MS21 – Đối thủ của Boeing và Airbus

Thứ Tư, 13/07/2016, 11:35
Trung tuần tháng 6, hãng Hàng không liên bang Nga đã cho ra mắt phiên bản sản xuất của MS-21 - Niềm tự hào thế kỉ 21 của hàng không dân dụng Nga. MS-21, theo lời của Thủ tướng Nga, Dmitri medvedev, là đối thủ xứng tầm của Boeing và Airbus trong phân khúc máy bay tầm trung.

Đây cũng là chiếc máy bay dân dụng đầu tiên của Nga sau 25 năm sử dụng một động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn, hoàn toàn mới do chính nước này nghiên cứu và sản xuất.

Sau 25 năm sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, công nghiệp hàng không Nga vẫn là một thế lực hàng đầu thế giới về máy bay chiến đấu có cánh và trực thăng quân sự, minh chứng cho điều này là các hợp đồng nhiều tỉ USD với các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Iraq, trong thập kỉ qua. Trái ngược với những thành công của những mặt hàng quân sự, hàng không dân dụng Nga một thời hùng mạnh lại đang xếp dưới "người mới" như Canada và Brazil.

Quá khứ oai hùng

Cho đến những năm 1980, ngành hàng không dân dụng Liên Xô từng có một vị trí hàng đầu trên thị trường quốc tế. Mỗi năm có hàng trăm mẫu máy bay mới được sản xuất và tiêu thụ, phần nhiều trong số đó là những đại diện về công nghệ, tính năng cho cả phân khúc.

Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev tại buổi lễ ra mắt MS-21.

Những chiếc máy bay tầm ngắn và tầm trung nổi tiếng như An-24, An-26, Tu-134, Tu-154, đường dài như Ilushin 62, 86 được sản xuất từ những năm 1960 hiện vẫn đang phục vụ việc trung chuyển hành khách tại một số nước như Azerbaijan, Lào,.. như một minh chứng cho sự bền bỉ của các dòng máy do Liên Xô sản xuất.

Nhiều trong số những mẫu máy bay của Xô Viết từng làm kinh ngạc các quốc gia phương tây và giữ nhiều kỉ lục thế giới khác nhau: Tupolev Tu-104, xuất xưởng năm 1954, là chiếc máy bay phản lực dân dụng đầu tiên vượt Đại Tây Dương, khi viếng thăm London vào năm 1956, nó từng làm giới quan sát sửng sốt.

Tu-104 đã khởi động một trào lưu sản xuất máy bay chở khách sử dụng động cơ phản lực trên thế giới với kết quả là 2 chiếc máy bay hành khách sử dụng động cơ phản lực nổi tiếng: Tu-144 - bản cải tiến của Tu - 104 và chiếc Concorde nổi tiếng của Pháp và Anh được sử dụng cho tới tận 2003.

Một đại diện khác cho "phong cách" của hàng không dân dụng Liên Xô là chiếc An-225. Mặc dù được đưa vào sử dụng từ năm 1988, cho đến nay vẫn chưa có chiếc máy bay nào soán được ngôi của An-225 về tải trọng và kích cỡ khi có thể mang lượng hàng hoá đến hơn 250 tấn, dài hơn 70m trong khoang. An-225 là chiếc máy bay đặc biệt nhất thế giới khi được đưa vào sách kỉ lục Guiness với hơn 200 kỷ lục khác nhau.

Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã vào năm 1991, sự thiếu đầu tư, mất các bạn hàng truyền thống và việc chia chác những cơ sở sản xuất cho Ba Lan, Ukraina... đã làm công nghiệp hàng không Nga bị sa sút nghiêm trọng.

Trong những năm tiếp theo, Nga dường như chỉ chú trọng đến phát triển máy bay quân sự trên những thiết kế có sẵn từ thời Xô Viết và bỏ bê hoàn toàn ngành hàng không dân dụng. Điển hình của tình trạng trì trệ, năm 2001, toàn nước Nga chỉ có 4 chiếc máy chở khách được xuất xưởng - không bằng sản lượng một tuần của Airbus. Tình trạng này buộc các hãng hàng không Liên bang như Aeroflot hay S7 phải chuyển sang sử dụng Boeing hoặc Airbus do các máy bay hiện đại và an toàn hơn nhiều so với những chiếc máy bay còn lại vốn được sản xuất từ những năm 1980 trở về trước.

