Phát triển công nghệ in sinh học 3D

Thứ Hai, 20/11/2017, 19:22
Erik Gatenholm - giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty Thụy Điển Cellink - nhấn nút khởi động trên máy in 3D ra lệnh in một chiếc mũi người với kích thước như thật, sử dụng mực in sinh học chứa tế bào người.

Công nghệ hiện nay tập trung vào việc phát triển các tế bào sụn và da thích hợp cho thử nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm. Tuy nhiên, Erik tin rằng trong vòng 20 năm nữa công nghệ sẽ được ứng dụng đại trà trong sản xuất cơ quan người dùng trong phẫu thuật cấy ghép.

Erik Gatenholm và đồng sáng lập Hector Martinez.

Erik giới thiệu công nghệ in sinh học 3D lần đầu tiên cách đây 3 năm và nhìn thấy trên thị trường còn thiếu loại mực in sinh học - chất lỏng chứa tế bào người dùng để in. Mực sinh học của Cellink được chế tạo từ cellulose thu thập trong những khu rừng Thụy Điển và chất alginate (loại polymer sinh học biển nhiều thứ 2 trên thế giới sau cellulose) tạo thành từ tảo biển ở vùng biển Na Uy.

Erik sáng lập Cellink cùng với Hector Martinez - chuyên gia mô học Đại học Chambers ở Gothenburg. Và công ty nhỏ nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư có tiếng tăm. Mặc dù Cellink hiện nay chỉ có chừng 30 nhân viên và mở 3 văn phòng ở Mỹ song công ty có lượng khách hàng đông đảo tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Mực in sinh học chứa tế bào người.

Iris Ohrn, nữ cố vấn đầu tư về khoa học đời sống ở Business Region Gothenburg - công ty nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp trong thành phố , tuyên bố đặt niềm tin vào Cellink và tích cực giúp đỡ công ty phát triển. Công nghệ in sinh học 3D của Cellink rất hữu ích để giúp tiến hành thử nghiệm thuốc chữa bệnh hiệu quả trong tương lai. Cellink có vẻ mạo hiểm khi mạnh dạn tiếp thị các sản phẩm của mình trước khi thị trường mô người phát triển hoàn toàn.

Dĩ nhiên, sự thành công quá nhanh của Cellink cũng vấp phải những thách thức và tranh cãi. Erik cũng thừa nhận đội ngũ nhân viên khiêm tốn của Cellink cần phải làm việc hết sức mình để nắm rõ luật pháp địa phương cũng như mọi quy định về tính an toàn và cung cấp dịch vụ 24 giờ cho khách hàng trên khắp thế giới.

Erik hy vọng văn phòng mới mở ở thành phố Boston nước Mỹ cho phép Cellink phục vụ khối trường đại học và công ty dược phẩm nước này tốt hơn. Cellink đang đặt mục tiêu dài hạn hơn - đó là giúp giải quyết tình trạng thiếu cơ quan cấy ghép hiện nay trên toàn cầu. Nhiều chuyên gia dự đoán công nghệ in sinh học sẽ được sử dụng rộng rãi trong vòng 10 đến 20 năm nữa để tạo ra các cơ quan chức năng cấy ghép cho bệnh nhân.

Ngoài ra, vấn đề đạo đức trong lĩnh vực cũng đang gây tranh cãi. Erik thừa nhận: "Nhiều người nghĩ rằng công nghệ in sinh học thực sự đang thách thức Thượng Đế". Nhưng, Erik nhấn mạnh rằng Cellink luôn cố gắng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức và viện y học trên thế giới nhằm bảo đảm công nghệ an toàn và mang tính đạo đức. Erik tuyên bố: "Tôi tin vào điều này. Đó là đam mê của tôi. Tôi sống vì điều đó và không hề cảm thấy hối tiếc".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.