Những dạng thủy sinh nguy hiểm chết người

Thứ Ba, 07/08/2018, 10:35
Nếu có gặp loài sứa xinh đẹp này chúng ta chớ nên sờ tay vào nó, bởi vì sứa hộp Úc được coi là "sinh vật độc nhất thế giới", mặc dù chỉ có một vài giống trong lớp này được xác định là có khả năng gây tử vong cho con người.


Sứa hộp Úc

Điểm khác biệt lớn nhất ở loài sứa hộp Úc là phần tán dù của nó hình khối hơn là dạng vòm như loài sứa thông thường. Sứa hộp Úc cũng di chuyển nhanh hơn do kết cấu cơ thể nhẹ hơn và cũng xinh đẹp hơn vì phần lớn thân của nó trong suốt. 

Sứa hộp Úc.

Nhưng nếu có gặp loài sứa xinh đẹp này chúng ta chớ nên sờ tay vào nó, bởi vì sứa hộp Úc được coi là "sinh vật độc nhất thế giới", mặc dù chỉ có một vài giống trong lớp này được xác định là có khả năng gây tử vong cho con người. Sứa hộp Úc có đến 60 xúc tu, mỗi xúc tu dài 4,5 mét và đủ chất độc để giết chết 60 người!

Mực nang Pfeffer

Loài thủy sinh nhỏ xinh đẹp dài 8cm này có màu sắc khá rực rỡ. Phần lưng mai mực có màu vàng nhạt và lồi. Toàn thân mực mềm mại, không có bướu hay nốt mụn nên nó được coi là một trong những dạng sống dưới biển xinh đẹp nhất. 

Loài mực nang này được tìm thấy ở vùng nước nhiệt đới Đông Nam Á - Thái Bình Dương và miền nam Tân Guinea. Nhưng chớ nên vuốt ve nó. Dù đẹp và lóng lánh sắc màu, nhưng loài này khá là nguy hiểm do độc tố của nó gây chết người.

Cá heo mũi dài

Có lẽ coi cá heo là loài gây nguy hiểm chết người là không đúng! Bởi chúng là bạn của con người. Cá heo thông minh, biết giao tiếp và học hỏi nhiều điều thú vị từ con người, thậm chí biết sử dụng vây như bàn tay. Một số người còn cho rằng cá heo có quyền năng chữa bệnh. Bơi cùng với cá heo có thể là một liệu pháp chữa bệnh. 

Nhưng cá heo có thể sử dụng bạo lực. Không chỉ giết chết đồng loại mà nó còn chơi đùa với cái xác. Cá heo đực đặc biệt tỏ ra hung hăng với con người thuộc phái nam khi có sự liên quan đến phái nữ. Tại sao? Lý do là tính ganh tỵ giới tính. Chúng có thể dìm chết vợ của bạn khi cố bắt cóc cô ấy để giao cấu! 

Năm 2002, CNN đưa tin một con cá heo đa tình chọn mục tiêu là những người bơi lội ở Weymouth, nước Anh. Những người này được cảnh báo là nên tránh xa cá heo vì "Khi bị kích thích dục tình, cá heo sẽ cố cách ly một người, thường là phụ nữ, ra khỏi đám đông. Chúng sẽ bơi vòng quanh cá nhân này rồi dần di chuyển xa khỏi bờ biển, chiếc thuyền hay đám đông". 

Khi dục tình nổi lên, cá heo trở nên hung dữ khác thường, và nạn nhân (nữ) khó bề thoát khỏi con cá nặng gần 200kg. Năm 1994, một con cá heo mũi dài ở ngoài khơi San Paolo, Brazil, chú ý đến một phụ nữ nên đã tấn công giết chết 2 người đàn ông bơi bên cạnh vì cho họ là tình địch.

Cá đá

Đúng như tên gọi, cá đá thường nguỵ trang như những hòn đá tự nhiên. Nhưng đây là loài cá được xếp vào hàng độc nhất thế giới, thường sống dưới đáy đá ngầm.

 Cá đá sống ở phía trên đông chí tuyến song cũng có thể tìm thấy ở dải san hô ngoài khơi Queensland (Queensland Great Barrier Reef). Nọc độc của cá nằm ở 13 gai trên phần lưng. Tuỳ theo mức độ của vết đốt, nạn nhân có thể bị choáng, liệt hay chết mô. Chất độc của cá đá gây đau đớn đến mức nạn nhân muốn cắt bỏ phần chi bị nó đốt.

