Nhiễm độc chì – Kẻ giết người thầm lặng

Thứ Tư, 22/06/2016, 08:40
Vừa qua, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH URC Hà Nội với số tiền là 5,8 tỷ đồng vì vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể là 2 lô nước giải khát C2, Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Thông tin trên đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho những người đã từng uống  2 loại thức uống này, nhất là những người đã uống lâu dài, liên tục…

Chì là một kim loại mềm, nặng và độc hại. Nếu cắt ra, nó có màu trắng xanh nhưng chỉ một thời gian ngắn, khi tiếp xúc với không khí, nó chuyển sang màu xám xỉn.

Trong công nghiệp, chì được dùng làm các tấm phản ứng để tạo ra điện trong bình ắc quy, pha trộn với các kim loại khác để trở thành hợp kim, là phần lõi của đầu đạn. Ngoài ra, nó được dùng làm chất nhuộm trắng trong sơn, là thành phần tạo màu trong kỹ thuật tráng men - đặc biệt là màu đỏ và vàng, làm tấm ngăn tia phóng xạ trong các phòng chiếu, chụp X-quang, là chất chống lão hóa trong các sản phẩm bằng nhựa PVC. 

Nhiễm độc chì sau một thời gian làm nghề tái chế bình ắc quy.

Trước kia, chì còn được dùng làm ống nước, pha với xăng để chống hiện tượng kích nổ trong động cơ xe hơi, xe máy… Do chì là chất độc hại với sức khỏe con người nên những năm gần đây, việc sử dụng chì trong sơn, gốm sứ, hàn vá tàu thuyền, hàn vá các loại ống kim loại đã giảm mạnh. Nhiều nước - trong đó có nước ta - đã ngừng sử dụng chì làm phụ gia trong xăng, dầu.

Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn có khá nhiều sản phẩm chứa chì, chẳng hạn như đồ chơi trẻ em, đũa ăn bằng nhựa màu đỏ, vàng, xanh…, ly thủy tinh, son môi, ô mai, thuốc dân tộc cổ truyền (cam tẩu mã), một số loại đồ hộp nhập khẩu và gần đây là nước giải khát C2, Rồng đỏ. Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM giải thích: "Chì xâm nhập cơ thể người chủ yếu qua đường miệng và đường hô hấp. Đũa ăn chẳng hạn, để tạo màu sắc bắt mắt, lâu phai, nhà sản xuất đã cho thêm chì vào. Khi dùng đũa này ăn thức ăn nóng như mỳ hủ tiếu, phở, canh…, các phân tử chì sẽ hòa tan với thức ăn, lâu dài gây ra nhiễm độc chì".

Đồ hộp cũng vậy, nhiều hãng sản xuất đồ hộp vẫn dùng chì để hàn mí vỏ hộp nhằm làm giảm giá thành. Nếu hộp được sử dụng để đựng nước ép trái cây, tính axit trong nước ép sẽ giải phóng các phân tử chì ở các mối hàn. Tại vài nhà hàng, nhằm tăng thêm tính sang trọng, quý phái, chén, dĩa ăn được làm bằng gốm sơn mài. Chì trong sơn mài sẽ hòa tan vào thức ăn, đặc biệt là thức ăn nóng!

Khi đi vào cơ thể, chì thường  tích tụ trong các mô mềm, trong xương. Tiến sĩ Cường nói: "Chì làm giảm yếu tố tạo xương, gây mất cân bằng các tế bào xương, làm giảm chiều cao ở trẻ. Nếu chì đã vào xương thì rất khó thải loại. Muốn thải loại phải dùng những loại biệt dược và phải mất từ 30 đến 40 năm. Bên cạnh đó, chì còn gây tổn thương cho hệ thần kinh não bộ, chủ yếu ở chất xám vỏ não và tủy sống, chưa kể chì còn gây ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Với trẻ em, mức độ hấp thụ chì nhanh và cao gấp 3 hoặc 4 lần so với người lớn. Thời gian bộc phát những triệu chứng nhiễm độc cũng nhanh hơn…”.

Không chỉ ảnh hưởng tới trẻ em, người lớn, nhiễm độc chì còn có thể gây ra những tác hại cho thai nhi ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Các khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy người mẹ mang thai bị nhiễm độc chì thường sinh non, ở khoảng 37 tuần tuổi. Trẻ ra đời chỉ nặng trung bình 2kg, não bị tổn thương, thiếu máu, chậm phát triển, chậm biết bò, đi, nói và giao tiếp so với những trẻ bình thường khác. 

