Một bệnh dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới

Thứ Tư, 02/09/2015, 21:40
Mới đây, Khoa Ngoại bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội vừa can thiệp ngoại khoa cấp cứu cho 3 trường hợp người bệnh (xin được giấu tên) bị xoắn tinh hoàn. Đây là một bệnh tuy ít người mắc (1/4.000 nam dưới 25 tuổi) nhưng lại rất nhanh gây hậu quả vô sinh…

Bệnh nhân thứ nhất quê ở Thái Nguyên cho biết, khoảng một  tuần trước, anh có biểu hiệu sưng to và đau ở bìu nhưng chỉ sốt nhẹ (ớn lạnh). Phần vì không biết về bệnh này nên cho rằng chắc chẳng sao, phần vì mặc cảm ngượng ngùng khi đau ở vùng sinh dục nên anh đã không đi khám ở BV mà tự mua thuốc điều trị.

Một tuần sau, cơn đau ngày càng nặng nên người nhà đã đưa anh xuống cấp cứu tại BV Đại học Y Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán tinh hoàn trái của anh đang hoại tử, buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.

Cấu tạo của tinh hoàn trong bìu.

Một bệnh nhân khác 18 tuổi, ở  Phú Thọ cũng nhập viện trong tình trạng bìu phải sưng to, đau dữ dội. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy tinh hoàn phải đã hoại tử, thừng tinh (là dây treo tinh hoàn - TG) bị xoắn nhiều vòng. Bệnh nhân này rất ân hận vì mặc cảm xấu hổ nên chịu đau không nói với ai, khi quá đau mới đến viện thì bệnh đã nặng. Sự mặc cảm đã làm cả hai bệnh nhân trên phải bỏ đi một bên tinh hoàn.

May mắn hơn hai trường hợp nói trên, anh Nguyễn Văn L, 30 tuổi, quê Lào Cai cũng sau một tuần đau âm ỉ ở bìu,  anh mới xuống Hà Nội để khám. Vừa nhìn thấy, bác sĩ cho biết anh bị xoắn tinh hoàn. Sau khi có kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ đã chuyển mổ cấp cứu để cứu tinh hoàn của anh khỏi hoại tử. Rất may, do tình trạng xoắn nhẹ, ca mổ kịp thời nên đã bảo tồn được tinh hoàn cho anh L. Vậy xoắn tinh hoàn là bệnh gì, làm sao phát hiện và chữa trị kịp thời để bảo tồn nòi giống cho một gia đình, dòng họ…

Thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm trong ổ bụng thai nhi. Đến tuần tuổi thai thứ 28 (đôi khi chậm hơn) tinh hoàn di chuyển xuống hạ nang (bìu). Kết thúc hành trình di chuyển, tinh hoàn treo tự do trong bìu nhờ thừng tinh (dây dịch hoàn) là một cấu tạo giải phẫu gồm ống dẫn tinh, động mạch, tĩnh mạch… trong đó có động mạch nuôi dưỡng tinh hoàn. Nói là tinh hoàn bị xoắn nhưng thực chất là "dây" thừng tinh bị xoắn, bóp nghẹt mạch máu gây sưng, đau. Khi có những dấu hiệu sau cần đề phòng bị xoắn tinh hoàn: đột ngột đau một bên tinh hoàn, bên bị đau tinh hoàn ở cao hơn vị trí bình thường (thông thường hai tinh hoàn một bên cao, một bên thấp, điều này bản thân bệnh nhân phải biết); sưng bìu; có thể đau bụng dữ dội; buồn nôn và nôn hoặc tiểu rắt.

Cơn đau có thể xuất hiện ban đêm làm bệnh nhân phải thức giấc, khi sờ tinh hoàn rất đau. Bệnh nhân có thể tự khám dấu hiệu phản xạ da bìu để đánh giá bằng cách cà nhẹ mũi kim trên da mặt trong đùi dọc theo nếp bẹn: bình thường, tinh hoàn bên đó sẽ "chạy" lên cao. Nếu không có dấu hiệu này là mất phản xạ da bìu, một triệu chứng đặc hiệu của xoắn tinh hoàn.

Tuy nhiên, triệu chứng đau tinh hoàn cũng có ở một số bệnh khác như viêm tinh hoàn hay viêm mào tinh hoàn. Để phân biệt với các bệnh này, có thể tự mình khám dấu hiệu Prehn: ở tư thế đứng thẳng, nâng tinh hoàn bên bệnh lên, nếu hết đau hay đau giảm là dấu hiệu Prehn dương tính - bệnh viêm tinh hoàn hay mào tinh hoàn, nếu đau tăng lên là dấu hiệu Prehn âm tính - bệnh xoắn thừng tinh. Khi bệnh đến giai đoạn muộn, da bìu sưng nề, bầm tím do không có máu nuôi dưỡng. Lại có khi tinh hoàn đau rồi tự nhiên khỏi mà không cần điều trị là số ít trường hợp tinh hoàn bị xoắn rồi tự tháo xoắn. Những trường hợp này vẫn cần kiểm tra và tư vấn của bác sĩ để ngăn chặn nguy cơ xoắn tinh hoàn tái phát. Có khoảng 2% bệnh nhân bị xoắn thừng tinh hai bên.

