Gắn hộp đen cho xe khách vẫn chỉ để phạt nguội?

Thứ Ba, 18/08/2015, 09:15
Ít nhất mỗi lần xuất bến, lưu thông trên đường, một tài xế xe khách cũng nắm giữ vài chục tính mạng hành khách sau vô lăng nên những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe khách thường rất thảm khốc.

Ngành Giao thông vận tải (GTVT) và các lực lượng thực thi việc kiểm soát hoạt động của xe khách vẫn đang quyết liệt, siết chặt quản lý với loại hình vận tải này. Song TNGT liên quan đến xe khách vẫn cứ liên tục xảy ra, vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Xe thương hiệu cũng đua nóng?

Nhìn lại vụ TNGT liên quan đến xe khách gần đây nhất, rạng sáng ngày 11/8, trên Quốc lộ 20 đoạn qua huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa 3 xe khách giường nằm làm một người chết và 7 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là 3 chiếc xe khách của các hãng xe thương hiệu là Thành Bưởi và Phương Trang cùng lưu thông theo hướng từ Đà Lạt về TP HCM, khi đi đến đoạn đường trên, chiếc xe khách của hãng xe Thành Bưởi bất ngờ giảm tốc độ để tránh chiếc xe tải bị lật nằm trên đường.

Cùng lúc này, xe khách của nhà xe Phương Trang mang biển số 49B-006.12 do tài xế Nguyễn Trần Thiện điều khiển đang chạy phía sau với tốc độ cao, không phanh kịp nên đã tông thẳng vào đuôi chiếc xe Thành Bưởi chạy phía trước.

Những vụ xe khách gây tai nạn được xác định do không kiểm soát được tốc độ.

Chưa dừng lại ở đây, một chiếc xe khách khác của hãng Phương Trang chạy áp sát phía sau không kịp xử lý, đã tông vào đuôi chiếc xe cùng hãng chạy phía trước. Cú tông đúp này đã làm một chiếc xe của hãng Phương Trang lao vào lề đường, đâm trúng cột điện, chiếc xe Phương Trang còn lại lao vào lề đường khiến phần đầu xe bị hư hỏng, riêng chiếc xe của hãng Thành Bưởi bị đôn xa hàng chục mét. Vụ tai nạn đã khiến tài xế Đ.H.K của hãng xe Phương Trang tử vong; làm 7 hành khách đi trên chiếc xe này bị trọng thương và khiến toàn bộ số hành khách đi trên các xe trên một phen hoảng hồn.

Nói về vụ tai nạn dính chùm với lực tông quá mạnh này, nhiều tài xế đường dài ở Bến xe Miền Đông đều cho rằng dù thế nào thì tài xế chạy phía trước đã thiếu quan sát; các tài xế chạy sau đã "phi" với tốc độ cao lại còn không giữ đủ khoảng cách an toàn cần thiết. Ngay sau đó, vào buổi chiều cùng ngày, chiếc xe khách Bắc Nam biển số 99B - 0045 chở theo 20 hành khách trên đường về TP HCM cũng đã bị tai nạn trên tuyến Quốc lộ 1A ở khu vực miền Trung khiến 10 người bị thương nặng phải nhập viện. Nguyên nhân ban đầu cũng được xác định tài xế xe khách đạp ga, tăng tốc để vượt qua chiếc xe tải chạy cùng chiều nhưng đã tông trúng vào đuôi xe tải.

Nhưng dù là nguyên nhân gì, khi nhìn lại các vụ tai nạn trên, ngoài lỗi của lái xe còn có trách nhiệm của chủ xe, cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm soát tốc độ thông qua dữ liệu từ hộp đen. Trở lại với hãng vận tải khách thương hiệu với cả ngàn chuyến xe hoạt  động trên cả nước hằng ngày là Phương Trang. Khi hãng này luôn tự hào rằng để giảm thiểu TNGT trên đường, doanh nghiệp đã bố trí người theo dõi tốc độ với từng chuyến xe lưu thông. Khi tài xế chạy quá tốc độ, người kiểm soát sẽ lập tức gọi điện thoại để nhắc nhở hoặc đèn báo trên hộp đen của xe cũng sẽ bật lên cảnh báo.

Thậm chí đại diện hãng đã có lần tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng, thà rút ngắn thời gian nghỉ ngơi của khách ở các trạm dừng dọc đường để rút ngắn thời gian hành trình trên tuyến, chứ dứt khoát không cho phép tài xế tăng tốc độ do dễ dẫn đến tai nạn. Thế nhưng, tai nạn vẫn liên tục xảy ra với xe của hãng này, mà nguyên nhân chính là do vi phạm về tốc độ, không làm chủ được tay lái. Do đó, chỉ có thể nói rằng việc kiểm soát tốc độ trên đường đang có vấn đề, doanh nghiệp chỉ làm cho có lệ hoặc ít nhất là vào giờ đó, người kiểm soát tốc độ xe khách qua hộp đen đã không làm tròn trách nhiệm này.

