Phong trào chống sử dụng robot trong chiến tranh

Thứ Ba, 01/06/2021, 23:43
Ý tưởng về việc sử dụng robot trong chiến tranh không có gì là mới. Các nhà khoa học viễn tưởng từng mơ về một tương lai mà những người lính bằng thép thống trị chiến trường. Vậy nhưng giấc mơ này phải chờ đến khi không quân Mỹ đưa vào sử dụng mẫu máy bay Predator mới trở thành sự thật một phần.


Vai trò của robot trên chiến trường tăng lên từ đó đến nay. Máy bay không người lái hiện có mặt trên mọi điểm nóng quân sự thế giới. Vậy nhưng ở chiều ngược lại, một phong trào chống sử dụng robot trong chiến tranh đã và đang lớn mạnh lên từng ngày.

Cuộc chiến ủy nhiệm

Kể từ sau thất bại trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ trở nên ngần ngại hơn trong việc đưa quân đội xâm lược những quốc gia khác. Chính sách của Lầu Năm Góc trong thập niên 1980 là chỉ đưa quân tấn công khi đã chắc chắn giành thắng lợi. Đấy là vì sao mà trong giai đoạn đó, quân đội Mỹ chỉ xâm lược Granada và Panama là hai quốc gia có lực lượng vũ trang yếu hơn họ rất nhiều.

Mỹ và các đồng minh NATO giành thắng lợi trong chiến tranh vùng Vịnh, nhưng đối thủ chính của họ, chính quyền Iraq của ông Saddam Hussein vẫn đứng vững. 

Cố tổng thống Mỹ George H.W. Bush hiểu rằng, nếu liên quân tiến vào Iraq, cuộc chiến sẽ còn kéo dài hơn nữa. Và quân Mỹ sẽ phải chịu tổn thất nặng nề. Trước sự phản đối của chính những thành viên khác trong đảng Cộng hoà của mình, ông Bush ra lệnh cho liên quân dừng lại tại biên giới Kuwait - Iraq.

Ông Bush ra quyết định như vậy không có nghĩa là Washington chịu bỏ qua cho Iraq. Mỹ áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận kinh tế  - văn hoá  - quân sự lên Iraq. 

Trong đó có một vùng cấm bay ở hai đầu Bắc - Nam đất nước này. Đây là biện pháp để Mỹ ngăn chặn việc Saddam sử dụng máy bay ném bom các khu vực có đông người Kurd và người Shiite sinh sống.

Đây là cơ hội hoàn hảo để không quân Mỹ đưa máy bay không người lái vào sử dụng. Thay vì phải mạo hiểm mạng sống của phi công Mỹ bay trên vùng trời Iraq hàng ngày, không quân chỉ cần cho từng phi đội máy bay không người lái đi tuần quanh vùng cấm bay. Trong trường hợp phát hiện phi cơ Iraq có ý định xâm nhập vùng cấm bay, Mỹ có đủ hoả lực để đe dọa máy bay kẻ thù.

Đoàn người biểu tình chống sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh.

Afghanistan là nơi tiếp theo mà máy bay không người lái của Mỹ có cơ hội thể hiện mình. Ước tính trung bình một năm Mỹ tổ chức không dưới 70 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở khu vực biên giới Afghanistan -  Pakistan. 

Mục tiêu tấn công họ nhắm tới là các lãnh đạo của phiến quân Taliban. Tuy độ chính xác của những cuộc ném bom không quá cao, nhưng tần xuất và chi phí thấp đã khiến máy bay không người lái trở thành sự lựa chọn hàng đầu của quân đội Mỹ và nhiều nước khác.

Trong thời đại thông tin, càng ngày càng có nhiều người phương Tây tỏ ra nghi ngờ những lý do chính phủ họ đưa ra cho việc đưa quân sang một quốc gia khác tham chiến. Phong trào hoà bình từ lâu đã lấy số binh sỹ tử trận làm trọng tâm cho hoạt động biểu tình. 

Đứng trước thực tế này, quân đội nhiều nước đã tăng sự phụ thuộc vào máy bay không người lái. Kể cả khi máy bay bị bắn hạ họ cũng không phải lo chịu sự chỉ trích của báo chí và các nhà hoạt động vì hoà bình.

Trước khi ông Barack Obama lên nắm quyền, Bộ Quốc phòng Mỹ thường cho triển khai lính đặc nhiệm tại các khu vực nóng như Pakistan, Mali, Rwanda,… mà không chính thức tuyên chiến. 

Nếu lính đặc nhiệm bị phát hiện, ghi hình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chắc chắn nước Mỹ sẽ gặp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia khác. Kẻ thù của Mỹ nhờ vậy mà cũng hiểu thêm được ý đồ, mục tiêu chiến lược mà Mỹ nhắm tới. 

