Sự bùng nổ của ứng dụng giao tiếp

Thứ Tư, 06/12/2017, 11:00
Ngày nay mọi người trên toàn thế giới đều có thể liên lạc với nhau qua ứng dụng điện thoại thông minh với đủ mọi phương thức từ nhắn tin văn bản, nhắn tin hình ảnh cho đến gọi thoại và bây giờ có cả gọi video. Thị trường ứng dụng trò chuyện cũng vô cùng đa dạng với đủ sự lựa chọn biến đây trở thành lĩnh vực kinh doanh đầy hứa hẹn nhưng cũng cạnh tranh khốc liệt không kém.

Bùng nổ ứng dụng trò chuyện

Khu vực sinh sống sẽ quyết định phần lớn việc chúng ta sử dụng loại ứng dụng nào trong hàng loạt các ứng dụng hiện có. Tại Trung Quốc, ứng dụng gọi điện nhắn tin miễn phí phổ biến nhất là WeChat. Tại Nhật Bản, Line là ứng dụng dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này.

Tương tự, tại Hàn Quốc có KakaoTalk; Canada và Mỹ có Kik; Ấn Độ có Hike và thế giới Ảrập có Palringo và Soma. Việc hàng loạt “ông lớn” trong ngành lần lượt công bố giá trị công ty cao ngất ngưởng đã biến thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí trở thành mảnh đất màu mỡ đầy hứa hẹn với sự ra đời của nhiều cái tên mới.

Điển hình là thương vụ trị giá 22 tỷ USD gây sự chú ý toàn cầu vào năm 2014 khi “ông trùm” Facebook mua lại WhatsApp. Hay Snapchat được định giá đến 20 tỷ USD. Trong tháng 7-2016, Line tiến hành IPO - chào bán cổ phiếu lần đầu trên thị trường - và thu về 1,3 tỷ USD, nâng tổng giá trị của ứng dụng này cán mốc 6 tỷ USD.

Không chỉ dừng lại ở việc tập trung phát triển ứng dụng của mình, các hệ thống ứng dụng cũng đang rót tiền đầu tư vào nhau. Chẳng hạn, WeChat rót 175 triệu USD vào ứng dụng Hike của Ấn Độ. Thật không khó để hiểu vì sao cư dân toàn cầu bị cuốn vào những ứng dụng nhắn tin miễn phí khi mà công nghệ liên lạc ngày càng phát triển và người dùng càng được “nuông chiều” hết mức.

Khu vực sinh sống sẽ quyết định phần lớn việc chúng ta sử dụng loại ứng dụng nào.

Vào năm 1993, hai nhà nghiên cứu người Mỹ, James C. McCroskey và Virginia P. Richmond lập ra thang đo mức độ “nghiện” trò chuyện. Thang đo này là một phương pháp để nhận biết một người đang có xu hướng trò chuyện quá mức một cách cưỡng chế và ổn định lâu dài. Trải qua 2 thập niên bị quên lãng, nay thang đo này có thể được sử dụng để nghiên cứu về thói nghiện điện thoại thông minh của con người.

Ban đầu, chứng trò chuyện cưỡng chế chỉ bắt gặp ở tin nhắn SMS và các loại hình nhắn tin văn bản thông thường. Sau này, chứng cưỡng chế này bắt đầu lan sang các loại hình nhắn tin hình ảnh và gọi video. Và nay chúng ta còn có thể thực hiện các hoạt động ngân hàng, mua sắm và hàng loạt các dịch vụ khác chỉ với những ứng dụng nhắn tin.

Tuy nhiên, liệu thị trường có đủ chỗ cho quá nhiều nền tảng ứng dụng nhắn tin miễn phí như vậy hay không? Và làm thế nào để những “lính mới” có thể tạo ra sự khác biệt trong đám đông và gìn giữ người dùng hiện hữu? Thật ra, xu thế lựa chọn của người dùng hiện nay là những ứng dụng có tính bảo mật tốt và được tập trung phát triển nhằm phục vụ một nhóm đối tượng có chung một sở thích nhất định.

Thị trường ứng dụng “chat” cũng vô cùng đa dạng.

Chẳng hạn như, với ứng dụng Palringo của Anh, người dùng có thể chơi game ngay trong những nhóm trò chuyện với số lượng thành viên cho phép lên đến 2.000 người. Sự kết hợp giữa trò chuyện và game đã giúp Palringo trở thành một trong những công ty công nghệ của Anh có tốc độ phát triển nhanh nhất. Trong đó, chỉ riêng hoạt động mua bán vật phẩm trong game đã đóng góp 50% doanh thu cho Palringo.

Giám đốc điều hành Palringo, Tim Rea, chia sẻ: “Sự sinh sôi nảy nở của các ứng dụng trò chuyện (“chat”) thống lĩnh các thị trường riêng biệt tại mỗi quốc gia khác nhau buộc chúng tôi phải tìm ra một ngôn ngữ chung. Thứ ngôn ngữ đó là game và chúng tôi đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của những trò chơi trong ứng dụng chat của mình”.