Khi hộp đen có lắp cũng như không

Để kiểm soát chặt hoạt động của xe khách, từ cách đây vài năm, yêu cầu xe khách phải gắn hộp đen để giám sát hành trình cũng đã được Bộ GTVT cho áp dụng. Trong đó trách nhiệm của chủ xe, doanh nghiệp vận tải là phải bố trí người theo dõi liên tục hành trình của xe qua hộp đen khi lưu thông trên đường. Sau đó cả Tổng Cục đường bộ và Sở GTVT TP HCM đều đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách phải cung cấp mật mã kiểm soát hộp đen để cơ quan quản lý có thể truy cập vào mạng kiểm tra bất cứ lúc nào. Gần đây, trách nhiệm kiểm soát xe khách có hộp đen hay không, hộp đen có hoạt động không còn được giao cả cho bến xe khách liên tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh, nhà xe có thực hiện bố trí người chuyên ngồi gác cửa tốc độ thông qua hộp đen khi xe lưu thông trên đường hay không và thực hiện đến đâu lại là câu chuyện khác.

Về phía cơ quan có trách nhiệm như Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải hoặc Thanh tra Bộ GTVT, việc xử phạt vi phạm về tốc độ của xe khách qua hộp đen vẫn hầu như chỉ trông chờ vào quy định: doanh nghiệp, nhà xe nào có 20% số đầu xe vi phạm về tốc độ trong vòng 3 tháng sẽ bị tước phù hiệu vận tải khách. Nhưng như vậy cũng mới chỉ dừng lại ở hình thức phạt nguội khi các hành vi vi phạm nghiêm trọng là phóng nhanh vượt ẩu, chạy quá tốc độ cho phép gây nguy hiểm cho hành khách và người đi đường đã được tài xế thực hiện xong.

Do đó, chỉ cần một vài xe trong con số vi phạm được giới hạn để cơ quan quản lý áp dụng biện pháp răn đe với doanh nghiệp vận tải khách như trên gây tai nạn, hậu quả để lại cho xã hội đã là khôn lường. Nhìn lại xa hơn một chút, với chiếc xe khách chạy tuyến Đắk Nông - Nam Định chở theo 42 hành khách bị tai nạn rớt xuống đèo Lò Xo vào ngày 23-6 khiến 1 người chết và nhiều người bị thương. Khi đó thông tin được cơ quan có trách nhiệm công bố đã cho thấy: Dữ liệu thiết bị giám sát hành trình thể hiện xe khách này đã 12 lần vi phạm tốc độ trong tháng 6, tốc độ vi phạm lớn nhất là 73km/giờ.

Theo số liệu được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP HCM công bố gần đây, thì trong số 1.390 trường hợp xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý nửa đầu năm nay, đã có tới 638 trường hợp chạy quá tốc độ quy định; 303 trường hợp dừng đỗ không đúng nơi quy định mà mục đích không gì khác là đua tốc độ để giành giật khách dọc đường. Những xe thương hiệu còn có điểm lên khách và hàng hóa cố định, còn với những xe không thuộc hãng lớn, việc đón trả khách, lên xuống hàng hóa có thể được thực hiện ở bất kỳ địa điểm nào ven đường. Và như vậy, hiện tượng tài xế, nhà xe "đua tốc độ" trên đường chưa phải đã hoàn toàn được kiểm soát. 

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ GTVT tại 8 tỉnh, thành mới đây cũng phản ánh rằng có rất nhiều doanh nghiệp vận tải không có tổ theo dõi an toàn giao thông. Số doanh nghiệp, phương tiện vi phạm chiến 50 - 60% với lỗi chính là vi phạm về tốc độ, tiếp theo là lỗi vi phạm là có hộp đen nhưng không trích xuất được thông tin về dữ liệu hành trình. Căn cứ theo lỗi vi phạm về tốc độ để có thể rút giấy phép hoạt động vận tải, sẽ có 80-90% số doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.

Vì vậy, để giảm thiểu tai nạn do xe khách gây ra, ngoài chuyện cả doanh nghiệp vận tải, chủ xe và cơ quan có trách nhiệm cùng phải vào cuộc phạt nóng, tuýt còi ngay với tài xế, nhà xe vi phạm về tốc độ khi vừa phát hiện trên đường, thì Tổng cục Đường bộ cần sớm cập nhật, cho áp dụng bản đồ về tốc độ giới hạn được lưu thông với từng đoạn đường để siết chặt việc quản lý về tốc độ đối với xe khách. Bởi cũng là tuyến Quốc lộ 1A, nhưng những đoạn qua thị trấn, thành phố, đoạn đường cua, đường đèo, đường sửa chữa… không thể để tài xế cứ thoải mái chạy với tốc độ vượt quá quy định được.

Thái Bảo
.
.