Những bi kịch ở thị trấn vàng La Rinconada

Chủ Nhật, 11/07/2021, 21:08
Nằm ở độ cao gần 4.900m trên núi Ananea thuộc dãy Andes, Peru, thị trấn La Rinconada là khu định cư cao nhất thế giới. Sự tồn tại của nó phụ thuộc vào một loại khoáng sản được cả nhân loại thèm khát: Vàng. Nhưng cũng chính ở nơi này, người dân La Rinconada và những vùng xung quanh đang chết dần mòn bởi những hóa chất độc hại dùng trong khai thác…

Thị trấn vàng

Nếu có dịp đến nơi này, điều đầu tiên đập vào mắt khách du lịch là những căn nhà tồi tàn làm bằng tôn nằm sát nhau với những lối đi chật hẹp, cạnh đó là một hồ nước đầy rác thải. Cái lạnh khắc nghiệt cộng với tình trạng thiếu oxy đã khiến ngay cả dân địa phương cũng phải thở hổn hển, nhất là khi vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo dẫn vào những hầm mỏ thủ công. Thợ mỏ Chipanas, 45 tuổi, nói: "Điều tồi tệ nhất không phải là cái lạnh hay công việc khó khăn mà là mùi hôi thối. Nước thải chảy ngay giữa đường phố và chỉ khi tuyết phủ dày thì cái mùi này mới bớt đi".

Banderas, chủ một cửa hàng tạp hóa cho biết: "Việc khai khoáng ở một số mỏ không tuân thủ điều kiện an toàn nên ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Không ít thợ mỏ chết vì phù phổi cấp do thiếu oxy, chết vì sập hầm lò, chết do té ngã bởi chứng say độ cao… Ngoài ra, số chết vì nhiễm độc hóa chất - cụ thể là thủy ngân và xyanua cũng khó mà đếm được".

Một góc thị trấn vàng La Rinconada.

Dân số ở La Rinconada dao động khoảng 30.000- 50.000 người tùy theo thời vụ. Trong những căn nhà bằng tôn nơi họ sống, không hề có máy sưởi hoặc nước nóng và cũng không có hệ thống thu gom rác thải. Khi giá vàng tăng lên gấp 5 lần trong một thập niên qua, các chủ mỏ có cải thiện một vài dịch vụ cơ bản, chẳng hạn như nhà vệ sinh công cộng, cửa hàng bách hóa, tiệm thuốc Tây…, nhưng nó chỉ như muối bỏ biển bởi lẽ giá của những loại hàng hóa thiết yếu dùng cho cuộc sống hàng ngày đắt gấp 3 lần so với những thị trấn, làng mạc dưới chân núi. Banderas kể rằng đã có nhiều thợ mỏ tự do bị cướp và thậm chí bị giết chỉ vì thông tin họ đào được vàng lộ ra ngoài. Thi thể của họ bị ném vào một đường hầm nào đó trong mỏ, thậm chí có người còn bị giết khi đi bán vàng. Một số phụ nữ và trẻ em gái ở những thành phố, thị trấn khác bị bọn buôn người dụ dỗ, đưa đến La Rinconada rồi bán cho những quán bar hoặc những nhà chứa. Họ chết dần mòn ở đó bởi món tiền "tạm ứng" mà suốt cuộc đời họ vẫn chẳng thể nào trả nổi.

Bên cạnh những mỏ vàng tự do, một số mỏ hoạt động theo những hợp đồng không chính thức, nghĩa là tất cả những tiêu chuẩn về an toàn lao động đều không đạt yêu cầu nhưng vẫn được chính phủ cho phép tồn tại miễn là chủ mỏ có đăng ký và đóng thuế. Nhưng dù không chính thức hay tự do, quy trình khai thác đều theo một nguyên tắc là khoan, đặt mìn hoặc dùng khí nén để phá đá. Các máy nghiền quặng sẽ biến những tảng đá lớn thành những mảnh vụn rồi xử lý bằng thủy ngân để tách lấy vàng. Sau đó, thành phần còn lại mà tiếng Peru gọi là "lama" - nghĩa là bùn sẽ được xử lý tiếp bằng xyanua để lấy hết số vàng còn sót. Cuối cùng, nó được đổ bỏ ở một khoảnh đất nào đó. Do quặng thải chứa đầy thủy ngân và xyanua nên mỗi khi băng tan, một phần nó ngấm vào lòng đất, phần khác trôi theo hệ thống nước ở núi Andean xuống hạ lưu và đó là câu trả lời vì sao rất nhiều cư dân ở thị trấn La Rinconada cùng các làng mạc dưới chân núi mắc các bệnh về hệ thần kinh, tiêu hóa, miễn dịch, các bệnh về tim, gan, phổi…

