Mỹ phá nhiều âm mưu chuyển lậu thiết bị quân sự sang Trung Quốc

Thứ Tư, 24/08/2016, 14:19
Mấy năm gần đây, phía Mỹ liên tiếp tố cáo gián điệp Trung Quốc lấy cắp kỹ thuật tiên tiến của nước này thông qua các du học sinh và các nhà khoa học gốc Hoa làm việc tại Mỹ.


Lĩnh 4 năm tù vì âm mưu chuyển thiết bị quân sự sang Trung Quốc

Một phụ nữ hôm 19-8 bị tòa án Mỹ tuyên phạt hơn 4 năm tù với tội danh âm mưu chuyển thiết bị quân sự, gồm động cơ máy bay chiến đấu và phi cơ không người lái, sang Trung Quốc.

Người bị kết án là bà Wenxia Man, 45 tuổi, công dân nhập tịch đến từ bang San Diego. Một bồi thẩm đoàn hồi tháng 6 buộc tội bà Man âm mưu chuyển thiết bị quân sự ra nước ngoài mà không có giấy phép hợp lệ, AP đưa tin.

Trung Quốc rất khao khát công nghệ của máy bay chiến đấu hiện đại như F-16.

Theo công tố viên liên bang, các bằng chứng cho thấy bà Man đã hợp tác với một người khác để chuyển động cơ dùng trong các máy bay chiến đấu F-35, F-22 và F-16 cùng một động cơ máy bay không người lái MQ-9 Reaper, trị giá 50 triệu USD, sang Trung Quốc. Tòa án khẳng định bà Man "rõ ràng có ý muốn" cung cấp các thiết bị làm lợi cho quân đội Trung Quốc.

Man được cho là từng nói với một mật vụ chìm thuộc Cơ quan An ninh Nội địa rằng bà làm việc với một gián điệp. Người này giúp quân đội Trung Quốc sao chép các thiết bị quân sự từ những quốc gia khác. Theo bồi thẩm đoàn, quá trình truy tố bắt đầu từ ngày 21-8-2014. Man là cư dân thường trú hợp pháp ở San Diego làm việc tại Công ty AFM Microelectronics Inc.

Cáo trạng cho biết Man làm việc chung với Xinsheng Zhang, một người Trung Quốc "đóng giả làm đại lý chính thức đại diện cho Trung Quốc mua sắm vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh và các mặt hàng quốc phòng". Alex Strassman, luật sư của Man, cho biết bà bị các đặc vụ liên bang "đặt bẫy", đồng thời tuyên bố Man và chồng sẽ kháng cáo.

Muốn có siêu công nghệ mà không phải nhọc công nghiên cứu

Mấy năm gần đây, phía Mỹ liên tiếp tố cáo gián điệp Trung Quốc lấy cắp kỹ thuật tiên tiến của nước này thông qua các du học sinh và các nhà khoa học gốc Hoa làm việc tại Mỹ. Trước đây, từng xảy ra vụ Giáo sư Trương Hạo của Đại học Thiên Tân sang Mỹ tham dự hội nghị, sau đó bị phía Hoa Kỳ bắt giữ vì tội hoạt động gián điệp đến nay vẫn chưa được thả về; hay nhà khoa học người Hoa chuyên về chất siêu dẫn nổi tiếng Trình Tiểu Tinh bị Mỹ tố cáo bán kỹ thuật siêu dẫn nhạy cảm cho phía Bắc Kinh.

Theo tạp chí "Tin tức quốc phòng" Mỹ hồi tháng 6-2016, Tòa án liên bang nước này vừa công bố văn bản cho biết, cơ quan an ninh Hoa Kỳ vừa ngăn chặn thành công phi vụ phía Trung Quốc tìm cách có được động cơ máy bay chiến đấu tối tân và máy bay không người lái (UAV).

Ông Noshir S. Gowadia bị kết án 32 năm tù.

Đáng chú ý là, khác với những lần trước phía Mỹ thường tố cáo "gián điệp Trung Quốc đánh cắp kỹ thuật Hoa Kỳ", lần này vụ việc liên quan đến các sản phẩm cụ thể. Theo tin từ tạp chí trên, tòa án Mỹ đã tuyên bố hai người Trung Quốc là Mãn Văn Hà và Trương Tân Sinh đã tìm cách mua loại UAV "Tử thần" MQ-9 do hãng General Atomics chế tạo; các động cơ phản lực F-135 của hãng Pratt & Whitney dùng cho máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới F-35, động cơ F-119 dùng cho máy bay tàng hình F-22 và động cơ F-110 do hãng General Electric chế tạo dùng cho các loại máy bay F-15 và F-16.

Tất cả những sản phẩm trên đều thuộc loại kỹ thuật cao mà Chính phủ Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Được biết, các mật vụ của Cục An ninh nội địa Mỹ đã bí mật điều tra và ngăn chặn thành công vụ buôn lậu nghiêm trọng này. Tòa án Liên bang Mỹ cáo buộc Mãn Văn Hà và Trương Tân Sinh về tội hoạt động gián điệp kỹ thuật, âm mưu đoạt lấy những thông tin giúp Trung Quốc có được những kỹ thuật tiên tiến mà không mất công nghiên cứu.

