Nhận dạng đặc sản tử thần

Thứ Ba, 14/06/2016, 10:25
Cùng với cái sự ngon, nó được người ta đồn thổi nhiều tính năng ly kỳ như biến "yếu thành mạnh", thải độc cơ thể, loại trừ những tế bào có dấu hiệu nổi loạn thành ác tính chuyển sang ung thư… Vì những lẽ đó, nó được nhiều người ưa chuộng và đây chính là căn nguyên của nhiều vụ ngộ độc dẫn đến cái chết thảm!

"Nó" ở đây là loài sam, đặc sản tử thần. Nhiều năm qua, dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên "để cái miệng hại cái thân" nhưng nhiều người vẫn bỏ ngoài tai. Chỉ mấy ngày trước, lại có thêm 4 người đàn ông lâm vào tình cảnh nguy kịch sau chầu lai rai thứ đặc sản này!

Quái thú họ… đuôi kiếm

"Phần đầu ngực của sam có giáp lớn, giống như nửa chiếc mũ sắt, có bờ sắc, có đôi mắt đơn và đôi mắt kép. Lỗ miệng ở mặt bụng của phần đầu ngực. Ứng với phần đầu ngực có một đôi kìm nhỏ và 5 đôi chân bò… Chân sam vừa là cơ quan vận chuyển vừa là cơ quan bắt và nghiền mồi. Đôi chân cuối lớn hơn là điểm tựa khi sam đào hố để chuẩn bị đẻ trứng…. Đuôi sam là cơ quan tự vệ, có thể xoáy mọi hướng, có tác dụng giúp sam di chuyển nhanh và lật sấp lại khi bị ngã ngửa".

Nhiều người vẫn đùa với đặc sản tử thần qua việc bán mua tràn lan (ảnh chụp tại khu vực biển Tân Thành - Tiền Giang).

Đó là một phần mô tả về loài sam của Tiến sĩ Võ Văn Chi (Từ điển Động vật và Khoáng vật làm thuốc - NXB Y học). Theo đó, sam hay sam đuôi tam giác thuộc họ Đuôi kiếm, phân bố ở Biển Đỏ, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. "Ở nước ta, gặp nhiều sam xuất hiện quanh năm ở Quảng Ninh, Hải Phòng đến Khánh Hòa,  Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh (Cần Giờ)".

Hiện phụ trách Phòng khám Tuệ Lãn do cố GS-BS Đỗ Tất Lợi sáng lập, lại là người miệt biển (Khánh Hòa) nên lương y Nguyễn Đức Nghĩa (truyền nhân của GS Đỗ Tất Lợi) rất rành rẽ về loài sam. Như người thầy quá cố của mình từng đề cập trong Từ điển Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, nhắc đến loài sam, lương y Nghĩa đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị. Ông cho biết,  sam thuộc ngành Chân khớp,  lớp Giáp cổ, sống ở độ sâu 4-10m, thời gian sinh sản từ tháng 4 đến cuối tháng 7, con đực dùng hai đôi chân đầu tiên bám chặt vào lưng con cái, phóng tinh vào trứng, sam cái dùng đôi chân sau đào lỗ trên bãi cát rồi vùi vào đất khoảng 200-1000 trứng.

"Trứng sam  có kích thước 1,5-3mm và chứa nhiều lòng đỏ. Trứng phát triển trong cát và được nước biển vỗ hàng ngày. Sau 6 tuần, trứng nở thành ấu trùng có kích thước khoảng 5mm và không có đuôi…. Sau 16 lần lột xác, sam con phát triển thành sam trưởng thành và có khả năng cho 1/3 lượng máu cơ thể" - lương y Nguyễn Đức Nghĩa trích ghi nhận từ người thầy của mình về loài giáp xác.

Sống ở vùng ven biển, ven bờ, trong cách vịnh đầm nước mặn và các cửa sông trên đất mùn lầy, loài sam được các chuyên gia về sinh học ghi nhận có chiều dài lớn nhất gần 1m, bơi chậm và bò như cua. Sách đỏ Việt Nam cho biết, giới tính của sam chỉ có thể phân biệt sau 3 năm tuổi. Sam cái sau 13 lần lột xác thì "chín" sinh dục, sam đực phải sau 14 lần. Thức ăn của sam là động vật đáy như nhuyễn thể, giun nhiều tơ và rong.

Cũng theo Sách đỏ Việt Nam, vì đuôi có dạng kiếm, tiết diện cắt ngang đuôi có hình tam giác nên loài sam còn được định danh là "Sam đuôi tam giác" để đánh dấu sự khác biệt với con So (đuôi thuôn tròn) vốn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ nhầm lẫn chết người. Và vì phần đầu ngực có 6 đốt được che phủ bởi một vỏ đầu ngực hình móng ngựa nên loài sam còn có tên quốc tế là… cua móng ngựa (Horseshoe crab)…

“Thần dược” thải độc, phòng ung thư?

