Kinh hãi một bệnh nhân bị cam tẩu mã “ăn” mất hơn nửa khuôn mặt

Thứ Bảy, 03/10/2015, 11:25
Những ngày vừa qua, dư luận trong cả nước xôn xao trước ông Huỳnh Văn Đạt ở ấp Hậu Hòa, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, mắc phải chứng bệnh lạ. Hình ảnh ông Đạt nằm co quắp trên giường với khuôn mặt đã mất hẳn hai má, mũi, mắt, răng, chỉ còn lại phần trán, cằm… khiến người xem không ai là không khỏi xúc động, xót thương.

Các chẩn đoán sau đó của Bệnh viện Tiền Giang đã xác định ông Đạt bị chứng cam tẩu mã. Đây là một bệnh lý tuy hiếm gặp nhưng ai cũng có thể dễ dàng mắc phải nếu không có những biện pháp đề phòng đúng cách.

Căn bệnh quái gở

Bệnh nhân là ông Huỳnh Văn Đạt, 51 tuổi, hiện ở ấp Hậu Hòa, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Theo lời kể của bà Huỳnh Thị Triều, vợ ông thì từ năm 2002, thỉnh thoảng ông Đạt bị chảy máu cam kèm theo chảy nước mắt sống. Đến năm 2004, hiện tượng này diễn ra thường xuyên hơn nên gia đình đưa ông đi khám. Các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán là "vẹo vách ngăn mũi" rồi sau khi mổ chỉnh hình vách ngăn, ông Đạt xuất viện về nhà sống bình thường.

Ông Đạt mất 2/3 khuôn mặt do cam tẩu mã.

Nhưng đến năm 2005, khi uống nước, ông Đạt thấy nước… chảy lên mũi! Há miệng, soi gương, ông thấy có một lỗ thủng bằng đầu đũa ở vòm họng trên. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Triều,  cho biết khi ấy bà đã khuyên ông đi tái khám nhưng ông cứ lần lữa. Vài tháng sau, lỗ thủng thông ra ngoài mũi và lan rộng dần. Bà Triều nói: "Ổng kêu tui may cho ổng một tấm khăn che kín mặt, chỉ để hở hai con mắt. Mỗi khi có việc cần phải ra đường, ổng đội tấm khăn này để khỏi ai nhìn thấy cái lỗ thủng trên mặt ổng". Hỏi thăm mấy người hàng xóm, họ cho biết hồi đó có nghe nói ông Đạt bị bệnh nhưng không biết bệnh gì, chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy ông, mặt che khăn kín mít mà thôi.

Thấy lỗ thủng ngày càng lan rộng, gia đình đưa ông quay lại bệnh viện nơi đã mổ vẹo vách ngăn cho ông trước đó. Sau 2 tuần điều trị nội khoa chống nhiễm khuẩn, ông Đạt được mổ ghép vòm khẩu cái cứng. Tuy nhiên, 10 ngày sau khi mổ, ông Đạt bị sốt và mảnh ghép bị thải ra. Theo bà Triều, gia đình tiếp tục đưa ông đến khám và điều trị tại một bệnh viện khác nhưng bệnh không giảm: "Mặc cảm vì khuôn mặt biến dạng, ổng nói cho ổng về nhà, chữa thuốc Đông y. Ổng kêu tui mua tấm vải xanh, quây kín chiếc giường lại để người ngoài nếu vào nhà, không nhìn thấy ổng…".

Đến nay, sau 11 năm, khuôn mặt ông Đạt đã bị mất 2/3 chính diện, gồm mũi, hai bên má, hai mắt, một phần vùng trán, vùng xương hàm trên, xương hàm dưới và 2 vành tai ngoài. Mặc dù ông Đạt vẫn tỉnh táo nhưng không nghe được, không nhìn được, nói không rõ tiếng, ăn uống rất khó khăn.

