Khi OTT nội thất thế trên sân nhà

Thứ Tư, 12/05/2021, 08:32
Internet phát triển bùng nổ, những ông lớn lắm tiền nhiều của sừng sỏ trên “sàn đấu” OTT TV (hay còn gọi là OTT - các ứng dụng và nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet) lập tức chiếm thế thượng phong. Tại Việt Nam, cuộc cạnh tranh giữa các đơn vị nội địa và nước ngoài ngày càng khốc liệt.


Những “gã khổng lồ” đang làm gì tại Việt Nam?

Cuối tháng 4-2021, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT) Bộ Thông tin & Truyền thông chính thức đưa ra văn bản liên quan đến dịch vụ OTT do Bộ TT&TT quản lý. Theo đó, Cục PT-TH&TTĐT cho rằng, hướng sửa đổi Luật Điện ảnh là: Thống nhất quản lý theo một tiêu chí chung, không phân biệt nội dung phim được chiếu ngoài rạp, chiếu trên truyền hình và chiếu trên mạng Internet. Theo đó, cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm trên phim; nội dung bị hạn chế... Về đầu mối quản lý nội dung phim theo pháp luật về điện ảnh nên tập trung về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đối với phim phổ biến trên mạng Internet, trên dịch vụ OTT phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh cấp giấy phép phổ biến hoặc phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, quyết định phát sóng, phổ biến.

Sau nhiều sai phạm của Netflix, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa văn bản siết quy định về phim chiếu trên Internet.

Theo Cục PT-TH&TTĐT, cần có các quy định về cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp, nguy hiểm... và gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu; đơn vị cung cấp buộc phải cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh về nội dung vi phạm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Sở dĩ, Cục PT-TH&TTĐT có văn bản nêu trên khi một số doanh nghiệp OTT xuyên biên giới, điển hình là Netflix, liên tục sai phạm về nội dung trong thời gian qua. Cơ quan quản lý này đã 2 lần gửi văn bản nhắc nhở tới Công ty Netflix yêu cầu loại bỏ phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền và pháp luật Việt Nam. Cục PT-TH&TTĐT chỉ ra trong phim tài liệu “Vietnam War” có nội dung xuyên tạc lịch sử; trong phim điện ảnh “Madam Secretary” có nội dung xuyên tạc về chủ quyền Việt Nam; trong “Polar”, “After Porn End”, “365 Days”... có nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm. 

Theo Cục PT-TH&TTĐT, các nội dung này đã không được biên tập để phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ngoài ra, việc chuyển ngữ tiếng Việt trong các nội dung này sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt không phù hợp với đối tượng khán giả là trẻ em. Sau đó, thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong phim “Put your head on my shoulder” cung cấp trên dịch vụ của Công ty Netflix tại Việt Nam tiếp tục bị cơ quan quản lý “sờ gáy”.

Trước đó, năm 2019, Cục PT-TH&TTĐT cũng đã trực tiếp gửi bằng chứng vi phạm này đến đại diện pháp lý của Netflix trong các buổi họp tham vấn về chính sách, pháp luật Việt Nam.

Theo Cục PT-TH&TTĐT, ngoài Netflix thì tại Việt Nam còn xuất hiện nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới có thu tiền thuê bao định kỳ khác như iFlix (Malaysia), Apple TV (Mỹ), WeTV, IQIYI (Trung Quốc)... Các nền tảng này được phát theo hình thức “streaming” (tạm dịch là chiếu trực tiếp) có nhiều sự khác biệt so với các loại hình xem phim truyền thống, gây bối rối nhất định cho cơ quan quản lý.

Nhà cung cấp nội địa bị áp đảo

Theo báo cáo của Cục PT-TH&TTĐT, năm 2020, doanh thu của 35 doanh nghiệp truyền hình trả tiền đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 1,1% so với năm 2019. Riêng với dịch vụ truyền hình OTT, 21 doanh nghiệp trong nước đạt doanh thu 150 tỷ đồng, với 1,3 triệu thuê bao.

Trong khi đó, 5 doanh nghiệp OTT xuyên biên giới nước ngoài có 1 triệu thuê bao ở Việt Nam và đạt doanh thu khoảng 800 tỷ đồng trong năm 2020. Con số này cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc truyền hình OTT mà ưu thế đang nghiêng hẳn về các doanh nghiệp nước ngoài. Khi dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, Netflix thậm chí còn đe dọa cả doanh thu của các rạp chiếu phim bởi tâm lý e ngại đến nơi đông người. Nhiều hệ thống rạp chiếu phim lớn đã phải đóng cửa nhiều cơ sở trên toàn quốc hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.

Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), cho biết, thời điểm mới xuất hiện, dịch vụ OTT xuyên biên giới chỉ chiếm khoảng 10% thì đến nay, dịch vụ này đã lấn át dịch vụ truyền hình truyền thống trong nước và chiếm khoảng 40%. Còn ông Nguyễn Trọng Dần - Giám đốc Công ty Phát triển dịch vụ Truyền hình MyTV, tiết lộ, dịch vụ OTT xuyên biên giới bùng nổ đã “nuốt gọn” 30% thị phần của đơn vị này trong thời gian qua.

