“Lửa hỏa ngục” thiêu rụi London năm 1666

Thứ Tư, 21/06/2017, 09:14
Từ giữa thế kỷ XVII, thành phố London của vương quốc Anh đã là một đô thị đông đúc với dân số hơn nửa triệu người, nhưng việc quy hoạch và xây dựng không được chính quyền địa phương chú trọng nên trừ khu vực cung điện Hoàng gia, khu vực của giới quý tộc, các công trình của chính quyền và giáo hội nước Anh thì phần còn lại của London là những công trình dân sinh mọc lên trong nhộm nhoạm và vô tổ chức.

Đây chính là yếu tố tạo điều kiện cho những cơn gió khô đầu hè thổi ngọn lửa từ đám than hồng của một lò làm bánh mì bùng lên rồi lan khắp thành phố, biến thành trận đại hỏa hoạn thảm khốc nhất trong lịch sử nước Anh.

London nửa sau thế kỷ XVII - mồi lửa tiềm năng!

Thành phố London vào những năm 60 của thế kỷ XVII được John Evelyn, nhà văn Anh chuyên viết hồi ký, nhật ký miêu tả là một thành phố "bằng gỗ và ken đầy những căn nhà thiếu thẩm mỹ".  Từ dòng miêu tả ngắn ngủi đó, không khó để người ta nhận ra nguy cơ hỏa hoạn tiềm ẩn do các khối nhà có kết cấu gỗ được dựng lên với mật độ dày.

London theo thời gian đã dần đông đúc, chật chội hơn bên trong những bức tường thành phòng thủ dựng lên từ thời đế quốc La Mã, những khu tạm cư mới còn lan ra ngoài, bằng chứng là những khu ổ chuột tồi tàn ở ngoại thành như Shoreditch, Holborn, Southwark và kéo dài tới thành phố Westminster.

Vào cuối thế kỷ XVII, London lúc đó cũng như phần trung tâm thương mại của thủ đô bây giờ, là thị trường lớn nhất và khu cảng sầm uất nhất ở Anh. Các gia đình thuộc tầng lớp quý tộc thường tránh xa khu trung tâm thành phố huyên náo bằng cách dựng lên những điền trang ở vùng ngoại ô hoặc trong khu Westminster riêng biệt.

Hệ thống đường sá của London tồn tại từ thời trung cổ cùng những ngõ hẻm rải sỏi chật hẹp, quanh co. Loại nhà có mái lợp bằng gỗ và lá đã bị cấm trong nhiều thế kỷ, nhưng những vật liệu rẻ tiền như vậy cứ tiếp tục được dân nghèo thành thị sử dụng. Các khối nhà xây bằng đá lớn chỉ là của những người giàu có ở trung tâm của thành phố, là các biệt thự của các thương nhân hay các nhà môi giới.

Tranh của một họa sĩ khuyết danh về trận đại hỏa hoạn năm 1666 thiêu rụi London.

Sự hiện diện của các xưởng đúc, xưởng rèn, xưởng tráng men… về mặt lý thuyết là bất hợp pháp trong các thành phố, nhưng trong thực tế vẫn được chính quyền sở tại cho phép hoạt động. Năm 1661, Vua Charles II đã ra lệnh cấm thiết kế cửa sổ và sàn nhà nhô ra, nhưng chính quyền địa phương cứ nhắm mắt cho qua, nhiều trường hợp là do đã nhận đút lót.

Dòng sông Thames được xem là nguồn cung cấp nước tự nhiên cho việc cho chữa cháy và là lối thoát ra bằng thuyền cho người bị nạn, nhưng các quận nghèo dọc theo bờ sông lại có các cửa hàng và hầm rượu làm bằng các chất dễ cháy mọc lên dọc theo cầu cảng, các khu chung cư ọp ẹp bằng gỗ và phần vách túp lều của người nghèo thường chỉ được dán bằng thứ giấy nhựa nhơm nhếch.