Cam tẩu mã là gì

Cam tẩu mã - hay còn gọi là nha cam tẩu mã, tị cam, thuần cam hoặc hầu cam (danh từ bệnh học tiếng Anh gọi là Noma disease, hoặc Cancrum ORIS, hoại tử Fusospirochetal), là chứng viêm miệng hoại thư, bắt đầu ở lợi răng hoặc ở má, lan rất nhanh ra má, môi, gây hoại tử làm thủng má, môi, mũi. Nếu không kịp thời điều trị, nó làm hoại tử xương, răng dần rụng hết, vùng hoại tử có mùi hôi thối. Bên cạnh đó, cam tẩu mã còn có thể xuất hiện ở dương vật, ở lòng bàn chân - nhất là với những người mắc bệnh tiểu đường.

Loét dần đến hoại tử,  bàn chân ở một bệnh nhân bị tiểu đường do vi khuẩn streptoCoccus SPP.

Bệnh thường gặp ở trẻ con hoặc người lớn mà thể trạng suy kiệt nặng, những người sau khi mắc bệnh sởi, thương hàn hoặc bệnh nhiễm khuẩn, bệnh do suy giảm miễn dịch. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là loại bệnh có tỉ lệ tử vong cao, hiện có khoảng nửa triệu người mắc phải và mỗi năm, lại có thêm 140.000 ca nhiễm mới, chủ yếu ở các quốc gia kém phát triển, hoặc những người dân sống ở các vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội tiếp cận với nền y học tiên tiến, hoặc do thiếu hiểu biết nên chủ quan, coi thường.

Ngay từ thời cổ đại, ông tổ ngành y học phương Tây là Hippocrates đã ghi nhận và mô tả bệnh này. Trong Thế chiến II, cam tẩu mã bùng phát thành dịch ở các trại tập trung của Đức quốc xã như Auschwitz và Belsen. Thường thì bệnh khởi đầu bằng một vết loét nhỏ trên nướu răng hoặc mặt trong (niêm mạc) của má. Sau đó, loét nhanh chóng lan đến màng nhầy của môi và má rồi chỉ trong vòng vài ngày, bệnh sẽ ăn thủng cơ mặt. Hậu quả là trên má sẽ có một lỗ thủng.

Lỗ thủng ấy càng lúc càng lớn dần, người bệnh mất hẳn mũi, má, răng. Tùy theo cơ địa bệnh nhân mà lỗ thủng lan nhanh hay chậm. Đến đầu thế kỷ XX, khi y học phát triển, cùng với việc hiểu rõ cơ chế bệnh lý và đồng thời ngành Dược tìm ra nhiều loại kháng sinh mới, cam tẩu mã biến mất khỏi các nước phương Tây. Nó chỉ còn thấy ở châu Phi và một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Chả thế mà trường hợp mắc cam tẩu mã của ông Đạt đã được các cơ quan truyền thông nước ngoài như kênh truyền hình Fox News, báo Daily Mail, Sydney Morning Herald, Hãng thông tấn Central European News (CEN) đưa tin với nhiều hình ảnh...

Mất môi và răng do cam tẩu mã.

Theo WHO điều kiện thuận lợi để bệnh cam tẩu mã phát triển là chế độ dinh dưỡng kém - đặc biệt là với những người thiếu vitamin A và các vitamin nhóm B, hoặc mất nước trong tiêu chảy cấp, vệ sinh răng miệng kém, nước uống nhiễm khuẩn, thường xuyên tiếp xúc với gia súc như trâu, bò, lợn, dê, cừu… nhưng không tuân thủ việc giữ vệ sinh sau khi tiếp xúc, hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như vảy nến, luput ban đỏ, tiểu đường, HIV/AIDS. Vi khuẩn chủ yếu gây ra bệnh cam tẩu mã là các loại như Fusobacterium necrophorum và Prevotella intermedia. Nó tương tác với một hoặc nhiều vi khuẩn khác như Borrelia vincentii, Porphyromonas gingivalis, Tannerella forsynthesis, Treponema denticola, Staphylococcus aureus và Streptococcus SPP không tán huyết.

Đây không phải là lần đầu tiên nước ta phát hiện bệnh cam tẩu mã. Tháng 2-2015, một bệnh nhân nam, 27 tuổi, ở Bình Phước vào Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM với những triệu chứng sưng mặt, mắt, miệng có mùi hôi thối… Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ của Bệnh viện Tai Mũi Họng xác định bệnh nhân bị viêm hoại tử xoang hàm sàng hốc mắt, nghi ngờ cam tẩu mã.