“Nội dung trong nước dù doanh nghiệp có cải tiến bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu cũng khó cạnh tranh nổi. Ví dụ, 5 năm trở lại đây, Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị sản xuất nội dung truyền hình OTT rất nhiều nhưng cũng không thể nào so sánh được với những kho tư liệu khổng lồ như Netflix, Facebook. Đấy là những khó khăn rất lớn, khiến doanh nghiệp trong nước chịu thua trên sân nhà”, ông Lê Đình Cường cho biết thêm.

Giám đốc Công ty Phát triển dịch vụ Truyền hình MyTV - Ông Nguyễn Trọng Dần.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Dần phân tích: “Trong xu hướng truyền hình OTT tăng trưởng mạnh với sự đón nhận nhiệt tình của khán giả, các dịch vụ OTT nội địa còn bị các ông lớn nước ngoài chèn ép về giá. Theo ông: “Hiện giá truyền hình trả tiền ngày càng giảm, với mức bình quân hơn 40.000 đồng/thuê bao/tháng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường truyền hình trả tiền. Trong khi đó, đầu tư chi phí sản xuất và mua bản quyền ngày càng lớn, tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết... nội dung OTT nội địa không đủ lực để cạnh tranh với nền tảng mang tính toàn cầu. Hơn nữa, cơ quan quản lý không can thiệp về mức giá sàn, vì đây là loại hình dịch vụ không do Nhà nước quản lý về giá theo Luật Giá”.

Đi tìm cạnh tranh công bằng

Trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 10-11-2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, luật pháp, trong khi một số nền tảng xuyên biên giới không nộp thuế, không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là sự cạnh tranh không cân bằng.

Trên thực tế, để quản lý những dịch vụ tương tự như Netflix, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 vào năm 2016 về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thành, truyền hình, trong đó có nhắc tới “dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet”. Tuy nhiên, những sai phạm của Netflix trong thời gian qua cho thấy sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tạo ra lỗ hổng, dẫn đến những vụ “lọt sàng” trong quản lý. Lý do là Nghị định 06 chỉ nhắc tới các dịch vụ thông qua các địa chỉ tên miền xác định “do Việt Nam quản lý”, trong khi Netflix được coi là nền tảng dịch vụ Internet “xuyên biên giới”.

Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV).

Theo ông Lê Đình Cường, dịch vụ OTT khi vào Việt Nam không xin cấp phép theo quy định quản lý của Việt Nam, không chịu sự kiểm duyệt, biên tập nội dung như doanh nghiệp truyền hình Việt Nam, trong khi công nghệ tiên tiến và năng lực tài chính hơn hẳn doanh nghiệp Việt.

“Cho đến giờ, nhu cầu bức thiết nhất để tạo ra một sân chơi công bằng hơn là phải có những quy định phù hợp cho các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới. Hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước được cấp phép đều có chung một nguyện vọng là, không phải cấm OTT xuyên biên giới nhưng yêu cầu họ phải thực hiện giống như các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước”, ông Lê Đình Cường đề xuất.

Đại diện Cục PT-TH&TTĐT cho hay, hiện, cơ quan này đã tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Nghị định 06 nhằm siết chặt quản lý nền tảng OTT xuyên biên giới. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết nghị định sửa đổi đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét.

Truyền hình Internet dần chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống hiện đại.

Vượt mặt ông lớn OTT xuyên biên giới, có lẽ vẫn là tham vọng của các nền tảng nội địa. Nhưng, điều đó khó có thể thực hiện trong điều kiện các nền tảng nội địa mạnh ai nấy làm, không bắt tay liên kết để tạo thành sức mạnh, dù mỗi đơn vị cố gắng tạo sức hút khách hàng nội địa riêng. Việc xây dựng cơ chế chặt chẽ với hành lang pháp lý và chế tài cũng là điều cần thiết. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước phải được đối xử bình đẳng, công bằng, thậm chí có thể hợp tác với nhau để khai thác thị trường. Ở một số quốc gia, các dịch vụ xuyên biên giới có thể hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước để cung cấp các nội dung phù hợp trên nền tảng hạ tầng công nghệ và thanh toán.

Theo khảo sát, phần đông doanh nghiệp trong nước đều đồng tình cho rằng, trước khi nghị định sửa đổi được thông qua, bản thân nhà cung cấp nội dung và khán giả cần chủ động phát triển và sàng lọc nội dung chất lượng. Bởi suy cho cùng, khách hàng mới là người quyết định việc sử dụng dịch vụ. Nếu dịch vụ không đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì sớm muộn, truyền hình OTT nội sẽ tự chết trước khi bị đối thủ đè bẹp ngay trên sân nhà.

Ông Nguyễn Trọng Dần cho biết, để cạnh tranh với truyền hình trong nước và doanh nghiệp ngoại, đơn vị này phải đảm bảo kho nội dung lên tới hàng trăm nghìn giờ nội dung. Ngoài ra, đơn vị còn đang đầu tư mạnh vào các nội dung khác biệt, đặc biệt những thể loại nội dung được khán giả ưa chuộng như phim ảnh, âm nhạc, thiếu nhi, thể thao...

Thảo Dung
.
.