Săn "rồng lửa"

Thứ Năm, 14/06/2018, 17:13
Từ năm 2017 Qatar đàm phán với Nga để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 với biệt danh "rồng lửa". Tới tháng 6-2018, khi các cuộc đàm phán tiến triển thì Qatar vấp phải sự phản đối của một số nước Vùng Vịnh.

Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chịu sức ép khủng khiếp từ Mỹ và NATO khi họ muốn sở hữu "rồng lửa" S-400 của Nga.

Tăng cường khả năng quân sự

Kể từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh bùng nổ, một động thái đáp trả của Qatar đã trở nên rõ ràng hơn, đó là việc Doha sử dụng sự giàu có của mình để thúc đẩy chi tiêu quốc phòng quy mô lớn. Một loạt hợp đồng quân sự đã xuất hiện kể từ khi Saudi Arabia và các đồng minh đột ngột cắt đứt tất cả quan hệ với Qatar vào tháng 6-2017.

Lời đề nghị của Qatar rõ ràng không làm các nước Vùng Vịnh hài lòng. Quốc vương Saudi Arabia vừa lên tiếng đe dọa sẽ có các biện pháp quân sự nếu Qatar lắp đặt hệ thống phòng không của Nga.

Theo tờ Le Monde, cách đây ít ngày, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã gửi một bức thư tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước hoạt động đàm phán mua tên lửa S-400 mà Qatar và Nga đang thực hiện. Bức thư nêu rõ, Saudi Arabia sẽ sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để loại bỏ hệ thống phòng thủ này, trong đó không ngoại trừ biện pháp quân sự.

Quốc vương Saudi Arabia Salman cũng đề nghị Tổng thống Pháp Macron hỗ trợ, ngăn chặn việc mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa kể trên cũng như bảo vệ hòa bình trong khu vực.

Ngoài việc ký thỏa thuận hợp tác quân sự và mua vũ khí của Nga, Qatar còn ký hợp đồng mua vũ khí, máy bay chiến đấu, trực thăng của Anh, Mỹ, Pháp, Canada. Cụ thể, nước này cuối năm 2017 đã ký một thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD, trong đó có hợp đồng mua 24 máy báy chiến đấu Typhoon của Anh. Đây là thỏa thuận mua bán vũ khí thứ hai của Qatar trong vòng chưa đầy một tuần qua vào lúc cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Doha với các nước láng giềng Vùng Vịnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hệ thống S-400 của Nga mà Qatar muốn mua. Ảnh: RT.com.

Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohammed al-Attiyah cho biết đây là đơn đặt hàng các máy bay Typhoon lớn nhất trong một thập niên qua, đồng thời khẳng định bước đi này sẽ giúp tăng cường khả năng quân sự của Qatar nhằm đối mặt với những thách thức mà hai bên cùng chia sẻ ở Trung Đông, hỗ trợ sự ổn định trong khu vực và đảm bảo an ninh cho Anh.

Trước đó, Mỹ và Qatar cũng đạt được hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa tiên tiến cho Qatar. Theo thương vụ này, Mỹ đồng ý cung cấp cho Qatar 5.000 Hệ thống vũ khí sát thương chính xác tiên tiến (APKWS), trong đó có 5.000 đầu đạn có sức công phá lớn.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Qatar là lực lượng quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở khu vực Vịnh Persian. Các lợi ích quốc phòng của Mỹ gắn chặt với quan hệ giữa hai nước và không quân Qatar đóng vai trò nổi bật trong nền quốc phòng của nước này. Qatar là đồng minh quân sự lâu đời và là nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Không chỉ giao dịch trực tiếp, Mỹ còn "bật đèn xanh" cho các thương vụ vũ khí lớn với Canada và Qatar.

Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán tên lửa không đối không tầm trung cho Canada với tổng trị giá hàng trăm triệu USD. Đổi lại, Qatar đồng ý mở rộng căn cứ cho quân đội Mỹ hiện diện lâu dài như cách tìm một chiếc "ô bảo trợ" từ Mỹ.

Có thể thấy rõ, những động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Qatar đã thể hiện thái độ cứng rắn của nước này khi mong muốn trở thành thành viên đầy đủ của NATO.

Trong tuyên bố đăng tải trên tạp chí chính thức của Bộ Quốc phòng Qatar ngày 5-6, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Khalid bin Mohamed Al-Attiyah đã khẳng định thế mạnh của Qatar là một trong những quốc gia quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông xét trên bình diện tiềm lực khí tài quân sự. Tuyên bố trên của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Qatar được đưa ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và nhóm các nước Arab gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập tiếp tục phủ bóng đen, đe dọa sự ổn định tại Trung Đông.

Xác định rõ sự nhạy cảm của vấn đề, ngày 6-6-2018, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã từ chối đề nghị của Qatar gia nhập liên minh quân sự này khi tuyên bố nêu rõ "theo điều khoản 10 của Hiệp ước Washington, chỉ các quốc gia châu Âu mới có thể trở thành thành viên của NATO". Quan chức này cũng nhấn mạnh "Qatar là một đối tác quý giá và lâu dài của NATO".

