Người Việt Nam đầu tiên điều trị trẻ tự kỷ bằng âm nhạc:

Khơi gợi tài năng cho một thế giới khác

Thứ Tư, 09/12/2015, 07:00
"Với tôi, các con không phải là người khuyết tật mà các con là người thuộc về một thế giới riêng của mình, khác chúng ta. Nếu dạy dỗ sai, các con sẽ mãi như vậy nhưng nếu dạy đúng, khơi được tài năng thì rất có thể các con là những thiên tài. Thế giới không ít thiên tài có tuổi thơ là trẻ tự kỷ" - Nguyệt Thu - người đầu tiên ở Việt Nam dùng âm nhạc điều trị cho trẻ tự kỷ bắt đầu câu chuyện của chị như vậy.

Chữa tự kỷ cho con trai mình

Sinh năm 1973, Nguyệt Thu làm quen với cây đàn Viola từ năm 6 tuổi. Năm 1989, chị tốt nghiệp loại xuất sắc Học viện Tchaicovsky (Liên Xô) và giành được rất nhiều giải thưởng Viola danh giá của thế giới, chinh phục không ít "thánh địa" âm nhạc của châu Âu. Chẳng mấy chốc, Nguyệt Thu đã được biết đến với vai trò một nghệ sĩ Viola đẳng cấp quốc tế. Bởi vậy, Nguyệt Thu hiểu rất rõ sức mạnh của âm nhạc đối với đời sống tinh thần của con người.

Theo quan điểm của Nguyệt Thu, rung cảm âm thanh mà "những người bạn trẻ" này cảm nhận được đôi khi còn tinh tế hơn so với những đôi tai thông thường. Lẽ đó, sau nhiều năm bôn ba thế giới, chị về Việt Nam với mong muốn dùng âm nhạc để để xoa dịu tâm hồn, khơi dậy những tiềm năng bất tận của những trẻ em không may mắn mắc bệnh tự kỷ.

Các trẻ tại trung tâm trong một buổi sinh hoạt.

Đến với trẻ em tự kỷ như một duyên trời định. Năm 2001, cuộc hôn nhân đầu đời của chị kết trái và cậu con trai kháu khỉnh chào đời. Niềm hạnh phúc trọn vẹn chẳng kéo dài được lâu, khi con trai ngày một lớn và chị càng nhận ra những biểu hiện khác lạ, không bình thường. Trong suốt 4 năm trời, con chỉ ăn duy nhất món quen thuộc, không ăn thêm gì khác? Hơn nữa, con chị cũng chỉ chịu đi ngủ khi được ôm cái gối quen của mình. Ngoài ra, cậu bé cũng không bao giờ chơi các trò chơi như bạn bè cùng trang lứa. Khi ở nhà, cháu rất ít nói chuyện, hay cáu gắt vô cớ và nhiều lúc cáu lên đánh cả mẹ. Khi cháu đi học thì gắt gỏng, phá lớp, đánh bạn bè và không chịu nghe giảng...

"Qua tìm hiểu thông tin thì tôi nhận ra con mình đã có những biểu hiện của chứng tự kỷ. Lúc đó tôi hết sức dằn vặt bản thân mình, tôi cho rằng vì mình mải mê đi biểu diễn, không có thời gian quan tâm con nên con sinh ra như thế?" - chị Nguyệt Thu chia sẻ. Mãi về sau, khi tìm đến các chuyên gia cũng như tìm hiểu thêm tài liệu, chị biết được bệnh tự kỷ đa phần do bẩm sinh chứ không phải do môi trường tác động. Từ đó, để cứu con trai khỏi căn bệnh này, chị không ngại bất cứ cách thức nào miễn nghe nói hiệu quả? Chị mang con đến các trường chuyên biệt học tập, rồi đưa sang Hà Lan, Malaysia, Singapore… nhưng không thu được nhiều kết quả.

Phải đến khi Nguyệt Thu  đọc được một tài liệu nghiên cứu của nước ngoài cho rằng 100% trẻ tự kỷ đều có phản ứng tốt với âm nhạc chị mới tìm được ánh sáng hy vọng. Bản thân là nghệ sĩ, chị thừa hiểu sức mạnh của âm nhạc đối với tâm hồn con người nên chị áp dụng ngay để trị liệu cho con trai. Như một phép màu, tâm hồn cậu bé yên bình hẳn, tĩnh như mặt nước hồ thu mỗi khi nghe bản nhạc yêu thích. Sau một thời gian, con chị đã có biến chuyển, bớt tăng động và chịu mở lòng mình với thế giới hơn.

Theo chị Nguyệt Thu, âm nhạc là thứ thuốc trên cả tuyệt vời đối với trẻ tự kỷ, giúp trẻ giảm tăng động, giảm căng thẳng, có được sự tập trung, thư giãn và hòa nhập hơn với thế giới xung quanh. Tất nhiên, những bản nhạc cho trẻ tự kỷ phải là những bản nhẹ nhàng, du dương, êm ái… phù hợp.

