Huấn luyện cấp cứu y khoa phục vụ trên Trạm không gian quốc tế

Thứ Ba, 02/02/2016, 21:15
Một ca cấp cứu lớn chưa từng xảy ra trên Trạm không gian quốc tế (ISS) nhưng nếu có thì sẽ ra sao? Khi Tim Peake bay vào quỹ đạo hồi tháng 12-2015, anh biết rằng 40 giờ huấn luyện y khoa sẽ giúp ích cho anh rất nhiều trong suốt thời gian 6 tháng làm việc trên ISS.


Ngoài những kỹ năng sống còn, Tim Peake còn được dạy cách khâu một vết thương, tiêm thuốc và thậm chí nhổ một cái răng!

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA), khóa huấn luyện y khoa ngắn hạn này chuẩn bị cho Tim Peake và nhóm của anh cách xử lý một số vấn đề y khoa phổ biến nhất có thể sẽ gặp phải trên ISS – như là chứng say tàu, đau đầu, đau lưng, những vấn đề về da, bỏng và nha khoa. Nhưng, khi gặp phải những ca cấp cứu nghiêm trọng hơn thì họ phải hành động như thế nào?

Máy quét siêu âm cầm tay được sử dụng trong huấn luyện y khoa cho phi hành gia.

Bộ dụng cụ y khoa mang theo lên ISS là cơ bản - trong đó bao gồm bộ dụng cụ sơ cứu, cuốn sách về các bệnh lý và một số dụng cụ y khoa hữu ích như máy khử rung, máy quét siêu âm cầm tay, dụng cụ soi mắt và 2 lít huyết thanh nhân tạo. Máy quét siêu âm giúp tạo ra những bức ảnh rõ nét bên trong cơ thể người và sau đó chuyển về trái đất để chẩn đoán.

Nhưng, David Green – giáo sư Khoa Sinh lý học hàng không vũ trụ Đại học Kings College Lonson – cho rằng lựa chọn tốt nhất vẫn là đưa bệnh nhân quay về trái đất bằng tàu không gian Soyuz trên ISS với hành trình kéo dài khoảng 3 giờ rưỡi. Bởi vì, David Green nhấn mạnh trên ISS không có trang thiết bị hỗ trợ sự sống.

Trong một trung tâm trên trái đất, một đội chuyên gia thường xuyên theo dõi các phi hành gia, thu thập mọi dữ liệu về mọi thứ. Do đó, nguy cơ một phi hành gia mắc bệnh nặng và cần cấp cứu là rất nhỏ - trong khoảng 1 đến 2% đối với một người trong một năm. Fred Papali cho biết những bài huấn luyện y khoa được rút tỉa kinh nghiệm từ nhiều vùng nông thôn hẻo lánh trên trái đất. Fed Papali làm việc tại Khoa Cấp cứu y khoa Đại học Maryland (Mỹ) và đã trải qua thời gian phục vụ trong những phòng cấp cứu bệnh viện ở Haiti và miền Nam Sudan.

Trạm không gian quốc tế.

Ông nhìn thấy sự giống nhau giữa sự cô lập của ISS và một số vùng nông thôn tại các quốc gia nghèo, những nơi mà dịch vụ y khoa còn quá thiếu thốn. Ông từng chứng kiến nhiều bệnh viện không có nước và không có điện phải sử dụng máy quét siêu âm cầm tay để chẩn đoán nhanh. Fred Papali cũng cho biết việc sử dụng y khoa từ xa – bác sĩ điều trị bệnh nhân từ xa qua đường liên kết video hay audio – sẽ trở nên phổ biến hơn tại các quốc gia phát triển khi mà kết nối Internet vươn đến được những vùng hẻo lánh.

Thật ra, công nghệ hàng không vũ trụ được phát triển từ thực tế ở các cộng đồng trong những vùng thảm họa, nơi những vùng nằm ở độ cao, và những ngôi làng hẻo lánh bị cô lập trên đất liền. Các thiết bị sử dụng trên không gian đòi hỏi phải nhỏ gọn, nhẹ, thông minh và tiêu thụ năng lượng ở mức thấp nhất. Những yêu cầu tương tự như tại các vùng xảy ra thảm họa. NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) luôn chia sẻ những phát minh công nghệ hàng không vũ trụ với cộng đồng y khoa và khoa học.

Phi hành gia Tim Peake.

Huấn luyện phi hành gia nắm vững công nghệ cũng là yêu cầu quan trọng. Tim Peake được thực tập sử dụng thiết bị y khoa và hành động giống như nhân viên y tế trong không gian – tương tự như công tác huấn luyện những người tại các vùng thiếu bác sĩ và nhân viên y tế ví dụ như ở vùng hạ Sahara của châu Phi.

Những ca mổ thực hiện trong môi trường không trọng lực là không thực tế bởi vì máu và chất dịch cơ thể sẽ chảy ra khỏi cơ thể bệnh nhân (chứa 3/4 là nước), trôi lềnh bềnh ra xung quanh và lây nhiễm cho các phi hành gia khác cũng như làm ô nhiễm toàn bộ con tàu vũ trụ.

Các nhà khoa học ở Mỹ hiện đang thử nghiệm ý tưởng đặt một mái vòm trong suốt lên trên vết thương và sau đó đổ đầy chất dịch như là dung dịch muối đẳng trương để ngăn không cho máu chảy ra, cho phép bác sĩ phẫu thuật có thời gian để can thiệp. NASA cũng có kế hoạch biến robot thành bác sĩ phẫu thuật trong không gian. Ví dụ như Robonaut 2 được đưa lên ISS với mục đích thực hiện những can thiệp y khoa cơ bản có thể được kiểm soát từ mặt đất.

Cuối cùng, các chuyên gia hy vọng những robot được lập trình để tiến hành ca phẫu thuật phức tạp. Đối với những sứ mạng kéo dài trên không gian vũ trụ, đòi hỏi đưa ra là những thiết bị y khoa thông minh, thuốc chữa bệnh cũng có thời hạn sử dụng dài hơn.

Di An (tổng hợp)
.
.