Antonio Yana Yana, 49 tuổi, sau một thời gian là giám đốc an ninh của mỏ San Antonio ở La Rinconada thì phát hiện bị ung thư phổi. Antonio Yana Yana cho biết: "Các thỏa thuận lao động thường chỉ thực hiện bằng lời nói. Quản đốc của mỏ đứng ra thuê nhân công từ một tuần đến vài tháng tùy thuộc vào mạch vàng có nhiều hay ít. Nhân công sẽ nhận được thức ăn và chỗ ở nhưng không có trợ cấp hoặc tiền lương. Thay vào đó, mỗi tháng họ được phép làm việc tự do trong 2 ngày - tiếng Peru gọi là cachorreo - và nếu tìm được vàng, tất cả số vàng đó sẽ thuộc về họ. Còn nếu không, coi như họ… lao động miễn phí".

Trên những con dốc quanh co đầy rác rưởi, thợ mỏ đến hầm lò để bắt đầu một ngày đào vàng.

Thợ mỏ Sanchez nói: "Chỉ cần kiếm được khoảng 20 ounce là tôi sẽ bỏ nghề ngay. Chừng đó đủ để tôi xuống núi mua một mảnh đất trồng ngô, nuôi cừu. Vậy là mãn nguyện…". Nhưng từ đó đến nay, người kiếm được nhiều nhất theo "chế độ cachorreo" chỉ khoảng 2 gam vàng (0,07 ounce) bởi lẽ họ hoàn toàn không được máy móc hỗ trợ như khi làm cho chủ mỏ! Sanchez nói tiếp: "Máy phun khí nén có thể đánh tung vài ba mét khối đá chỉ trong 1 tiếng đồng hồ; còn chúng tôi, dụng cụ chỉ là cái cuốc chim, bổ cật lực suốt 2 ngày cũng chưa được nửa mét khối…".

La Rinconada còn là một trong những nơi nguy hiểm nhất Peru. Trung úy cảnh sát Jorge Pinto cho biết: "Thợ mỏ thường trộm cắp tài sản của nhau. Súng được bán ở khắp nơi trong thị trấn còn lực lượng cảnh sát lại rất mỏng nên thay vì luật pháp và trật tự, cuộc sống ở đây là "mạnh được, yếu thua".

Tất cả vì vàng

Ngoài những thợ mỏ chính thức, thị trấn La Rinconada còn có một loại thợ khác: Đó là những phụ nữ, được gọi là "pallaqueras", phần lớn là những bà mẹ đơn thân hoặc vợ của các thợ mỏ. Hàng ngày, họ theo dõi những chiếc xe tải chở đá thải từ các mỏ, đổ xuống những bãi rác lộ thiên. Khi đá đổ xuống, họ chen chúc nhau tìm kiếm những mẩu đá có dấu vết của vàng, mặc kệ khói bụi và mùi hóa chất, chưa kể sự quấy rối tình dục của những tay quản lý bãi thải cho phép họ tìm kiếm. Nếu may mắn tìm thấy đá có vàng, họ nghiền đá với thủy ngân bằng phương pháp thủ công rồi đem đến những điểm thu mua, nơi những người chế tác thổi nó bằng đèn khò để thủy ngân bốc hơi, còn lại vàng. Tuy nhiên, tất cả những hậu quả độc hại ấy không làm động lòng các đại lý thu gom, các nhà tinh chế ở Mỹ, Thụy Sĩ, Anh, Pháp…, và một số quốc gia khác mua vàng của La Rinconada để biến nó thành vàng thỏi cùng những đồ trang sức rực rỡ. Điều ngạc nhiên là khi bán ra thị trường, số vàng này không hề có dấu hiệu nào cho thấy nó xuất xứ từ La Rinconada. Các nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn cung tốt hơn, đáp ứng các tiêu chí về môi trường gần như không có tác dụng bởi lẽ nếu mua vàng của La Rinconada, các nhà buôn có thể tiết kiệm từ 2- 3 USD/ ounce.

