Những thành phố nổi sắp trở thành hiện thực

Thứ Tư, 24/02/2016, 16:00
Theo thiết kế mẫu, thành phố nổi tiền chế tự nâng sẽ sử dụng năng lượng sạch và không thải khí nhà kính. Thành phố bao gồm những khu vực ươm trứng cá và những nông trại thẳng đứng sản xuất thực phẩm cho cư dân.


Thành phố nổi tiền chế tự nâng

Được thiết kế bởi Công ty AT Design Office (trụ sở tại London, Anh).  Thành phố nổi sẽ bao gồm các module lục giác tiền chế có hình dạng như một đại lục nổi trải dài ra.

Theo thiết kế mẫu, thành phố sẽ sử dụng năng lượng sạch và không thải khí nhà kính. Thành phố bao gồm những khu vực ươm trứng cá và những nông trại thẳng đứng sản xuất thực phẩm cho cư dân.

X-SEA TY

Được thiết kế bởi Công ty kiến trúc X-TU Architects trụ sở tại Paris, Pháp, X-SEA TY là thành phố nổi sử dụng các công nghệ hấp thu carbon để làm sạch không khí trong môi trường xung quanh cư dân.

Thành phố được thiết kế gồm những tòa nhà lấy ý tưởng từ tổ ong với những bức tường xây bằng bê tông xốp kết hợp với công nghệ tảo quang hợp. Lớp tảo phủ trên bề mặt những bức tường này có tính năng sản sinh năng lượng sinh học cung cấp điện cho thành phố nổi.

Thành phố nổi hình lá súng (Lilypad)

Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Vincent Callebaut, thành phố nổi bao gồm nhiều đảo nhỏ có hình dạng lá súng và đủ chỗ ở cho ít nhất 50.000 người.

Những “lá súng” cũng được kết nối chặt chẽ với nhau và cùng sử dụng năng lượng tái tạo cho nên không phát sinh khí thải nhà kính.

Salt Lake City

Salt Lake City được xây dựng gồm nhiều thành phố nhỏ kết hợp lại nhằm mục đích kiểm soát lũ bên trong và xung quanh vùng Thung lũng sông Nil. Theo thiết kế, mỗi thành phố nhỏ đều có hồ nước bên trong nên cũng được gọi là “thành phố nước”. Đặc điểm của những module nhỏ này là chúng sẽ nổi bập bềnh khi xảy ra lũ. Salt Lake City gồm khu dân cư, công ty, văn phòng doanh nghiệp, nông trại và sản xuất năng lượng.

Đặc biệt, ý tưởng chủ đạo của thành phố nổi này chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành hiện thực.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.