Phương pháp ngừa virus HIV, bệnh truyền nhiễm lây lan từ mẹ sang con

Thứ Hai, 13/07/2015, 06:45
"Loại bỏ được nguy cơ lây nhiễm virus là một trong những thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đây là chiến thắng vang dội trong cuộc chiến lâu dài của chúng ta đối với đại dịch HIV-AIDS và các bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Đây cũng là bước quan trọng để chúng ta hướng về một thế hệ không còn bệnh AIDS"- Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan nói khi hay tin Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có biện pháp phòng lây nhiễm virus HIV và bệnh giang mai từ mẹ sang con ở các thai phụ khi sinh.

Giám đốc WHO liên châu Mỹ Carissa Etienne cho hay: "Thành công của Cuba cho thấy, với các giải pháp tiếp cận vấn đề toàn diện, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được những dịch bệnh nhiều thách thức như HIV". Giám đốc điều hành Quỹ UNAIDS Michel Sidibé khẳng định: "Đây là một điều đáng mừng cho Cuba, đáng mừng cho các trẻ em và gia đình khắp mọi nơi. Điều này cho thấy việc chấm dứt đại dịch AIDS là có thể, và chúng tôi kỳ vọng Cuba sẽ là nước đầu tiên trong số nhiều nước tiến tới xác nhận đã chấm dứt đại dịch này ở trẻ em".

Theo các lãnh đạo ngành y tế, công tác chăm sóc sức khỏe tổng thể, nâng cao chất lượng xét nghiệm và tăng cường giám sát trong chăm sóc sinh nở là những yếu tố đã góp phần tạo nên thành công khi chỉ còn gần 50 ca lây nhiễm HIV hoặc giang mai từ mẹ sang con trong tổng số 100.000 trường hợp sinh nở trên quốc đảo này. Tuy nhiên, vì các biện pháp điều trị bằng thuốc kháng virus ngăn ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vẫn chưa thể đạt hiệu quả 100% nên xác suất thất bại vẫn còn, dù rất nhỏ.

Nhờ phương pháp mới, tỷ lệ lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm từ mẹ sang con sẽ rất thấp.

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,4 triệu phụ nữ có HIV khi mang thai. Nếu không được điều trị, họ có 15-45% nguy cơ lây nhiễm virus cho con trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc cho con bú. Tuy nhiên, nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus cho cả mẹ và con, nguy cơ lây nhiễm chỉ còn hơn 1%. Năm 2009, số trẻ nhiễm HIV ngay từ lúc mới sinh là 400.000 trường hợp. Năm 2013, giảm xuống 240.000 trường hợp. Thành tựu của nền y học Cuba theo các chuyên gia y tế của WHO, đã góp phần giảm tỉ lệ lây nhiễm xuống rất thấp, tới mức không còn là vấn đề nan giải của ngành y học nữa.

Theo thông báo của WHO, kể từ năm 2010, các lãnh đạo y tế đã tham gia làm việc tại Cuba để tiến hành những bước chẩn đoán sớm trong chăm sóc tiền sản, làm xét nghiệm HIV, giang mai cho thai phụ và chồng họ, điều trị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính và cho cả thai nhi, triển khai kỹ thuật mổ đẻ và tìm giải pháp thay thế nuôi con bằng sữa mẹ với những trường hợp thai phụ mắc bệnh.

Tại Cuba, theo số liệu chính thức, chỉ chưa đến 2% trẻ có mẹ nhiễm HIV sinh ra mang loại virus nguy hiểm này. Đây là tỉ lệ thấp nhất có thể đạt được với các biện pháp phòng ngừa hiện tại.

Trên thế giới, tại các quốc gia thu nhập trung bình và thấp, cứ 10 bà mẹ mang thai nhiễm HIV thì có 7 người được nhận các loại thuốc chống virus để ngăn sự lây truyền từ mẹ sang con. Trong số 22 quốc gia chiếm 90% số ca nhiễm HIV mới, 8 nước đã giảm được 50% số ca nhiễm HIV mới ở trẻ sơ sinh so với năm 2009 (theo dữ liệu năm 2013), và 4 nước khác đang tiếp cận gần với mốc này, WHO cho biết.

Văn Nguyễn - T.L. (theo AP, Reuters)
.
.