Loài sứa đang đe dọa hệ sinh thái biển

Thứ Bảy, 15/04/2017, 11:00
Sứa không chỉ xuất hiện hàng loạt ở vùng Catalonia miền bắc Tây Ban Nha mà còn xâm lấn khắp nơi trên thế giới. Bất cứ ai không may tiếp xúc với sứa độc sẽ gặp hậu quả vô cùng nguy hiểm.

Đứng trên sân thượng tòa nhà văn phòng nhìn xuống bên dưới, nhà hải dương học Josep Maria Gili trông thấy đám đông du khách trên khu bãi biển thành phố cảng Barcelona vây quanh tác phẩm điêu khắc của Frank Gehry được dựng lên nhân dịp Thế vận hội Mùa hè 1992 - đó là con cá khổng lồ làm bằng thép, lung linh dưới nắng miền Địa Trung Hải. Điều không may là hiện nay con cá không còn là đặc điểm nổi bật của Barcelona nữa bởi vì những đàn cá ngày càng ít đi ngoài khơi Tây Ban Nha mà thay vào đó là những đàn sứa dày đặc.

Những sinh vật biển - mù và không có tim và não, được những ngọn sóng và dòng nước đưa đẩy - tràn vào bờ cùng với những xúc tu mang độc tố. Sứa không chỉ xuất hiện hàng loạt ở vùng Catalonia miền bắc Tây Ban Nha mà còn xâm lấn khắp nơi trên thế giới. Bất cứ ai không may tiếp xúc với sứa độc sẽ gặp hậu quả vô cùng nguy hiểm. Đội quân sứa tràn ngập các vùng bờ biển trên toàn thế giới đang gây hoang mang cho du khách cũng như các nhà khoa học. Nhưng, sứa gây nguy hiểm cho hệ sinh thái như thế nào?

Nhà hải dương học nghiên cứu sứa Tây Ban Nha Josep Maria Gili.

Josep Maria Gili ở Viện Ciencies del Mar bắt đầu quan tâm nghiên cứu loài sứa từ khi nhà điêu khắc Frank Gehry tạo ra con cá bằng thép khổng lồ trên bãi biển Barcelona. Nhưng lúc đó không ai biết rằng, hơn 20 năm sau, sứa - “nữ hoàng mới” của biển cả - sẽ trở thành đề tài chính tại các hội nghị quốc tế.

Sứa đang xâm lấn các đại dương và các nhà khoa học đang tranh cãi về các vấn đề: liệu có phải sứa đang dần chiếm cứ môi trường sống của cá và các sinh vật biển khác hay không, liệu có phải chúng đang dần kiểm soát toàn bộ các hệ sinh thái hay không cũng như liệu trong tương lai chúng ta phải ăn thịt sứa để kiểm soát chúng giống như người Trung Quốc trong nhiều thế kỷ qua hay không.

Sứa thường gây hư hại cho các trang thiết bị máy móc khi chúng xâm nhập vào hệ thống nước làm lạnh trong các nhà máy điện và nhà máy khử muối. Sứa cũng gây hại cho ngư trường. Chúng làm hỏng lưới và gây bỏng tay ngư dân.

Chưa kể là thời gian gần đây, các y sĩ Hội Chữ thập Đỏ mỗi ngày phải chữa trị những vết thương do sứa gây ra cho ít nhất 400 du khách tắm biển ở Barcelona. Lá cờ cảnh báo màu vàng được cắm trên bãi biển cùng giọng nói phát ra từ loa phóng thanh bằng 3 thứ tiếng Tây Ban Nha, Pháp và Anh kêu gọi du khách hết sức cẩn thận với những con sứa xung quanh khi tắm biển.

Một thợ lặn đang gắn thiết bị cảm biến cho con sứa khổng lồ Echizen ở ngoài khơi Komatsu miền bắc Nhật Bản.

Loài sứa Pelagia noctiluca không tự bơi từ biển khơi vào bờ như trước kia mà giờ đây chúng bị sóng đẩy dạt vào rồi chết khi mắc cạn. Ở Địa Trung Hải, cứ 10-15 năm thì hiện tượng này mới xảy ra một lần, nhưng hiện nay điều đó xảy ra ngày càng thường xuyên hơn liên tục trong các năm từ 2005-2013.

Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những cuộc xâm lấn quá thường xuyên của sứa gây thêm gánh nặng kinh tế cho các quốc gia thành viên ở miền nam đang khốn đốn. Đó là lý do EU đang có chương trình tài trợ cho một dự án nghiên cứu quốc tế lần đầu tiên thu thập dữ liệu về sự lan rộng của những đàn sứa ở khu vực Địa Trung Hải, cũng như phát triển chiến lược quản lý vùng bờ biển.

