Những vụ án bước ngoặt trong điều tra hình sự

Thứ Ba, 22/06/2021, 22:44
Vào tháng 8-1660, một người đàn ông Anh tên William Harrinson đi bộ sang làng Charingworth để thu tiền thuê nhà hộ ông chủ là mục sư Hicks, thế nhưng đến tối ông William vẫn không quay về.

Quá lo lắng, vợ ông Williams cử người hầu John Perry đi tìm chồng, nhưng ông John cũng mất tăm. Chiếc mũ và áo dính máu của William sớm được tìm thấy trên đường, nhưng ông William vẫn mất tích.

Từ một vụ bắt cóc khó tin

Rạng sáng hôm sau ông John mới quay lại và mọi người bắt đầu nghi ngờ chính ông ta đã lấy cớ đi tìm ông William để hạ sát chủ và phi tang cái xác. Khi bị tra hỏi, ông John khẳng định mình đi lạc nên không tìm được chủ và đến tận sáng hôm sau mới về được nhà. Không một ai tin được lý do này, và ông John nhanh chóng bị kết tội giết người. 

Trước toà, người hầu này khai rằng mẹ và anh trai John đã hợp tác với ông ta để giết hại ông chủ, và kết quả là 3 người bị xử tử hình năm 1661. 

Bất ngờ thay, chỉ 1 năm sau đó, ông William quay về nhà và cho biết mình bị cướp biển bắt cóc, bán làm nô lệ nhưng may mắn trốn thoát. Đầu tiên, có 2 tên cướp đã đâm William và cướp sạch chỗ tiền thuê nhà, sau đó chúng bán ông với giá 7 bảng Anh cho một nhóm cướp biển.

Trong hành trình lưu lạc trên đại dương kéo dài 6 tuần, ông được chăm sóc và chữa thương. Xui xẻo thay, con tàu lại bị một nhóm cướp biển Thổ Nhĩ Kỳ tấn công rồi ông bị bán làm người hầu cho một bác sĩ già tốt bụng ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. 

Chỉ 1 năm sau, người bác sĩ này qua đời và ông William bán chiếc bát bạc được người chủ quá cố để lại lấy lộ phí để lên một chiếc tàu Bồ Đào Nha, quay lại Anh. Trên đường đi, một người đồng hương đã biếu ông một khoản tiền, thức ăn và giúp ông quay về nhà.

Chân dung nạn nhân 10 tuổi Mona Tinsley.

Tuy vào thời điểm đó, những vụ bắt cóc kiểu như vậy không phải là hiếm nhưng không nhiều người tin ông William vì khi bị bán đi, ông William đã 70 tuổi. Ngoài ra, cái giá 7 bảng Anh thấp đến mức vô lý. 

Nhiều người cho rằng ông William đã nổi lòng tham, lấy đi chỗ tiền thuê nhà của chủ và để lại vài món đồ dính máu nhằm nguỵ tạo cái chết của mình. Thế nhưng, suy luận này khá vô lý vì ông William vốn khá giả, có đạo đức tốt và rất được mọi người nể trọng. Một cảnh sát tin rằng có lẽ chính con trai của ông William đã bắt cóc ông nhằm giành lấy công việc của nạn nhân.

Dù nguyên nhân đằng sau vụ án là gì thì cũng đã có 3 người vô tội mất mạng một cách oan uổng. Sử gia Anh quốc Benjamin Darlow cho biết, sau sự kiện này, luật pháp Anh bắt đầu quy định rằng một nghi phạm chỉ có thể bị kết tội giết người nếu thi thể của nạn nhân được tìm thấy. 

Gần 3 thế kỉ sau đó, vụ bắt cóc và giết hại cô bé 10 tuổi Mona Tinsley đã khiến cả nước Anh bàng hoàng và góp phần thay đổi quy định về cách thức truy tố các vụ giết người.

Vụ bắt cóc giúp thay đổi luật hình sự ở Anh

Mona Tinsley biến mất trên đường từ trường về nhà vào chiều 5/1/1937 và chỉ vài giờ sau đó, một nhân chứng khẳng định anh ta đã nhìn thấy một người đàn ông từng là khách trọ ở nhà em Tinsley lảng vảng gần nơi nạn nhân mất tích. 