Trái lại, máy bay không người lái không để lại "dấu chân" như lính đặc nhiệm. Chúng có thể nhanh chóng bay đến khu vực do kẻ thù kiểm soát, sử dụng hoả lực để tiêu diệt mục tiêu, rồi nhanh chóng bay về căn cứ. Chẳng thế mà ông Obama đã đồng ý cho CIA thành lập đơn vị máy bay không người lái của riêng mình vì mục đích do thám và ám sát.

Việc đào tạo phi công điều khiển máy bay từ xa đỡ tốn kém hơn nhiều so với phương thức truyền thống. Phi công, đặc biệt là phi công máy bay tiêm kích không những phải có cơ sở kiến thức toán học, vật lý, kỹ thuật, v.v…cơ bản mà còn phải luôn rèn luyện và giữ gìn thể chất tốt. 

Tiêu chuẩn sức khoẻ tuyển chọn phi công máy bay không người lái và tuyển chọn lái xe tải đường dài không khác gì nhau: Miễn là có khả năng ngồi lâu hơn 10 tiếng liên tục là được. 

Không quân Mỹ trong những năm gần đây còn tổ chức tìm kiếm phi công lái máy bay điều khiển từ xa trong số thanh thiếu niên hay chơi trò chơi điện tử. Các em có thể không quá khỏe khoắn nhưng lại thành thạo công nghệ và đã quen với việc điều khiển phương tiện qua màn hình vô tuyến.

Hai người biểu tình đã đứng nhiều ngày liền ở bên ngoài một căn cứ không quân Mỹ tại Las Vegas.

Gánh nặng lương tâm

Những ưu thế của máy bay không người lái nói riêng và robot chiến đấu nói chung khiến cho nhiều người cảm thấy bất an. Sự bất an này lại sinh ra phản đối. 

Ngay từ đầu năm 2009 đã xuất hiện những nhóm nhỏ người Mỹ tổ chức biểu tình đòi cấm sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh. Một cuộc biểu tình tổ chức trước cổng sân bay quân sự Hancock (bang New York) đã lôi kéo sự chú ý của báo chí cả nước Mỹ khi hàng chục người nằm ra giữa đường ra vào căn cứ. 

Sân bay Hancock là một trong những điểm mà máy bay không người lái cất cánh đến Trung Đông. Cảnh sát địa phương đã giải tán cuộc biểu tình và bắt giữ một số người tham gia, trong đó có Nick Mottern, Brian Terrell và Chelsea Faria, ba người lãnh đạo phong trào.

Những người tham gia phong trào chống sử dụng máy bay không người lái và robot trong chiến tranh đến từ nhiều nơi khác nhau. Có rất nhiều người vốn từng biểu tình chống cuộc xâm lược Iraq của chính quyền Tổng thống George W. Bush vào năm 2003. Họ cho rằng cuộc chiến tại  Iraq (và sau đó là ở Libya và Syria) là đi ngược lại với luật pháp quốc tế và tinh thần hoà bình thế giới. 

Với việc ông Bush và sau đó là ông Obama dần thay thế binh lính bằng robot, những nhà hoạt động lo ngại khả năng chính quyền Mỹ sẽ không phải chịu áp lực dư luận mà họ từng phải chịu thời chiến tranh Việt Nam. Việc cấm sử dụng máy bay không người lái trên chiến trường chỉ là bước đầu trong mục tiêu buộc Mỹ ngừng can thiệp quân sự vào các quốc gia khác.

Trong thập niên 1990 của thế kỷ trước, việc giải quyết mối họa bom mìn chưa nổ trở thành mối quan tâm của toàn thế giới. Không ít nhân vật nổi tiếng toàn cầu như Công nương Diana và vua nhạc pop Michael Jackson đã góp tiếng nói, tiền của vào hoạt động rà phá bom mìn. 

Trong khi thế giới đang tiến những bước dài thì chiến tranh Afghanistan, Iraq, Syria, Yemen,… nổ ra. Số bom đạn mà Mỹ đổ xuống khu vực Trung Đông không hề thua kém thời Chiến tranh Thế giới thứ II, trong đó có không ít đầu đạn chưa nổ. Nhiều người tình nguyện đã dành cả sự nghiệp để rà phá bom mìn không thể chịu nổi cảnh này nên đã đứng lên biểu tình.

Nhóm người biểu tình thứ ba quan tâm đến tác động của máy bay không người lái đối với người dân ở vùng chiến sự. Mẫu tên lửa đất đối không Hellfire mà máy bay Predator sử dụng có khả năng tiêu diệt hay làm bị thương bất kỳ người nào đứng trong bán kính 50m2 kể từ điểm va chạm. 

Đã có không ít người vô tội chết oan vì ở trong cái "bán kính chết" đấy. Chưa kể đến việc tin tình báo mà quân đội Mỹ và CIA nhận được từ Trung Đông có độ chính xác không quá cao. Nhiều lần họ phái máy bay không người lái tấn công những nơi chỉ toàn dân thường chứ không có khủng bố, khiến cho cả gia đình bỏ mạng.

