Nước Mỹ muốn giúp giới trẻ sử dụng mạng xã hội một cách có ích

Thứ Ba, 22/05/2018, 07:21
Để hạn chế mặt trái của mạng xã hội và thiết lập quyền quản lý dữ liệu cá nhân, cần sự chung tay của cả xã hội, nhà sáng lập và đặc biệt ý thức của người dùng mạng xã hội. Câu chuyện giáo dục cho giới trẻ nhận biết điều này ở nước Mỹ đang trở thành bài học cho giới trẻ nhiều quốc gia.

Chúng ta bị theo dõi bởi “lỗ hổng” được Facebook thừa nhận

Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới vụ bê bối tiết lộ dữ liệu cá nhân người dùng Facebook, trong giai đoạn đầu tiến hành điều tra nhằm xác định những ứng dụng có thể khai thác lượng lớn thông tin dữ liệu của người dùng Facebook phục vụ mục đích riêng, hãng Facebook đã tạm ngừng hoạt động của 200 ứng dụng chạy trên nền tảng của mình.

Facebook đã bắt đầu cuộc điều tra các ứng dụng chạy trên nền tảng của mình sau khi Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg thừa nhận Facebook đã phạm sai lầm trong quá trình bảo vệ thông tin của hàng chục triệu người sử dụng.

Chính sự “sơ suất” này khiến hầu hết chúng ta bị theo dõi với nhiều mục đích khác nhau. Tạp chí LObs (Pháp) vừa đưa ra một cảnh báo gây chấn động: “Tất cả mọi người đang bị Facebook, Google và những tập đoàn tin học khác theo dõi”.

LObs trích lời một kỹ sư của Google thừa nhận: “Nếu bạn biết những gì chúng tôi biết về người ta thì bạn sẽ kinh hoàng”. Phóng viên của LObs đã thử tìm hiểu dấu vết mà một số người đã để lại trên Facebook.

Chẳng hạn khi xem xét tài khoản của chính lãnh đạo Facebook ở Pháp, nhà báo Laurent Solly, người ta đã khám phá ra tuổi tác, nơi ở, quê quán của ông, biết được bậc phổ thông nhân vật này học ở đâu, tốt nghiệp các trường lớp nào, biết được số bạn bè, người thân hay quan hệ nghề nghiệp, ngành nghề của tất cả những người này... Quan điểm chính trị, sở thích phim ảnh sách báo của ông Solly cũng được phơi bày qua những lần ông bấm nút “like”. Thậm chí thông tin về gia đình, nhất là vợ con ông Solly, cũng khó có thể giấu được.

Một phóng viên của LObs, Boris Nanenti, đã bày tỏ tâm trạng “kinh hoàng” khi khám phá chi tiết về đời sống riêng tư của mình mà Facebook và Google, Amazon, Twitter… đã thu thập. Boris Nanenti biết là mình bị “nhận dạng”, nhưng không ngờ là đến mức chi tiết như vậy.

Đệ nhất Phu nhân Melania Trump và Tổng thống Donald Trump quảng bá  cho chiến dịch “Be Best”. Ảnh: CTV News.

LObs cũng lưu ý đến việc các cửa hàng và siêu thị đang “bủa vây” và theo dõi khách hàng, phân tích thói quen mua sắm của họ qua các loại thẻ “ưu tiên”, khách hàng “trung thành” hay những ứng dụng mua sắm.

Chia sẻ trên trang blog của Facebook, Giám đốc tiếp thị sản phẩm David Baser cho biết: "Khi bạn truy cập một trang web hoặc ứng dụng sử dụng nền tảng các dịch vụ của chúng tôi, chúng tôi sẽ nhận được thông tin của bạn, bất kể bạn đã đăng xuất Facebook hoặc không có tài khoản Facebook".

Theo ông Baser, nhiều trang web và ứng dụng đã sử dụng nền tảng dịch vụ Facebook để định hướng nội dung và quảng cáo tới người sử dụng Internet, như thu thập thông tin và thị hiếu của các chủ tài khoản Facebook thông qua tương tác Like (thích) và Share (chia sẻ), khi người sử dụng Internet truy cập các trang web và ứng dụng khác thông qua tài khoản Facebook.

Ông Baser đồng thời cho biết đây là biện pháp khảo sát khách hàng rất phổ biến trong thế giới mạng, được nhiều công ty danh tiếng sử dụng, trong đó có cả Google và Twitter.

Không chỉ là con “bạch tuộc”

Báo chí mới đây đã viết rất nhiều về cuộc điều trần của Giám đốc điều hành Facebook trước Quốc hội Mỹ. Hàng trăm bài báo đã không khoan nhượng khi cho rằng Facebook đã “vô trách nhiệm, để cho những thông tin điên rồ nhất và đôi khi bẩn thỉu nhất được phổ biến”.

Facebook đã làm giàu nhờ hàng tỷ chi tiết trong đời tư của mỗi người có tài khoản và kể cả bạn bè, thân nhân họ. Những thông tin ấy khi thì được dùng vào những mục tiêu chính trị và thương mại, cũng có khi được sử dụng một cách “không mấy lương thiện”.

