“Phóng viên robot” tác nghiệp tại Olympic Mùa đông 2018

Thứ Năm, 01/03/2018, 12:44
Với việc áp dụng một loạt công nghệ cao, Olympic Mùa đông 2018 đã đem tới sự hào hứng, thú vị cho số đông người hâm mộ. Một trong những điểm nhấn nổi bật từ màn áp dụng thành tựu công nghệ cao là đưa “phóng viên robot” tác nghiệp trong suốt quá trình diễn ra Olympic Mùa đông 2018…

Khởi tranh từ ngày 9-2-2018 đến ngày 25-2-2018 tại PyeongChang (Hàn Quốc), Olympic Mùa đông 2018 (Olympic PyeongChang 2018) là một trong những sự kiện thể thao lớn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ đông đảo người hâm mộ. Theo thông báo từ Ban tổ chức Olympic Mùa đông 2018, có tổng cộng 2.952 vận động viên đến từ 92 quốc gia khác nhau, đua tranh 102 bộ huy chương ở 15 bộ môn thể thao mùa đông.

So với những kỳ thế vận hội trước đây, Thế vận hội Mùa đông năm nay đã đem lại sự khác biệt rõ nét qua việc một loạt ứng dụng công nghệ cao được đưa vào như công nghệ mạng 5G, công nghệ mạng thực tế ảo 360 VR…. Đặc biệt, Ban tổ chức Olympic Mùa đông 2018 đã kết hợp với Hãng Thông tấn Yonhap sử dụng “phóng viên robot” tác nghiệp nhằm truyền tải một cách kịp thời, nhanh nhạy khối lượng thông tin lớn qua lịch thi đấu với tần suất dày đặc.

Về bản chất, “Olympicbot”, tên gọi khác của “phóng viên robot” là phần mềm được lập trình với những thuật toán tinh vi để có thể tổng hợp thông tin một cách tự động dựa trên các số liệu của các sự kiện được cung cấp từ Ban tổ chức Olympic Mùa đông 2018.

Hỗ trợ cho quá trình tác nghiệp của “Olympicbot” còn có kho dữ liệu với hệ thống từ ngữ và những mẫu câu thông dụng vốn được phóng viên theo dõi mảng thể thao của Hãng Thông tấn Yonhap sử dụng mỗi khi viết bài. Chỉ cần mất từ 1 đến 2 giây là “phóng viên robot” có thể hoàn tất phần viết tin và tự động đẩy lên trang web của Hãng Thông tấn Yonhap một khi nội dung thi đấu ở môn thể thao nào đó kết thúc.

Bất kỳ độc giả nào truy cập vào trang web của Hãng Thông tấn Yonhap đều có thể dễ dàng đọc những bài viết bằng tiếng Hàn Quốc được “phóng viên robot” thực hiện. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi một hay hai môn thể thao, độ phủ sóng từ những bài viết của “phóng viên robot” còn trải dài ở tất cả 15 môn thể thao được cánh vận động viên căng sức tranh tài ở Olympic PyeongChang 2018.

“Phóng viên Robot” truyền tải tin tức về Olympic mùa Đông 2018.

Dù mới chỉ dừng lại ở mức độ đưa tin nhằm đảm bảo thông tin được cập nhật liên tục song màn “lấn sân” của “phóng viên robot” rõ ràng đã đem tới sự hào hứng dõi theo từ nhiều người. Còn theo lời khẳng định từ đại diện Hãng Thông tấn Yonhap, tất cả những bài viết mang tính chất phân tích, bình luận sâu sắc về diễn biến những ngày thi đấu tại Olympic Mùa đông 2018 vẫn do những cây bút thể thao gạo cội đảm trách.

“Tất cả những gì chúng tôi đang làm tại Olympic Mùa đông 2018 không ngoài mục đích cho thấy trí tuệ nhân tạo sẽ dần trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của chúng ta”, đại diện Hãng Thông tấn Yonhap nhấn mạnh: “Điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải biết kết hợp và khai thác một cách hài hòa những điểm mạnh đưa lại trong quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo”.

Từ thành công ban đầu tại Olympic Mùa đông 2018, nước chủ nhà Hàn Quốc sẽ tiếp tục cho sử dụng “phóng viên robot” trong quá trình truyền tải tin tức về Paralympic Mùa đông  2018 diễn ra từ ngày 9-3-2018 đến 18-3-2018 tại Pyeongchang (Hàn Quốc) sắp tới.

Thực tế, việc dùng “phóng viên robot” để tác nghiệp bên cạnh những phóng viên con người không phải mới được thực hiện như một số người lầm tưởng. Thực tế, Hãng Thông tấn Yonhap đã kết hợp với một số cơ sở nghiên cứu, chế tạo robot có tiếng tại Hàn Quốc để thử nghiệm dùng robot đưa tin về những trận đấu ở giải ngoại hạng Anh (Premier League) ở mùa giải 2016/17.

Kể từ khi đưa vào thử nghiệm đến khi kết thúc, “Soccerbot” - tên phần mềm tự động được dùng viết tin về Premier League đã sản xuất tổng cộng 380 tin, bài. Thú vị ở chỗ “Soccerbot” còn có tính năng sao chép văn phong của phóng viên thực thụ nhằm tạo sự sinh động cho tin bài của mình.

Không chỉ có Hãng Thông tấn Yonhap, tờ nhật báo Washington Post có số lượng phát hành lớn tại Mỹ cũng đã gây ồn ào khi dùng robot viết tin nhằm cập nhật một cách liên tục diễn biến từ Olympic Rio 2016 tổ chức tại Brazil hồi mùa hè năm 2016.

Xem chừng trào lưu phóng viên con người tác nghiệp bên cạnh “phóng viên robot” sẽ sớm xảy đến trong tương lai không xa từ những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ từ cuộc "Cách mạng Công nghiệp 4.0".

Bảo Quyên
.
.