Kỳ lạ về bộ não con người

Thứ Hai, 24/02/2020, 21:20
Không có bộ phận nào phức tạp hơn bộ não của con người. Nó hoạt động nhanh hơn bất cứ một chiếc máy tính nào, nó chịu trách nhiệm về hành vi có ý thức và vô thức của chúng ta.

Thế nhưng, sau chấn thương hoặc ca phẫu thuật thì có thể xảy ra những điều kỳ lạ nào đó trong bộ não. Kết quả của sự can thiệp phẫu thuật hoặc của bệnh tật, não người có thể bắt đầu làm những điều kỳ lạ, trong một số trường hợp là kinh ngạc…

Các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu hiểu được những khả năng đáng kinh ngạc của bộ não con người và họ có những khám phá thực sự ấn tượng. Bộ não có thể làm chậm lại thời gian trong trường hợp con người gặp nguy hiểm đến tính mạng, tạo ra cơ hội để họ đưa ra quyết định đúng đắn.

Nó điều khiển cơ thể trong những tình huống nguy kịch cứu con người khỏi cái chết. Khi cơ thể thiếu thức ăn và thiếu ngủ, ở nhiệt độ cao hoặc thấp quá hoặc những điều kiện và hoàn cảnh nguy kịch khác, não sẽ tự động khởi động các quá trình giúp con người được sống sót. Vậy bộ não con người ẩn chứa những khả năng bí ẩn nào?

Trải nghiệm "cuộc sống sau cái chết"

Pam Reynold là một nữ ca sỹ nhạc blues đến từ Atlanta, bang Georgia của nước Mỹ, từng là một người bình thường cho đến khi cô phải phẫu thuật để loại bỏ chứng phình động mạch não.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sỹ đã bơm hết máu ở não của cô để não không hoạt động trong 45 phút. Tất cả các quá trình đều ngưng lại kể từ việc nhận các tín hiệu về cảm giác đói từ dạ dày cho đến việc ngừng truyền thông tin hình ảnh và âm thanh.    

Mặc dù vậy, sau khi tỉnh lại, nữ ca sỹ đã có thể tả lại tất cả những chi tiết nhỏ nhất mà các bác sỹ đã làm cho cô. Trường hợp của cô được coi là một thí dụ nổi bật nhất về trải nghiệm chết lâm sàng. Và điều làm cho Pam ấn tượng hơn cả là việc các bác sỹ giàu kinh nghiệm đã  tiến hành "ngắt tạm thời" sự kết nối bộ não của cô.

Bộ não con người như một chiếc máy tính.

Tuy nhiên, cô vẫn cảm nhận được tất cả mọi chi tiết của cuộc phẫu thuật, kể từ việc mô tả các dụng cụ được bác sỹ sử dụng cho đến những cuộc nói chuyện của họ trong quá trình phẫu thuật.

Tuy vậy, trải nghiệm của Pam không hề là hiếm. Tại một bệnh viện ở Nigerland, một nghiên cứu về những bệnh nhân tim đã được tiến hành. Và kết quả nghiên cứu đã cho thấy trong số 344 bệnh nhân đã trải qua cái chết lâm sàng, có 18%  số người đã kể về trải nghiệm "cuộc sống sau cái chết" của họ.

Mất khả năng tạo lập ký ức mới

Henry Molison là một bệnh nhân có một không hai về tình trạng của mình. Bởi ông chỉ có thể sống sót được sau ca phẫu thuật để loại bỏ thùy thái dương trung gian của não. Điều này được làm để tránh khỏi những cơn mệt mỏi. Khi bác sỹ tiến hành liệu pháp này và nhận thấy điều đã xảy ra với trí nhớ của Henry, ông liền kiên quyết từ chối làm tiếp những ca phẫu thuật như vậy và phản đối việc thực hiện liệu pháp tương tự.

Việc cắt bỏ thùy thái dương trung gian nằm phía trên tai khiến cho Henry bắt đầu mắc chứng rối loạn rất hiếm gặp được biết đến như chứng mất trí nhớ những sự việc sau đó. Với chứng rối loạn này, não của bệnh nhân không thể hình thành những ký ức mới, tuy rằng họ nhớ được tất cả những gì đã xảy ra với mình trong quá khứ.