Tương tự, ứng dụng Wire tạo sự thu hút bằng cách cho phép người dùng chèn những đoạn video từ YouTube hay ảnh động vào nội dung cuộc trò chuyện. Được hậu thuẫn bởi nhà đồng sáng lập Skype, Janus Friis, công ty cho biết ứng dụng Wire đã phát triển với tốc độ 200.000 người dùng tăng thêm mỗi tháng. Để tạo nên sự khác biệt, Wire tập trung phát triển tính bảo mật.

Tim Rea, giám đốc điều hành của Palringo.

Alan Duric, nhà đồng sáng lập và Giám đốc công nghệ của Wire, giải thích: “Wire là một ứng dụng nhắn tin đặc biệt quan tâm đến tính bảo mật có thể hoạt động trên nhiều loại thiết bị và tích hợp nhiều phương thức trò chuyện thịnh hành - như nhắn tin văn bản, nhắn tin hình ảnh, gọi thoại và gọi video - được củng cố bằng hệ thống mã hóa end-to-end dưới dạng mã nguồn mở”.

Không nằm ngoài xu thế, ứng dụng trò chuyện Telegram cũng nhận định việc tập trung phát triển mã hóa là chìa khóa cho sự thành công trên thị trường của mình mặc cho lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang đặc biệt quan ngại về khả năng những kẻ khủng bố sẽ lợi dụng các nền tảng liên lạc có tính bảo mật cao này.

Cuộc cạnh tranh quyết liệt

Bên cạnh đó, cuộc chiến gìn giữ người dùng hiện hữu còn diễn ra khốc liệt hơn cả cuộc chiến tranh giành người dùng mới. Bởi dường như những người dùng công nghệ thường không trung thành với sự lựa chọn của mình được lâu. Vào tháng 8-2016, ứng dụng Instagram cho ra đời tính năng “Stories” cho phép người dùng đăng tải những khoảnh khắc chỉ tồn tại trong vòng 24 giờ của mình dưới dạng một đoạn trình chiếu được ghép từ các video, hình ảnh và dòng trạng thái.

Tính năng này của Instagram được sao chép tương tự như tính năng từng gây nhiều tiếng vang của Snapchat với cùng cái tên “Stories”. Sự sao chép lẫn nhau này nhằm đối phó với sự “không chung thủy” của người dùng mỗi khi xuất hiện một tính năng mới mẻ và lôi cuốn hơn trên ứng dụng khác.

Theo một cuộc khảo sát  trên 30.000 người có độ tuổi từ 12 đến 25 bằng ứng dụng so sánh Wishbone, có đến 43% phản hồi cho biết sẽ gỡ ứng dụng Snapchat trong điện thoại nếu như Instagram cung cấp những bộ lọc hình ảnh tương tự như của Snapchat. Những bộ lọc này cho phép người dùng có thể chỉnh sửa bóp méo hình ảnh của mình và đính kèm thêm những hình ảnh vui nhộn như tai chó hay râu mèo.

Một phụ nữ thích thú trước bức ảnh selfie với mái tóc đặc trưng của ca sĩ Sia được gắn vào bằng bộ lọc của ứng dụng Snapchat.

Bên cạnh những ứng dụng thông thường phục vụ nhu cầu trò chuyện hằng ngày của người dùng còn có những ứng dụng được phát triển nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Điển hình, Intercom là một nền tảng ứng dụng nhắn tin được tung ra thị trường với đối tượng khách hàng là những nhà kinh doanh - dù hình thức và cảm nhận khi sử dụng không khác gì mấy so với ứng dụng nhắn tin thông thường. Ứng dụng Intercom đã hợp tác cùng 13.000 doanh nghiệp với hơn một tỷ người dùng.

Eoghan McCabe, Giám đốc điều hành Intercom, cho biết: “Điểm thu hút ở đây chính là tiềm năng của việc nhắn tin. Nhắn tin gần như là phương thức trao đổi mang tính trực tiếp nhất. Các doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức nhắn tin để cởi bỏ vẻ lạnh lùng, nghiêm nghị và kết nối với khách hàng như giữa những con người với nhau”.

Ngoài những ứng dụng nhắn tin đã nói đến bên trên còn có những cái tên ấn tượng không kém như Slack, Flock, Hipchat, Zapier và cả một danh sách dài ngoằng sau đó. Mặc dù thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí vẫn chưa đạt đến điểm bão hòa nhưng chắc chắn những công ty đến sau buộc phải có bước đi thông minh hơn để tìm cho mình một chỗ đứng trong đám đông đầy cạnh tranh này.

Tuy đây không hẳn là mảnh đất màu mỡ cho tất cả dân kinh doanh công nghệ, nhưng với số lượng người sử dụng điện thoại thông minh được dự đoán sẽ tăng từ 2 tỷ người như hiện nay lên con số 3 tỷ vào năm 2020, có vẻ như mảnh đất này đang ngày càng mở rộng.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.