Gần đây, Khoa Ngoại BV Đại học Y Hà Nội có mổ cấp cứu cho em Vũ Văn H., 14 tuổi, quê ở Thái Bình. Do bố mẹ ly hôn, H. sống với ông bà nội nên khi cháu có biểu hiện sưng, đau cả hai bên bìu, thì ông bà không biết bệnh gì. Đến khi xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và ói mửa, người nhà mới đưa cháu đến bệnh viện. Lúc mổ ra, bên tinh hoàn trái đã đen, bốc mùi; bên tinh hoàn phải còn lại đã bị teo một phần. Sau này, cháu H. rất khó có khả năng sinh con, chưa kể còn phải theo dõi xem tinh hoàn bên phải có bị teo thêm nữa không. Xoắn thừng tinh là do tinh hoàn tự xoay làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu nuôi tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn bị hoại tử hoặc teo, thường gặp nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi, nhưng đặc biệt mắc nhiều ở lứa tuổi dậy thì và trẻ mới sinh, tuy nhiên các lứa tuổi khác, kể cả trẻ nhỏ không phải không mắc chứng bệnh này.

Hiện nay chưa biết căn nguyên của bệnh, chỉ nghi ngờ sự biến đổi nồng độ nội tiết cơ thể ở tuổi dậy thì; một số trường hợp mắc phải chứng bệnh này sau chấn thương bìu. Căn bệnh này cũng liên quan đến yếu tố di truyền mà y học gọi là "sự dị dạng quả lắc chuông", gây ra một cấu tạo tinh hoàn và thừng tinh dễ bị xoắn hơn. Với một người, khi đã xảy ra xoắn một bên tinh hoàn thì bên kia có nguy cơ bị xoắn cao.

Nếu chỉ một bên tinh hoàn bị loại bỏ, bên còn lại sẽ sản xuất ra đủ lượng nội tiết tố, tuy nhiên nguy cơ vô sinh sẽ rất cao do hai lý do: một tinh hoàn còn lại có thể không thể sản xuất đủ số lượng tinh trùng cần cho một lần thụ thai, mặt khác cơ thể tạo ra yếu tố miễn dịch tấn công tinh trùng và tiêu diệt chúng. Nếu cả 2 bên tinh hoàn đều bị hủy hoại, ngoài mất khả năng sinh sản, người bệnh còn bị thiếu hụt nghiêm trọng nội tiết tố, nếu không được bổ sung nội tiết tố ngoại lai, họ sẽ mất ham muốn tình dục, mất khả năng cương cứng và phát triển những đặc điểm nữ giới.

Xoắn tinh hoàn là cấp cứu ngoại khoa, cần phẫu thuật tức thì. Trong 6 giờ đầu kể từ khi bị đau là cơ hội vàng để bảo tồn được tinh hoàn cùng chức phận quan trọng của nó; từ 6 - 12 giờ đầu kết quả này còn 50% vì chức năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn ở 50% kia đã tổn thương không hồi phục; từ 12 - 24 giờ thành công chỉ còn 20%; sau 24 giờ hầu như không hiệu quả vì các tế bào mô tinh hoàn đã chết, cần cắt bỏ để tránh hoại thư, vì thế chậm một giờ có thể làm hỏng tinh hoàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bảo tồn giống nòi! Điều đáng quan tâm là tâm lý trẻ ở tuổi dậy thì.

Nhiều trường hợp khi khởi phát triệu chứng bệnh các em ngại ngùng, giấu bệnh, không nói cho người lớn biết. Khi bệnh đã trầm trọng, đau nặng, tinh hoàn đã mất chức năng hay hoại tử gia đình mới biết thì đã quá muộn.

Trường hợp em T.Q.Đ, 13 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP HCM là một ví dụ đáng buồn. Khi nhập viện BV Nhi Đồng 2 thì vùng bìu đã sưng rất to, đau đến mức không đi được. Mổ ra, các bác sĩ thấy tinh hoàn bị hoại tử nên buộc phải cắt bỏ. Các em chưa đến tuổi lập gia đình, tuy nhiên cắt bỏ một tinh hoàn sẽ làm mất 50% khả năng sinh con. Khi lớn lên, chỉ còn một tinh hoàn chắc chắn sẽ làm các em phải chịu đựng một tâm lý mặc cảm nặng nề. Lại cũng có một số trường hợp trẻ đã nói cho người lớn biết nhưng cha mẹ lại không hiểu biết, chủ quan hoặc cho rằng không có gì nghiêm trọng...

Các bác sĩ nam khoa cho biết chẩn đoán xoắn thừng tinh không khó, ngoài những biểu hiện trên, khi siêu âm Doppler bìu thấy dòng máu động mạch nuôi tinh hoàn ngừng trệ hoàn toàn hoặc giảm, có thể kèm theo tràn dịch màng tinh hoàn. Nếu phát hiện bệnh sớm, việc can thiệp ngoại khoa đơn giản rất hiệu quả. Chỉ cần rạch một vết nhỏ ở bìu, bộc lộ, gỡ xoắn, cố định tinh hoàn với cơ bìu; có thể khâu cố định cả 2 bên ngừa xoắn tái phát. Từ năm 1952, bác sĩ Dean Moheet ở Dallas  (Mỹ) đã dùng cách phẫu thuật này…

Hãy cảnh giác với bệnh xoắn tinh hoàn và đặc biệt vượt qua ngưỡng tâm lý ngại ngùng để đi khám bệnh sớm nhất nếu nghi ngờ mắc bệnh. Đó cũng là cách duy nhất có thể bảo tồn thiên chức duy trì nòi giống cho gia đình, dòng họ.

BS Trần Kiên
.
.