Na Uy: Nhập rác thải xử lý thành nguồn năng lượng

Thứ Tư, 17/02/2016, 22:35
Mỗi ngày cả nghìn tấn rác sinh hoạt được nhập về qua các cảng biển ở Oslo, thủ đô của Vương quốc Na Uy để xử lý thành nguồn năng lượng hữu ích, cung cấp cho nhu cầu của gần 1 triệu dân thành phố.


Lượng rác khổng lồ từ các đô thị nước ngoài đóng trong các container chuyên dụng, được vận chuyển về Khu Liên hợp xử lý chất thải Klemetsrud nằm ở vùng ngoại ô Oslo. Trước lối vào tổng kho đồ sộ của Nhà máy Klemetsrud là từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ dỡ hàng. Sau đó các container được cần cẩu xếp dỡ đổ xuống hệ thống băng chuyền, rồi chạy qua khu phân loại sàng lọc lấy những gì có thể tái chế, trước khi đưa vào lò đốt để cho ra thành phẩm mới là năng lượng tái tạo.

Phân loại rác có thể tái chế tại nhà máy Klemetsrud.

"Hãy tạm thời quên đi những nguồn năng lượng khai khoáng gây ô nhiễm môi trường như than đá và dầu mỏ, ngay cả điện hạt nhân tưởng chừng là "năng lượng sạch" nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ - ông Pal Mikkelsen, Giám đốc Khu Liên hợp xử lý chất thải Klemetsrud cho biết - Chỉ riêng cơ sở tái tạo rác của chúng tôi hằng năm đã đáp ứng nhu cầu năng lượng của tất cả các trường học, cũng như 56.000 ngôi nhà khác trên địa bàn Oslo".

Vẫn theo lời ông P. Mikkelsen, sau khi phân loại những thứ có thể tái chế như giấy vụn, kính vỡ, đồ gỗ... số rác còn lại chiếm phần đáng kể sẽ được thiêu hủy ở lò đốt chuyên dụng, với nhiệt lượng luôn được duy trì ở mức ban đầu là 800oC để bảo đảm rác được phân hủy hết. "Trong thời gian đốt, nhiệt lượng tương ứng sẽ tự tăng lên tới hàng ngàn độ C, chủ yếu do rác thải bốc cháy tạo ra. Chính việc tận dụng sự chênh lệch nhiệt độ đáng kể này đã biến thành nguồn năng lượng tái tạo hữu ích", Giám đốc P. Mikkelsen giải thích.

Đưa rác thải sinh hoạt vào lò đốt biến thành năng lượng hữu ích.

Agnar Andersen, Trưởng phòng Kỹ thuật của Nhà máy Klemetsrud, thì lượng nhiệt cao "xê dịch" nêu trên sẽ được dùng để đun sôi trữ lượng nước khổng lồ chứa trong những chiếc bồn thiết kế bên cạnh lò đốt. "Hơi nước bốc lên sẽ đẩy cánh quạt các tua-bin phát điện quay hết công suất. Số nước nóng còn lại theo đường ống ngầm cách nhiệt dẫn từ nhà máy, tỏa về sưởi ấm các trường học và nhà dân ở Oslo. Song song là việc xử lý lượng khói thải ra trong quá trình đốt. Chúng được nén trong những bể ngầm chôn sâu dưới lòng đất, rồi dần triệt tiêu theo thời gian mà không gây tác hại đến thổ nhưỡng cũng như môi trường sinh thái nói chung" - ông Andersen cho biết.

Được biết, 4 tấn rác thải sẽ cung cấp năng lượng ngang với 1 tấn dầu mỏ, đáp ứng việc sưởi ấm của một hộ gia đình trong suốt 6 tháng mùa đông. "Vả lại vận chuyển và xử lý rác thải vẫn rẻ hơn gấp nhiều lần, nếu so với việc chuyên chở dầu mỏ rồi đem tinh lọc vốn rất tốn kém. Trong khi rác đưa về để tái tạo năng lượng không bị đánh thuế nhập khẩu, chưa kể nhiều nơi còn "biếu không" vì họ đỡ được diện tích lưu trữ rác" - Trưởng phòng A. Andersen nhấn mạnh.

Một phần điện thắp sáng đường phố Oslo là từ rác thải.

"Nếu ở đâu rác sinh hoạt cũng được xử lý và tái tạo tốt như ở Oslo, tôi tin rằng vấn đề năng lượng sạch tại các quốc gia khác sẽ được giải quyết căn bản, nhất là xét theo góc độ bảo vệ môi trường tự nhiên - ông Lars Haltbrekken, Chủ tịch Hiệp hội Những người bạn của trái đất (NNV), tổ chức bảo vệ môi trường ở Na Uy khẳng định - hiện thời chỉ có khoảng 5% lượng rác trên hành tinh được xử lý".

Năm qua, ngoài nguồn rác đô thị tại chỗ, chính quyền Oslo đã cấp quota nhập hơn 1 triệu tấn rác sinh hoạt từ các nước láng giềng, thậm chí tại các quốc gia xa xôi như Italia, Anh và Bắc Ireland... Hàng triệu hộ gia đình đâu ngờ rằng những thứ mà mình "đang tâm" vứt đi, đã được tái tạo thành nguồn năng lượng thay thế hữu ích, đáp ứng nhu cầu thắp sáng và sưởi ấm của đông đảo người dân Oslo. Sử dụng triệt để năng lượng từ rác thải là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Na Uy, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra là giảm phân nửa lượng khí thải carbon dioxide (CO2) độc hại trong vòng 20 năm tới, cũng là chỉ tiêu cắt giảm cao nhất so với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Kim Dung (tổng hợp)
.
.