“Nóng”…như bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 19/08/2016, 15:30
Có lẽ chưa bao giờ tình hình tội phạm và các hành vi xâm phạm môi trường lại “nóng” như bây giờ. Nóng là bởi, qua một giai đoạn phát triển kinh tế, người ta dường như quên bẵng đi vấn đề bảo vệ môi trường, hoặc đặt nó xuống hàng thứ yếu. Bây giờ nhìn lại, tất thảy đều giật mình?

Nóng là bởi ý thức bảo vệ môi trường trong đại bộ phận người dân đã được nâng lên. Họ, chính những người dân sinh sống ở tại chỗ ấy, sẽ luôn là những người đầu tiên quan sát, theo dõi và đưa ra ý kiến ngay khi có sự việc bất thường xảy ra.

“Đó là điều đáng mừng và cũng là thách thức lớn đối với nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát môi trường hiện nay”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường nhận xét.

“Câu chuyện về Formosa có lẽ phải được nói đến từ năm 2013...”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý nói với chúng tôi như vậy. Ấy là bởi, từ thời điểm đó, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã đến tận nơi kiểm tra, đánh giá và có công văn gửi các ngành, lực lượng chức năng địa phương yêu cầu xử lý và cảnh báo về khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng tại đây.

Cục Cảnh sát PCTP về Môi trường phối hợp liên ngành kiểm tra một vụ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.

Trong công văn chỉ đạo thực hiện công tác phòng ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Vũng Áng của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường gửi các cơ quan chức năng địa phương từ tháng 8/2013, văn bản này đã nhận định về những “dấu hiệu lợi dụng để gây ô nhiễm môi trường...” và đề nghị các lực lượng chức năng địa phương tăng cường giám sát, xử lý kịp thời.

Cụ thể, đó là lời cảnh báo “tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường đối với nước biển ven bờ tại Khu kinh tế Vũng Áng khi các dự án Khu liên hợp Gang thép & Cảng nước sâu Sơn Dương Formosa và dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 chính thức đi vào hoạt động”. Lời cảnh báo từ lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm về môi trường đưa ra từ rất sớm như thế, nhưng tiếc thay, sự cố vẫn xảy ra...

Lại nói ngay khi có thông tin về việc cá chết hàng loạt ven biển miền Trung vào tháng 4/2016, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã thành lập đoàn công tác đầu tiên và có mặt tại hiện trường. Mặc dù ngay từ lúc ấy, gần như mọi luồng dư luận đã tập trung vào Formosa, song một trong những nhiệm vụ quan trọng của đoàn công tác đầu tiên này lại là phải rà soát toàn bộ các cụm, khu công nghiệp, nhà máy dọc khu vực ven biển có xảy ra đến hiện tượng cá chết.

Đúng 1h sáng ngày 1/5/2016, tổ công tác đặc biệt do Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng 2, Phòng PCTP môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, môi trường đô thị thuộc đoàn công tác thứ 2 được lệnh xuất phát từ số 499 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, trực chỉ Formosa.

Tổ công tác này xuất phát chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ sau cuộc họp cuối cùng về các kết quả rà soát cũng như báo cáo trinh sát của đoàn công tác thứ nhất ngay tại trụ sở Cục, do đích thân Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý chủ trì.

Đến lúc này thì sức ép đòi hỏi công bố nguyên nhân cá chết đã như bão cấp 11, 12 rồi, “giật” đùng đùng trên khắp mặt báo và các trang mạng. Rồi thì bắt đầu những đồn đoán, nào là “trình độ kém nên không tìm ra nguyên nhân”, nào là “phải chăng Chính phủ sợ không dám công bố”...

Chỉ có điều tin đồn hay phỏng đoán đâu có thể là chứng cứ được. Bức xúc của người dân, hiển nhiên là không có gì sai. Nhưng để tìm ra và khẳng định chắc chắn được thủ phạm cũng như chỉ được đích danh nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường thì không thể chỉ dựa vào phỏng đoán. Và nếu có ai tinh ý thì mới thấy, trong kết luận sau cuộc làm việc về nội dung cá chết ven biển miền Trung diễn ra suốt 4 giờ đồng hồ vào ngày 1/5/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới lần đầu tiên nhắc đến cái tên Formosa cùng yêu cầu phải làm rõ và xử lý nghiêm nếu có sai phạm…

Đội ngũ bảo vệ tại Khu kinh tế Formosa Vũng Áng trong trang phục đón tiếp cơ quan chức năng tới làm việc.