Khi cảnh sát tra hỏi cha mẹ em Mona là ông Wilfred và bà Lilian về người khách trọ đáng nghi, họ lập tức trả lời rằng thủ phạm chắc chắn không phải khách trọ này. 

Theo như nhà sử học Chris Hobbs, phản ứng của ông bà Tinsley là "rất bất thường". Cuối cùng, ông bà Tinsley buộc phải khai nhận người đàn ông đó tên Frederick Hudson, 50 tuổi và là một người bạn thân của bà Edith Grimes - em gái bà Lilian. Frederick rất được trẻ em trong vùng yêu quý và các em hay gọi anh ta là "chú Fred". 

Bà Edith sau đó cho biết tên thật của Frederick là Frederick Nodder và khăng khăng anh ta đã bỏ đi biệt tích nhiều tháng trời. Tuy nhiên, đây là một lời nói dối trắng trợn vì một người hàng xóm của Edith báo với cảnh sát rằng chỉ 1 tuần trước thôi, Frederick vẫn còn lái xe xung quanh khu vực mà em Mona sinh sống. Dựa vào tên và biển số của chiếc xe, cảnh sát đã tìm thấy Frederick.

Khi bị tạm giữ ở đồn cảnh sát, Frederick vẫn liên tục chối tội và khẳng định mình đã không hề nhìn thấy em Mona nhiều ngày liền và không liên quan đến vụ mất tích. 

Cảnh sát phát hiện ra hàng loạt bằng chứng trái ngược với lời khai của nghi phạm bao gồm dấu vân tay của em Mona trên bát đĩa của thủ phạm và một bức tranh của em vẽ trong nhà hắn. 

Bên cạnh đó, rất nhiều nhân chứng khai rằng họ đã nhìn thấy Frederick đi cùng một bé gái trên xe bus từ Newark đến Retford - chính là quãng đường từ trường về nhà của Mona. Khi phải đối diện với những bằng chứng này, Frederick yêu cầu được gặp Edith và tuyên bố rằng sau đó, Mona sẽ quay trở về nhà một cách bình thường.

Theo như sử gia Chris Hobbs thì kể từ sau khi Frederick rời nhà trọ của ông bà Tinsley, tuần nào Edith cũng gặp gỡ người đàn ông. Điều này có nghĩa là Edith biết Frederick ở đâu, nhưng do lo sợ chuyện mình ngoại tình với hắn ta bị bại lộ, Edith đã không khai ra tung tích của Frederick. Sự chậm trễ của bà ta và mẹ của em Mona đã khiến cuộc tìm kiếm nạn nhân bị ngăn trở và cuối cùng thất bại.

Frederick Nodder - thủ phạm bắt cóc và giết hại Mona Tinsley.

Khi được cho phép gặp gỡ Edith, Frederick chỉ khai thêm với cảnh sát rằng hắn đưa Mona đi gặp dì và Mona tự đi lạc. Không một ai tin lời hắn, tuy nhiên cảnh sát không thể tìm thấy thi thể của em Mona cho dù đã lục tung nhà của nghi phạm, những khu vườn gần nơi em mất tích và con kênh Chesterfield. Frederick Nodder bị kết tội bắt cóc vào ngày 10/1/1937.

Cuộc tìm kiếm nạn nhân Mona vẫn tiếp diễn và do quá tuyệt vọng, cơ quan chức năng đã cho phép một số nhà ngoại cảm tham gia điều tra. Nhà ngoại cảm James Clarke đã sử dụng một cái que cùng một chiếc giày của em Mona và tuyên bố rằng mình đã tìm được thi thể nạn nhân ở một công trường gần hiện trường. 

Vào ngày 14/1, nhà ngoại cảm còn tự tin trả lời phỏng vấn tờ Nottingham Post rằng ông rất tự tin vào năng lực của mình, tuy nhiên cảnh sát không tìm thấy bất kì điều gì khả nghi ở công trường này. 

Tờ Daily Mirror sau đó còn tuyển chọn và kiểm tra 3 "nhà tiên tri" khác, thậm chí còn để họ xem xét ngôi nhà của em Mona và của Frederick, nhưng kết quả vẫn là số 0 tròn trĩnh.