Hiện nay, giới khoa học còn chưa biết nhiều về các loài sứa bởi vì chúng rất khó nghiên cứu. Sứa luôn bất thần xuất hiện mà không thể dự đoán trước được. Trong khi đó, sứa rất khó giữ sống được nếu các nhà khoa học muốn bắt chúng để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Nuôi sứa trong bể nuôi cũng vô cùng phức tạp. Những trở ngại này cho thấy lý do tại sao trên toàn thế giới chỉ có một cộng đồng nhỏ bé các chuyên gia về sứa!

Các nhà khoa học liên quan đến dự án có kế hoạch thử nghiệm những chiến lược như giăng các tấm lưới lớn bảo vệ dọc theo bờ biển và phát triển một ứng dụng điện thoại thông minh cho phép những người thường xuyên đi biển có thể báo cáo nhanh mỗi khi họ nhìn thấy sứa xuất hiện.

Nhà hải dương học Josep Maria Gili cho biết, điều khiến ông quan tâm đến sứa bởi vì ông lớn lên cùng với chúng trên đảo Mallorca. Gili mỉm cười nhớ lại: "Khi còn nhỏ, cha tôi thường thoa dầu ô liu lên người tôi trước khi đi bơi để tránh không bị những vết thương do va chạm với sứa. Dầu ô liu là lá chắn bảo vệ rất hữu hiệu". Gili và đồng nghiệp nữ Veronica Fuentes, 35 tuổi, chịu trách nhiệm thực hiện dự án của EU ở Tây Ban Nha. Điều quan trọng nhất, Gili nói, là giáo dục con người.

Ông giải thích: "Chúng tôi nói cho du khách biết rằng họ nên đến đất nước chúng tôi bởi vì Địa Trung Hải rất tuyệt vời! Nhưng chúng tôi cũng cảnh báo với họ rằng, biển không phải là bể bơi. Bạn có thể vui đùa với nắng và làn nước ấm ở đây, nhưng bạn cần phải chuẩn bị tinh thần khi đối mặt với sứa".

Điều này không chỉ là vấn đề riêng ở Địa Trung Hải, mà còn trên toàn thế giới. Nhất là vào cuối mùa hè, dân tắm biển ở các vùng biển Bắc Hải và biển Baltic cũng thường chạm trán loài sứa bờm sư tử hay còn gọi là "sứa lửa" (tên khoa học Cyanea capillata) được cho là loài sứa lớn nhất thế giới với các xúc tu có thể dài đến 15 mét. Chúng có đám xúc tu dài như những sợi dây và thường có màu lửa. Phổ biến nhất trong khu vực là loài sứa mặt trăng màu xanh đục.

Ngư dân Nhật Bản kéo lên tấm lưới chứa đầy loài sứa Echizen kurage, hay sứa Nomura.

Loài sứa La bàn (tên khoa học Chrysaora hysoscella) và Pha lê (tên khoa học Aequorea victoria) hiện đang chiếm lĩnh các vùng nước bờ biển của Namibia, nơi từng có rất nhiều cá mòi. Ở Nhật Bản còn có một loài sứa khá phổ biến có thể trở thành đề tài khai thác phim kinh dị cho Hollywood - đó là sứa khổng lồ Nemopilema nomurai hay sứa Nomura với đường kính mũ dù của nó đến 2 mét.

Vào thế kỷ XX, loài sứa kinh khủng này chỉ xuất hiện trong rải rác các năm 1920, 1958 và 1995. Nhưng các nhà khoa học Nhật Bản báo cáo: cứ mỗi năm, kể từ năm 2002, sứa Nomura xuất hiện liên tục xâm lấn các vùng biển châu Á. Loài sứa Nomura đáng sợ đến mức khi chúng vướng vào lưới, có thể làm lật úp tàu cá lớn!

Nhà hải dương học Josep Maria Gili giải thích hiện tượng sứa đang xâm lấn các đại dương: Sứa là "thông điệp trong chai" muốn cảnh báo rằng con người đang hủy hoại môi trường biển! Vấn đề lớn nhất là, theo Gili, các loài cá ở đại dương đang bị khai thác tràn lan dẫn đến nguy cơ cạn kiệt.