Những sản phẩm thủ công do chính tay các em làm ra.

Chữa cho con mình có tiến triển tốt, nhận thấy phương pháp có hiệu quả cao nên khi tiếp xúc với nhiều người cha, người mẹ có con không may mắc chứng này, chị Nguyệt Thu nung nấu ý định mở ngôi trường dạy cho trẻ tự kỷ với sự hỗ trợ của âm nhạc. Ngôi trường SforA nhanh chóng được ra đời. Chị Nguyệt Thu cũng mời được những nhà giáo có kinh nghiệm như Thạc sĩ Trương Hồng Loan-nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô, Tiến sĩ Nguyễn Kim Anh -  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo cán bộ giáo viên Trường đại học Sư Phạm Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuấn -  Giám đốc Trung tâm Music Talent tham gia cùng trung tâm.

Ngôi nhà thứ 2 cho trẻ tự kỷ

SforA là ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam dùng nghệ thuật và vận động để trị liệu bệnh tự kỷ của trẻ em. Ở đây, các trẻ em mắc chứng tự kỷ sẽ được học tất cả các bộ môn như văn hóa cơ bản, kỹ năng sống, tiếng Anh nhưng nhà trường sẽ dành nhiều thời gian cho các em học những bộ môn năng khiếu nghệ thuật như: Piano, Organ, Guitar, Violin, Thanh nhạc và các bộ môn thể dục thể thao như điền kinh, bóng đá, bơi… Tuy nhiên, SforA là trường học lấy âm nhạc làm phương pháp chủ yếu để trị liệu tự kỷ cho trẻ.  Mỗi ngày, các em học tại đây sẽ được nghe cô giáo Nguyệt Thu cũng như các giáo viên khác chơi nhạc, được tự mình đánh đàn, được ca hát, nhảy nhịp điệu, hội họa, vui chơi…

Theo Nguyệt Thu, âm nhạc dùng trong nhà trường có hai loại: một là nhạc chung cho mọi trẻ và hai là nhạc riêng cho từng em. Thông qua việc dạy trẻ, giáo viên sẽ nắm được tình trạng, thiên hướng của từng em mà lựa chọn âm nhạc riêng cho phù hợp. Bởi trẻ em tự kỷ mỗi em một cá tính, không ai giống ai và mỗi em lại có một tài năng riêng. Thế giới cũng đã chứng kiến rất nhiều thiên tài có tuổi thơ là người tự kỷ tuy số này rất hiếm.  Ở đây, có những em tăng động, có em lại trầm cảm, mềm yếu, có em thích âm nhạc, em thích hội họa, thích nhảy, thích vận động…  Các em thường không giao tiếp, nói chuyện với ai. Không nói chuyện không phải vì các em không biết nói mà các em ấy đang rất nhút nhát, đang co mình vào thế giới riêng. Có em cho nghe âm nhạc thì không thích nhưng cho vẽ, cho hoạt động thì lại có thể mải mê chơi cả ngày.

Sau khi đả thông tâm lý cho các bậc phụ huynh rồi những ngày đầu đón các trẻ em tự kỷ đến với trung tâm, cả chị Nguyệt Thu cũng như các giáo viên tham gia giảng dạy tại đây đều gặp không ít gian nan. Các bạn trẻ lúc mới đến đây có vô số biểu hiện khác nhau. Có em thì cả ngày chỉ nhìn quảng cáo trên truyền hình rồi đọc theo, tắt tivi đi là phá phách; có bạn chỉ ngồi trầm ngâm, cắn móng tay, không tiếp xúc với ai; có bạn lại hay cáu, khi cáu lên thì la hét, đập đầu vào tường… Các em không chịu học những bài học mà giáo viên đưa ra, nhất là những môn ca hát, bơi lội…

Kết quả ban đầu của SforA.

Nhìn cảnh các em ríu rít đùa vui, chạy nhảy ở các phòng, chị Nguyệt Thu cũng như các giáo viên lại nhớ đến những ngày đầu, chăm sóc cho các em từng chút từ bữa ăn, giấc ngủ. Để dạy một điều gì đó dù rất đơn giản thì các giáo viên phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần, hết sức kiên nhẫn. Ví dụ như cầm tay các em tô màu, đánh đàn và dạy các em xem các đồ vật, con vật là bạn.  Đôi khi các em cắn lại, đánh lại giáo viên, bỏ ăn, đổ cơm đi... Nhiều em không chịu ngủ, cứ ngồi nhìn trân trân, cổ ngoẹo đi rất mỏi mệt, các cô giáo lại phải ở bên các em cả đêm tỉ tê cho đến lúc các em đi vào giấc ngủ. Tuy thế nhưng sáng mai các cô vẫn phải dậy rất sớm. Nếu người dạy không hứng thú, gượng gạo thì không bao giờ các em có được sự chuyển biến bởi các em rất tinh tế, dường như các em có thể cảm nhận được suy nghĩ, thái độ của người đối diện thông qua tần sóng nào đó.