London cũng là một kho thuốc súng, đặc biệt là dọc theo bờ sông. Chúng được giữ lại trong nhà của người dân từ những ngày diễn ra nội chiến. Đó là chưa kể đến 500-600 tấn thuốc súng được cất giữ trong tòa tháp London. Toàn thành phố với nửa triệu dân lúc đó thực sự là một mồi lửa tiềm năng với đường phố chật hẹp, những chuồng trại chất đầy rơm và cỏ khô, nhiều căn hầm, nhà kho chứa vật liệu dễ cháy như nhựa thông, dầu đốt đèn, than đá…

Không chướng ngại nào ngăn được lưỡi lửa

Ngọn lửa định mệnh nhen nhóm vào lúc nửa đêm về sáng ngày chủ nhật ngày 2-9-1666, tại tiệm bánh của Thomas Farriner (hoặc Farynor) trên đường Pudding Lane. Trước khi đi ngủ, Farriner đã kiểm tra cửa hàng một lần cuối cùng. Ông cũng cào than trong lò, vốn còn ấm sau một ngày làm bánh cho đội tàu hải quân của Vua Charles II. Farriner thề là đã dập tắt lò trước khi đi nằm, nhưng than hồng vẫn âm ỉ cháy và bùng lên, bén nhanh vào những vật dụng xung quanh.

Khi choàng tỉnh vào lúc 1 giờ sáng, Farriner kinh hoàng nhìn thấy ngọn lửa đã bao trùm ngôi nhà của mình. Người thợ làm bánh và cô con gái đã sống sót nhờ nhanh chóng thoát qua cửa sổ trên tầng và bò theo máng nước đến nhà hàng xóm. Một nam gia nhân của ông cũng thoát thân, nhưng một nữ hầu trẻ tuổi đã thiệt mạng do ngạt khói.

Một vài người hàng xóm mang xô hắt nước vào đám lửa đã thiêu rụi phần lớn ngôi nhà của Farriner, nhưng hầu hết mọi người còn lại chỉ đứng nhìn hoặc vội vã trở về nhà để bảo vệ tài sản của họ.

Thomas Bludworth, Thị trưởng London lúc đó, thậm chí còn tệ hơn đám người trên đường Pudding Lane. Sau khi đến kiểm tra đám cháy, ông ta nhún vai tuyên bố "không có gì nghiêm trọng" và… quay về nhà ngủ!

Một cơn gió đông lớn nổi lên, thổi ngọn lửa lan từ tiệm bánh sang những tòa nhà khác ở Pudding Lane trước khi tràn đến Phố Cá, ở đây nó thiêu cháy chuồng ngựa của khách sạn Star Inn. Khi lan đến một cửa hàng chuyên bán phụ tùng cho tàu thủy, ngọn lửa đun nóng những thùng chứa nhựa đường khiến chúng phát nổ và một cơn mưa những mảnh vỡ cháy đỏ phủ lên khu phố.

Ngọn lửa đi tiếp về phía Nam hướng đến sông Thames, phá hủy mọi tòa nhà trên đường đi của nó. Nhà thờ Thánh Magnus trở thành nhà thờ đầu tiên trong số 87 nhà thờ và giáo xứ bị thiêu hủy trong đám cháy, cùng với hàng chục thị sảnh và hàng trăm nhà kho ven sông.

Đám cháy cũng tràn qua một nửa các khối nhà và bánh xe nước trên cầu Luân Đôn; đến một khoảng đất trống do trận hỏa hoạn năm 1632 gây ra, "bà hỏa" tạm dừng bước.

Sang ngày 3-9, ngọn lửa bùng lên tấn công thành phố theo hướng Bắc. Lo sợ cả thành phố sẽ bị thiêu hủy, Vua Charles II đã cử em trai là Công tước xứ York (sau này là Vua James II), chỉ huy việc cứu hỏa. Đội cứu hỏa của Công tước sử dụng những chuỗi xích nặng, dây thừng hè nhau kéo sập các tòa nhà, nhằm tạo những khoảng trống, ngăn chặn ngọn lửa lan đến.

Nhưng lửa lan quá nhanh, nó liên tục áp đảo những người đàn ông liên tục gắng sức, mệt nhoài đến lả người đi. Tối hôm đó, ngọn lửa tràn qua Sở giao dịch Hoàng gia, trước khi nhấn chìm Lâu đài Baynard, một pháo đài đã tồn tại hàng thế kỷ.