FBI tóm gián điệp Trung Quốc

Tờ Seattle Times (Mỹ) mới đây đưa tin, Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ một công dân Trung Quốc vì tìm cách mua các công nghệ vũ trụ cấm xuất khẩu, có thể là để chế tạo "tàu vũ trụ thế hệ mới".

Công tố viên liên bang đã đưa ra cáo buộc đối với Lian Yang, 53 tuổi. Việc xét xử sơ bộ sẽ diễn ra nếu như đại bồi thẩm đoàn liên bang không đưa ra kết luận buộc tội về vụ này. Luật sư của bị cáo đã từ chối bình luận với cớ, vụ việc này có tính bất thường. Hồ sơ cáo trạng dày 27 trang cho biết, công dân Trung Quốc này đã thương thảo với 2 điệp viên do Cục điều tra Liên bang Mỹ phái đến về việc mua 300 sản phẩm bán dẫn chịu bức xạ trị giá 700.000 USD.

Các sản phẩm bán dẫn loại này dùng để chế tạo vệ tinh quân sự. Bị cáo và một số đồng phạm không nêu tên đã đặt cọc 60.000 USD. Bị cáo bị bắt khi định giao thêm 20.000 USD. FBI đã lưu ý tới công dân Trung Quốc này từ lâu khi họ cử một doanh nhân đồng ý giúp đỡ chính quyền Mỹ tiếp cận Lian Yang.

Lian Yang khai, anh ta làm tư vấn cho công ty Microsoft ở Trung Quốc. Ngày 31-7-2014, chuyên gia kỹ thuật bị chặn lại ở cửa hải quân Mỹ vì mang 10 màn hình tinh thể lỏng không khai báo, nhưng được thả vì màn hình tinh thể lỏng không nằm trong danh sách hàng cấm xuất. Yang đã bị nhắc nhở phải chấp hành luật pháp Mỹ và được thả.

Sau đó, Yang khai nhận, anh ta và các đối tác đã mua ở Nga các sản phẩm bán dẫn tương tự, nhưng đã xuất hiện "vấn đề chất lượng". Cuối cùng, điệp viên Trung Quốc đã gặp các điệp viên của FBI đóng giả nhà xuất khẩu loại hàng quốc cấm này. Trong bài phát biểu của luật sư bị cáo đã nói rằng, hành động của các nhân viên FBI là phi pháp.

Bán công nghệ tàng hình cho Trung Quốc, lãnh 32 năm tù

Công dân Mỹ gốc Ấn Noshir S. Gowadia năm 2015 đã bị kết án 32 năm tù vì tội bán công nghệ quân sự cho Trung Quốc, AP đưa tin.

Bản án đối với Gowadia được tuyên tại tòa án liên bang ở Hawaii. "Ông ta đã vi phạm lời thề trung thành với đất nước mình", thẩm phán Susan Oki Mollway tuyên bố. Bà nói rằng, bị cáo đã bán các kết quả nghiên cứu quân sự ra nước ngoài để làm giàu cá nhân. Noshir S. Gowadia bị xác định là có tội trong vụ này vào tháng 8-2010. Gowadia bị cáo buộc 17 tội danh, trong đó có rửa tiền và vi phạm luật pháp về xuất khẩu vũ khí. Ông ta được chứng minh phạm 14 tội trong số đó.

Bên nguyên đơn yêu cầu mức án chung thân, song bản án 32 năm cũng làm các công tố viên hài lòng. Gowadia sẽ có cơ hội ra tù trước thời hạn khi ngoài 90 tuổi. Gowadia năm nay 68 tuổi, từng tham gia dự án phát triển máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit của hãng Northrop. Ông ta phụ trách phát triển loa phụt cho các động cơ phản lực. Các động cơ này nhờ giảm nhiệt độ khí phụt mà làm cho máy bay khó bị phát hiện hơn đối với các cảm ứng nhiệt. Gowadia tự gọi mình là "cha đẻ" của công nghệ bí mật này.

Theo giả thiết của bên nguyên, Gowadia sau khi rời khỏi cơ quan thiết kế đã "làm ăn riêng". Ông ta thành lập một công ty tư vấn hợp tác cả với các đối tác nước ngoài. Năm 2005, FBI nghi ngờ công ty của Gowadia hoạt động gián điệp. Kết quả, họ tìm thấy các bằng chứng cho thấy Gowadia hợp tác với Trung Quốc.

Theo đó, ông chia sẻ với các chuyên gia quân sự Trung Quốc công nghệ mật chế tạo tên lửa có mức tỏa nhiệt thấp.

Ngoài ra, FBI cũng xác định được, bị cáo đã mưu toan bán công nghệ cho Israel, Đức và Thụy Sĩ. Gowadia đã kiếm được tổng cộng 110.000 USD từ hợp tác với nước ngoài. Theo cơ quan điều tra, bị cáo cần số tiền này để trả tiền thuê một biệt thự sang trọng nhìn ra biển trên đảo Maui (Hawaii). Bản thân bị cáo khẳng định, ông ta không bán ra nước ngoài các tin tức bí mật mà chỉ chia sẻ thông tin công khai với các đối tác của mình.

Văn Nguyễn –T.T. (tổng hợp)
.
.