Ngoại giao y tế giúp Cuba ghi điểm với thế giới

Thứ Năm, 24/09/2020, 08:37
Từ đầu năm tới nay, khi dịch COVID-19 khiến nhiều hệ thống chăm sóc y tế trên toàn cầu trở nên quá tải, Cuba đã huy động nguồn lực đông đảo các bác sĩ của nước này tỏa ra khắp thế giới để thực hiện sứ mệnh chống dịch cứu người.


Nhận về không ít lời tán thưởng

Cuba sở hữu một hệ thống y tế rất phát triển so với mặt bằng chung trên thế giới và là một trong những nước có tỉ lệ bác sĩ trên đầu người cao nhất thế giới. 

Trước đại dịch, Cuba có 28.000 nhân viên y tế triển khai khắp toàn cầu. Sau khi COVID-19 xuất hiện, họ tiếp tục triển khai thêm 4.000 bác sĩ, y sĩ tới các nước. Gần 40 quốc gia tại 5 châu lục đã nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các nhân viên y tế Cuba trong lúc đại dịch hoành hành.

Cuba hiện có trên 37.000 nhân viên y tế tại 67 quốc gia. Một số bác sĩ được cử đi trong nhiệm vụ hoàn toàn tình nguyện. Trong một số trường hợp, chính phủ nước sở tại hoặc các tổ chức y tế quốc tế sẽ chi trả phí lao động của các bác sĩ cho Chính phủ Cuba. 

Nhiều quốc gia cho biết, họ đã học tập cách Cuba ứng phó với đại dịch tại quê nhà như cách ly, truy vết mầm bệnh… Thành công bước đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 một lần nữa đưa hệ thống y tế Cuba lên bản đồ thế giới, giúp họ nhận về không ít lời tán thưởng.

Các bác sĩ Cuba tại sân bay ở Italy, hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19. Ảnh: AP

Ông Paul Hare, cựu đại sứ Anh tại Cuba, hiện đang giảng dạy tại Đại học Boston, Mỹ khẳng định phần lớn thế giới vẫn đánh giá cao chính sách ngoại giao y tế của Cuba. 

"Trước khi nhiều nước lớn hơn nhận thức được rằng có nhiều lợi ích ngoại giao khi cung cấp thiết bị và nhân lực y tế, như Trung Quốc, Nga và nhiều quốc gia châu Âu khác, thì Cuba đã thể hiện mình, chuẩn bị và triển khai vận chuyển hàng hóa cực kì nhanh chóng. Câu hỏi đặt ra là liệu việc này có đem lại lợi ích lâu dài cho họ sau khi hết đại dịch hay không, nhưng Cuba được phần lớn các quốc gia đánh giá rất khác so với cách nhìn của chính quyền Mỹ", theo ông Paul Hare.

Mới đây nhất, 593 bác sĩ từ lữ đoàn Henry Reeve, do cố Chủ tịch Fidel Castro thành lập năm 2005 theo tên của một tình nguyện viên người Mỹ chiến đấu cùng người Cuba chống thực dân Tây Ban Nha, đã được gửi tới Suriname, Jamaica, Dominica, Belize, Saint Vincent và Grenadines, St. Kitts và Nevis, Venezuela, và Nicarragua. 

Toàn bộ 593 y bác sĩ này được cử đi để đối phó với đại dịch COVID-19 ở các nước, dù một số quốc gia thậm chí mới chỉ có số ca nhiễm dưới 10. Không thỏa thuận hay điều khoản tài chính nào liên quan tới việc cử và tiếp nhận các nhân viên y tế này được công khai.

Cơ hội mới và gia tăng nguồn thu

Những "chiến binh áo blouse trắng" được xem là cầu nối của Cuba với nhiều nước trên thế giới, từ các nước nghèo ở châu Phi tới các nước giàu ở Phương Tây cho tới những nước không có liên kết về mặt chính trị với Cuba, như Peru chẳng hạn. Havana cho biết nhận được 6 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu dịch vụ y tế, trong đó phần lớn đến từ các y bác sĩ làm việc ở nước ngoài. 

