Những câu chuyện huyền bí ở hầm mộ Paris

Thứ Sáu, 03/08/2018, 13:28
Paris hoa lệ - thủ đô nước Pháp hay còn được gọi là La Ville Lumière, có nghĩa là Thành phố ánh sáng. Nhưng ít ai biết rằng bên dưới thành phố nhộn nhịp có dân số 12 triệu người này lại là một nghĩa trang khổng lồ với 6 triệu hài cốt.

Nghĩa trang Les Catacombes hay còn được gọi là Hầm mộ Paris, trở thành một "vương quốc của người chết" đúng như biệt danh mọi người đặt cho nó.

Hầm mộ khổng lồ này có nguồn gốc từ các mỏ đá vôi nằm ở ngoại ô thành phố. Người ta đã bắt đầu khai thác các mỏ khoáng sản này từ thời La Mã, họ dùng chúng để cung cấp nguyên vật liệu xây dựng các tòa nhà và mở rộng thành phố. Tuy nhiên chỉ đến sau nửa cuối thế kỉ 18, người ta mới chuyển những mỏ đá vôi này thành nơi chôn cất.

Vào thế kỉ 18, cùng với việc Paris trở thành trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của châu Âu, thành phố nhộn nhịp này phải đối mặt với một vấn đề đáng lo ngại.

Bên trong hầm mộ.

Các nghĩa trang lớn của thành phố như Les Innocents trở nên quá tải dẫn đến tình trạng chôn cất bừa bãi và các xác chết bị khai quật. Như một lẽ dĩ nhiên, các cư dân sống gần đó phải gánh chịu mùi hôi thối và sự lây lan của dịch bệnh do xác chết phân hủy.  Để chấm dứt tình trạng này, năm 1763, vua Luis XV ban bố sắc lệnh cấm tất cả việc chôn cất trong thủ đô.

Tuy nhiên Giáo hội không muốn thực hiện việc di chuyển các nghĩa địa do đó sắc lệnh vấp phải sự phản đối mãnh liệt. Tình hình vẫn như vậy mãi đến năm 1780, một cơn mưa kéo dài đã khiến bức tường của nghĩa trang Les Innocents đổ sập.

Đến thời điểm này chính quyền Pháp buộc phải bắt tay vào hành động nhằm ngăn sự việc tồi tệ hơn. Họ quyết định biến các mỏ đá Tombe-Issoire cũ thành hầm mộ mới cho Paris, nhưng họ vẫn phải mất tới 2 năm để chuyển các ngôi mộ cũ ở Les Innocents tới hầm mộ mới. Đến năm 1860 công việc chuyển giao này mới được hoàn thành và 7 năm sau đó nó mới được mở cửa cho công chúng ghé thăm.

Hầm mộ nổi tiếng của Paris bao gồm hàng loạt những đường hầm trong lòng đất kéo dài hơn 200 dặm bên dưới thành phố và chứa xương của hơn 6 triệu cư dân cũ của Paris. Những người muốn đến thám hiểm hầm mộ này phải đi qua lối vào có tên Barrière d'Enfer (Cổng Địa ngục) nhưng không phải tất cả các nhà thám hiểm đều có thể may mắn trở ra.

Mộ của Aspairt.

Một số người mạo hiểm đến hầm mộ này lúc nửa đêm chia sẻ rằng nghe thấy các bức tường nói chuyện với họ. Những giọng nói này cố gắng lôi kéo họ đi sâu hơn vào trong đường hầm, khiến họ mất phương hướng và cuối cùng phải chịu cái chết bi thảm trong đường hầm.

Năm 2010, các nhà thám hiểm hang động tìm thấy một video ghi lại cảnh một người đàn ông đi lang thang qua các đường hầm tối tăm trong hầm mộ cho đến khi anh ta hoảng sợ vứt máy quay, bỏ chạy vào trong đêm tối và không bao giờ được nhìn thấy nữa. Dù nhiều người vẫn còn nghi ngờ tính xác thực của nó nhưng đoạn băng này được cho là nguồn cảm hứng cho bộ phim  kinh dị "Trần sao, âm vậy" (2014).

Một câu chuyện rất nổi tiếng khác về người mất tích tại hầm mộ Paris là về Aspairt, người giữ cửa của bệnh viện Val-de-Grace trong thời kỳ diễn ra cách mạng Pháp. Vào năm 1973 ông quyết định sử dụng đường hầm ở hầm mộ Paris để đi lấy 1 loại rượu nổi tiếng dưới hầm một tu viện gần Jardin de Luxembourg.

Tuy nhiên do hệ thống đường hầm phức tạp,  ông đã bị lạc và phải nằm lại đây vĩnh viễn. Mãi đến năm 1804 xác của ông mới được phát hiện, nhưng điều đáng nói là xác của ông được phát hiện rất gần cửa ra của hầm mộ. Do đó họ quyết định chôn ông ngay ở đây, sâu trong hầm mộ. Người ta tin rằng linh hồn ông vẫn lang thang trong hầm mộ bảo vệ những người thám hiểm nơi đây.

Các chuyến thăm  hầm mộ chính thức được tổ chức từ thế kỉ 18, tuy nhiên chỉ có tầng lớp thu nhập cao mới đủ khả năng chi trả cho chuyến viếng thăm. Hầm mộ cũng từng đóng cửa trong khoảng thời gian 17 năm do Nhà thờ phản đối việc trưng bày xương cốt trước khách du lịch và coi hầm mộ như một địa điểm tham quan.

Trước nhu cầu tham quan khá cao của công chúng, giờ mở cửa của hầm mộ đã được thay đổi từ 3 lần một năm thành thăm hàng ngày. Lối vào Hầm mộ nằm ở quận 14 (Ga tàu điện ngầm Denfert - Rochereau), khách tham quan sẽ tốn 12 đô la cho vé vào cửa và cả hướng dẫn du lịch âm thanh.

Tuy nhiên mọi người chỉ có thể tham quan một phần nhỏ của hầm mộ, và quãng đường từ cổng vào đến hầm mộ mất đến 45 phút. Trước khi xuống cầu thang vào đường hầm, du khách sẽ được xem một cuộc triển lãm nhỏ giải thích lịch sử địa chất của Paris.

Bên trong đường hầm, các bộ xương được nhóm theo nghĩa trang nơi chúng đến.

Một điều cần lưu ý là bên trong các đường hầm ngầm có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bên ngoài, do đó bạn nên mang theo áo len bên mình ngay cả khi bạn đi  vào mùa hè.

Bên cạnh việc ghé thăm hầm mộ một cách hợp pháp vẫn có những nhóm người cố gắng khám phá các khu vực bị giới hạn trong hầm mộ. Những người này được gọi là Cataphiles. Những nhà thám hiểm này thích khám phá và tạo ra những con đường mới để tiến vào đường hầm.

Tuy nhiên việc lẻn vào hầm mộ bất hợp pháp sẽ bị xử phạt nặng nề nhưng điều đó dường như không thể ngăn cản lòng đam mê khám phá của họ. Cho đến ngày nay vẫn có rất nhiều Cataphiles lén vào đường hầm để khám phá những con đường mới, vẽ tranh tường hoặc đào thêm đường hầm mới.

Thùy Trang (tổng hợp)
.
.