Những người biểu tình lấy động lực không chỉ từ thảm cảnh dân thường Afghanistan và Iraq phải chịu. Họ còn thật sự lo ngại hậu quả mà Mỹ phải gánh chịu sau những vụ ném bom nhầm. 

Theo nhiều cuộc khảo sát, số người Afghanistan và Pakistan có cái nhìn tiêu cực về nước Mỹ ngày càng tăng do họ có họ hàng, bạn bè bị giết bởi bom đạn Mỹ. Đây là điều kiện hoàn hảo để các nhóm khủng bố tuyển mộ thành viên và tìm kiếm sự ủng hộ từ người dân. 

Khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan là nơi tập trung các căn cứ quan trọng của phiến quân Taliban. Mỹ càng ném thêm bom vào nơi này, quân Taliban lại càng lớn mạnh; càng nhận được nhiều sự ủng hộ, tạo nên một vòng luẩn quẩn không có hồi kết.

Người Pakistan biểu tình đốt cờ Mỹ sau khi một cô bé bị máy bay Mỹ giết chết.

Thành công và trở ngại

Kể từ năm 2011, các nhóm chống sử dụng máy bay không người lái và robot trong chiến tranh tại Mỹ đã tập hợp lại dưới khẩu hiệu "Ban Killer Drones" (tạm dịch: Cấm thiết bị bay không người lái giết người), rồi dần dần trở thành phong trào "Campaign To Stop Killer Robots" (tạm dịch: Chiến dịch ngăn chặn robot giết người).

Ngay từ lúc thành lập phong trào "Campaign To Stop Killer Robots" đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật nổi tiếng. Chẳng hạn như hai nhà khoa học Kathy Kelly và David Swanson từng nhận được đề cử giải Nobel; Giáo sư Noam Chomsky, vị "cha đẻ" của ngành ngôn ngữ học hiện đại; Naomi Klein, nhà hoạt động chính trị và tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy toàn thế giới…

Qua những cuộc biểu tình ở trường đại học, căn cứ quân sự, các toà án cấp cao,… những người tham gia phong trào mong muốn nâng cao hiểu biết của người dân Mỹ về vấn đề sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh và những hậu quả tai hại của nó. 

Ban đầu không có quá nhiều người Mỹ thực sự quan tâm đến việc này, nhưng trong những năm gần đây, xã hội Mỹ thật sự đã có những bước chuyển quan trọng trong nhận thức. 

Nhà văn, nhà hoạt động Jack Gilroy kể lại: "Tôi bị toà án New York kết án tù 90 ngày vì biểu tình trước sân bay Hancock. Một buổi sáng nọ tôi vừa mới bước vào căng-tin nhà tù thì mọi tù nhân bèn đứng lên vỗ tay. Hoá ra họ đã đọc một bài báo nói về cuộc biểu tình và biết được lý do mà tôi bị bắt".

"Campaign To Stop Killer Robots" đang dần vươn tay ra các quốc gia khác. Các nhà hoạt động Mỹ được mời đến diễn thuyết ở Anh, Pháp và Tây Ban Nha không còn là chuyện hiếm nữa. Tại các quốc gia này cũng đã xuất hiện những cuộc biểu tình chống sử dụng máy bay không người lái và robot trong chiến tranh. 

Nhờ vào công nghệ thông tin mà bất cứ ai trên thế giới cũng có thể nhìn thấy thực tế chiến tranh ở Afghanistan, Iraq,… và hiểu được nỗi khổ người dân tại đây phải chịu vì máy bay không người lái.

Tuy đã đạt được một số thành công nhất định nhưng phong trào chống sử dụng máy bay không người lái vẫn đang ở trong thế yếu. Gần như tất cả các quân đội chính quy trên thế giới đang sử dụng hay có kế hoạch sử dụng máy bay không người lái. Ở Mỹ, Nga và Trung Quốc đã xuất hiện những mẫu robot chiến đấu giống như xe tăng thu nhỏ có khả năng thay thế một phần hay hoàn toàn lính bộ binh.

Hiểu rằng khó có thể ngăn cấm hoàn toàn việc sử dụng máy bay không người lái và robot trong chiến tranh, các nhà hoạt động trên thế giới đang chạy đua với thời gian để thúc đẩy việc soạn thảo một bộ luật quốc tế kiểm soát hoạt động này. 

Hiện đã có một số hội thảo quốc tế xoay quanh chủ đề nói trên, nhưng vấn đề vẫn chưa đưa ra được đến Liên Hợp Quốc hay Toà án Công lý quốc tế. 

Khả năng các nhà hoạt động đạt thành công khá là mỏng manh do toàn bộ con mắt trên thế giới đang hướng về đại dịch COVID-19, nhưng chắc chắn họ sẽ không ngừng lại ít nhất trước khi hình thành được một khuôn khổ pháp lý kiểm soát việc sử dụng máy bay không người lái và robot chiến đấu.

Lê Vũ (Tổng hợp)
.
.