Phần mềm gián điệp smartphone rao bán lan tràn trên internet

Thứ Bảy, 08/04/2017, 11:05
Chỉ với khoản phí tương đối nhỏ để sở hữu phần mềm gián điệp smartphone, người dùng dễ dàng bí mật giám sát thông điệp tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh và vị trí đối tượng mục tiêu từ mọi ngóc ngách trên hành tinh.

Trong một quán bar bình dân ở thành phố Berlin nước Đức, một người đàn ông thoải mái trò chuyện riêng tư từ xa với bạn qua smartphone. Nhưng, trong một căn hộ tại thành phố New York nước Mỹ cách đó gần 6.500km, có người đang lặng lẽ nghe lén họ. Chỉ với tin nhắn SMS đơn giản, kẻ do thám này dễ dàng kích hoạt từ xa microphone trên smartphone của đối tượng và biến thiết bị này thành công cụ nghe lén di động. Hành vi như thế dễ dàng thực hiện được nếu sở hữu phần mềm gián điệp chỉ với giá 170 USD hay thậm chí ít hơn nữa.

Trang web của HelloSpy.

Phần mềm độc hại được rao bán lan tràn trên Internet có vẻ như thích hợp cho những tình nhân ghen tuông, những doanh nghiệp cạnh tranh hay sĩ quan cảnh sát biến chất. Một công ty đặt trụ sở tại Ba Lan cung cấp phần mềm lây nhiễm cho các thiết bị Android có tên gọi khá dài là SpyPhone Android Rec Pro. Phần mềm độc hại cho phép sao chép toàn bộ nội dung tin nhắn SMS đã gửi hay đã nhận bởi điện thoại bị lây nhiễm, lưu giữ nhật ký cuộc gọi, đánh cắp hình ảnh chụp bằng camera điện thoại và định vị thiết bị trong khoảng cách 5 mét khi sử dụng GPS.

Hình ảnh được chụp bằng điện thoại bị cài phần mềm SpyPhone Android Rec Pro.

Sau đó, mọi thông tin thu thập sẽ được gửi về thiết bị kẻ gián điệp vào 1 lần hay mỗi giờ trong ngày. Khi khách hàng đặt mua phần mềm trực tuyến, công ty sẽ gửi đến một email chứa đường liên kết tải xuống mã độc và hóa đơn cùng với tài liệu hướng dẫn sử dụng. Phần mềm có giá hơn 170 USD.

Hiện nay, có rất nhiều công ty kinh doanh loại phần mềm gián điệp này. Ví dụ như TheTruthSpy được quảng cáo có những chức năng tương tự như SpyPhone Android Rec Pro, cũng như có thể giám sát tin nhắn WhatsApp, trò chuyện trên Facebook và lịch sử duyệt web. Hay XNSpy cam kết vẫn tiếp tục thu thập dữ liệu cho dù thiết bị mục tiêu đã ngắt kết nối Internet. Và Highster Mobile cho phép người dùng bật camera điện thoại mục tiêu từ xa. Hay phần mềm theo dõi bí mật người yêu gọi là HelloSpy. Nhiều công ty cũng bán mã độc cho thiết bị iPhone song đòi hỏi phải xử lý jailbreak.

Sản phẩm gián điệp SpyPhone Android Rec Pro.

Phần mềm gián điệp smartphone không bán cho các chính quyền mà thay vào đó nhiều công ty hướng đến khách hàng là những cặp tình nhân - chủ yếu là nam giới - muốn giám sát bí mật người yêu.

Trang web công ty bán phần mềm gián điệp FlexiSpy quảng cáo: "Nhiều cặp vợ chồng không chung thủy với nhau. Tất cả họ đều dùng smartphone, và chính chiếc điện thoại sẽ tố cáo sự phản bội". Tuy nhiên, phần mềm gián điệp cho smartphone cũng gây ra không ít vụ vi phạm pháp luật. Năm 2014, Cid Torrez bị buộc tội cài phần mềm gián điệp trên điện thoại của vợ để giám sát. Vài năm trước đó, Torrez phạm tội giết chết vợ của hắn. Năm 2015, một người đàn ông được cho là sử dụng phần mềm gián điệp để theo dõi điện thoại người vợ cũ trong suốt tiến trình hoàn tất hồ sơ ly hôn.

Dĩ nhiên, không phải mỗi vụ đều kết thúc với bản án tòa án. Theo một cuộc điều tra của trang tin mạng NPR, 75% trong số 70 nhà tình thương dành cho nạn nhân phụ nữ bị bạo lực gia đình tiếp nhận nhiều phụ nữ bị người bạn đời hay tình nhân nghe lén điện thoại. Theo một cuộc điều tra được tạp chí Journal of Couple & Relationship Therapy công bố, 45-55% trong số phụ nữ đã kết hôn và 50-60% trong số nam giới đã kết hôn có quan hệ ngoài hôn nhân trong một giai đoạn nào đó. Và, 90% trong số các vụ án liên quan đến hôn nhân đều có yếu tố sử dụng phần mềm gián điệp smartphone.

Các công ty bán phần mềm gián điệp smartphone - đặc biệt đối với những đơn vị cung cấp công cụ giám sát cho những cặp tình nhân - thường dính líu đến kiện cáo. Năm 2005, chính quyền liên bang Mỹ công bố cáo trạng gồm 35 điểm kết tội chống Carlos Enrique Perez Melara - người tạo ra phần mềm gián điệp "Loverspy" bán với giá 89 USD.

Tuy nhiên, Perez Melara đã bỏ trốn trong suốt nhiều năm. Năm 2013, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) chính thức đưa Perez Melara vào danh sách tội phạm truy nã. Trong khi đó, FBI truy tố khá thành công đối tượng Hammad Akbar, giám đốc điều hành sản phẩm gián điệp "StealthGenie". Năm 2014, Akbar buộc đóng phạt 500.000.

Diên San (tổng hợp)
.
.