Có nghĩa là Henry nhớ được mọi điều xảy ra với mình trong 27 năm cuộc đời trước khi phẫu thuật. May mắn là ông còn khả năng hình thành hồi ức liệu pháp, nói đơn giản là những thói quen. Nhưng bộ não của ông đã ở tình trạng không tạo ra được những ký ức mới. Ông đã không thể nhớ ra được người bạn trước đó vừa ăn trưa với mình, không thể nhớ được tên tổng thống đương nhiệm...

Henry Molaison đã sống trong tình trạng này suốt 55 năm cuối và qua đời vào năm 2008 ở tuổi 82. Vì là trường hợp hiếm, Henry là đối tượng của nhiều nghiên cứu và trong giới thần kinh học, ông là bệnh nhân được biết đến với cái tên tắt "HM".

Tự dưng biết ngôn ngữ lạ

Robin Jenks Vanderlip chưa bao giờ đến nước Nga. Cô là cư dân của thành phố McLean, bang Virginia và sống cả đời ở bờ biển phía Đông nước Mỹ. Thế nhưng hai ngày sau khi bị ngã đập đầu xuống cầu thang, cô tỉnh lại và phát hiện ra là mình không thể nói chuyện được. Suốt thời gian hồi phục khả năng nói, Robin nhận thấy là mình đang nói tiếng Anh theo kiểu phát âm tiếng Nga.

Robin là một trong số 60 bệnh nhân trên thế giới được bác sỹ chẩn đoán bị "hội chứng nói tiếng nước ngoài". Đây là bệnh rất hiếm gặp liên quan đến sự tổn thương não bộ, hoặc là kết quả của những chấn thương thực thể, hoặc do đột quỵ. Điều này khiến họ nói tiếng nước ngoài, tuy rằng người bệnh không luyện nó mà chỉ do trung tâm lời nói của họ thay đổi cách thức hình thành từ ngữ. Và điều kỳ lạ nhất của hội chứng này là từ ngữ được hình thành theo kiểu phỏng đoán và giống với một số ngôn ngữ lạ nào đó mà trước kia bệnh nhân chưa bao giờ biết đến.

Có thể nói nhưng quên cách đọc

Vào năm 2001, nhà văn Canada Howard Engel bị đột quỵ, ông đã nghĩ sẽ không thể tiếp tục việc viết lách. Và thực tế đúng như vậy, bởi sau một thời gian ông hiểu rằng một trong số những hậu quả của đột quỵ là không còn khả năng hiểu được văn bản đã in. 

Thay vào đó, Howard cảm thấy văn bản mà ông nhìn thấy như được viết bằng tiếng nước ngoài xa lạ với mình. Ông không thể đọc được từng từ riêng lẻ, thậm chí không thể phát âm được tên một chữ cái nào cả.

Điều lạ lùng ở đây là không lâu sau Engel đã tiếp tục viết, ông làm điều đó mặc dù không hiểu ý nghĩa của các từ. Khả năng viết từ trí nhớ trực quan chuyển sang bộ nhớ di động. Engel đã xác định các từ bằng cách đặc biệt, ông nhiều lần suy luận những chữ cái, chỉ sử dụng bộ nhớ di động để viết. Và ông thấy mình có thể đọc trong khi viết văn bản.

Bởi khả năng viết không bị mất, nhà văn bắt đầu nỗ lực để có một cuộc sống bình thường. Cuối cùng ông đã có thể đạt được những kết quả quan trọng trong cuộc chiến với bệnh tật của mình nhưng vẫn không thể khôi phục được hoàn toàn khả năng đọc.

Trí nhớ đáng kinh ngạc

Orlando Serrel là một người tài năng đến khó tin. Nhưng tài năng của anh không đến một cách tự nhiên mà chỉ sau khi bị một cây gậy bóng chày đánh phải. Vào năm 10 tuổi, cậu bé đã bị một cú đánh trong trò chơi, sau đó đầu cậu bị đau nhức trong vài ngày. Sau một thời gian Orlando phát hiện ra rằng mình có thể nhớ những gì đang xảy ra vào bất cứ ngày nào, bắt đầu từ ngày 17/8/1979 (chính là ngày anh bị đánh vào đầu).

Trong hầu hết các trường hợp anh thậm chí còn nhớ được thời tiết của một ngày cụ thể và những chi tiết nhỏ khác trong cuộc sống của mình. Anh nói rằng khả năng tuyệt vời này là do trong "tâm trí" của mình, anh như nhìn thấy một tờ lịch chứ không thực hiện bất kỳ một bài tập đặc biệt nào để rèn luyện trí nhớ.

Hải Yến (Theo Interesnosti)
.
.