Khi dạy các em chơi đàn, Nguyệt Thu phải vừa cầm tay, vừa nói chuyện, vừa hát, vừa động viên, khuyến khích các em nhiều lần. Thậm chí, có em có biểu hiện rất khác người bình thường, khi quý cô giáo nào đó thì thỉnh thoảng em ấy lại chạy ra cắn cô giáo một cái đau điếng hoặc quý bạn nào thì chạy lại đánh bạn một cái… Khi đó, các cô giáo phải ứng xử với các em một cách hết sức tinh tế và vui vẻ để điều chỉnh cho các em. Hoặc khi các em bị ốm, các cô phải túc trực bên cạnh cả đêm liền cùng với người nhà.

Ngoài ra, để đạt hiệu quả lớn nhất Nguyệt Thu còn tập huấn cho bố mẹ các em để thay đổi nhận thức về chứng bệnh tự kỷ. Theo Nguyệt Thu, cha mẹ nên chấp nhận tình trạng của con, phải biết về thế giới của các con thì mới có thể đưa các con trở về với thế giới của chúng ta. Ở nhà có cha mẹ, ở trường có các cô hết sức yêu trẻ và cần mẫn với công việc nên các em đến với trung tâm đều cảm thấy nhẹ nhõm và dần dần mở lòng mình ra với xã hội.

Những tiến triển đầu tiên

Những hiệu quả đạt được bước đầu rất đáng kể. Thống kê sơ bộ của trường cho thấy chỉ sau 3 tháng, trẻ tự kỷ tại đây đã loại bỏ được những hành vi như tự cắn vào tay, tự đập đầu vào tường, không còn lặp lại lời quảng cáo trên vô tuyến, giao tiếp nhiều hơn và đặc biệt trẻ bắt đầu biết kết bạn thể hiện qua các hành vi nắm tay nhau, chơi cùng nhau. Không chỉ dùng âm nhạc để trị liệu, Nguyệt Thu còn muốn hướng nghiệp cho các em khi dạy toán chuyên sâu, tiếng Anh và IT… và có những liên kết với các doanh nghiệp xã hội, với thiên hướng tạo việc làm cho trẻ tự kỷ sau khi từ đây ra.

Nghệ sĩ Nguyệt Thu (bên trái) đang dạy các em chơi nhạc.

Qua thời gian học tập, nhiều em tự kỷ có được sự chuyển biến hết sức đáng quý. Trường hợp em Nguyễn Trung Hiếu, 14 tuổi có năng khiếu hội họa và âm nhạc. Tự em có thể vẽ được những bức tranh rất đẹp dù trước đó, em chẳng chịu làm gì, cả ngày ủ rũ, không giao tiếp với ai và chưa từng được phát hiện có năng khiếu hội họa. Mẹ của em là một giáo viên nhưng cũng bất lực trước những biểu hiện của con trai. Hiếu chơi được nhiều loại nhạc cụ và rất thích được đi biểu diễn. Mỗi lần được thể hiện trên sân khấu em rất tự tin và hào hứng. Những bức tranh của Hiếu cũng được treo trang trí ở các phòng và đã được lấy làm minh họa cho chính album của nghệ sĩ Nguyệt Thu.

Một trường hợp khác là em Nguyễn Văn Long, 11 tuổi. Long nhút nhát nhưng có trí nhớ rất tốt, đọc thơ rất biểu cảm và biết cả ngoại ngữ dù em tự học. Ngoài ra, Long còn biết vẽ 3D, yêu âm nhạc dù trước đó, Long nhút nhát và chỉ biết cắn móng tay. Mỗi khi về gia đình, Long còn biết gọi "Mẹ ơi", biết nói những câu đơn giản, trả lời những câu hỏi như tên tuổi, năm sinh, quê quán và đọc đúng chi tiết trong các bức tranh của chính mình. Thỉnh thoảng, chị Nguyệt Thu cũng đưa các em đi giao lưu, biểu diễn âm nhạc đường phố để các em hòa nhập thêm với thế giới, mạnh dạn hơn và cũng để xã hội biết đến các em nhiều hơn.

Với những gia đình giàu có, nuôi trẻ tự kỷ vất vả một thì với những gia đình khó khăn vất vả gấp mười. Các con không chỉ thiệt thòi vì không được giáo dục đúng cách mà còn phải chịu sự kỳ thị rất lớn. Chị Thu hết sức phản đối việc các bậc phụ huynh thấy con tự kỷ nên ngại với người đời, ngại đưa các con tiếp xúc với thế giới, khép kín các con trong 4 bức tường. Nếu khép kín tâm hồn các em, tình trạng của các em ngày càng trầm trọng.

Bùi Trí Lâm
.
.