Rất nhiều người tin điều này và cũng từ đây, hình thành trào lưu uống máu sam, ăn trứng trong giới thực khách lắm tiền. Có cầu ắt có cung, tại một số quán hải sản ở TP Hồ Chí Minh, và nhất là tại chợ hải sản ở huyện Cần Giờ (TP HCM) và khu du lịch biển Tân Thành (Tiền Giang), dễ dàng bắt gặp cảnh người ta bán loài cua móng ngựa được đựng trong các thau nhựa.

Một trong 4 bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh: Huyền Nga).

Nếu thực khách có nhu cầu, người bán sẽ nướng ngay tại chỗ cho khách thưởng thức. Trên một số diễn đàn dành cho dân ẩm thực 3 miền, nhiều thực khách là quý ông mô tả trứng sam có màu sắc, mùi vị, bổ dưỡng như trứng cá tầm? Có ông còn khoe tháng nào cũng "quất vài con sam", ăn trứng nó, uống rượu pha máu nó trước ngừa ung thư, sau… tăng lực?

Về chuyện ăn trứng sam để tăng lực, lương y Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định chưa tiếp cận bất kỳ ghi nhận cổ kim nào đề cập đến điều này. Người ta thường đập chết sam đực bám trên lưng sam cái, rồi lấy trứng, thịt sam cái làm thực phẩm và làm thuốc chữa bệnh: "Như trứng và thịt, vỏ sam cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh, tuyệt nhiên không có chuyện dùng để thải độc, tăng lực" - lương y Lê Văn Quốc Dinh (Phòng Khám Nhân đạo huyện Tri Tôn - Hội chữ thập Đỏ tỉnh An Giang) cũng khẳng định.

Bộ phận thường dùng làm thuốc chữa bệnh là vỏ con Sam. Mai sam với tên gọi đông y là Hậu giáp từng được danh y Tuệ Tĩnh đề cập trong Nam dược thần hiệu, có vị cay, tính bình, hơi độc, dùng chữa trĩ, lở ngứa chảy nước, suyễn, ho, vết thương xuất huyết, bỏng… Dùng dưới dạng thiêu tồn tính, tán bột, làm thuốc hoàn, uống trong, hoặc giã bột đắp ngoài.

"Cần lưu ý là thịt và trứng sam chỉ là món ăn chơi, không nên ăn nhiều vì nếu không, sẽ gây ra chứng ho và ghẻ lở" - lương y Nguyễn Thị Thanh Mai (Phòng chẩn trị Phước Thiện Đường - Hội đông y tỉnh Ninh Thuận), cảnh báo.

Về tác dụng phòng ung thư của máu sam, theo các lương y, đó là sự ngộ nhận. Kỹ sư Bùi Văn Cứ (Hội hóa học TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ngộ nhận trên bắt nguồn từ thông tin khoa học máu sam chứa chất có khả năng phát hiện nhanh nội độc tố của vi khuẩn gram âm. Từ chất này, các nhà bào chế đã cho ra chế phẩm được gọi là lysate, được dùng để chẩn đóan bệnh lậu, nhiễm khuẩn máu ở trẻ sơ sinh, nhiễm khuẩn đường nước tiểu…

"Người ta đã tính rằng, mỗi con sam có thể lấy máu 3 lần/năm, lấy xong lại thả xuống đìa nuôi. Mỗi lần lấy được 60ml (đối với sam đực) và gần 150ml đối với sam cái, mà không ảnh hưởng gì đến sự sống của sam. Một con sam có thể lấy máu được nhiều lần trong nhiều năm. Từ 60ml  máu của sam đực ta có thể thu được 10ml lysate. Mỗi ml lysate trị giá năm 1988 là 5 USD. Như vậy mỗi lần lấy máu ở một con sam đực ta có thể thu được 50 USD" - trích ghi nhận của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi.

Kiểu nào cũng chết

Như vậy máu, thịt,  trứng của loài sam không phải là thực phẩm bổ dưỡng để sử dụng thường xuyên, càng không phải là doping tăng lực hay phòng chống ung thư như nhiều người lầm tưởng. Vì thói phàm ăn tục uống, và vì tin vào tài nghệ nhận dạng của mình mà nhiều người tự đẩy bản thân và người thân vào tình cảnh hiểm nguy.

