Người mua sắm được nhận diện gương mặt và robot phục vụ

Thứ Năm, 04/06/2015, 16:05
Các công ty như NEC của Nhật ­Bản và FaceFirst ở California (Mỹ) lắp đặt camera ngay cửa để nhận diện khách khi vừa bước vào cửa hàng và sau đó thông điệp văn bản được gửi đến nhân viên bán hàng.

Nhận diện gương mặt khách mua sắm

Hãy thử tưởng bạn đang bước vào một cửa hàng mà bạn chưa từng đến trước đó và được nhân viên bán hàng không hề quen biết chào mời bằng chính… tên của bạn!

OSHbot đang quét một đinh vít của khách hàng để tìm kiếm vị trí của sản phẩm trong cửa hàng.

Nếu là một nhân vật nổi tiếng thì lối cư xử dành cho khách VIP như thế không có gì lạ lẫm, nhưng do chỉ là thường dân cho nên thái độ chào mời nồng nhiệt này sẽ khiến bạn vô cùng bối rối pha lẫn ngạc nhiên. Tất cả là nhờ vào phần mềm nhận diện gương mặt. Các công ty như NEC của Nhật ­Bản và FaceFirst ở California (Mỹ) lắp đặt camera ngay cửa để nhận diện khách khi vừa bước vào cửa hàng và sau đó thông điệp văn bản được gửi đến nhân viên bán hàng.

Thế thì những hình ảnh đến từ đâu? Joel Rosebkrantz, Giám đốc điều hành FaceFirst, trả lời: "Bạn dễ dàng thu thập hình ảnh của những người nổi tiếng, và cũng có thể tìm thấy ảnh của những khách hàng tiềm tàng trên Facebook. Nếu như một thương hiệu đặc biệt có được 10.000 like trên Facebook, bạn có thể sử dụng profile ảnh của tất cả những người này".

Pepper đang tiếp xúc với khách hàng ở Nhật Bản.

Ảnh của những người có tài khoản trên trang web của nhà bán lẻ cũng được thu thập, nếu họ đăng nhập qua Facebook, hay đơn giản là sử dụng webcam hoặc camera điện thoại để lấy ảnh. Rosenkrantz giải thích: "Bạn cũng có thể bảo với khách hàng rằng nếu họ đồng ý cung cấp hình ảnh thì họ sẽ được tặng phiếu giảm giá khi vào cửa hàng".

Công ty công nghệ NEC của Nhật Bản sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt để xác định sự hiện diện của những vị khách quan trọng. Hiện nay, hệ thống của FaceFirst cũng được sử dụng để nhận biết kẻ cắp giả làm khách mua hàng để cảnh báo đến nhân viên an ninh buộc người này rời khỏi cửa hàng.

Phần mềm nhận diện gương mặt cũng có ích để xác định tuổi và giới tính khách hàng. Tập đoàn thực phẩm Mỹ Mondelez International triển khai hệ thống gọi là "gian hàng thông minh" cung cấp thông tin cho nhóm nhân khẩu đặc biệt nào đó khi họ nhìn vào thực phẩm được trưng bày. Nếu hệ thống xác định được một cô gái cầm lên tay một thức uống không cồn, tức thì thông điệp sẽ được hiển thị cho biết loại này chỉ chứa 1 calorie.

iBeacon giúp ứng dụng smartphone của nhà hàng Zenzakan ở thành phố Frankfurt của Đức biết được khách hàng đang ở đâu.

Tập đoàn bán lẻ Tesco lớn nhất nước Anh sử dụng công nghệ tương tự cho các điểm bán lẻ của mình. Một nhà bán lẻ ở Đức triển khai hệ thống nhắn tin nhắc nhở nam giới trong nhóm tuổi nào đó về ngày Lễ Tình nhân sắp đến. Nhờ đó mà số người mua quà tặng của nhà bán lẻ tăng cao. Hiện nay, nhiều nhà bán lẻ trải nghiệm với iBeacon - thiết bị Bluetooth dò tìm vị trí của smartphone có cài đặt ứng dụng của nhà bán lẻ để nhanh chóng phát hiện ra đối tượng đang xem qua cửa hàng hay chỉ đơn giản là đi ngang qua nó mà cung cấp thông tin mua sắm hay hướng dẫn đến chỗ trưng bày món hàng cần tìm.

Robot phục vụ

Một cửa hàng của công ty bán buôn Lowe's ở thành phố San Jose, Mỹ có một nhân viên ngôi sao mới. Nó có thể nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, nắm rõ mọi thứ hàng hóa được đặt ở đâu trong cửa hàng. Đó là robot trợ lý bán hàng OSHbot, cao 1m52 và nặng 38,5kg, trang bị máy quét 3D nơi phần đầu và màn hình cảm ứng cũng như cảm biến laser giúp phát hiện chướng ngại vật khi di chuyển và dò tìm thứ hàng hóa mà khách hàng đang tìm. OSHbot được kết nối không dây với cơ sở dữ liệu hàng hóa trong cửa hàng, trang bị công nghệ nhận biết giọng nói và thông tin về hàng hóa v.v…

Người tiêu dùng khi bước vào cửa hàng sẽ được chào mời bằng chính tên của mình nhờ phần mềm nhận diện gương mặt của nhà bán lẻ.

Hiện nay chỉ có 2 nguyên mẫu robot của Lowe's được thử nghiệm. Philip Solis, chuyên gia về robot của công ty nghiên cứu thị trường AHI Research Mỹ, nói rằng thế giới đang thực sự bước vào kỷ nguyên robot với nhiều tính năng phục vụ con người ngày càng hữu hiệu hơn.

Ví dụ như Jibo do giáo sư Cynthia Breazeal ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ phát triển và được ca ngợi là "robot gia đình đầu tiên trên thế giới". Jibo không di chuyển như các mẫu khác mà chỉ xoay vòng, có thể trả lời các câu hỏi, đọc truyện và chụp ảnh, nhận biết giọng nói qua microphone 360 độ, thực hiện cuộc gọi video. OSHbot có giá 150.000USD và có thể giảm khi phổ biến rộng rãi trên thị trường, còn Jibo sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm 2015 với giá dự kiến 499USD.

Công ty Five Elements Robotics của Mỹ giới thiệu sản phẩm robot trợ giúp mua sắm dễ thương gọi là Budgee. Robot được lập trình theo sát chủ nhân trong cửa hàng để giữ hàng hóa, đặc biệt có ích cho người già và những người bị hạn chế khả năng vận động.

Tháng 3/2012, Công ty Amazon đầu tư 775 triệu USD để mua một loạt robot Kiva Systems sử dụng trong hệ thống nhà kho. Robot - nặng khoảng 145kg - có khả năng vận chuyển và sắp xếp các kệ hàng hóa trong các nhà kho khổng lồ của Amazon.  Công ty Nhật Bản giới thiệu mẫu robot dạng người thông minh Pepper được thiết kế để đọc được cảm xúc con người, phản ứng với môi trường nhờ vào dữ liệu đám mây. Pepper - cao 1m21 và nặng 28kg - được bán ở Nhật Bản vào tháng 2/2015 với giá 198.000 yen (1.900USD).

Duy Minh (tổng hợp)
.
.