Không chỉ Facebook và ông chủ Zuckerberg ở vào tâm bão. Theo Les Echos, các cây đại thụ khác của nền công nghệ kỹ thuật số là Google, Apple hay Amazon... đều đang đánh mất hào quang. Google bị tố cáo chiếm độc quyền trên thị trường quảng cáo trên mạng.

Apple thì bị chỉ trích là cố ý rút ngắn tuổi thọ của các sản phẩm để bắt người tiêu dùng phải chăm sắm hàng mới hơn. Còn Amazon thì đang bóp chết giới tiểu thương, bóc lộc từ nhân viên đến các đối tác thương mại. Uber thì trong tầm ngắm của công luận vì bóc lột tài xế...

Les Echos nhận thấy rằng nhờ có những phát minh mới các tập đoàn tin học và công nghệ cao đã “đi nhanh hơn” luật pháp, làm giàu trong một thời gian ngắn kỷ lục và các “tập đoàn công nghệ thế hệ 2.0” này đã tập trung nhiều quyền lực trong tay đến mức đáng sợ. Nhưng gió đã xoay chiều.

Ở khắp nơi trên thế giới, người sử dụng hay tiêu dùng, công luận và chính giới, các nhà lập pháp, giới tài chính đều cho rằng đã đến lúc những tập đoàn công nghệ cao (high tech) đó cần phải vào “khuôn phép”, tức là cần phải đặt lại câu hỏi về mô hình phát triển của chính các con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ số này...

Một xã hội không thể thiếu mạng xã hội

Dù cho Zuckerberg đã thừa nhận trách nhiệm trong vụ bê bối rò rỉ thông tin, cam kết thay đổi chính sách để ngăn ngừa những sai sót về quản lý dữ liệu và xin lỗi người dùng toàn cầu nhưng sự thất bại của mạng xã hội lớn nhất thế giới này trong việc bảo vệ thông tin người dùng đã khiến hàng nghìn người tẩy chay với chiến dịch có tên “Delete Facebook”. Song có hàng triệu người khác vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội bởi tính tiện ích, sự kết nối của nó.

Một nghiên cứu của Công ty truyền thông Burson-Martsteller công bố ngày 2-5 sau khi phân tích hoạt động 650 tài khoản Facebook của các nguyên thủ quốc gia từ đầu năm 2017 cho biết, với 43,2 triệu người theo dõi, Thủ tướng Modi đến nay vẫn là nhà lãnh đạo thế giới có lượng người theo dõi nhiều nhất trên mạng xã hội khổng lồ Facebook, cao gần 2 lần so với con số 23,1 triệu người theo dõi Tổng thống Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại dễ dàng nhận được sự tương tác nhiều nhất trên mạng xã hội.

Trong 14 tháng qua, tài khoản của nhà lãnh đạo Mỹ đã nhận được 204,9 triệu lời bình luận, thích và chia sẻ, cao gần gấp đôi so với tài khoản của ông Modi với 113,6 triệu lời bình luận, thích và chia sẻ. Ngoài ra, Tổng thống Trump trung bình "đăng đàn" 5 lần/ngày, tăng hơn gấp đôi về số lần xuất hiện trên mạng xã hội của Thủ tướng Modi.

Nghiên cứu cũng phát hiện thấy một số ít nhà lãnh đạo thế giới tự quản lý tài khoản xã hội của họ thay vì giao cho các nhóm truyền thông xã hội. Như Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hoạt động rất tích cực trên Facebook và là một trong số ít nhà lãnh đạo thường xuyên truyền hình trực tiếp trên Facebook từ nhà và thậm chí từ xe hơi của bà. Nhà chính trị này đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới "được yêu thích nhất" trên Facebook khi có 14% tương tác trên Faceb.

Bất chấp làn sóng kêu gọi tẩy chay Facebook sau vụ bê bối rò rỉ thông tin, người dùng Facebook tại Mỹ vẫn đặt lòng trung thành vào mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. Kết quả thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos công bố ngày 6-5 cho thấy 3/4 số tài khoản Facebook tại Mỹ vẫn hoạt động thậm chí tích cực hơn sau vụ bê bối.

Theo cuộc thăm dò tiến hành từ ngày 26 đến 30-4, một nửa số người sử dụng Facebook tại Mỹ cho biết không thay đổi lượng thời gian truy cập mạng xã hội này so với trước, trong khi 1/4 số người sử dụng khác cho biết còn hoạt động tích cực hơn. Chỉ 1/4 tài khoản Facebook tại Mỹ cho biết đã giảm tần suất sử dụng, ngừng truy cập hoặc xóa tài khoản.

Kinh nghiệm quản lý và hướng dẫn sử dụng mạng xã hội của giới trẻ tại Mỹ được nhiều nước học tập. Ảnh: The Conversation.

Kết quả này cùng nhiều chỉ số khác cho thấy Facebook đến nay không hề bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối ngoại trừ vấn đề quan hệ công chúng. Trước đó, Facebook cũng cho biết tính đến ngày 31-3, số tài khoản hoạt động hàng tháng tại Mỹ và Canada đã tăng lên 241 triệu, từ mức 239 triệu ngày 31-12, mức tăng tương tự so với những năm gần đây.