Cùng lan rộng theo đám cháy là luồng tin đồn về nguyên nhân của nó. Nước Anh lúc này đang can dự vào cuộc Chiến tranh Anh - Hà Lan lần thứ hai nên cư dân London, đặc biệt là những người vô gia cư, tập trung mối nghi ngờ vào người Pháp và người Hà Lan, kẻ thù của nước Anh. Họ bắt đầu truyền miệng nhau rằng, đám cháy xảy ra là do gián điệp của quân địch hay những tên khủng bố Công giáo phóng hỏa.

Thế rồi, một đám đông hung hãn với gậy gộc và dao rựa trong tay kéo nhau xuống đường và tóm lấy bất cứ ai nói giọng nước ngoài. Nhà của một người Pháp bị phá hủy, vì đám đông giận dữ cho rằng, chính ông ta đã lên kế hoạch để cửa hàng làm bánh mì bắt lửa!

Ở một nơi khác, một người đàn ông đã bị tấn công, vì đám người giận dữ trông thấy hộp đựng bóng tennis của ông ta và hô lên đấy là "những quả cầu bắt lửa"!

Giáo đường Thánh Paul ngày nay.

Ngày 4-9, Tòa thị chính London bốc cháy cùng hầu hết các công trình ở Cheapside, một trong những con phố giàu có nhất thủ đô. Các cổng trên bốn bức tường thành xây từ thời La Mã mở toang để mọi người tháo chạy. Nhưng lúc này, dãy nhà kho, cửa hàng trên bờ sông cũng đang ngùn ngụt cháy và các lối thoát bằng thuyền đều bị chia cắt.

Vào lúc ấy, ai cũng chỉ trực chạy đến "ngôi nhà an toàn" gần nhất, trong tình huống này chính là các nhà thờ, giáo xứ hoặc khuôn viên của giáo đường Thánh Paul, một giáo đường từ thời Trung Cổ có đỉnh tháp cao gần 153 mét lừng lững trên bầu trời London, nhưng rồi họ lại phải di chuyển một lần nữa không lâu sau đó.

Người ta cho rằng kiến trúc bằng đá và quảng trường rộng của nhà thờ sẽ bảo vệ họ, nhưng vào khoảng 8 giờ tối, lửa liếm phừng phừng trên tháp giáo đường khiến những người tị nạn tiếp tục chạy thục mạng. Không ngừng di chuyển từ 4-5 lần trong nửa ngày, mọi người bắt đầu hoảng loạn tìm mọi cách thoát nạn với ngựa và xe kéo.

Theo nhà văn John Evelyn, ngọn lửa làm tan chảy phần mái của thánh đường, khiến kim loại nóng chảy rồi "rơi xuống đường như một dòng suối" và "vỉa hè rực sáng với vệt lửa đỏ". May sao vào đêm đó, trận gió đông khốc liệt nuôi dưỡng ngọn lửa cuối cùng cũng dịu xuống, cho phép đoàn cứu hỏa của Công tước xứ York thực hiện nhiệm vụ của họ.

Ở phía bên kia thành phố, các đơn vị đồn trú Tháp Luân Đôn sử dụng thuốc nổ để phá hủy nhà cửa, chặn lại đường đi của ngọn lửa. Đến chiều ngày 5-9, các đám cháy bị thu hẹp và lụi tàn dần và hầu hết đã được dập tắt vào ngày hôm sau.

Một cuộc tàn phá của kẻ thù nước Anh!

Như vậy, trận đại hỏa hoạn này đã hoành hành suốt từ nửa đêm ngày 2-9 đến thứ Tư, ngày 5-9-1666. Ngọn lửa phá hủy hoàn toàn phần nội thành London, thiêu rụi 13.200 căn nhà, 87 nhà thờ giáo xứ, giáo đường Thánh Paul và hầu hết các tòa nhà của thành phố chính quyền.

Ước tính nó đã phá hủy nhà cửa của 70.000 - 80.000 cư dân thành phố. Thiệt hại vật chất ước tính ban đầu khoảng 100 triệu bảng thời giá lúc đó. Khoảng 100.000 người rơi vào tình trạng vô gia cư. Gần 162.000 mét vuông diện tích thành phố bị thiêu rụi, để lại một sa mạc đá cháy đen và những "thảm" dầm gỗ cháy âm ỉ.

