Những ngôi làng thông minh sử dụng điện mặt trời ở Ấn Độ

Thứ Ba, 26/07/2016, 05:15
Chính quyền Ấn Độ cam kết chi 980 tỷ ruppe (khoảng 14,5 tỷ USD) cho chương trình những thành phố thông minh tiên tiến nhất nhưng đối với doanh nhân trở về từ Mỹ Ashok Das, những ngôi làng thông minh không được ai nghĩ đến.

Người dân thành thị sử dụng điện là chuyện bình thường, song đối với 200 triệu người Ấn Độ vùng nông thôn đang sống trong cảnh tối tăm không được mắc nối với lưới điện nhà nước thì điều đó là đặc ân.

Ashok Das muốn thử nghiệm điện mặt trời thay thế cho các mạng lưới điện truyền thống ở những vùng nông thôn để đáp ứng yêu cầu năng lượng xanh trên thế giới hiện nay. Ashok Das lập luận: "Thay đổi hành vi người tiêu dùng trong thành phố lớn là vấn đề không hề dễ dàng. Chúng ta sẽ mất nhiều thập niên để xây dựng vài thành phố thông minh nhưng tôi có thể tạo hàng ngàn ngôi làng thông minh với ngần ấy thời gian như thế".

Điện mặt trời là giải pháp cho những vùng nông thôn hẻo lánh ở Ấn Độ.

Sau một thập niên làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở Mỹ, Ashok Das trở về quê hương Ấn Độ năm 2005 để trở thành nhà tư vấn công nghệ xanh.

Từ đó, Das nhìn thấy những cộng đồng cư dân nông thôn có thể hưởng lợi nhiều nhất từ năng lượng xanh. Năm 2010, khi viếng thăm một gia đình sống trong ngôi làng không có điện nằm gần thành phố quê hương của mình ở bang Bihar miền Bắc Ấn Độ, Das muốn có sự thay đổi.

Lĩnh vực năng lượng xanh của Ấn Độ có khuynh hướng "bán rồi bỏ đi" - nghĩa là thiết bị công nghệ cao được triển khai lắp đặt tại những ngôi làng hẻo lánh vùng nông thôn nhưng thiếu chương trình hỗ trợ bảo dưỡng cho nên thường dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng. Đó là lý do thúc đẩy Ashok Das tạo dựng công nghệ lưới điện thông minh cho phép toàn bộ cơ sở hạ tầng điện năng của một ngôi làng được giám sát từ xa.

Các mạng lưới điện mặt trời của chính quyền không hiệu quả do thiếu giám sát và bảo dưỡng.

Tháng 1-2016, khu vực Chhotkei thuộc bang Orissa miền Đông Ấn Độ trở thành ngôi làng thông minh đầu tiên được sử dụng điện với công nghệ gọi là Smart NanoGrid được phát triển bởi Công ty SunMoksha của Ashok Das. Điện năng cho Chhotkei được cung cấp bởi nhà máy điện mặt trời 30KW cùng với các bộ cảm biến và công cụ đo để thu thập dữ liệu về mức tiêu thụ và tình trạng hoạt động của hệ thống.

Dữ liệu được truyền về hệ thống giám sát đám mây của SunMoksha được đội ngũ nhân viên công ty truy cập từ bất cứ nơi đâu. Hệ thống cho phép quản lý mức cung - cầu từ xa đồng thời lập sơ đồ về những hoạt động cần năng lượng - ví dụ như bơm nước cho đồng ruộng và một số doanh nghiệp nhỏ đóng gói thực phẩm hay trữ và bán thức uống lạnh. Những điểm phát wifi giúp dân làng truy cập vào mạng Internet nội bộ thông qua ứng dụng di động để theo dõi mức tiêu thụ điện của họ, thanh toán hóa đơn và báo cáo phản ánh.

Nếu người dùng sử dụng điện vượt quá hạn định cho phép, họ có thể bị cắt điện nhằm tránh quá tải cho mạng lưới cũng như những lỗi phát sinh được nhanh chóng phát hiện từ xa để khắc phục sửa chữa. Dân làng cũng được huấn luyện sửa chữa một số hư hỏng đơn giản trước khi đội chuyên gia đến giải quyết. Đối tác địa phương của SunMoksha là Công ty Phát triển năng lượng tái tạo Odisha (Orissa) hay OREDA.

Dân làng được huấn luyện khắc phục sự cố trước khi chuyên gia có mặt.

Năm 2015, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết cung cấp điện cho mỗi ngôi làng nước này sử dụng trong 1.000 ngày, còn OREDA có trách nhiệm xây dựng giải pháp năng lượng tái tạo cho những ngôi làng hẻo lánh nhất.

Nhưng theo Phó giám đốc Ashok Choudhury, phần lớn những dự án chỉ là các hệ thống chiếu sáng hộ gia đình bằng điện mặt trời đơn giản. Cụ thể là, dân làng chỉ được sử dụng điện cho sinh hoạt hàng ngày, còn ngoài ra không có điện để phục vụ giải trí hay học tập.

Thậm chí, những hệ thống năng lượng lớn hơn khó có thể giám sát và duy trì vận hành cho nên người dân vẫn thường xuyên bị mất điện. Do đó, Choudhury khẳng định công nghệ Smart NanoGrid giúp cho các dự án mang điện đến cho người dân vùng nông thôn hẻo lánh là khả thi và bền vững. 

Tháng 6 vừa qua, Công ty SunMoksha của Ashok Das giành chiến thắng trong hạng mục "Ngôi làng thông minh" tại sự kiện 2016 Smart Cities India Awards và hiện tại đang trong tiến trình xem xét tham gia 10 dự án tiên phong của Bộ Năng lượng tái tạo Ấn Độ (MNRE). Một vài công ty khai mỏ cũng muốn sử dụng công nghệ Smart NanoGrid để cung cấp điện cho hoạt động khai thác mỏ.

Ngôi làng Chhotkei ở Orissa nằm tại nơi hẻo lánh đến mức hiện nay chỉ dựa vào kết nối dữ liệu qua vệ tinh vốn quá đắt tiền để sử dụng Internet. Nhưng, mạng viễn thông của Ashok Das được triển khai tại ngôi làng còn cung cấp nền tảng cốt yếu cho những ứng dụng chính quyền điện tử, y tế từ xa và giáo dục từ xa trong tương lai. Ashok Das tuyên bố: "Mạng lưới điện thông minh hoạt động như là công cụ xúc tác trong ngôi làng và sau đó mọi thứ khác có thể sẽ được triển khai. Tiềm năng là khổng lồ".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.