Tỷ mỉ, cẩn trọng, bài bản và chuyên nghiệp thu thập từng chứng cứ cụ thể, nên khi công bố nguyên nhân một cái là phía Formosa “chịu cứng”, nói theo kiểu dân gian là “không có ý kiến ý cò gì nữa.” Và để có được kết quả ấy là gần hai tháng trời các cán bộ, chiến sĩ của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, các ngành liên quan phải ăn chực nằm chờ, đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần, thuộc đến từng bui cây, góc quành trên con đường vào khu kinh tế Vũng Áng...

Nói lại câu chuyện Formosa còn đang nóng hôi hổi để thấy, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm môi trường chưa bao giờ là công việc dễ dàng cả. Nếu như với các loại tội phạm khác: ma túy, hình sự, hay kinh tế... đối tượng phạm tội là cụ thể, hành vi phạm tội cũng nhìn thấy ngay thì tội phạm môi trường lại không phải lúc nào cũng như vậy.

Nhiều trường hợp vi phạm, bắt đầu từ ý đồ, đến thực hiện hành vi và bị bắt quả tang là cả một quá trình, một thời gian dài, đòi hỏi ý chí bền bỉ và quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng của lực lượng chuyên trách. Chẳng hạn như với hành vi xả thải ra môi trường, trừ trường hợp hậu quả xảy đến ngay như ở Formosa Vũng Áng, còn không thì việc chứng minh một nguồn xả thải cụ thể gây ô nhiễm ra sao, tác động ảnh hưởng tới đời sống người dân như thế nào là việc không hề dễ.

Đối với những trường hợp như thế, chỉ còn cách rình bắt được quả tang thì đối tượng vi phạm mới buộc phải cúi đầu thừa nhận. Nhớ đến vụ việc xả thải nguy hại trực tiếp ra môi trường của Công ty Cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (Tung Kuang) trước đây, Thượng tá Vũ Anh Tuấn khẳng định nếu không có lực lượng Cảnh sát môi trường, người dân ở khu vực quanh sông Ghẽ thuộc xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương, còn phải chịu đựng ô nhiễm dài dài.

Sau khi nhận tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm nước mặt và tình trạng cạn kiệt các loại thủy sản trên sông Ghẽ, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã vào cuộc và khoanh vùng đối tượng gây ô nhiễm chính là Tung Kuang. Trong thành phần xả thải xác định được có những chất cực độc, có thể gây ung thư cao như Crom +6 với nồng độ rất cao.

Qua công tác trinh sát nắm được, hành vi xả thải của đơn vị này rất tinh vi. Ban ngày họ vẫn xả qua hệ thống xử lý, nhưng rất cầm chừng. Việc xả thải trực tiếp chỉ diễn ra vào ban đêm, và ống xả cũng được chôn sâu kín đáo. Những hôm trời mưa, lượng xả thải tăng đột biến. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất của hành vi này mà các trinh sát nắm được, đó là Tung Kuang đã thiết kế riêng một cầu dao để chuyển đổi giữa hai hệ thống xả trực tiếp và xả qua xử lý. Và lúc nào cũng có một nhân viên chuyên trách ngồi trông cầu dao, hễ “có động” là lập tức đóng cầu dao...

Thực hiện lấy mẫu trong Khu kinh tế Formosa.

Các trinh sát của Phòng 2 đã phải bám trụ cả tháng trời, phải thuê nguyên một cái nhà nghỉ đối diện bên kia đường cửa vào Tung Kuang làm trụ sở dã chiến. Trinh sát phải cải trang thành những người đi làm đồng, bắt cá, câu lươn để theo dõi và nắm được quy trình xả thải. Nhưng đến khi thu thập đủ bằng chứng, quyết định “cất vó” thì một trong những trở ngại lớn nhất, đó là cái cầu dao kia! Nếu được đánh động, chỉ trong tích tắc là cầu dao đóng, chuyển sang hệ thống xả thải đúng quy trình. Không bắt quả tang được thì họ sẽ chối bay đi ngay. Công sức của anh em, kỳ vọng của người dân sẽ thành vô nghĩa.