Superjet và giấc mơ chưa thành

Trong 20 năm sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga tưởng như đã biến mất khỏi thị trường máy bay dân dụng khi số lượng và chất lượng của những chiếc máy bay được xuất xưởng ngày càng ít đi. Nhưng khi thế giới tưởng như đã quên người Nga từng biết chế tạo máy bay hàng không dân dụng thì Sukhoi Superjet 100 lại ra đời, đánh dấu sự trở lại của hàng không Nga.

Với khát vọng tạo ra những mẫu máy bay khác biệt và hiện đại, Nga đã loại bỏ những đề án nâng cấp các thế hệ máy bay cũ với các phương pháp truyền thống như thay động cơ mới, thay đổi kết cấu trên bản vẽ cũ….

Thay vào đó, người Nga tập trung vào nghiên cứu và sản xuất các mẫu máy bay với công nghệ mới hoàn toàn với 3 đại diện gồm: Superjet, Tu-334 và MS-21. Cùng với đó, Nga cũng tái khởi động đầu tư vào ngành hàng không vũ trụ với mức đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD vào năm 2009, tăng lên 2,8 tỷ USD vào năm 2014 trước khi giảm nhẹ vì khủng hoảng kinh tế do cấm vận từ 2015.

Aleksander Korolkov, RG.ru, nguyên mẫu đầu tiên của chiếc máy bay MS-21 đang được hoàn thành tại nhà máy Irkutsk.

Để phục hồi nền công nghiệp hàng không, Tổng thống Nga Vladimir Putin từ  nhiệm kỳ đầu tiên đã đặt ra mục tiêu chiếm ít nhất 10% thị phần máy bay dân dụng thế giới, đứng thứ ba trong các nước sản xuất máy bay vào giai đoạn 2015-2018.

Ông Putin đã cho sáp nhập các nhà sản xuất máy bay thương mại và quân sự thành một tập đoàn quốc gia có tên gọi United Aviation Corporation (UAC). Theo đó Sukhoi - tập đoàn chế tạo máy bay quân sự hàng đầu thế giới - giữ vị trí chính với nhiệm vụ lấy lại vị trí tiên phong trong việc chế tạo kỹ thuật hàng không dân dụng, cho ra đời những mẫu máy bay có khả năng cạnh tranh cao hướng tới mục tiêu nhà sản xuất phương tiện kỹ thuật hàng không lớn thứ ba sau Boeing và Airbus.

Sau cải tổ, ngành hàng không dân dụng Nga đã có những thay đổi đáng kể để phù hợp hơn với thị trường quốc tế. Thay bằng việc tự túc sản xuất tất cả linh kiện và động cơ cho những chiếc máy bay của mình, Nga đã liên kết với các hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới như Boeing va Airbus để tìm kiếm những mẫu linh kiện phù hợp.

SuperJet ra mắt và được chính phủ Nga giao cho trách nhiệm đưa sản phẩm ngành hàng không Nga trở lại thế giới. Với vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, Superjet là loại phi cơ tầm ngắn và trung với khả năng chở tới 100 hành khách và bay xa hơn 4500km. Nó được kì vọng sẽ đánh bại các đối thủ cùng hạng do công ty Embraer của Brazil và Bombardier của Canada chế tạo. Vào giai đoạn cuối của dự án, đã có gần 150 chiếc SuperJet được các hãng hàng không đặt mua.

Ngay sau khi nhận chứng nhận của Ủy ban An toàn hàng không châu Âu năm 2012, UAC đã mang Superjet đi trình diễn tại 6 nước châu Á với mong muốn có nhiều hơn 150 đơn hàng năm 2011, tuy nhiên sự cố tại Indonesia, khi chiếc Superjer 100 đâm vào vách núi đã làm cho niềm hi vọng này tan thành mây khói. Mặc dù được kết luận do lỗi của phi công nhưng với một chiếc máy bay mới ra mắt, vụ tai nạn đã dập tắt mọi tham vọng của Nga trong ngành hàng không dân dụng.

MS-21 -  niềm hi vọng mới

Khi những nỗ lực tìm lại vị trí dẫn đầu của ngành hàng không dân dụng chưa thành thì trong vài năm gần đây, những thảm họa liên tiếp của hàng không Nga và máy bay Nga dường như muốn dập tắt mọi hi vọng dang dở của ông Putin trong 3 nhiệm kì. Có nhiều chuyên gia cho rằng Nga nên dừng hi vọng lại và tập trung vào sản xuất máy bay quân sự và khi rất nhiều người Nga hoài nghi về năng lực của hàng không Nga thì MS-21 ra đời như một niềm hi vọng mới.