Điều nguy hiểm nhất là những triệu chứng nhiễm độc chì thường rất khó nhận biết ngoại trừ trường hợp nhiễm độc cấp tính, biểu hiện bằng những cơn hôn mê, co giật, giống như viêm màng não, viêm não. Còn thì nó chỉ là kém ăn, da xạm, xanh tái, tri giác lơ mơ như các bệnh về thần kinh, tâm thần. 

Bác sĩ Trần Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM cho biết: "Ngay cả với những bác sĩ khám bệnh bằng các biện pháp thông thường cũng khó phát hiện người bệnh nhiễm độc chì nếu không làm các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, đo nồng độ chì trong xương. Xét nghiệm máu chẳng hạn, nếu hàm lượng chì từ 40 đến dưới 69 mcg/dl là nhiễm độc nhẹ, từ 70 đến 100 là trung bình còn trên 100 mcg/dl là nặng". Điều trị thải độc chì cho mỗi bệnh nhân nhiễm độc chì rất tốn kém vì phải cần đến 16 đợt, kéo dài trong 2 năm, tốn từ 250 đến 300 triệu đồng.

Trở lại với việc 2 lô nước C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, dư luận đặt câu hỏi rằng với những lô không thu hồi được hoặc những lô đã được đưa ra thị trường trước đó thì sao? Nó có chì không và nếu có, ai sẽ là người chịu trách nhiệm bởi lẽ đã có khoảng 800.000 chai C2, Rồng Đỏ chứa hàm lượng chì cao quá mức công bố không thể thu hồi, mà vẫn còn lưu hành trên thị trường nên rất có thể một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã và sẽ uống phải những chai này.

Tuy nhiên, việc chứng minh bị nhiễm độc chì do uống C2, Rồng Đỏ lại là việc rất khó bởi lẽ như chúng tôi đã nói ở trên, nếu không gây ra nhiễm độc cấp tính thì phải mất một thời gian khá dài - thậm chí là 3 hoặc 5 năm - những biểu hiện của sự nhiễm độc mới xuất hiện. Khi ấy, cho dù kết quả xét nghiệm máu khẳng định người ấy đã bị nhiễm độc thì nhà sản xuất vẫn có thể phủi tay, chối phắt, hoặc đổ lỗi cho những nguyên nhân khác. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì về nguyên tắc, người tiêu dùng phải được bồi thường khi mua phải sản phẩm C2 và Rồng Đỏ thuộc hai lô nhiễm chì bị tiêu hủy. Nhưng để khiếu kiện, đưa vụ việc ra tòa và đòi bồi thường cho từng cá nhân thì khó bởi lẽ họ thường mua lẻ, số lượng ít và đã uống hết nên việc đánh giá ảnh hưởng với sức khỏe từng người không dễ dàng gì.

Vì vậy, theo Tiến sĩ Cường, nếu người tiêu dùng thường xuyên uống C2, Rồng Đỏ và uống liên tục trong một thời gian dài thì nên đi kiểm tra cho dù cơ thể chưa xuất hiện triệu chứng lạ. Các kết quả xét nghiệm sẽ là cơ sở để tiến hành việc đòi bồi thường nếu chẳng may nhiễm độc chì bởi lẽ theo các quy định pháp luật hiện hành, người tiêu dùng có quyền được bồi thường theo khoản 6, điều 8 và có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản 7, điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản d, điều 9 và được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra, theo khoản đ, điều 9, Luật An toàn thực phẩm. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các đại lý, các cửa hàng bán C2, Rồng Đỏ cũng có thể tiến hành khởi kiện nhà sản xuất bởi lẽ các sản phẩm không đảm bảo chất lượng của URC đã làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và doanh thu của họ, nếu có.

Về phía các cơ quan chức năng, việc bán hàng không đúng theo chất lượng công bố như trường hợp của công ty URC cũng có thể xem xét, đưa vào tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Riêng với Công ty URC, sau khi bị xử phạt hành chính, cho đến ngày 4-6-2016, họ vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi nào đối với người dùng về việc đã "có chì vượt gấp nhiều lần cho phép" trong các lô hàng C2, Rồng Đỏ, ngoại trừ 2 tờ phiếu kiểm nghiệm được đăng trên một số tờ báo, chứng minh các lô hàng khác của họ là an toàn!

Cao Trí
.
.