Mang vũ khí lên máy bay còn dễ hơn mang nước?

Thứ Hai, 15/06/2015, 04:00
Mỹ vừa công bố một báo cáo khiến dư luận giật mình: Nếu hành khách định mang một chai nước lên máy bay, họ sẽ bị phát hiện ngay lúc soi chiếu hành lý. Còn nếu hành khách định mang theo súng và bom, 95% khả năng là sẽ qua mắt trót lọt Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ (TSA) - cơ quan chịu trách nhiệm soi chiếu an ninh tại các sân bay.

Kết luận trên dựa vào một loạt cuộc kiểm tra mà một nhóm gọi là Đội đỏ thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ thực hiện tại các sân bay trên nước Mỹ. Điều này là một sự thật đáng sợ khi mà mối đe dọa khủng bố luôn hiện hữu ở nước Mỹ và máy bay luôn là mục tiêu ưa thích của khủng bố.

Nhưng nếu nắm rõ quá trình hoạt động của TSA, con số 95% cũng không quá đỗi ngạc nhiên. TSA liên tục "trượt vỏ chuối" đối với cuộc kiểm tra của Đội đỏ từ khi mới thành lập.

Trước đây, TSA thường bào chữa rằng đó chỉ là kết quả cá biệt ở một sân bay nào đó hoặc các cuộc kiểm tra không phải là tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Và đến nay, TSA tiếp tục bấu víu vào những lời bào chữa yếu ớt đó để biện minh cho sự yếu kém của mình. Trong khi đó, cuộc kiểm tra vừa công bố được thực hiện tại nhiều sân bay và người kiểm tra thuộc Bộ An ninh Nội địa cũng không sử dụng những chiêu trò giấu vũ khí tinh vi. Vậy mà họ vẫn có thể tuồn lậu một số lượng lớn thuốc nổ, vũ khí giả và một loạt hàng lậu qua các máy soi chiếu ở sân bay tại nhiều thành phố lớn trên toàn nước Mỹ.

Cụ thể, TSA trượt 67 trong tổng số 70 cuộc kiểm tra do các Đội đỏ thực hiện. Thành viên các Đội đỏ thường đóng giả làm hành khách để xác định các điểm yếu kém trong quá trình soi chiếu hành lý. Trong các cuộc kiểm tra, mỗi nhân viên của Bộ An ninh Nội địa tìm cách đưa trót lọt một vật bị cấm qua máy soi chiếu của TSA tại sân bay.

Hành khách chờ đến lượt kiểm tra an ninh tại một sân bay ở Mỹ.

Một lần, một nhân viên An ninh Nội địa bị chặn lại sau khi đi qua cửa từ và chuông báo động kêu lên. Tuy nhiên, trong lúc vỗ vào cơ thể của hành khách để kiểm tra lại, nhân viên TSA không thể phát hiện người này mang một thiết bị nổ giả gắn sau lưng.

TSA đã điều tra nội bộ để tìm ra sơ hở của mình và họ kết luận các đặc vụ Đội đỏ là "những siêu khủng bố đã vượt mặt giới hạn về con người, quy trình và kỹ thuật của chúng tôi". Cựu Giám đốc TSA, John S. Pistole cũng lên tiếng bảo vệ TSA, rằng Đội đỏ có thể qua mặt được nhân viên soi chiếu an ninh là vì họ nắm rõ cách thức hoạt động, khả năng phát hiện, thông số từng loại máy móc của TSA và hơn nữa là không có tâm lý lo sợ bị phát hiện như khủng bố thật.

Kết quả điều tra bẽ mặt đã khiến quyền Giám đốc TSA Melvin Carraway phải từ chức và cấp phó của người này tạm thời lên nắm quyền. TSA đã thay một người đứng đầu nhưng toàn bộ quy trình của TSA thì vẫn như vậy. Và dư luận đặt ra câu hỏi liệu đi máy bay có an toàn hay không khi mà hành khách vẫn có thể mang trót lọt súng, thuốc nổ, dao lên máy bay.

Trước đây, các đặc vụ Đội đỏ cũng cho biết trong những tháng trước vụ khủng bố 11-9, tình hình rà soát, soi chiếu an ninh tại các sân bay rất yếu kém.