Nhà phân tích Michael Pachter của hãng Wedbush Securities cho rằng Facebook đã gặp may khi thông tin bị rò rỉ rõ ràng chỉ được sử dụng cho các quảng cáo về chính trị và chưa có bất kỳ ai bị hại do vụ rò rỉ này.

Đệ nhất phu nhân Mỹ và chiến dịch sử dụng mạng có ích, có định hướng, kiểm soát

Cũng theo kết quả điều tra, trong số những người sử dụng Facebook là người trưởng thành, 64% cho biết đăng nhập vào Facebook ít nhất 1 lần mỗi ngày, giảm 4% so với kết quả thăm dò hồi cuối tháng 3, thời điểm vụ bê bối mới bị phanh phui. Tuy nhiên, số người sử dụng Facebook biết cách bảo vệ các thông tin cá nhân trên mạng này cũng cao hơn so với các mạng xã hội khác như là Snapchat, Instagram, Pinterest và Tumblr.

Báo cáo cho thấy 74% số người sử dụng Facebook có cài đặt các điều khoản quyền riêng tư trong khi 78% cho biết biết cách để thay đổi các cài đặt này. Các chỉ số này ở người sử dụng Instagram lần lượt là 60% và 65%, trong khi ở Twitter là 55% và 58%.

Tuy nhiên, dù hiểu biết về các cài đặt quyền riêng tư trên Facebook, chỉ 23% số người dùng mạng xã hội này cho biết kiểm soát hoàn toàn các thông tin lưu trữ trên mạng. Trong khi 49% số người dùng cho biết kiểm soát 1 phần, 20% cho biết không hề có kiểm soát thông tin của mình và 9% không biết bản thân kiểm soát bao nhiêu thông tin.

Phu nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Melania Trump, ngày 7-5 lần đầu tiên công bố những ưu tiên chính trong 4 năm là Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ. Với việc bắt tay vào thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức trong giới trẻ khi sử dụng mạng xã hội. Chiến dịch của bà Melania Trump đi kèm với khẩu hiệu "Be Best" (tạm dịch: Hãy là điều tuyệt vời nhất), hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường lành mạnh cho giới trẻ, sử dụng mạng xã hội một cách tích cực.

“Với tư cách là một người mẹ và là Đệ nhất phu nhân, điều khiến tôi lo lắng là trong xã hội luôn luôn chuyển động ngày hôm nay, trong thế giới được kết nối hơn bao giờ hết, trẻ em lại thường thiếu sự chuẩn bị để bộc lộ hay kiểm soát cảm xúc... Mệnh lệnh cấp thiết của thế hệ chúng ta là chịu trách nhiệm và giúp con trẻ của chúng ta”, bà Melania Trump phát biểu tại buổi lễ công bố chiến dịch “Be Best”.

Đệ nhất phu nhân Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng lạm dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong giới trẻ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thế hệ tương lai. Bà cho rằng, trách nhiệm của người lớn là giáo dục và nhắc nhở trẻ em phải học cách cư xử đúng mực trên mạng xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Khi đó, truyền thông xã hội cũng sẽ được sử dụng theo những cách hiệu quả hơn và có ảnh hưởng tích cực hơn.

Bà Melania Trump nhấn mạnh: “Như chúng ta biết, truyền thông xã hội có thể vừa có tác dụng tích cực lẫn tiêu cực lên con em chúng ta nhưng nó lại được sử dụng theo cách tiêu cực quá thường xuyên. Khi trẻ em sớm học được cách hành xử tích cực trên mạng, truyền thông xã hội có thể được sử dụng theo cách tích cực và gây tác động thay đổi tích cực”.

Và để quảng bá cho chiến dịch “Be Best”, bà Melania Trump đã phối hợp với Ủy ban Thương mại Liên bang cho ra mắt cuốn sách nhỏ, hướng dẫn về mạng xã hội và an toàn trên mạng. Cũng giống như chồng mình, bà Melania Trump luôn biết cách tạo ra những điều khác biệt. Bởi, chiến dịch mà bà lựa chọn cũng hoàn toàn khác với các cựu đệ nhất phu nhân Mỹ trước đây.

Trong quá khứ, cựu Đệ nhất phu nhân Laura Bush từng chọn cuộc chiến xóa nạn mù chữ, trong khi cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama chọn việc đẩy mạnh các chương trình khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh và chống béo phì là những ưu tiên chính của mình. Theo tờ The Telegraph, trong cuốn sách "The Trump White House: Changing the Rules of the Game" (tạm dịch Nhà Trắng của Tổng thống Trump: Thay đổi luật chơi), tác giả Ronald Kessler cho rằng, bà Melania Trump có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các chiến lược và chính sách Nhà Trắng. Giới phân tích nhận định, chiến dịch “Be Best” được kỳ vọng sẽ giúp giới trẻ Mỹ có thêm những kiến thức khi sử dụng hữu ích mạng xã hội.

Hoa Huyền
.
.