MS-21 được coi là chiếc máy bay tầm trung hiện đại hàng đầu thế giới. Phụ trách chế tạo máy bay mới là nhóm nhà thiết kế của Công ty Cổ phần Nga "Tập đoàn Irkut". MS-21 là máy bay thân hẹp thế hệ mới, mà trong quá trình sản xuất có sử dụng các vật liệu composite. Nó được thiết kế để chở hành khách và hàng hóa trên các hành trình hàng không trong nước và quốc tế.

Như dự định, loại máy bay này sẽ có ba mẫu: 150, 180 và 200 chỗ ngồi . MS-21 được đánh giá đã lột xác với những quan niệm cũ kĩ về máy bay Nga: Nó rộng rãi hơn các đối thủ cùng phân khúc, tuỳ chọn nhiều loại động cơ, hệ thống giải trí ưu việt và một khoang lái hiện đại bậc nhất.

Ngoài việc ra mắt MS-21 với một động cơ mới ưu việt hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn mang tên PD-14 do Nga tự nghiên cứu và sản xuất, các mẫu máy bay mới này đều có tuỳ chọn động cơ của các hãng Rollroyces của Anh, Brad&Whitney hay động cơ của GE Mỹ. Việc này là rất quan trọng, khi mà Nga mới chỉ chập chững quay lại thị trường này và cần những thương hiệu mạnh hơn in lên chiếc máy bay để tạo sự tin tưởng cho khách hàng cũng như thuận tiện hơn trong quá trình vận hành bảo dưỡng máy bay khi gặp các sự cố do khách hàng trong ngành này thường đã quen với các động cơ đến từ châu Âu hoặc Mỹ.

Thủ tướng Nga Medvedev đã không giấu tham vọng tiến sâu ra thị trường nước ngoài ngay trong buổi lễ ra mắt: "Tôi hoàn toàn tự tin rằng máy bay dân dụng MS-21 sẽ là niềm tự hào của ngành hàng không dân dụng Nga và các công dân của chúng ta, và người nước ngoài sẽ cảm thấy thoải mái khi di chuyển trên loại máy bay này", ông Medvedev nói.

Theo Business Insider, một loạt đối thủ cạnh tranh mới trong phân khúc máy bay thương mại một lối đi đã bị Boeing 737MAX và Airbus A320neo cho về  "dĩ vãng" hồi năm ngoái, tuy nhiên sự ra mắt của MS-21 được kì vọng sẽ làm sôi động thị trường máy bay dân dụng tại phân khúc này do MS-21 mang trong mình nhiều công nghệ mới lẫn một thế hệ động cơ hoàn toàn mới do Nga phát triển. Ngay sau khi ra mắt, gần 200 chiếc MS-21 đã được các hãng bay của Nga và nhiều nước đặt mua để bắt đầu khai thác từ năm 2020, một khởi đầu thành công so với người anh đi trước là Superjet 100.

Để mở rộng thị trường với chiếc MS-21, Nga đã có kế hoạch tiếp thị chiếc máy bay trên toàn thế giới từ 2016, ngay khi nguyên mẫu đầu tiên được xuất xưởng. Trong giai đoạn mà Nga đang bị các nước phương Tây cấm vận về nhiều mặt thì MS-21 là cơ hội để khuyến khích các nhà sản xuất trong nước và minh chứng cho nội lực mạnh mẽ của nước Nga.

Việc Nga sản xuất thành công một chiếc máy bay hành khách công nghệ cao như MS-21 vào thời điểm hiện tại sẽ là không đủ để gây được sức ép lên các hãng hàng không lớn của các nước châu Âu và Mỹ nhưng đủ để cho thấy nước Nga đang có những tính toán cụ thể để giành lại vị trí của mình trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

MS-21 có thể đứng vững trên thị trường hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào chất lượng mà chính nó mang lại cho khách hàng.  Chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn mà người Nga phải giải quyết để có thể đạt được mục tiêu của mình, nhưng ít nhất họ có thể tự hào rằng họ đã không bỏ cuộc.

Nguyễn Viết Phùng (tổng hợp)
.
.