Khi Brazil trục xuất các bác sĩ Cuba năm 2018, một số chi tiết được hé lộ. Quốc gia Nam Mỹ trước đó trả 3.1000 USD mỗi tháng cho một bác sĩ Cuba. Các bác sĩ phần lớn kiếm được ít hơn 100 USD mỗi tháng nếu làm việc tại Cuba, vì vậy tham gia các đoàn y tế làm việc ở nước ngoài giúp họ cải thiện thu nhập đáng kể, dù số tiền họ nhận được trên thực tế thấp hơn nhiều so với trung bình của thế giới. 

Cuba có tỷ lệ nhân viên y tế trên số dân cư tương đối cao so với trung bình thế giới. Chính phủ Cuba cho biết nước này có khoảng 90.000 nhân viên y tế, trong khi dân số là 11 triệu người.

Cuba hiện có khoảng 37.000 nhân viên y tế làm việc tại 67 quốc gia, phần lớn trong các hoạt động dài ngày. Một số bác sĩ được cử đi làm việc trong các nhiệm vụ tình nguyện, nhưng nhiều quốc gia phải trả tiền khi tiếp nhận sự trợ giúp y tế của Cuba. Một số trường hợp, các cơ quan y tế quốc tế là bên chi trả cho Cuba. 

Lữ đoàn Henry Reeve từng được triển khai trong cuộc chiến chống các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có đại dịch Ebola tại Tây Phi năm 2014. Khi đó, Cuba nhận được sự phối hợp từ chính quyền Tổng thống Barack Obama, trong bối cảnh quan hệ song phương được cải thiện. 

Theo Reuters, nguồn lực y tế và bác sĩ chất lượng cao của Cuba cũng giúp nước này thu về được tiền hoặc hàng hóa khi họ được triển khai tới các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh Cuba vẫn đang chịu nhiều lệnh cấm vận. 

Hiệu quả và độc đáo nhất thế giới 

Một ấn phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng mô tả y tế của Cuba là "một trong những hệ thống hiệu quả và độc đáo nhất thế giới". Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi nó là "hình mẫu" cho các quốc gia khác trên thế giới. Bất chấp cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu kinh phí và hàng thập kỷ bị Mỹ cấm vận, Cuba vẫn có tỷ lệ bác sĩ cao nhất toàn cầu, với 8,4 bác sĩ trên 1.000 dân, theo Ngân hàng Thế giới. 

Người dân Cuba có tuổi thọ trung bình đạt 79 năm, cao hơn mức trung bình thế giới là 73 năm và chỉ thấp hơn rất ít so với các quốc gia giàu có như Nhật Bản, Thụy Sĩ hay Singapore. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em tại Cuba cũng thuộc hàng thấp nhất thế giới. Cuba lâu nay đã tập trung vào y học gia đình, công tác cộng đồng và phòng chống dịch bệnh. 

Họ duy trì mạng lưới gồm hàng trăm phòng khám đa khoa trên khắp đất nước, bên cạnh các văn phòng chỉ gồm một y tá một bác sĩ đặt ở hầu hết các khu dân cư. Cách tiếp cận mang tính cộng đồng này đã phát huy tác dụng khi COVID-19 bùng phát.

Hơn 6 thập kỷ qua, các bác sĩ Cuba đã được điều tới khắp châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Tổng cộng, Cuba đã cử hơn 400.000 nhân viên y tế tới làm việc tại trên 160 quốc gia. Các bác sĩ Cuba đã tới hỗ trợ Pakistan sau trận động đất thảm khốc hồi năm 2005, tới giúp đỡ Haiti chống dịch tả năm 2010 và tới Tây Phi chung tay chống đại dịch Ebola năm 2014…
Văn Hùng
.
.