Một số phương án được đưa ra, trong đó có cả đề xuất cải trang đột nhập khống chế nhân viên gác cầu dao trong nhà máy. Cuối cùng, kế hoạch thống nhất: Sau khi ém quân các ngả cần thiết, Thượng tá Vũ Anh Tuấn sẽ mặc quân phục, một mình đi xe máy xộc thẳng vào cửa bảo vệ, trong vai Cảnh sát hình sự Công an huyện đang rượt bắt một tên trộm nguy hiểm nhưng khi đuổi đến đây thì hắn vượt tường trèo vào nhà máy của Tung Kuang.

Bảo vệ nhà máy, mặc dù luôn trong trạng thái “cảnh giác” cao độ, nghe thấy nói trộm vào nhà máy thì không khỏi rụng rời, bèn hốt hoảng trèo lên xe, sẵn sàng đưa “đồng chí hình sự” vào nhà máy lùng bắt trộm. Việc còn lại của “đồng chí hình sự” chỉ còn là dong xe thẳng đến nơi bố trí cầu dao đang ở trạng thái xả thải trực tiếp hết công suất...

Câu chuyện của Tung Kuang còn một chi tiết nhỏ nữa, nhưng cũng rất đáng lưu tâm. Đó là sau khi bị bắt quả tang và yêu cầu phải thực hiện đúng quy trình xả thải qua xử lý thì chỉ sau một thời gian không lâu sau, thương hiệu Tung Kuang đã vắng bóng trên thi trường.

Ai cũng biết, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phụ thuộc tính hiệu quả của chính nó. Vậy phải chăng, nếu làm đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn quy định thì hoạt động sản xuất đó không thể tồn tại? Hay nói cách khác, lời lãi của những hoạt động sản xuất kiểu này chính là cái lãi về môi trường, là sự ăn gian công đoạn xử lý làm sạch chất thải mà đáng ra nó phải được thực hiện nghiêm túc và không hề ít tốn kém?

Nếu đúng như vậy, thì việc cần làm lúc này chính là kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ để những hoạt động sản xuất kiểu này không thể “lấy môi trường làm lãi” được nữa. Phần còn lại, khắc sẽ do cơ chế thị trường quyết định.

Phòng chống tội phạm về môi trường, môi sinh là một mảng đấu tranh rất rộng, bao trùm gần như mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh. Điều dễ nhận thấy là một khi đối tượng vi phạm đã có dụng tâm xấu, thì hậu quả về môi trường xảy ra sẽ chỉ là câu chuyện sớm hay muộn.

Cùng với ý đồ đó, hiển nhiên là những đường ống xả thải bí mật ra sông, ra biển phải được xây dựng từ rất lâu trước đó, thậm chí có thể là từ lúc xây dựng cơ sở hạ tầng các nhà máy. Như thế để thấy, công tác giám sát hiện nay rõ ràng là đang có vấn đề. Môi trường chẳng của riêng ai, thế nên trách nhiệm mới càng cần phải ràng buộc thật cụ thể.

Những năm qua, tội phạm môi trường không ngừng gia tăng về cả quy mô, tính chất. Theo thống kê, từ năm 2007 đến năm 2014, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường cả nước đã phát hiện 53.502 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 65 tỷ đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường 150 tỷ đồng; chuyển khởi tố 1.554 vụ, 2.356 đối tượng.

Theo một thống kê khác, chỉ riêng năm 2015, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, Bộ Công an, đã phát hiện và thụ lý 41 vụ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 23 vụ với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định thanh tra toàn bộ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên toàn quốc.

Đối tượng thanh tra là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường... Đây được coi là những động thái tích cực cùng trong một nỗ lực ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.

Việt Ba
.
.