Cựu đặc vụ cấp cao Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ, Brian Sullivan cảnh báo: "Tình hình bây giờ còn nghiêm trọng hơn thời điểm trước vụ 11-9. Rất đáng buồn, thất vọng và tức giận vì chính phủ của chúng ta vẫn không thể bảo vệ người Mỹ trong vấn đề này".

Trong khi đó, TSA hằng năm tiêu rất nhiều tiền của người đóng thuế: 540 triệu USD cho thiết bị soi chiếu hành lý và 11 triệu USD tiền tập huấn từ năm 2009. Đó là chưa kể tới khoảng 7 tỉ USD ngân sách cho cả bộ máy TSA hằng năm.

Số tiền đó đã không thể khiến hệ thống của TSA, cả con người và máy móc hoạt động tốt hơn. Thực tế, TSA còn gặp rất nhiều vấn đề ngoài việc liên tục "trượt vỏ chuối" các cuộc kiểm tra của Bộ An ninh Nội địa.

TSA mắc sai lầm khi tuyển dụng nhân viên. Mặc dù luôn khẳng định chỉ tuyển dụng những người "tốt nhất và thông minh nhất" nhưng báo cáo cho thấy ít nhất 5 sân bay có nhân viên TSA dính tiền án tiền sự. Một số nhân viên còn bị vạch mặt là trộm đồ của hành khách. Hơn 400 nhân viên TSA bị sa thải vì lý do này. Bản thân TSA cũng từng phải dàn xếp giải quyết cho 15.000 trường hợp khách hàng kiện nhân viên TSA vì chôm chỉa đồ của họ.

Đó là về con người, còn về máy móc thì sao? Năm 2007, TSA mở rộng nhóm phát hiện hành vi vụng trộm để tìm kiếm dấu hiệu khả nghi của hành khách. Hơn 30 nhân viên TSA năm 2012 đã từng phàn nàn về chương trình phát hiện hành vi đặt tại sân bay quốc tế Logan ở Boston. Chương trình này hướng dẫn nhân viên tìm người khả nghi dựa trên những đặc điểm ngớ ngẩn như người da màu đội mũ bóng chày ngược hoặc người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đi tới Miami.

Tại sân bay Newark, nhân viên TSA phản đối người giám sát của mình vì bị ép tạo cáo buộc giả cho người nước ngoài để tăng số lượng các vụ bắt giữ dựa vào chương trình phát hiện này.

Hiện nay, hàng nghìn nhân viên TSA vẫn tiếp tục áp dụng chương trình Kỹ thuật sàng lọc hành khách thông qua quan sát dù nó đã cũ kỹ, lạc hậu. Danh sách bí mật của TSA về những dấu hiệu nguy hiểm của hành khách gồm: ngáp, hắng giọng, siết tay, mắt mở to nhìn chằm chằm, nhìn xuống. Dấu hiệu cảnh báo nực cười nhất trong danh sách là "phàn nàn thái quá về quá trình soi chiếu". Chương trình phát hiện hành vi này của TSA bị đánh giá là không hiệu quả và lãng phí.

Năm 2010, TSA triển khai máy quét toàn thân, trong đó ghi lại hình ảnh khỏa thân của hành khách. Trung tâm thông tin điện tử cá nhân coi các loại máy quét này là "một trong những biện pháp lục soát vô trách nhiệm, xâm phạm hành khách nhất trong lịch sử" vì nó đòi hỏi người quét phải động chạm vào các bộ phận nhạy cảm của khách. Hành khách từ chối quét toàn thân thường bị nhân viên TSA thực hiện "vỗ tăng cường" để dạy cho một bài học. Việc TSA trượt 95% bài kiểm tra cho thấy các máy quét toàn thân này không đáng tin cậy như cơ quan này từng tuyên bố.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ năm 2011 thừa nhận trước Quốc hội rằng phần lớn hành khách không gây rủi ro về an ninh. Tuy nhiên, TSA vẫn không thừa nhận điều đó có nghĩa là việc lạm dụng và làm hàng triệu hành khách mất thêm thời gian soi chiếu là vô ích. Thay vào đó, TSA vẫn tiếp tục công việc "vở kịch an ninh" của mình tại các sân bay.

D.T. (tổng hợp)
.
.