"Linh vật" bất hòa?

Không tìm được chỗ dựa chắc chắn trước sự bất định của thế giới phương Tây, Qatar tìm đến Nga như một đối tác quan trọng và bền vững. Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani trong chuyến thăm Nga mới đây đã hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow với nội dung chủ yếu là thúc đẩy đàm phán đề xuất mua vũ khí Nga của Qatar, chủ yếu là hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Có lẽ Qatar ý thức được rõ ràng, tại thời điểm hiện tại S-400 chính là đối trọng đáng nể nhất với hệ thống tên lửa Patriot tương tự do Mỹ sản xuất và hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà một số nước Vùng Vịnh đang và muốn sở hữu.

Theo một số chuyên gia phân tích quân sự, cho dù hợp đồng được ký kết, việc cung cấp S-400 cho Qatar cũng không thể thực hiện sớm. Thứ nhất, quốc gia Vùng Vịnh gần đây đang đối mặt với một số khó khăn tài chính do các hợp đồng quân sự đắt đỏ; thứ hai, phía Nga có nhiều hợp đồng quân sự đã ký liên quan đến S-400 nên năng lực sản xuất hệ thống này tạm thời đã đạt ngưỡng.

hêm vào đó, trong điều kiện hiện nay, việc chuyển giao S-400 cho Qatar có thể gây căng thẳng quan hệ với các quốc gia khác là UAE và Saudi Arabia. Vì vậy, việc Qatar sẵn sàng mua S-400 sẽ "chọc giận" khối các nước Arab đang đối đầu với nước này. Và như vậy, "rồng lửa" lại trở thành "linh vật" gây bất hòa.

Trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Vùng Vịnh đang có nguy cơ ngày một lớn hơn, nhu cầu được sở hữu những loại vũ khí tấn công hay phòng thủ toàn diện như S-400 càng trở lên cấp thiết. Vì vậy việc hàng loạt nước "đấu nhau sứt đầu mẻ trán" vì S-400 của Nga càng làm cho "rồng lửa" ngày càng có "giá" hơn.

Vì vậy, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani vừa lên tiếng bác bỏ thẳng thừng những lời đe dọa dùng vũ lực quân sự của Arabia Saudi vì việc Doha đang có ý định mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga. Ông Al Thani tuyên bố cứng rắn, Qatar có thể tự mình quyết định mua loại vũ khí nào.

"Việc mua bất kỳ thiết bị quân sự nào là một quyết định thuộc chủ quyền và không có nước nào có thể can thiệp", Ngoại trưởng Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nhấn mạnh khi phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar ngày 5-6. Ông Al Thani khẳng định, bất kỳ áp lực bên ngoài nào nhằm vào Qatar vì vấn đề trên đều là hành động vi phạm luật quốc tế.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Doha nhấn mạnh, quyết định của Qatar trong việc mua các hệ thống tên lửa sẽ không bị ảnh hưởng bởi Arabia Saudi. “Qatar sẽ để ngỏ mọi sự lựa chọn trong hoạt động mua sắm vũ khí của mình. Chúng tôi đang tìm kiếm những vũ khí chất lượng cao nhất để bảo vệ đất nước”, ông Al Thani tuyên bố.

Ngoại trưởng Al Thani cũng thẳng thừng bác bỏ phát biểu cho rằng Qatar gây ra mối đe dọa cho Arabia Saudi. Ông Al Thani giải thích thêm, bất kỳ hành động quân sự nào đều cũng sẽ đi ngược lại với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh - một khối liên minh gồm 6 nền quân chủ Arab giàu dầu mỏ, trong đó có cả Qatar và Saudi Arabia. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh bác bỏ khả năng các nước đối tác láng giềng tấn công lẫn nhau.

Không dễ để sở hữu "rồng"

Trước Qatar, một loạt nước khác cũng đã thể hiện quyết tâm mua S-400 của Nga bất chấp sự phản đối của các đồng minh và đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... Ngày 5-6-2018, theo các chuyên gia Nga, vấn đề chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không thể đảm bảo được 100%.

Ankara sẵn sàng mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố như vậy trong chuyến thăm chính thức Washington. Các chuyên gia chắc chắn rằng Ankara sử dụng hợp đồng này như một công cụ để tống tiền Mỹ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ rằng: nếu Lầu Năm Góc cung cấp hệ thống SAM mới nhất, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua S-400 từ Nga. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhắc nhở đồng nghiệp Michael Pompeo rằng trước khi đàm phán với Moscow về việc cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tầm xa, Ankara đã gửi yêu cầu tương đương tới Washington. Chỉ sau khi nhận được sự từ chối từ phía chính quyền Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tìm kiếm những lựa chọn khác.

