Khủng hoảng thuốc giảm đau gây nghiện khắp Tây Phi

Thứ Ba, 12/06/2018, 16:16
Thời gian gần đây, hoạt dộng sản xuất thuốc ho dạng siro chứa codeine bị cấm ở Nigeria. Song, codeine không chỉ là loại chất gây nghiện duy nhất hoành hành khắp khu vực Tây Phi mà còn loại thuốc giảm đau khác gọi là Tramadol.

Ở Maiduguri, hàng ngàn người nghiện Tramadol - đó là những chiến binh canh gác bảo vệ thành phố thuộc bang Borno miền bắc Nigeria trước mối đe dọa của nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tramadol ít có khả năng gây nghiện như morphine song nạn dịch nghiện thuốc bùng phát khắp Tây Phi đã chứng minh điều ngược lại. Marcus Ayuba - lãnh đạo Cục Quản lý Thuốc Quốc gia Nigeria (NDLEA) ở bang Borno - đánh giá 1 trong 3 thanh niên nước này nghiện Tramadol và đó là hậu quả của một thập niên chiến tranh. Mustafa Kolo, 23 tuổi, bắt đầu sử dụng Tramadol từ năm 2007, tức 2 năm trước khi xung đột bạo lực nổ ra ở Nigeria.

Kolo là thành viên sáng lập lực lượng quân tự vệ thành phố Maiduguri chống nhóm phiến quân Boko Haram. Đầu tiên, Kolo dùng Tramadol để tỉnh táo làm việc đồng thời xoa dịu những cơn đau thể xác do lao lực. Nhưng, bây giờ Kolo đã trở thành con nghiện Tramadol. Kolo thú nhận: "Tramadol giúp tôi chiến đấu chống lại Boko Haram. Thuốc đem lại cho tôi sức mạnh và sự dẻo dai". Nhưng, phiến quân cũng sử dụng Tramadol.

Một cựu phiến quân đang bị quân đội Nigeria giam giữ sau khi chạy trốn khỏi nhóm Boko Haram hồi tháng 1-2018 tiết lộ hắn sống 4 năm trong khu trại trong rừng và nơi đó luôn thiếu thốn thực phẩm cũng như nước uống song lại có đủ Tramadol.

Hắn kể: "Trước khi bắt đầu chiến dịch tấn công khủng bố, chiến binh phải dùng Tramadol để tiêu diệt nỗi sợ hãi và có đủ can đảm để… giết người". Tramadol được pha trộn với các thành phần khác như là caffeine sẽ có hiệu quả gây ảo giác như amphetamine, triệt tiêu mọi cảm giác sợ hãi và mệt mỏi đồng thời kích động bạo lực rất mạnh.

Mustafa Kolo.

Đó là lý do bọn khủng bố thường sử dụng Tramadol trước khi gây ra những cuộc thảm sát. Cựu phiến quân tin rằng mọi thành viên cũng như thủ lĩnh Boko Haram đều nghiện nặng Tramadol bởi vì nó dễ dàng biến con người thành thú dữ. Đó là lý do khiến Ayuba tin rằng Tramadol làm cho xung đột trở nên đẫm máu và tàn bạo hơn.

Ngay đến những phụ nữ trốn thoát khỏi nanh vuốt của Boko Haram cũng nghiện Tramadol. Một cô gái 16 tuổi cho biết phiến quân ép các cô gái trẻ uống thuốc Tramadol mỗi khi họ la khóc. Tại thành phố cảng Lagos của Nigeria, giới chức NDLEA bắt giữ được một lượng khổng lồ Tramadol cất giấu trong một container.

Tramadol được ngụy trang kín đáo dưới hiệu thuốc giảm đau có tên gọi là Super RolmeX. Đây là loại thuốc do Ấn Độ sản xuất riêng để xuất khẩu bởi vì nó có liều lượng 225mg, tức gấp đôi liều hợp pháp ở đa số các nước trên thế giới. Theo giới chức WHO, Tramadol buôn lậu vào châu Phi từ Nam Á bởi các nhóm tội phạm có tổ chức. Từ năm 2013, lượng Tramadol bị bắt giữ tại vùng Hạ Sahara châu Phi tăng từ 300kg hàng năm đến hơn 3 tấn.

Ở nước Anh, Tramadol bị coi là kẻ giết người đáng sợ ngang heroin và cocaine. Theo thống kê của ngành Y tế nước này, năm 2014, Tramadol đã giết chết khoảng 240 người trong khi có 247 người tử vong do cocaine và 952 người bởi heroin. Còn tại Ai Cập, Tramadol được coi là nguyên nhân cho việc tăng đáng kể số người nhập viện của các bệnh viện tâm thần trên đất nước này.

Giới chức NDLEA bắt giữ được một lượng khổng lồ Tramadol cất giấu trong một container ở Lagos.

Theo thống kê năm 2014, 70% người nghiện nhập viện tại bệnh viện lớn nhất thủ đô Cairo (Ai Cập) được cho là liên quan đến Tramadol. Nhưng, Ai Cập chắc chắn không phải là quốc gia duy nhất trên lục địa châu Phi đối đầu với nạn dịch nghiện Tramadol. Tháng 9-2014, quốc gia Tây Phi Benin cũng bắt giữ một lô hàng 160 tấn thuốc Tramadol.

Chuyên gia Who cho biết Tramadol được sử dụng lan tràn ở Nigeria bởi vì nó có giá khá rẻ - khoảng 0,05 USD cho liều 200mg (trong khi ở Mỹ có giá đến 2,50 USD) và thứ hai là thuốc giúp tăng cường sức lực cho người lao động.

Trên khắp châu Phi, rất nhiều người chỉ biết dựa vào lao động chân tay để kiếm tiền. Marcus Ayuba cũng tin rằng tôn giáo đóng một vai trò trong nạn dịch nghiện Tramadol. Trong tuyệt đại đa số cộng đồng Hồi giáo ở khu vực đông bắc Nigeria, rượu bị cấm sử dụng nhưng các loại thuốc giảm đau gây nghiện như Tramadol không cấm kỵ.

Gilles Forte, quan chức chịu trách nhiệm quản lý Tramadol của WHO, cho biết Tramadol là một trong vài loại thuốc giảm đau được phép sử dụng rộng rãi trong điều trị cắt cơn đau cho bệnh nhân ung thư nhưng "nếu được quản lý chặt chẽ thì thuốc khó có thể di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác".

Di An (tổng hợp)
.
.