Th.S-BS Võ Ngọc Anh Thơ (Phó Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết 4 bệnh nhân trong ca ngộ độc gần đây nhất đều ngụ tại huyện Cần Đước (Long An), được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch, chân tay tê bại, khó thở, không phối hợp vận động…

Tai ương bắt nguồn từ việc ngày 1-6, con trai của ông Huỳnh T.P (60 tuổi) khi ghé Cần Giờ đã được một người bạn tặng bịch sam biển. Sau chầu nhậu linh đình với các món sam nướng, sam hấp được khỏang 2 giờ đồng hồ, ông P. cùng 3 bạn nhậu có dấu hiệu ngộ độc với môi, hàm tê cứng không cử động được, đầu đau nhức như búa bổ, cơ thể rã rời,  mất sức lực… Người nhà vội đưa cả 4 người đi cấp cứu tại bệnh vịên địa phương. Nhưng vì khả năng cứu chữa nằm ngoài năng lực chuyên môn nên bệnh vịên tuyến dưới đã chuyển cả 4 lên Bệnh viện Chợ Rẫy!

Nhờ được tích cực cứu chữa, 4 thực khách trên đã qua cơn nguy kịch. Từ lời kể của những người trong cuộc, mới biết trong bịch sam mà con trai ông P được tặng, có 2 con là con so. Loài này, phần thân đầu rất giống sam nhưng đuôi tròn và dài hơn sam, là loài có độc. Theo bác sĩ Thơ, bệnh viện Chợ Rẫy từng nhiều lần tiếp nhận các ca cấp cứu ngộ độc so do nhầm lẫn là sam biển, như 4 trường hợp kể trên. Nạn nhân khi bị ngộ độc sau ăn vài mười phút đến vài giờ sẽ có các biểu hiện tê tay chân, tê quanh môi, đớ lưỡi, khó thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp, tụt huyết áp, mau dẫn đến tử vong...

Kỹ sư Bùi Văn Cứ cho biết, độc tố trong loài so biển là chất Tetrodotoxin, chất này thường gặp nhiều ở cá nóc và mực đốm xanh. Kỹ sư Đào Việt Hà (Viện Hải dương học Nha Trang) cho biết đặc trưng của chất độc này là bền với nhiệt độ cao, nên quá trình nấu nướng không loại trừ được.

Không riêng gì loài sam-so, độc tố trong loài cá nóc cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều ngư dân. Kỹ sư Bùi Văn Cứ cảnh báo: "Rất nhiều ngư dân chết sau khi ăn cá nóc nhím vì đinh ninh rằng loài cá nóc này không có chất độc.  Kỳ thực nhìn nhận ấy vừa đúng vừa sai. Đúng vì vùng biển này, ví như biển Khánh Hòa, cá nóc nhím không có độc nhưng tại biển Bình Thuận, nóc nhím lại mang độc tố. Vì không biết điều này nên ngư dân vùng biển Khánh Hòa khi đánh bắt cá tại biển Bình Thuận bắt được cá nóc nhím thay vì đem vứt bỏ thì lại làm thịt, và họ đã phải trả giá đắt vì điều đó".

Theo kỹ sư Cứ, với loài sam cũng vậy: "Nhiều trường hợp, những người ăn sam thừa biết đâu là sam đâu là so vì họ là dân biển. Nhưng họ vẫn ngộ độc sau khi ăn sam vì không biết được rằng, sam như cá   nóc nhím, có khi nó ăn tảo độc, nên người ăn trứng thịt nó bị vạ lây. Hay có khi, mùa này sam không độc nhưng đến mùa sinh sản thì theo bản năng sinh tồn, cơ thể sam cái hình thành chất độc để bảo vệ trứng… Chúng ta có thể bắt gặp sự thay đổi này ở nhiều loài. Bình thường chúng rất hiền nhưng khi mang thai, sinh con thì rất dữ, đặc biệt là các loài thú ăn thịt" - ông Cứ, phân tích.

Về cách phân biệt giữa sam và so, ngoài việc nhận biết qua đuôi tam giác (sam) đuôi tròn dài (so), Tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển cây thuốc và vị thuốc Việt Nam có cách nhận dạng khác: "Theo kinh nghiệm của ngư dân, những con sam đi lẻ (không cặp đôi) và những con bắt được ở khu vực nước lợ đều độc, không ăn thịt được".

Trước tình trạng ngày càng có nhiều người ngộ độc do ăn cá nóc và sam-so, các chuyên gia ngành y tế lưu ý khi xuất hiện triệu chứng, người bệnh cần tỉnh táo, cố gắng cho nôn và cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất trong thời gian sớm nhất. Khi di chuyển, nếu thấy bệnh nhân khó thở thì để nằm đầu nghiêng và thấp để đường hô hấp không bị tắc nghẽn do đàm dãi...

Các lương y lưu ý, để không rơi vào thảm cảnh, tốt nhất nên nói không với loài sam!

N.T.D.
.
.