìn thấy đều không thực".

An An (tổng hợp)
.
.