Kể từ khi giá vàng từ mức dưới 300USD/ounce ở thập kỷ trước tăng lên hơn 1.850USD/ounce vào mùa xuân năm nay, việc khai thác vàng ở La Rinconada ngày càng gia tăng cường độ, đến mức nó thu hút cả những nông dân trong thời gian nhàn rỗi giữa hai vụ mùa. Nông dân Quito nói: "Mỗi năm tôi đều dành ra 3 tháng để đi làm thợ mỏ, và cũng kiếm được chút ít trang trải cho cuộc sống gia đình". Theo Quito, có khoảng 600 đến 700 nông dân làm giống như ông nhưng không phải ai cũng may mắn. Một số người chỉ sau 2 hoặc 3 năm làm thợ mỏ thời vụ thì nhiễm độc thủy ngân, thậm chí bị tai nạn thương tật hoặc chết do không có kinh nghiệm như những thợ chuyên nghiệp vì hầu hết họ đều làm cho các chủ mỏ nhỏ lẻ nhằm tránh phải đóng thuế.

Với nhiều chủ mỏ không chính thức, vàng thường được bán trên thị trường chợ đen rồi được "rửa sạch" bằng các giấy tờ hợp pháp. Với những công ty thu mua để xuất khẩu, họ chỉ cần người bán có loại giấy tờ này mà chẳng cần kiểm tra xem vàng có xuất xứ từ mỏ nào, và việc khai thác có tuân theo những quy định của chính phủ hay không.

Trong suốt hai thập niên qua, Chính phủ Peru đã có nhiều nỗ lực để đưa người khai thác - kể cả chủ mỏ lẫn  thợ mỏ - tuân thủ các quy định về hành chính, lao động và môi trường nhưng quá trình đó - được gọi là chính thức hóa - mất rất nhiều thời gian. Trong số hơn 60.000 thợ mỏ phi chính thức đã đăng ký với chính phủ, chỉ có khoảng 1.600 người hoàn thành các điều kiện để được cấp giấy phép và điều này buộc họ phải nộp thuế cũng như chịu sự quản lý về lao động và môi trường. Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động, chính phủ Peru cũng cho phép hàng chục nghìn thợ mỏ không chính thức có thể bán vàng hợp pháp miễn là họ tuân thủ những điều kiện đã đặt ra về an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, khoảng thời gian ấy lại được gia hạn nhiều lần bởi các chủ mỏ lẫn thợ mỏ muốn tránh né các thủ tục giấy tờ và thuế. 

Một thợ mỏ vác bao quặng bùn sau khi tách vàng bằng thủy ngân để tiếp tục xử lý bằng xuanya nhằm lấy hết vàng.

Hiện tại, ARM cùng hai tổ chức chính thức khác ở Peru là Kinh doanh quốc tế trung thực (FI) và Hội đồng vàng trang sức có trách nhiệm, được quyền chứng nhận vàng từ những người khai thác nếu họ đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn về pháp lý, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, cả 3 tổ chức cũng sẵn sàng liên kết với các nhà xuất khẩu, nhập khẩu nếu họ muốn truy tìm nguồn gốc, xuất xứ của số vàng mà họ định bán hoặc định mua. Tiền lệ phí thu được từ các dịch vụ ấy sẽ được dùng để bảo hiểm cho thợ mỏ hoặc các dự án an sinh cộng đồng. Tuy nhiên, rào cản trong việc truy xuất nguồn gốc vàng tốn nhiều thời gian và công sức bởi lẽ cả 3 tổ chức nêu trên đều thiếu người, chưa kể những nhà thu mua vàng để xuất khẩu phải trả thêm phí dịch vụ nên nhiều nơi cũng chẳng mặn mà.

Là nhà sản xuất vàng lớn nhất Mỹ Latin, sản lượng hàng năm của Peru là 165 tấn, trong đó núi Andean, nơi có thị trấn La Rinconada được xếp vào hàng thứ 6 trên thế giới về khai thác vàng. Trong nhiều năm, chính phủ Peru đã cố gắng thuyết phục các chủ mỏ hợp pháp hóa quy trình khai thác mang tính bền vững nhưng không thành công.

Với những thợ mỏ ngày ngày đào những đường hầm ở sườn núi Andean thì trên đầu họ là những sông băng mà họ gọi là "Người đẹp ngủ trong rừng" nhưng chẳng ai biết lúc nào nó sẽ tan chảy. Thợ mỏ Quito nói: "Tôi cùng mọi người khác đều mong cô ấy đừng bao giờ tỉnh lại…".

Vũ Cao (Theo Latin America Today)
.
.