Một vài tháng trước, đại diện các nước Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết hợp đồng chuyển giao S-400. Hợp đồng bao gồm việc chuyển giao 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không của hệ thống S-400 cho Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cùng với phụ lục hợp đồng về việc huấn luyện đào tạo cho các quân nhân điều khiển. Moscow theo yêu cầu của Ankara thậm chí còn mở một hạn mức tín dụng để giảm gánh nặng ngân sách quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm ứng và các điều khoản giao hàng chính xác được xác định - không muộn hơn đầu năm 2020. Tổng số tiền của hợp đồng là khoảng 2,5 tỷ USD.

Tháng 3-2018, Mỹ gia tăng áp lực trực tiếp nhằm vào Ankara để phá vỡ hợp đồng chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không hiện đại nhất. Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ  thúc ép Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bằng các phương pháp ngoại giao, Lầu Năm Góc chọn chiến thuật đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố Quốc hội Mỹ sẽ không phê chuẩn việc cung cấp vũ khí trang bị mới, bao gồm các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35, trực thăng vận tải và nhiều loại vũ khí, trang thiết bị khác.

Qatar hiện sở hữu khá nhiều vũ khí hiện đại nhưng vẫn muốn mua S-400 để phòng thủ trong bối cảnh an ninh căng thẳng. Ảnh: Trillions.Biz.

Song song với các tuyên bố đe dọa, Mỹ quyết định sẽ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống SAM Patriot phiên bản mới nhất sử dụng các tên lửa PAC-3. Như vậy, vấn đề vướng mắc mà Bộ trưởng Ngoại giao Cavusoglu nói về hệ thống phòng không mới nhất được loại bỏ. Mặc dù thực tế là Ankara đe dọa người Mỹ "tìm kiếm máy bay chiến đấu từ nguồn khác tương đương" nếu Mỹ từ chối cung cấp F-35.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, hợp đồng S-400 mang bản chất chính trị. Xét cho cùng, trong kỹ thuật quân sự, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị "khóa cứng hoàn toàn" trong công nghệ quân sự phương Tây và việc chuyển sang một hệ thống mới, một tư duy quân sự mới sẽ là một bước phát triển không hợp lý.

Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp hăm dọa từ Mỹ và NATO để mua S-400, Ấn Độ cũng quyết mua “rồng lửa” S-400 của Nga bất chấp những lời hăm dọa từ Mỹ. "Đàm phán S-400 đã diễn ra một thời gian rất dài và chúng tôi đã đi đến giai đoạn cuối cùng", tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 5-6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman. Ấn Độ đang tiến hành đàm phán để mua hệ thống phòng không S-400 Nga với tổng giá trị có thể lên tới 2,5 tỷ USD.

"Quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Nga đã trải qua một thời gian dài và đây là một mối quan hệ vượt qua thử thách thời gian. CAATSA (Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận) không thể ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Sitharaman nhấn mạnh.

Bà Sitharaman cho biết thêm, Ấn Độ mua nhiều vũ khí từ Nga, đồng thời tuyên bố quan hệ hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Nga sẽ tiếp diễn. Được biết, Ấn Độ đang tiến hành đàm phán để mua hệ thống phòng không S-400 của Nga với tổng giá trị có thể lên tới 2,5 tỷ USD. Hợp đồng này có thể sẽ được ký vào tháng 10 năm nay. CAATSA vốn được cho là đòn trừng phạt “hiếm có”, có tính toàn diện hơn so với các đạo luật trước đây nhắm vào Nga. Đạo luật này nhắm tới các đối tác có các hoạt động mua bán, trao đổi vũ khí và thông tin tình báo với Nga.

Theo các nguồn tin chính thức, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ nêu vấn đề S-400 với Mỹ trong cuộc đàm phán 2-2 tại Washington vào tháng tới. Nga và Ấn Độ có thể sẽ thông báo hợp đồng S-400 trước cuộc gặp thường niên giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Nga V.Putin vào tháng 10 năm nay.

Trước đó, tờ The Economic Times dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mac Thornberry rằng Washington quan ngại sâu sắc về kế hoạch Ấn Độ đặt mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hiện đại của Nga và hành động này có thể phương hại lớn tới các chương trình hợp tác kỹ thuật - quân sự Mỹ-Ấn. "Tôi e ngại rằng việc mua công nghệ đó (S-400 của Nga) sẽ làm hạn chế mức độ mà Mỹ cảm thấy thoải mái để cung cấp thêm công nghệ cho bất kỳ nước nào mà chúng tôi đang nói đến”, ông Thornberry tuyên bố.

“Chính giới Mỹ, từ quốc hội cho tới chính phủ đều tỏ ra đặc biệt lo lắng về các thương vụ tổ hợp tên lửa S-400, không chỉ của Ấn Độ mà còn của nhiều quốc gia khác”, ông nói thêm.

Hòa Nguyễn
.
.