Do phát hiện bệnh sớm, các mô xung quanh chưa bị hoại tử nên các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc những phần hoại tử và điều trị kháng sinh tích cực nên người bệnh đã khỏi hẳn sau 3 tuần. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, công tác tại Khoa Mũi, Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh thì kết quả kháng sinh đồ sau đó cho thấy người này nhiễm vi khuẩn Steptococcus SPP không tán huyết (là một trong bốn loại vi khuẩn gây bệnh cam tẩu mã).

Trước đó, tháng 7/2013, anh Y Mép, 18 tuổi, ngụ tại Phú Yên mắc chứng cam tẩu mã nhưng do thiếu hiểu biết về chứng bệnh này nên anh tự điều trị bằng những loại cây thuốc cổ truyền.

Đến lúc khuôn mặt bị biến dạng trầm trọng, anh Y Mép mới được người nhà đưa vào Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM. Theo giáo sư Nguyễn Đức Hoành, bệnh nhân được xác định mắc chứng cam tẩu mã. Sau khi điều trị chống nhiễm khuẩn, Y Mép đã được phẫu thuật chỉnh hình để phục hồi chức năng.

Ông Đạt sẽ được điều trị như thế nào?

Ngay sau khi thông tin về trường hợp ông Nguyễn Văn Đạt bị mất hơn nửa khuôn mặt do cam tẩu mã được các phương tiện truyền thông đại chúng loan tải, bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang đã trực tiếp đến thăm và kiểm tra bệnh lý của ông Đạt. Theo bác sĩ Vĩ, đây là chứng bệnh cần được điều trị lâu dài, mức độ phục hồi còn tùy thuộc vào cơ địa của ông Đạt.

Việc điều trị được chia làm hai giai đoạn: Trước mắt là sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn nhằm không để cho hiện tượng hoại tử lan ra thêm. Bên cạnh đó, nâng cao sức khỏe cho ông Đạt bằng các biện pháp dinh dưỡng tích cực. Tiếp theo, nghiên cứu cách phục hồi lại phần nào khuôn mặt cho ông Đạt bằng phẫu thuật chỉnh hình nhưng việc này rất khó bởi lẽ 2/3 khuôn mặt của ông đã bị vi khuẩn "ăn" mất hết. Bà Triều  cho biết sau khi dùng thuốc theo toa bác sĩ, sức khỏe chồng bà đã khá hơn, yên tâm hơn. Bà nói: "Chồng tôi đồng ý đi bệnh viện điều trị. Tôi chỉ cầu mong sao cho các bác sĩ cứu được ổng".

Vẫn theo bác sĩ Vĩ, ngành y tế Tiền Giang sẽ hỗ trợ hết mức có thể cho ông Đạt. Bác sĩ Vĩ cũng kêu gọi cộng đồng quan tâm giúp đỡ ông Đạt vì hiện tại, gia đình ông đã khánh kiệt sau 11 năm nuôi dưỡng, chữa trị cho ông.

Để đề phòng bệnh cam tẩu mã, biện pháp duy nhất là phải giữ vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng ngày 2 lần, sáng và tối. Sau khi tiếp xúc với gia súc - nhất là với các chất dịch tiết ra từ miệng hoặc các vết loét trên mình gia súc, phải rửa tay kỹ với xà phòng. Tuyệt đối không nên cầm, nắm, bốc thức ăn rồi ăn khi chưa rửa tay. Nếu mắc bệnh tiêu chảy, bệnh tả, phải đưa đến các cơ sở y tế để điều trị, không nên tự chữa tại nhà.

Với nước uống hằng ngày, cần được đun chín nấu sôi. Trường hợp mắc phải các bệnh suy giảm miễn dịch như vảy nến, luput ban đỏ, HIV/AIDS, cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Khi thấy xuất hiện những vết loét bất thường ở lợi răng, mặt trong của má, lòng bàn chân thì nên đi khám ngay vì rất có thể đó là khởi đầu của bệnh cam tẩu mã…

Vũ Cao
.
.