Người đưa Trung Quốc bay vào vũ trụ

Thứ Tư, 21/04/2021, 09:20
Qian Xuesen (Tiền Học Sâm) là nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng cho chương trình không gian và đạn tự hành của cả Mỹ và Trung Quốc. Tên ông sử dụng khi ở Mỹ là Hsue-Shen Tsien hoặc H.S. Tsien.

Ở Thượng Hải có cả một bảo tàng chứa 70.000 đồ tạo tác dành riêng cho “nhà khoa học nhân dân” Qian Xuesen. Qian là cha đẻ chương trình tên lửa và vũ trụ của Trung Quốc. Nghiên cứu của ông giúp phát triển tên lửa phóng vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc vào không gian và tên lửa trở thành một phần trong kho vũ khí hạt nhân của nước này, ông được tôn kính như một anh hùng dân tộc.

Qian sinh ra khi triều đại cuối cùng của Trung Quốc sắp được thay thế bằng một nền cộng hòa. Từ khi còn nhỏ, Qian đã có năng khiếu và cuối cùng, ông tốt nghiệp loại giỏi Đại học Giao thông Thượng Hải, giành được học bổng hiếm có của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ.

Qian Xuesen (Tiền Học Sâm)

Từ MIT, Qian chuyển đến Học viện Công nghệ California (Caltech), học tập dưới sự điều hành của một trong những kỹ sư hàng không có ảnh hưởng nhất là người Hungary tên Theodore von Karman. Ở đó Qian chia sẻ văn phòng với một nhà khoa học nổi tiếng khác là Frank Malina, người là thành viên chủ chốt của một nhóm nhỏ các nhà đổi mới được gọi là Suicide Squad (Biệt đội cảm tử). Fraser MacDonald, tác giả cuốn “Escape from Earth: A Secret History of the Space Rocket” (tạm dịch: Thoát khỏi Trái đất: Lịch sử bí mật của tên lửa không gian), cho biết nhóm có biệt danh này vì những nỗ lực của họ trong việc chế tạo một tên lửa trong khuôn viên trường và vì một số thí nghiệm của họ với các chất hóa học bay hơi.

Vào thời điểm đó, khoa học tên lửa là bị MacDonald coi là “công cụ của những kẻ quay cuồng và những kẻ tưởng tượng. Không ai coi trọng nó - không một kỹ sư thiên về toán học nào mạo hiểm danh tiếng của họ khi nói rằng đây là tương lai”. Nhưng, điều đó nhanh chóng thay đổi khi Chiến tranh thế giới 2 bắt đầu. “Biệt đội cảm tử” đã thu hút sự chú ý của quân đội Mỹ và được tài trợ cho nghiên cứu về phương pháp cất cánh có hỗ trợ phản lực, nơi các tên lửa đẩy được gắn vào cánh máy bay để chúng có thể bay trên không từ các đường băng ngắn. Tài trợ quân sự cũng giúp thành lập phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) vào năm 1943, với giám đốc là Theodore von Karman. Qian, cùng với Frank Malina, là trung tâm của dự án. Qian là công dân Trung Quốc nhưng Trung Hoa Dân quốc là đồng minh của Mỹ, vì vậy “không có nghi ngờ lớn về một nhà khoa học Trung Quốc là trung tâm của nỗ lực không gian của Mỹ”, Fraser Macdonald nói. Qian được cấp phép an ninh để làm việc trong khoa nghiên cứu vũ khí phân loại mật và thậm chí còn phục vụ trong Ban Cố vấn khoa học của Chính phủ Mỹ.

Vào cuối chiến tranh, Qian là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về động cơ phản lực và được cử cùng với Theodore von Karman trong một nhiệm vụ bất thường tới Đức, giữ quân hàm trung tá tạm thời. Mục tiêu của họ là phỏng vấn các kỹ sư của Đức Quốc xã, bao gồm Wernher von Braun, nhà khoa học tên lửa hàng đầu của Đức. Mỹ muốn tìm hiểu chính xác những gì người Đức biết.

Nhưng, đến cuối thập niên, sự nghiệp lấp lánh của Qian ở Mỹ đột ngột dừng lại. Tại Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Trong khi đó, một giám đốc mới của JPL tin rằng có một nhóm gián điệp tại phòng thí nghiệm và chia sẻ nghi ngờ của mình về một số nhân viên với FBI.

Chính trong bầu không khí này, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) buộc tội Qian, Frank Malina và những người khác là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Các cáo buộc chống lại Qian dựa trên tài liệu năm 1938 của đảng Cộng sản Mỹ cho thấy Qian tham dự một cuộc họp xã hội mà FBI nghi ngờ là một cuộc họp của đảng Cộng sản Pasadena. 

Zuoyue Wang, giáo sư lịch sử Đại học Bách khoa Bang California, tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy Qian từng làm gián điệp cho Trung Quốc hoặc là một nhân viên tình báo khi ông sống ở Mỹ. Tuy nhiên, Qian bị tước giấy thông hành an ninh và bị quản thúc tại gia. Các đồng nghiệp của Caltech, bao gồm Theodore von Karman, đã viết thư cho chính phủ để cầu xin sự vô tội của Qian nhưng vô ích.

Năm 1955, sau khi Qian bị quản thúc tại gia 5 năm, Tổng thống Eisenhower quyết định trục xuất ông về Trung Quốc. Nhà khoa học rời đi bằng thuyền cùng vợ và hai đứa con sinh ra ở Mỹ. Qian nói với các phóng viên rằng ông sẽ không bao giờ đặt chân đến Mỹ nữa và ông đã giữ lời hứa của mình.

Khi đến Mỹ, Qian có rất ít hiểu biết về khoa học tên lửa. Nhưng, 15 năm sau, ông đã giám sát việc phóng vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc vào không gian. Trong nhiều thập niên, Qian đã đào tạo ra một thế hệ nhà khoa học mới và công việc của ông đã đặt nền móng cho việc Trung Quốc đưa người lên Mặt trăng.

Trong khi hầu hết người Mỹ không biết gì về Qian và vai trò của ông trong chương trình vũ trụ của Mỹ, Tianyu Fang cho biết nhiều người Mỹ gốc Hoa và sinh viên Trung Quốc ở Mỹ biết về ông, tại sao ông phải rời đi và họ thấy những điều tương đồng với ngày nay. Fang bình luận: “Các mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn nhiều mà họ biết rằng họ có thể bị nghi ngờ giống như thế hệ của Qian”. Theo quan điểm của Fraser MacDonald, câu chuyện của Qian là một lời cảnh báo về những gì sẽ xảy ra khi đào thải kiến thức. “Toàn bộ câu chuyện của khoa học Mỹ là nó được thúc đẩy bởi những người đến từ bên ngoài”. MacDonald tin rằng đóng góp của JPL cho chương trình không gian của Mỹ đã bị bỏ qua nhiều so với Wernher von Braun và các nhà khoa học Đức khác, những người đã được bí mật đến Mỹ ngay sau chuyến thăm của von Karman và Qian.

Braun từng là một người Đức quốc xã nhưng những thành tựu của ông được công nhận. Trong khi những thành tựu của Qian và những người khác từ JPL thì không. Cuộc đời của Qian kéo dài gần một thế kỷ. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã phát triển từ một quốc gia kém kinh tế trở thành một siêu cường trên Trái đất và trong không gian. Qian là một phần của sự biến đổi đó. Nhưng, câu chuyện của Qian cũng có thể là một câu chuyện tuyệt vời của Mỹ - nơi tài năng, dù được tìm thấy ở đâu, cũng có thể phát triển mạnh mẽ.

Duy Minh
.
.