Sản xuất sữa bò trong phòng thí nghiệm

Thứ Sáu, 16/01/2015, 10:35
Miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên trên thế giới do giáo sư Hà Lan Mark Post tổng hợp trong ống nghiệm từ phòng thí nghiệm của Đại học Maastricht được rán chín và có giá hơn 300.000USD. Năm 2014, hai kỹ sư sinh học trẻ tuổi ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đang miệt mài trong phòng thí nghiệm để cố gắng tạo ra sữa bò nhân tạo đầu tiên trên thế giới, với sự trợ giúp từ công nghệ gene. Nhưng, liệu người tiêu dùng có chấp nhận uống sữa “công nghệ gene” thay cho sữa bò thông thường?

Cũng giống như thịt bò "trong ống nghiệm" của giáo sư Mark Post, nhóm nhà khoa học nghiên cứu tạo ra sữa bò nhân tạo từ men sinh học. Họ cũng hy vọng một ngày nào đó sữa nhân tạo sẽ dần thay thế sữa bò tự nhiên và chiếm lĩnh trên thị trường toàn cầu.

Sản phẩm sữa Muufri hứa hẹn thay thế sữa bò tự nhiên.

Do sử dụng công nghệ cấy men sinh học cho nên sữa nhân tạo cũng chứa đầy đủ các protein như sữa bò; hay nói cách khác là nó vẫn có hương vị và dưỡng chất của sữa bò - theo giới thiệu của Perumal Gandhi, người đồng sáng lập Công ty Muufri ở San Francisco, bang California (Mỹ). Và, sữa bò nhân tạo cũng khác biệt với sữa từ đậu nành và từ các loại đậu khác.

Gandhi lập luận: "Nếu muốn người tiêu dùng trên thế giới thay đổi thói quen ăn uống từ sản phẩm động vật sang sản phẩm tổng hợp trong phòng thí nghiệm, chúng ta phải làm cho thực phẩm nhân tạo ngon hơn thực phẩm tự nhiên. Thế giới sẽ không đột ngột chuyển từ sữa bò tự nhiên sang loại sữa nhân tạo. Nhưng, sữa trong ống nghiệm của chúng tôi hy vọng có thể làm được điều đó".

Gandhi và Pandya - đồng sáng lập Công ty Muufri - đều là người ăn chay trường cho nên họ coi ngành công nghiệp khai thác vật nuôi làm thực phẩm là vô nhân đạo. Trong tình hình hiện nay, thú nuôi cũng bị tiêm hormone và thuốc kháng sinh một cách hết sức bừa bãi. Bò cũng bị thúc sinh sản nhân tạo và khai thác sữa triệt để để phục vụ con người.

Pandya nhận định: "Về cơ bản, con người đang kiểm soát hệ sinh sản của thú nuôi cho nên đó là sự xâm lấn không thể chấp nhận được. Nhiều người tự cho mình là nhà hoạt động bảo vệ động vật nhưng lại uống sữa bò!". Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng tác động tiêu cực đến môi trường.

Ngành công nghiệp sản xuất sữa chiếm 3% trong tổng lượng khí thải trên toàn cầu, phần nhiều do bò giải phóng ra khí methane. Gandhi và Pandya tin rằng, nếu biết được hương vị, cấu trúc và màu sắc của sữa nhân tạo, chắc chắn người tiêu dùng sẽ thích uống sữa Muufri hơn sữa bò tự nhiên!

Sữa Muufri hiện chứa các thành phần chủ yếu như: các protein, chất béo, chất khoáng và đường. Kế hoạch của Gandhi và Pandya là cấy chuỗi ADN từ con bò vào các tế bào men, nuôi trong nhiệt độ có kiểm soát và cô đặc đúng kỹ thuật để thu thập protein sữa chỉ trong vài hôm.

Gandhi cho biết, tiến trình cực kỳ an toàn cũng như trong hoạt động điều chế insulin và dược phẩm. Protein trong sữa Muufri được tạo ra từ men, chất béo chiết xuất từ thực vật và tất cả được xử lý ở cấp độ phân tử để cho ra đời cấu trúc và hương vị như sữa thật. Các chất khoáng như calcium và potassium cũng được tạo riêng biệt và sau đó trộn vào hỗn hợp.

Sau khi hội đủ các yếu tố dưỡng chất, sữa Muufri sẽ không khác sữa thật và thậm chí ngon hơn, bổ dưỡng hơn - hai nhà khoa học Gandhi và Pandya cam kết. Hai nhà khoa học thay thế lactose thường gây rối loạn tiêu hóa nơi 65% người lớn bằng loại đường galactose và cấy men để tạo ra casein - một protein có trong sữa tự nhiên của động vật. Tuy nhiên, hương vị sữa là mục tiêu quan trọng hàng đầu của hai nhà khoa học.

Tháng 9/2014, Công ty Muufri (bắt đầu những phiên thử nghiệm từ tháng 5) nhận được 2 triệu USD vốn đầu tư ban đầu từ Horizons Ventures - công ty đầu tư mạo hiểm đặt trụ sở tại Hồng Công (không liên quan gì đến Công ty sữa hữu cơ Horizon Farms). Muufri hy vọng sẽ hoàn thành "thức uống pha chế trong phòng thí nghiệm" của công ty vào năm 2015 và giới thiệu sản phẩm ra thế giới vào đầu năm 2017.

Tuy nhiên, Muufri không hẳn là đơn vị duy nhất tạo ra các sản phẩm từ sữa nhân tạo. Impossible Foods của một cựu giáo sư Đại học Stanford - Công ty tập trung kinh doanh thịt nhân tạo - cũng đang nghiên cứu sản xuất loại phó mát nhân tạo để ăn kèm với thịt nhân tạo của họ. Nhưng, Impossible Foods được tài trợ đến 75 triệu USD.

Một công ty khác - Real Vegan Cheese - cũng quan tâm đến sản phẩm sữa nhân tạo và có nguồn tài trợ từ các kỹ sư sinh học tình nguyện ở Oakland, bang California. Trong khi đó, mức tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa trên toàn thế giới tiếp tục tăng lên hàng năm. Các protein tạo ra từ men của Muufri sẽ không khác gì protein tự nhiên và bản thân men là vô hại, Pandya cam kết.

Ryan Padya (trái) và Perumal Gandhi chế tạo thành công sữa "trong ống nghiệm".

Tuy nhiên, vẫn có một số nhà khoa học tỏ vẻ hoài nghi sữa nhân tạo của Muufri có thể thay thế được sữa tự nhiên trong tương lai. Philip Tong, Giám đốc Trung tâm Công nghệ về các sản phẩm từ sữa (DPTC) ở San Luis Obispo bang California, nhận xét: "Chúng ta vắt sữa bò từ 7.00-8.000 năm nay. Tôi nghi ngờ công nghệ sinh học hiện đại có thể sản xuất được những gì mà Mẹ Tự nhiên tạo ra cho con người".

An Di (tổng hợp)
.
.