Nguồn năng lượng địa nhiệt tiềm năng trong tương lai

Thứ Bảy, 05/12/2015, 10:00
Núi lửa Soufriere Hills trên đảo Montserrat - vùng lãnh thổ ngoài khơi của Anh nằm trong quần đảo Leeward thuộc vùng biển Caribea - từng biến 2/3 đảo thành vùng đất không có người ở và nhấn chìm thủ phủ Plymouth trong tro bụi. Nhưng hiện nay, núi lửa của nó được các nhà khoa học coi là chìa khóa năng lượng cho tương lai.

Những cuộc thử nghiệm trị giá hàng triệu USD được tiến hành bởi nhóm chuyên gia Iceland cho thấy tiềm năng hứa hẹn về nguồn năng lượng địa nhiệt cung cấp cho hòn đảo này. Nguồn điện xanh hơn và rẻ tiền hơn không chỉ tiết kiệm chi phí cho các hộ gia đình  mà còn có thể kích thích đầu tư bên ngoài vào hòn đảo, kết thúc những vấn đề về giá điện đắt đỏ cũng như nguồn cung cấp không ổn định kéo dài nhiều thập niên qua.

Núi lửa hoạt động trên đảo Montserrat.

Trong tương lai, nguồn năng lượng tái tạo ít khí thải nhà kính trên "đảo ngọc" Montserrat sẽ thu hút thêm nhiều du khách đến nghỉ hè và biến nó thành "thiên đường sinh thái" trên hành tinh. Năm 2013, 2 giếng thăm dò được khoan đến độ sâu 2.900 mét với nhiệt độ 1600C. Sáng kiến trị giá 13 triệu USD được Vụ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ và hiện nay cơ quan này đồng ý cấp thêm tiền để khoan tiếp giếng thứ 3. Dự kiến giếng thứ 3 sẽ được khởi công đào vào đầu năm 2016.

Sơ đồ mô tả hình ảnh về khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt.

Tiến sĩ Graham Ryan, tham gia cuộc nghiên cứu năng lượng địa nhiệt ở Montserrat, cho biết 2 giếng cũ trước đó có khả năng sản xuất 1,5 megawatt điện mỗi năm. Ông Ryan tỏ vẻ lạc quan: "Giếng thứ 3 cho phép cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng điện hiện nay của người dân trên đảo đồng thời có nhiều khả năng mở rộng sản xuất".

Cuộc khủng hoảng núi lửa kéo dài 20 năm của Montserrat diễn ra khi Soufriere Hills bắt đầu phun tro và khí vào tháng 7-1995 sau vài trăm năm ngủ yên. Một loạt những đợt phun trào - bao gồm 75 đợt chỉ trong một tháng vào năm 1997 - đã chôn vùi toàn bộ những ngôi làng dưới luồng nước bùn và buộc 2/3 dân số trên đảo phải sơ tán. Năng lượng địa nhiệt sinh ra khi magma nóng chảy dâng cao đến tầng nước nông do đặc điểm kiến tạo địa tầng trong khu vực và đun nóng những tảng đá xung quanh. Nước mưa và nước biển thấm qua những vết nứt và kẽ hở trên những tảng đá trải dài vài kilômét ngầm bên dưới đảo và hấp thu nhiệt từ magma. Sau đó, chất lỏng nóng được khai thác qua các giếng khoan và dòng nước nóng áp lực cao này được sử dụng để vận hành các turbine để từ đó tạo ra điện năng.

Trạm quan sát núi lửa trên đảo Montserrat.

Tuy nhiên, Montserrat không là nơi đầu tiên ở vùng Caribea lợi dụng núi lửa để tạo ra năng lượng xanh. Saint Vincent, Saint Lucia, Nevis và Dominica nằm trong số những vùng đảo đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực khai thác năng lượng tự nhiên như thế. Song trong trường hợp của Montserrat thì người ta hy vọng hòn đảo có diện tích 102km2 với 5.000 cư dân này sẽ tự cung cấp năng lượng đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào nước Anh  hằng năm phải đổ từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD cho vùng này. Người phát ngôn của DFID cũng khẳng định người dân đảo Montserrat hiện nay phải trả tiền điện cao hơn các đảo láng giềng ở Caribea.

Cụ thể là Montserrat phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nhiên liệu đắt đỏ để vận hành 5 nhà máy điện diesel đã rất cũ và không còn hoạt động ổn định. Việc giảm giá điện và xây dựng một mạng lưới điện ổn định hơn "sẽ thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới". Tiến sĩ Graham Ryan cho biết một lợi ích khác của năng lượng địa nhiệt là khả năng thu hồi nhiệt thải cho các mục đích khác như là vận hành thiết bị làm lạnh, xử lý các khối bê tông và sấy khô các sản phẩm nông nghiệp.

Graham Ryan đánh giá: "Ngành du lịch ở Montserrat  suy sụp từ khi núi lửa bắt đầu phun trào. Sẽ là lợi ích to lớn nếu chúng ta biết lợi dụng hiện tượng tự nhiên này để quảng bá cho nét độc đáo của Montserrat".

D.A. (tổng hợp)
.
.