Những phát hiện thú vị về muối

Thứ Năm, 29/06/2017, 20:36
Dân Ai Cập cổ là những người tiêu thụ rất nhiều muối do phong tục ăn thịt nướng của mình. Họ lấy muối tại sa mạc Trắng ở Libya hay ven bờ những hồ lớn phía tây ngạn sông Nile. Với người Âu cổ thì việc lấy muối qua nước biển rất khó khăn, bởi xứ ôn đới mặt trời chiếu rất yếu; bù lại họ có những mỏ muối lộ thiên khổng lồ.

Trước đây gần 3.000 năm có dân tộc đã biết đun sôi nước biển trong chảo cho cạn ráo để lấy muối, rồi kinh nghiệm này được nhiều sắc dân khác trên thế giới bắt chước, khởi đầu các triệu chứng về tàn phá môi sinh qua việc củi rừng được chặt hàng loạt đem đun lấy muối. Nhưng cũng có cách lấy được muối mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, như vào khoảng 1.000 năm trước Công nguyên, dân làng Halstatt trên dãy Alpes ở Áo đã biết dùng cuốc thuổng xắn vào vách núi lấy "đá muối".

Một nạn nhân từ thời đó đã được tìm thấy trong thế kỷ XVIII. Sau hơn 2.000 năm thi thể anh ta vẫn còn nguyên vẹn nhờ được ướp muối.

Một cánh đồng muối ven bờ Ấn Độ Dương.

Mỏ muối ở Halstatt là mỏ được khai thác đại trà đầu tiên, từng hoạt động suốt nhiều thế kỷ và biến ngôi làng nhỏ thuở nào thành một trung tâm thương mại nhộn nhịp, có mối quan hệ với tận Ai Cập. Để đổi lấy muối - thứ "gia vị của mọi gia vị", người ta đem hổ phách từ các vùng biển phương Đông, vàng và ngà voi từ Phi châu tới Halstatt. Mạng lưới đường sá đầu tiên ở Âu châu được thiết lập chính là nhờ "con đường muối" - nơi giới thương buôn vận chuyển các báu vật của mình.

Chúng ta cần ăn mặn đến mức độ nào? Tối thiểu theo nhu cầu của cơ thể và tối đa phụ thuộc vào lỗ của các lọ đựng muối. Đó là kết luận qua cuộc thăm dò của một nhóm chuyên gia Mỹ về ẩm thực. Họ từng quan sát 1.900 người ngồi ăn trong các nhà hàng, trên máy bay, hay tại các nhà ăn công cộng. Những người ưa ăn mặn nhất là hành khách đi phi cơ, do họ được phát những túi muối bé tí xíu, nên ai cũng đổ ộc cả vào thức ăn để "phòng xa".

Ăn nhiều muối quá cũng sinh bệnh. Nếu trẻ sơ sinh đang còn bú ăn thêm vài gram muối trong bột cháo của mình sẽ bị sốt ngay. Những người bị bệnh thận cũng vậy, ăn mặn dễ làm cản trở sự bài tiết và sinh ra sỏi. Còn theo một vài vị bác sĩ, lượng muối nhiều cũng gây ra áp huyết cao với những người dễ bị chứng bệnh này. Nhưng nhiều bác sĩ khác lại tỏ ý nghi ngờ nhận định trên. Họ khẳng định áp huyết cao là do thiếu chất canxi trong cơ thể...

Chỉ có điều chắc chắn là căn bệnh này thường gặp trước tiên ở những nước có thói quen dùng nhiều muối. Sự tiêu thụ muối nhiều nhất tới 25g/ngày thuộc về người Nhật Bản sống tại phía bắc nước này, nơi đây cũng là vùng có tỷ lệ người bị cao áp huyết nhiều nhất thế giới. Ngược lại là trường hợp của người Eskimo cư ngụ ven Bắc Cực, do họ thường ướp cá trong băng không cần muối và hầu như không biết tới căn bệnh nói trên.

Thế giới dùng khoảng 200 triệu tấn muối mỗi năm, với 70% được khai thác từ các mỏ trong lòng đất và 30% còn lại từ các cách lắng nước biển. Hơn 1,5 thế kỷ nay, đa phần sản lượng muối hằng năm được loài người dùng cho nghành công nghiệp hóa chất. Vào giữa thế kỷ XIX bắt đầu kỷ nguyên của các lâu đài pha lê, nhà kính và cửa tiệm dát gương.

Lối kiến trúc này được áp dụng nhờ sự sản xuất sô đa đại trà với giá rẻ. Những tấm kính và bột giặt đầu tiên được làm từ cây sô đa thường mọc trên những vùng đất mặn ở châu Phi xa xôi. Sau khi khoa học chế được chất sô đa nhân tạo trên cơ sở tổng hợp NaCl, giá kính và xà phòng trên thị trường đột ngột hạ xuống, rẻ hẳn...

T. Q. Long (theo Discover)
.
.