Mực ống vua khổng lồ

Mực ống vua khổng lồ được xếp vào loại động vật thân mềm cao cấp nhất trong vương quốc động vật không xương sống. Đặc biệt nó có đôi mắt giống như mắt người, và 10 xúc tu tựa như cánh tay mà khi duỗi thẳng ra có thể dài đến 19 mét. Chúng ta thường hay nhầm lẫn mực ống vua khổng lồ với bạch tuộc. Nhưng bạch tuộc chỉ tấn công người khi cảm thấy bị đe dọa. 

Ngày 25-3-1941, một chiếc tàu Anh bị đắm ở Đại Tây Dương. Khi 10 người sống sót sắp sửa trèo lên chiếc xuồng cứu hộ thì bất ngờ họ nhìn thấy một con mực ống vua khổng lồ trồi lên mặt đại dương. Con vật duỗi thẳng các xúc tu giống như tay người xoắn chặt lấy thân hai người rồi lôi tuột họ xuống đáy đại dương. Thỉnh thoảng mực ống vua khổng lồ được cho là xơi tái con cái sau khi giao phối.

Cá mút đá myxin

Một dạng sống thuỷ sinh cổ được khám phá trong thời gian gần đây được gọi là cá mút đá myxin - dài trung bình khoảng nửa mét - bị coi là sinh vật gớm ghiếc do khả năng tiết ra chất nhờn nhớt của nó. Ví dụ khi bị bắt và giữ đằng đuôi, cá mút đá myxin liền tiết ra chất nhờn có lẫn những sợi cực nhỏ và trở nên nhớp nháp khi kết hợp với nước. 

Nếu vẫn còn bị giữ chặt, cá sẽ cuộn toàn thân mình thành hình dạng giống như một cái gút đơn để thoát khỏi bàn tay người bắt cũng như chất nhờn sệt của chính nó. Nguồn thức ăn của cá mút đá myxin là sâu biển, nhưng nó có thể chui sâu vào trong cơ thể của bất cứ con vật bị thương nào to lớn hơn nó để ăn hết ruột gan của nạn nhân. Có vài trường hợp được phát hiện thấy những xác người dưới biển chỉ còn lớp da bởi vì nội tạng bên trong đã bị cá mút đá myxin rỉa sạch hết.

Cá nóc

Cá nóc có gương mặt vui nhộn này được coi là động vật có xương sống độc hàng thứ hai trên hành tinh sau loài Ếch Vàng Độc. Da và nội tạng cá nóc chứa chất độc nguy hiểm đến tính mạng con người gọi là Tetrodotoxin (TTX). Độc tố thần kinh này nguy hiểm hơn cả cyanide, gây ngạt thở dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, người Nhật và Hàn Quốc thường ăn cá nóc nhưng phải được chế biến qua đôi tay của đầu bếp chuyên nghiệp để xử lý chất độc.

Cá sư tử

Đây là một trong những loài cá độc, đẹp nhưng vô cùng nguy hiểm. Cá sư tử mình dài, có gai và nói chung có sọc vằn màu đỏ, xanh, nâu, cam, đen, hay trắng. Những gai nhọn của cá sư tử là nơi chứa độc tố. Nhưng may mắn là cá sư tử thường tránh xa con người hơn là lao tới tấn công. Mặc dù độc tố cá sư tử không đến nỗi gây chết người, nhưng vết cắn của nó gây đau đớn cho nạn nhân rất nhiều.

Bạch tuộc vòng xanh

Loài này nhỏ và đẹp. Những vòng tròn thú vị trên mình cá lấp lánh ánh sáng màu xanh huỳnh quang. Bạch tuộc thường sử dụng tế bào sắc tố da để nguỵ trang và khi bị khiêu khích nó sẽ đổi sang màu vàng. Bạch tuộc vòng xanh dài từ 12 đến 20cm, nhưng chất độc của nó đủ mạnh để giết người và không có thứ gì giải được độc tố của nó. Bạch tuộc dùng chất độc để làm tê liệt con mồi trước khi xé xác nạn nhân để hút thịt ra.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.