Sinh viên sẵn sàng bán nội tạng để trả nợ?

Thứ Tư, 07/10/2015, 20:45
Những lời mời chào hấp dẫn về buôn bán nội tạng đang tràn ngập các trang mạng xã hội ở Mỹ. Theo một vài cuộc điều tra xã hội học được thực hiện, có tới 30% sinh viên mới ra trường ở nước này sẵn sàng bán nội tạng để trả khoản nợ đã vay hồi còn đi học.

Khi mùa tốt nghiệp đại học ở Mỹ và cũng là mùa đẹp nhất trong năm  đối với mỗi sinh viên Mỹ cũng là lúc họ phải đối mặt ngay với gánh nặng nợ mà họ đã vay để trang trải tiền học phí. Tấm bằng đỏ có được chưa thể giúp họ có ngay việc làm trong khi cuộc sống vẫn tiếp diễn hằng ngày, và đồng tiền là thứ tối cần thiết để duy trì cuộc sống. Nợ chồng chất, gánh nặng hằng ngày đè lên những đôi vai non nớt ấy của thanh niên đang ở mức báo động.

Hiện nay có khoảng 40 triệu sinh viên Mỹ đang phải gồng mình gánh nợ. Ảnh: Reuters.

Emily, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Maryland nói: "Tôi đã  phải chọn học tại một trường công với mức học phí thấp và cắt giảm mọi chi tiêu đến mức tối thiểu kể từ khi vào đại học. Mùa hè nào tôi cũng đi làm tại một phòng khám để có thêm thu nhập nhưng món nợ của tôi hiện đã lên tới 40.000USD. Lúc nào tôi cũng phải lo lắng về vấn đề tài chính. Kể cả khi đã tốt nghiệp, tôi lại phải lo kiếm việc đúng ngành nghề và hỏi về mức lương để xem có đủ chi trả cuộc sống và trả nợ hay không".

Hiệp hội Toàn quốc các luật sư chuyên trách về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) cho biết trong vài năm qua, số lượng sinh viên Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ tăng từ 25-30% và không ít sinh viên ra trường đến tuổi 60 vẫn chưa trả hết nợ. Thế hệ sinh viên Mỹ ra trường năm 2010 có mức nợ cao nhất, trung bình  là 25.250USD/người.

Tổng nợ sinh viên tại Mỹ đã lên đến 1.200 tỉ USD. Ảnh GOCOLLEGE.

Một khảo sát công bố hôm 10/9 của trang tư vấn tài chính MyBankTracker cho thấy, tổng nợ sinh viên tại Mỹ đã lên đến 1.200 tỉ USD. Có những món nợ lên tới con số triệu USD và không ít sinh viên Mỹ nói rằng có lẽ tới già họ cũng không thể trả hết món nợ này. Thống kê mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, trong vòng một thập niên qua gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã tăng gấp hơn 3 lần. Khoản nợ của sinh viên giờ đây là lớn thứ hai trong danh mục các khoản nợ của Mỹ, chỉ xếp sau khoản nợ thế chấp. Trung bình mỗi sinh viên Mỹ vay nợ khoảng 12.800 USD, trong đó khoảng 25% nợ hơn 28.000USD; 10% nợ hơn 54.000USD và 3,1% nợ hơn 100.000USD.

Việc gia tăng các khoản nợ sinh viên là do học phí của các trường đại học tăng mạnh trong thập niên qua và số lượng học sinh vào đại học đông hơn. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề ra chính sách giảm lãi suất vay nợ sinh viên, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, biện pháp này đã quá muộn và không hiệu quả để cứu vãn nguy cơ "bong bóng" nợ sinh viên. Hiện nay có khoảng 40 triệu sinh viên Mỹ đang phải gồng mình gánh nợ.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tuy đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua và chỉ còn 5,1% nhưng cơ hội có việc làm đối với các sinh viên mới ra trường không phải là dễ. Đó là chưa kể đến việc rất ít người Mỹ có được chỗ làm với mức lương 30.000USD/năm. Vì thế, khoản nợ thời sinh viên không được giảm đi mà cứ tăng theo năm tháng, kể cả khi đã ra trường. Đây cũng là một trong những lý do khiến có tới 30% sinh viên Mỹ khi được hỏi trả lời sẵn sàng bán nội tạng để lấy tiền trả nợ?

Khảo sát của trang tư vấn tài chính MyBankTracker  đưa ra nhiều lựa chọn, và 43% số người được hỏi sẵn sàng bán hết tài sản cá nhân; 38% cho biết sẽ đồng ý tham gia các nghiên cứu và thí nghiệm trên cơ thể; 32% tuyên bố sẽ đi nghĩa vụ quân sự; 30% sẵn sàng cho đi một quả thận hoặc một phần gan, miễn là được xóa nợ… Đại diện của MyBankTracker cho biết, cuộc khảo sát này được thực hiện với 200 sinh viên mới ra trường với khoản nợ trung bình là 34.500USD.

Ông Alex Matjanec, một trong những nhà thành lập MyBankTracker giải thích: "Nhiều người thà bán nội tạng của mình để trả nợ còn hơn là làm việc kiếm tiền để trả món nợ sinh viên bởi theo họ, khoản nợ đang dần đánh mất khả năng đầu tư, tích cóp dần dần của họ. Tâm lý "thoát khỏi nợ nần bằng mọi giá" kiểu này liên quan tới thực tế 56% những người dưới 30 tuổi có xu hướng trì hoãn những quyết định quan trọng trong cuộc sống bởi họ còn phải trả nợ".

Châu Anh (tổng hợp)
.
.