Những sáng chế đi trước thời đại bị dập vùi

Thứ Hai, 05/03/2018, 12:38
Lịch sử các sáng chế kỹ thuật có nhiều những phát minh hữu ích, nhưng xã hội đương thời trong một thời gian dài lại tỏ ra không lưu tâm, cũng như không tin tưởng hoặc không thể hiểu hết tầm mức quan trọng của chúng.


Sự chờ đợi mòn mỏi của Archimedes

Mỗi hình thái kinh tế xã hội đều phát sinh những sáng chế đi trước thời đại của mình. Nhà phát minh huyền thoại Archimedes (287-212 Tr.CN) từng nghĩ ngay từ năm 250 Tr.CN một hệ ống dẫn, với cái chốt đặc biệt phục vụ cho việc cung cấp nước tự động. Sáng chế này của Archimedes được áp dụng đầu tiên trong các hầm mỏ Tây Ban Nha sau nhiều thế kỷ muộn hơn, rồi phổ biến tại hầu hết các quốc gia qua công nghệ cối xay chạy bằng sức nước.

Một ý tưởng từng sản sinh ra trước cả 2,5 thế kỷ Tr.CN, chỉ tìm được chỗ đứng thích hợp mãi sau thời phong kiến, khi "cái chốt của Archimedes" trở thành một dạng cơ bản về tự động hóa.

Còn trong thực tế vào thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, đơn giản là người ta thường sử dụng lượng nhân lực của hàng trăm nô lệ chuyên với việc cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu, hơn là dạy cho vài chục nô lệ cách vận hành một hệ thống "cơ học phức tạp". 

Điều này cũng được lý giải với trường hợp "cánh cửa tự động", được nhà phát minh uyên bác người Hy Lạp Hero (10-70) ở Alexandria nghĩ ra. Thời đó người ta coi sáng chế này là một trò chơi hơn là một thiết bị hữu ích.

Không ai muốn nói chuyện điện thoại…

Lịch sử các sáng chế kỹ thuật có nhiều những phát minh hữu ích, nhưng xã hội đương thời trong một thời gian dài lại tỏ ra không lưu tâm, cũng như không tin tưởng hoặc không thể hiểu hết tầm mức quan trọng của chúng. Điều này thể hiện rõ qua việc phát triển hệ thống điện thoại đầu tiên ở Mỹ và Đức.

Chiếc máy dệt của J. Jacquard trưng bày tại Bảo tàng Khoa học và Kỹ nghệ ở Manchester, Anh.

Từ các tài liệu lưu trữ cho thấy nguyên lý cấu thành điện thoại đã được thực thi bởi Johann Philipp Reis (1834-1874) người Đức. Tuy ông đã nổi danh trong xã hội bởi sáng chế của mình, nhưng công chúng khi ấy chưa biết sử dụng điện thoại vào mục đích gì.

Còn chính Alexander Graham Bell (1847-1922) người Mỹ gốc Scotland đã hoàn thiện thêm nguyên lý của J. Reis. Trước khi nhận bằng sáng chế trong năm 1876, A. Bell đã khai trương hãng chuyên sản xuất các máy điện thoại của mình.

Tới năm 1878 ở New Haven (tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ) đã khánh thành trung tâm điện thoại đầu tiên trên thế giới. Còn tại Đức, Hãng Siemens & Halske bắt đầu cho xuất xưởng các máy điện thoại theo nguyên mẫu của A. Bell. Tuy vấn đề bản quyền hồi ấy không căng thẳng lắm như bây giờ, nhất là trong khi A. Bell lại đang sống bên kia bờ đại dương.

Còn cơ quan bảo hộ bản quyền phát minh chỉ bắt đầu hoạt động ở Đức từ năm 1877. Cho tới đầu thập niên 80 thế kỷ XIX, tại Berlin mới chỉ có 193 người đăng ký sử dụng điện thoại và phải mất thêm một thập niên nữa, khi mọi người bắt đầu thể hiện mối lưu tâm về thứ phương tiện truyền tin tiện dụng mới này.

Đối với các sáng chế "đi trước thời đại" đương nhiên được giới truyền thông lan truyền rộng rãi, nhưng hiệu quả đôi khi trái ngược. Lịch sử còn ghi lại hàng loạt trường hợp giới công nhân thiêu hủy các cỗ máy tân kỳ, bởi chúng sẽ chiếm mất chỗ làm của họ.

Nhà phát minh nghiệp dư người Pháp Joseph Marie Jacquard (1752-1834) từng là nhân chứng của vụ thiêu hủy cỗ máy dệt đầu tiên, do ông sáng chế ngay trên quảng trường lớn ở thành phố Lyon quê hương. Nhưng J. Jacquard vẫn còn diễm phúc sống được đến ngày, mà các xí nghiệp dệt ở Lyon và vùng phụ cận được trang bị tới 30.000 chiếc máy dệt mới vào đầu thập niên 30 thế kỷ XIX.

Còn có cả những trường hợp mà các phát minh mới bị công khai phản đối bằng biện pháp bạo lực (đập phá, đốt cháy…) khiến các nhà sáng chế không dám phát triển và sáng tạo chúng thêm nữa.

Ví như Hans Schwanhardt người Đức trong năm 1561 đã làm ra cỗ máy tiện chuyên dụng dành cho kỹ nghệ kim hoàn. Nhưng theo quan điểm tín ngưỡng khi ấy thì đó là điều cấm kỵ. Giáo chức ở Nuremberg quyết định thiêu hủy chiếc máy mới giữa chốn công cộng, còn người sáng chế bị nhốt vào tù rồi chết "rục xương" trong đó vào năm 1621.

Ở một khía cạnh khác là đôi khi các sáng chế đã được đăng ký bản quyền rồi, nhưng song song tồn tại "sự cáo chung" của phát minh mới đó.

P.Nipkow - "cha đẻ" của sóng truyền hình.

Đơn cử như trường hợp của bằng sáng chế mang số 30.105 là một ví dụ đặc trưng, được cấp ngày 15-1-1885 cho chàng sinh viên người Phổ Paul Gottlieb Nipkow (1860-1940), với phát minh thu phát và khuếch đại tín hiệu điện từ cấu thành hình ảnh liên tục, hay nôm na như trong giới học thuật gọi là "con quay của Nipkow", với ý nghĩa sản sinh ra truyền hình.

Điều này xảy ra chỉ 6 năm sau khi sáng chế gia bất hủ người Mỹ Thomas Edison (1847-1931) làm ra chiếc bóng đèn điện đầu tiên. Nhưng bằng sáng chế số 30.105 lại không được áp dụng, mãi tới thập niên 20 thế kỷ trước mới xuất hiện những thử nghiệm thực tiễn đầu tiên để tạo ra truyền hình, với những kết quả khả quan chỉ đạt được vào cuối thập niên 1930.

Quang Long (theo Discover)
.
.