Một trong những nhà ngoại cảm nổi tiếng nhất nước Anh là bà Estelle Roberts báo với cảnh sát rằng thi thể em Mona đang nằm dưới đáy một con sông gần hiện trường, nhưng cảnh sát vẫn không phát hiện ra thi thể em Mona. 

Các tờ báo lớn nhất nước Anh bắt đầu đưa tin về vụ án bí ẩn, thậm chí tờ Daily Express còn trao thưởng 250 bảng Anh cho bất kì ai tìm được cô bé tội nghiệp. 2 tháng sau, Frederick Nodder bị xử án tại Birmingham và hàng trăm người đã xếp hàng để vào xem phiên toà.

Luật sư của Frederick biện hộ rằng do thi thể của em Mona chưa được tìm thấy và điều này có nghĩa là em vẫn còn sống. Bồi thẩm đoàn chỉ cần 16 phút để kết luận Frederick có tội, tuy nhiên hắn chỉ phải ngồi tù 7 năm vì tội bắt cóc. Thẩm phán Rigby Swift đã vô cùng phẫn nộ về phán quyết này và ông tuyên bố ngay trước toà rằng tội ác của hắn rồi sẽ bại lộ.

Cuộc tìm kiếm lại tiếp tục và hàng trăm tình nguyện viên lục tung các khu vực khả nghi xung quanh nơi Mona biến mất, phát hàng nghìn tờ rơi, kêu gọi thêm nhân chứng trên các kênh phát thanh. Thậm chí cơ quan chức năng còn cho nạo vét con sông trong thị trấn và rút cạn một con kênh gần đó, nhưng thi thể của em Mona vẫn không xuất hiện.

Vận may của Frederick tan biến vào ngày 6/6/1937 khi một gia đình đang lái thuyền trên sông Idle tìm thấy thi thể của Mona và kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, em bị giết hại bằng cách siết cổ.

Lần này, Frederick đã thực sự phải trả giá cho tội ác của mình. Khi đứng trước phiên toà vào tháng 11/1937, Frederick vẫn khăng khăng rằng hắn đưa Mona đến gặp dì và không liên quan đến cái chết của cô bé. 

Những lời biện hộ này đã không cứu được hắn, và hắn phải nhận án tử vào ngày 30/1/1937 - gần một năm sau khi Mona bị bắt cóc và giết hại. Những tình tiết bất ngờ và kết luận của vụ án đã khiến vương quốc Anh sửa đổi một phần luật hình sự để giúp tìm kiếm công lý cho những nạn nhân bị giết hại.

Gã chồng sát nhân Richard Crafts.

Người chồng tệ bạc và vụ giết người không tìm thấy xác

Tại Mỹ, nhiều bang cũng có quy định rằng một nghi phạm không thể bị kết tội giết người nếu như thi thể nạn nhân không được tìm thấy. Thế nhưng, vụ án Helle Nielsen đã thay đổi điều luật này ở bang Connecticut, Mỹ. 

Nữ tiếp viên hàng không người Đan Mạch Helle Nielsen kết hôn với phi công người Mỹ Richard Crafts năm 1979, sau đó hai vợ chồng định cư ở Newtown, Connecticut, Mỹ. Sau khi kết hôn, chị Helle tiếp tục làm tiếp viên hàng không và nuôi lớn 3 con nhỏ. 

Cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng bắt đầu rạn nứt vào năm 1985 khi chị Helle phát hiện ra chồng đang ngoại tình với nhiều người phụ nữ khác nhau. 

Để đảm bảo mình có thể ly dị chồng và giành được quyền nuôi dưỡng các con, người vợ bất hạnh đã thuê một thám tử tư tên Oliver Mayo và anh Oliver đã chụp được hình ảnh Richard cặp kè với một nữ tiếp viên hàng không.

Một người bạn đưa Helle về nhà ở Newtown sau khi chị Helle vừa bay về từ Đức vào ngày 18/11/1996 và sau đó, chị đã mất tích. Sáng ngày hôm sau, Richard đưa 3 con đến nhà chị gái ở Westport và theo như người chị gái thì Helle không hề đi cùng chồng con. 

Trong vài tuần sau đó, Richard liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau khi bạn bè hỏi thăm vợ mình: khi thì anh ta bảo vợ về thăm gia đình ở Đan Mạch, khi thì Richard nói rằng Helle đang đi du lịch. 

