Khi những người mù màu xem… World Cup

Thứ Hai, 16/07/2018, 11:09
Mặc dù là người mê cuồng bóng đá nhưng Sean Hargrave không thể phân biệt nổi đội này với đội khác… khi ngồi "xem" trận đấu mở màn World Cup 2018 giữa Nga (áo đỏ) và Arập Xêút (áo xanh)! Tại sao? Bởi vì Sean mắc chứng mù màu nên không thấy được các màu áo đội tuyển quốc gia.

Trên thế giới hiện có khoảng 320 triệu người mù màu, và thậm chí có một số cầu thủ bóng đá cũng mắc phải chứng bệnh khó chịu này. Có nhiều dạng mù màu (hay ở dạng nhẹ hơn gọi là rối loạn màu sắc). Ví dụ như trường hợp của Sean Hargrave là có vấn đề nghiêm trọng với 2 màu xanh và đỏ.

Khi mà những trận đấu World Cup được truyền hình khắp nơi trên hành tinh, những người mù màu tỏ ra giận dữ khi FIFA không tính đến chuyện họ có thể nhìn thấy màu gì và không thể phân biệt được màu gì. Thông thường những người mù màu rất khó phân biệt giữa các màu như là: cam, vàng, xanh lục và nâu. Hoặc giữa màu đỏ và màu đen. Hay giữa các màu xanh lam, tía và hồng sậm. Đối với những người hâm mộ mù màu xem trận đấu giữa Senegal (áo xanh lục) và Colombia (áo vàng), họ muốn khóc thét khi cố gắng phân biệt tuyển thủ 2 đội chạy đan xen nhau trên sân cỏ!

Tiền vệ Đan Mạch Thomas Delaney là người bị mù màu với dạng khó phân biệt được giữa 2 màu vàng và trắng.

Huấn luyện viên Lars Lagerback của đội tuyển Na Uy, cũng là một người mù màu, bình luận: "Các liên đoàn bóng đá trên thế giới nên hỗ trợ cho người mù màu bằng cách không dùng 2 màu xanh lá và đỏ bởi vì đây là 2 màu khó phân biệt nhất".

Nhiều người mù màu chỉ có khả năng nhìn thấy một vài ngàn màu hay thậm chí chỉ vài trăm màu. Để so sánh, người có thị lực bình thường phân biệt rõ ràng hàng triệu màu sắc khác nhau.

Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành Facebook, được cho là cũng bị mù giữa màu đỏ và xanh lá cho nên dễ hiểu khi nền tảng xã hội này có màu… xanh dương.

Tại World Cup 2018, tiền vệ Đan Mạch Thomas Delaney là người bị mù màu với dạng khó phân biệt được giữa 2 màu vàng và trắng. Ở bảng C ngày 21-6-2018, đội tuyển Australia khoác áo màu xanh lá đậm (thay vì màu vàng truyền thống) trong trận đấu với Đan Mạch (màu áo trắng quần đỏ). Theo một số nguồn tin, mục đích chọn màu áo khác của Australia là nhằm hỗ trợ cho Thomas Delaney.

Những người bị mù màu do mắc phải một chứng rối loạn gene. Đó là hội chứng có tên khoa học là Achromatopsia tác động đến xấp xỉ 1 trong mỗi 33.000 người Mỹ và không có cách nào chữa trị. Phía sau mắt, nằm trên võng mạc, là những tế bào hình nón nhạy cảm với ánh sáng. Chúng bắt đầu phát triển trong tử cung người mẹ và khi phôi thai được 28 tuần, đứa bé tương lai có thể nhìn thấy bình thường cho dù trong cảnh tối đen của tử cung. Ban đầu chỉ là 2 sắc trắng và đen, song không bao lâu sau đó các tế bào hình nón bắt đầu sẵn sàng nhuộm màu cho thế giới của chúng ta.

Các protein nhạy sáng chuyển thành màu đỏ, xanh lam và xanh lục. Các thành phần riêng biệt của ánh sáng đi vào mắt chúng ta chuyển thành những xung thần kinh gửi đến não để thể hiện thành hình ảnh mang màu sắc. Nhưng, nếu các protein chốt yếu này không hoạt động đúng thì chúng ta sẽ phải sống trong thế giới trắng-đen trong suốt cuộc đời còn lại của mình.

Một nhóm nghiên cứu Trường Y Đại học Johns Hopkins hiện đã xác định một khu vực nhỏ trên nhiễm sắc thể số 8 là nơi khu trú của gene gây mù màu. Gene này - được gọi là CNGB3 - chịu trách nhiệm về đáp ứng kém của các tế bào hình nón.

Kết quả nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins được công bố trên tạp chí Nature Genetics. Việc xác định được gene lỗi hứa hẹn mở đường cho các cuộc nghiên cứu sau này tìm ra phương pháp điều trị chứng mù màu, bao gồm cả liệu pháp gene.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.