Số người chết không rõ nhưng theo kể lại thì lại... rất ít- chỉ có 6 ca tử vong được xác nhận và ghi lại! Nhiều sử gia qua các thế hệ luôn đặt câu hỏi trước con số kỳ cục này và nhiều người trong số họ đã đưa ra lời giải thích: Những người nghèo và người thuộc tầng lớp trung lưu nếu bị chết trong trận hỏa hoạn suốt 4 ngày đã không được báo cáo, trong khi sức nóng của ngọn lửa có thể đốt cháy hoàn toàn nhiều thi thể.

Một mảnh gốm nóng chảy-chứng tích của trận đại hỏa hoạn năm 1666- được trưng bày tại Bảo tàng London, do các nhà khảo cổ sau này tìm thấy ở khu vực Pudding Lane, nơi ngọn lửa xuất phát, cho thấy nhiệt độ có lúc đạt tới 1700°C.

Yếu tố quan trọng khiến những nỗ lực chữa cháy thất bại là các đường phố quá chật hẹp. Ngay cả lúc bình thường, dòng xe và người đi bộ trong hẻm cũng thường xuyên bị ùn tắc. Trong khi cháy, những đoạn đường này lại bị chặn thêm bởi những người tị nạn cắm trại ở giữa đường với đống đồ đạc mang ra chất bừa bãi, hoặc lực lượng cứu hỏa cứ cố tiến vào trong ngược với dòng người tìm cách thoát ra ngoài.

Việc phá sập những ngôi nhà theo hướng gió khi có cháy bằng câu liêm hoặc dùng chất nổ thường có hiệu quả cao, tuy nhiên việc phá hủy bị trì hoãn trong nhiều giờ do thiếu sự quyết đoán của Thị trưởng London. Vào thời điểm mệnh lệnh từ nhà Vua và công tước xứ York được truyền đến, ngọn lửa đã thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà.

Thực tế, đường Pudding Lane lại gần sông. Về mặt lý thuyết, tất cả các tuyến đường từ sông đến tiệm bánh mì và các tòa nhà liền kề cần phải có từng đoàn lính cứu hỏa mang từng đôi xô nước lên chữa cháy sau đó trở lại sông lấy nước. Điều này đã không xảy ra. John Evelyn ghi trong nhật ký của mình rằng, không có ai làm việc đó, ai cũng lo chạy trốn trong sợ hãi.

"Những ngọn lửa len lỏi về phía bờ sông mà không ai can thiệp nên nhanh chóng thiêu cháy các kho hàng dọc theo cầu cảng. Nó không chỉ chia cắt các nhân viên cứu hỏa lấy các nguồn cung cấp nước trực tiếp từ sông mà còn đốt cháy bánh xe nước dưới Cầu London vốn bơm nước vào tháp nước Cornhill, nguồn nước chữa cháy còn lại cũng bị phá hủy".

Dù cuộc điều tra của Quốc hội kết luận nguyên nhân trận đại hỏa hoạn "là do bàn tay trừng phạt của Chúa đã phủ lên, một cơn gió lớn cùng khí hậu rất khô", nhưng nhiều người London vẫn cứ tin rằng, một kẻ phóng hỏa người ngoại quốc ra tay!

Trong cuộc săn lùng của đám đông, một người Pháp mắc bệnh tâm thần tên là Robert Hubert, thú nhận đã châm lửa tiệm bánh của Farriner. Hubert bị treo cổ vào tháng 10-1666. Khi tiến hành tái thiết London, các kiến trúc sư quyết định sử dụng cơ hội này xây dựng các quảng trưởng và đại lộ theo mô hình các thành phố lớn ở Pháp và Italia. Nhưng cuối cùng, London mới trông vẫn không khác London cũ, dù các con hẻm đã rộng hơn và nhiều công trình bằng gạch hơn!

Giáo đường Thánh Paul được xây mới và hoàn thành năm 1711, 45 năm sau khi bị phá hủy trong trận đại hỏa hoạn. Ngôi giáo đường này lại một lần nữa nổi tiếng vì đã tồn tại sau trận oanh kích Blizt, được mệnh danh là "Trận đại hỏa hoạn thứ hai của London" trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.