Ngôi nhà thông minh hơn trong tương lai

Thứ Bảy, 20/02/2016, 16:00
Ngôi nhà thông minh kết nối với chiếc ôtô tự động hoạt động khi bạn lái xe về đến nhà. Hệ thống sưởi tự động khởi động, cường độ ánh sáng chọn sẵn được bật lên, bếp lò bắt đầu tự động hâm nóng lại nồi thịt hầm được nấu từ đêm trước đó.

Bạn không phải lóng ngóng với chùm chìa khóa cửa mà hệ thống an ninh nhận diện gương mặt sẽ giúp mở cửa tự động. Các máy hút bụi tự động làm việc và âm nhạc vang lên phù hợp với tâm trạng của bạn khi bước vào nhà. Đây là ngôi nhà kết nối thông minh trong tương lai. Nhưng liệu hiện thực có xảy ra?

Ngôi nhà kết nối thông minh trong tương lai không xa.

Holger Knoepke, Phó chủ tịch dự án ngôi nhà kết nối thông minh của Công ty viễn thông Deutsche Telekom của Đức, khẳng định mọi công nghệ tiên tiến nhất dành cho kịch bản này đã sẵn sàng: “Chúng tôi nhận thức được ngôi nhà kết nối thông minh sẽ có thị trường khổng lồ - từ 50 đến 80% số người dân khẳng định họ đặc biệt quan tâm đến các dịch vụ nhà thông minh.

Deutsche Telekom hiện đang phát triển một nền tảng mở, tương tự như SmartThings của Tập đoàn Samsung Hàn Quốc, để chuẩn bị cho mọi thiết bị kết nối – từ hệ thống chiếu sáng dò chuyển động cho đến điện kế thông minh. Gần 40 đối tác – bao gồm những thương hiệu lớn như Philips, Bosch, Sonos và Samsung – đã đăng ký hợp tác với nền tảng của Deutsche Telekom. Nhà chế tạo ôtô BMW cũng đang tiến hành thử nghiệm mạng giao tiếp giữa ôtô và ngôi nhà thông minh. Điện kế và bộ ổn nhiệt thông minh sẽ điều chỉnh năng lượng sử dụng trong nhà với chế độ tiết kiệm nhất.

Michael Philpott, chuyên gia phân tích Công ty nghiên cứu công nghệ Ovum trụ sở tại thủ đô London, nhận định: “Năm 2020, tuyệt đại đa số chúng ta sẽ sử dụng điện kế và bộ ổn nhiệt thông minh. Các thiết bị gia đình khác như là tủ lạnh sẽ được kết nối với chúng giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ đáng kể”.

Khi mà ngày càng có thêm nhiều người sử dụng smartphone và ứng dụng di động, các nhà bán lẻ và nhà chế tạo tin tưởng thị trường cho mọi sản phẩm công nghệ kết nối sẽ rộng mở - theo lập luận của Steve Macdonald, Giám đốc marketing bộ phận máy gia dụng Công ty Hoover ở thành phố North Canton bang Ohio (Mỹ). Mới đây, nhà sản xuất thiết bị nhà bếp này đã tung ra thị trường sản phẩm Hoover Wizard – đó là những thiết bị kết nối wifi trong nhà và được kiểm soát bằng một ứng dụng.

Steve Macdonald giải thích: “Mọi thiết bị trong nhà đều được kiểm soát khi chủ nhân đã rời khỏi nhà. Ví dụ, chủ nhà sẽ được thông báo khi chương trình giặt tự động kết thúc và lúc đó chỉ cần ấn một nút trên ứng dụng di động để điều khiển máy”. Một ví dụ khác: khi đứng mua hàng trong siêu thị, chủ nhân có thể dùng ứng dụng di động để hạ thấp nhiệt độ máy lạnh. Bếp lò thông minh cũng nhanh chóng thông báo đến chủ nhân khi nó cần được làm vệ sinh! Công nghệ kiểm soát từ xa sẽ giúp mọi người tiết kiệm thời gian một cách hiệu quả nhất, Macdonald nhấn mạnh.

Steve Macdonald nói rằng: “Chúng tôi tin tưởng thị trường sẽ chuyển động rất nhanh và đến năm 2017 mọi thiết bị nhà bếp của chúng tôi sẽ được kết nối một cách thông minh. Chưa kể, toàn bộ thị trường sẽ sử dụng thiết bị kết nối thông minh vào năm 2020”. Ngoài ra, an ninh cho ngôi nhà thông minh cũng được chú ý đến.

Cửa garage tự động mở và chiếc xe cũng tự lái vào đỗ bên trong.

Công ty viễn thông Mỹ AT&T của Mỹ đang xây dựng sản phẩm an ninh cho ngôi nhà thông minh gọi là Digital Life - cung cấp hệ thống video camera, mạng cảm biến cho hoạt động mở và đóng cửa, tính năng khóa cửa từ xa và thiết bị dò chuyển động. Tất cả đều được điều khiển từ smartphone, máy tính bảng hay laptop.

Michael Philpott tuyên bố: “Nhiều nhà cung cấp dịch vụ đang khởi động giải pháp an ninh thật hiệu quả cho ngôi nhà thông minh. Ở Anh, khoảng 30% những ngôi nhà có lắp đặt hệ thống báo động, và khoảng 10% trong số đó trả tiền hàng tháng cho dịch vụ an ninh tư gia chuyên nghiệp”. Knoepke cũng cho biết an ninh là vấn đề lớn ở Đức do mọi người đều lo ngại bọn trộm cắp. Thêm vào đó, ngôi nhà thông minh cũng cảnh báo từ xa cho chủ nhân biết về khói bất thường, khí độc carbon monoxide, tình trạng rò rỉ nước.

Mặt khác, hai “ông lớn” Apple và Amazon dường như cũng muốn tạo dựng hệ sinh thái riêng của mình. Một số công ty công nghệ hợp tác thành liên minh đề ra bộ tiêu chuẩn chung cho phép mọi thiết bị của họ có thể nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ mà chúng có thể hiểu được.

Năm 2013, Linux Foundation thành lập liên minh gọi là “All Seen Alliance” cùng với Qualcomm, LG Electronics, Panasonic, Sharp và các công ty tiếng tăm thế giới khác. Năm 2014, liên minh có tên Thread ra đời từ sự hợp tác giữa Công ty Nest (nhà sản xuất bộ ổn nhiệt thông minh Nest Thermostat được Google mua lại), Samsung

Trong khi đó, một nhóm công ty bao gồm Intel, Samsung và Dell lập ra Open Interconnect Consortium. Và, Home Gateway Initiative được sáng lập bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng đã đi vào hoạt động từ năm 2004.

Diên San (tổng hợp)
.
.