"Nếu anh làm sụt giảm số lượng cá ăn thịt sứa, cũng như những con cá giành thức ăn với sứa, thì đương nhiên sẽ dẫn đến hậu quả là số lượng sứa ngày càng tăng cao". Bình thường, sứa là một thành phần quan trọng của hệ sinh thái biển. Mọi người đều biết rằng thức ăn ưa thích của 124 loài cá và 34 loài sinh vật biển như rùa chẳng hạn. Ngược lại, sứa chỉ thích mồi là phiêu sinh vật cũng như những con cá nhỏ, ấu trùng hay trứng cá. Sứa là sinh vật biển tương đối đơn giản. Cơ thể sứa có khoảng 98% là nước; phần còn lại là mô sệt (gelatin), cơ quan sinh dục, khoang dạ dày - mạch máu, hệ thần kinh thô sơ và các màng độc sẵn sàng bắn ra chất độc khi bị kích thích.

Sứa được coi là tuyệt tác khó tin của tiến hóa. Trong khoảng 600 triệu năm qua, sứa sống sót qua bao thay đổi trong các đại dương - sự phát triển của cá, những kẻ thù to xác hơn và những đối thủ giành thức ăn, những con sóng khổng lồ, thời kỳ băng hà, sự xuất hiện và biến mất của các đại dương cũng như bao tác động của thiên thạch - mà chúng vẫn không có sự thay đổi nào đáng kể.

Một con sứa ở ngoài khơi Tây Ban Nha, sinh vật biển vào thời gian này đang xuất hiện tràn lan.

Sứa cũng chống chọi được sự biến đổi môi trường do con người gây ra giỏi hơn bất cứ sinh vật biển nào khác. Mạnh mẽ hơn cá, sứa có khả năng đối phó với ô nhiễm, rừng tảo, nước bẩn và tình trạng thiếu oxy. Các nghiên cứu cho thấy sứa thường xuất hiện rầm rộ ở những vùng nước bị con người làm ô nhiễm nặng. Trên thế giới có chừng 1.500 loài sứa được biết đến - một số nhỏ như hạt cát và số khác to như con linh dương đầu bò.

Sứa không phải loài kén cá chọn canh, mà sẵn sàng nuốt chửng bất cứ thứ gì trôi tuột vào miệng chúng. Nếu không tìm đủ thức ăn, cơ thể sứa sẽ tạm thời co nhỏ lại. Phần đông các loài sứa có lẽ hưởng lợi từ sự biến đổi khí hậu.

Nhiều loài lớn nhanh hơn ở nhiệt độ cao hơn. Loài sứa nhiệt đới như sứa ong (sea wasp hay box jellyfish) có nọc độc có thể giết chết người trong vòng 2 phút đang lan rộng trong các vùng nước cận nhiệt đới. Nhà nghiên cứu sứa Josep Maria Gili cho biết, ông không lo ngại về tương lai của ngành du lịch ở Tây Ban Nha bởi vì hiện chưa có loài sứa gây chết người xuất hiện ở Địa Trung Hải, không giống như ở Australia và châu Á. Nhưng Gili lo ngại, vấn đề sứa đang làm thay đổi sự cân bằng sinh thái.

Gili và đồng nghiệp nữ Veronica Fuentes thuyết phục thành công những ngư dân ở Catalonia về tầm quan trọng của dự án EU. Fuentes mời Mario Vizcarro -  đại diện cho 1.200 ngư dân trong khu vực và thư ký Hội Ngư dân Catalonia - đến Viện Ciencies del Mar. Nhà khoa học liền chiếu một bức ảnh lên màn hình rộng cho thấy một con cá nhỏ màu bạc bị mắc vào xúc tu của một con sứa. Một số loài sứa ăn cá, Fuentes nhẹ nhàng giải thích. "Chuyện đó đang xảy ra ở đây?", Vizcarro hỏi. Fuentes trả lời: "Chưa có ở đây. Nhưng chuyện đã xảy ra ở Bắc Hải".

Vizcarro nhìn chằm chằm bức ảnh và cho biết những ngư dân của ông cũng đang gặp vấn đề là không còn đánh bắt nhiều cá mòi được như xưa nữa. Tiếp tục, Fuentes cho Vizcarro xem một phim ngắn từ Nhật Bản cho thấy một số lượng lớn những con sứa khổng lồ vướng vào lưới của ngư dân.

Fuentes đề nghị: "Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các ông. Chúng tôi đang giám sát vùng bờ biển nhưng cũng cần thông tin về số lượng sứa xuất hiện ngoài biển. Chỉ có ngư dân mới có thể cung cấp cho chúng tôi thông tin này". Ý tưởng của Fuentes là sử dụng một ứng dụng điện thoại di động thông minh được phát triển dành riêng cho ngư dân vì Vizcarro cũng cho biết có một thực tế là sứa xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong khi cá lại trở nên ít hơn rất nhiều trong các khu vực có nhiều sứa!

Duy Ân (tổng hợp)
.
.