Bạn bè của nữ tiếp viên hàng không bắt đầu lo lắng do họ biết rằng Richard là người rất nóng nảy và Helle từng nói nếu như có chuyện gì xảy ra với mình thì chắc chắn đó không phải là tai nạn ngẫu nhiên. 

2 tuần sau khi chị Helle biến mất, Richard mới báo cảnh sát và khi biết chuyện, thám tử tư Oliver Mayo tin chắc rằng gã chồng bội bạc có liên quan đến vụ mất tích bí ẩn của vợ. Tuy nhiên, do Richard từng là cảnh sát và tình nguyện viên tìm kiếm người bị bắt cóc ở Southbury, Oliver không thể thuyết phục cảnh sát rằng Richard là kẻ giết người.

Cuối cùng, công tố viên hạt chuyển hồ sơ vụ án đến cảnh sát bang Connecticut. Cảnh sát tiến hành khám xét nhà của Richard và Helle vào ngày 26/12/1996, khi Richard đang đi nghỉ với 3 con ở Florida. Họ tìm thấy vết máu trên giường và nhận thấy tấm thảm trong phòng ngủ đã bị cắt mất một miếng. 

Người giúp việc của gia đình nhớ lại rằng vài ngày trước, Richard đã cắt phần thảm bị dính vết bẩn màu đỏ và vứt đi. Người chịu trách nhiệm khám nghiệm hiện trường là bác sĩ pháp y huyền thoại Henry Lee - lúc đó mới chỉ là một điều tra viên bình thường.

Thẻ tín dụng của Richard cho thấy hắn đã mua một số món đồ rất bất thường vào khoảng thời gian Helle mất tích: một tủ lạnh cỡ lớn, ga trải giường, chăn, một chiếc cưa máy và hắn cũng thuê một máy băm dăm gỗ. Cảnh sát sau đó tìm thấy chiếc cưa máy gần hồ Zoar và trên cưa dính đầy tóc cùng với máu của Helle.

Một người dân địa phương tên Joseph Hine sau đó trình báo với cảnh sát rằng ông đã nhìn thấy một chiếc xe tải có gắn máy băm dăm gỗ đỗ gần hồ Zoar vào ngày 18/11 - ngày Helle mất tích. 

Ông Joseph sau đó dẫn cảnh sát đến hồ Zoar và tại đây, lực lượng pháp y tìm thấy răng, móng tay, tóc, mẩu xương vụn… có ADN trùng khớp với ADN của nạn nhân Helle Nielsen.

Những bằng chứng rõ ràng này giúp cảnh sát đi đến kết luận rằng Richard đã đánh chết vợ ở nhà, khiến máu dây ra giường và thảm, sau đó hắn phi tang thi thể người vợ đầu gối tay ấp bằng chiếc cưa máy và máy băm dăm gỗ. 

Tuy toàn bộ thi thể nạn nhân không được tìm thấy nhưng những bằng chứng trên chiếc cưa máy và máy băm gỗ là đủ để xác minh Richard có liên quan đến vụ mất tích của vợ, và hắn bị bắt giữ ngày 13/1/1987.

Tại phiên toà xử Richard Craft vào tháng 5/1988 ở New London, bác sĩ pháp y H. Wayne Carver đã trình bày kết quả thí nghiệm của mình với xác của một con lợn. 

Cụ thể hơn, ông đã cho xác lợn vào máy băm gỗ, và hình dạng cũng như các dấu tích trên các mảnh xương của con vật đều trùng khớp với những mảnh xương của nạn nhân Helle - điều này cho thấy Richard đã dùng máy băm gỗ để huỷ xác Helle. 

Bồi thẩm đoàn không thể đi đến phán quyết cuối cùng vào phiên toà tháng 7, vậy nên Richard bị xử án lần nữa vào tháng 11/1989. Cuối cùng, Richard phải nhận án tù 50 năm vì tội giết người.

Do cải tạo tốt, hắn được thả tự do vào tháng 1/2020 và hiện đang sống trong một căn nhà tạm ở New Haven, Connecticut.

Huyền Thi (theo báo nước ngoài)
.
.