Sự kỳ diệu của đôi mắt

Thứ Hai, 02/04/2018, 13:06
Đôi khi, chúng ta buộc phải quay đầu lại do cảm thấy như có ai đó đang quan sát mình từ phía sau lưng. Điều này xảy ra ở bất cứ nơi đâu bên ngoài nhà - trên chiếc xe buýt đông người, trong công viên… - và vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tại sao chúng ta cảm nhận được việc mình đang bị theo dõi? Có lẽ đó là do linh cảm.

Nhưng, còn có một yếu tố khác là giác quan của con người - đặc biệt là thị giác - có những hoạt động khá bí ẩn. Thông thường, khi chúng ta hướng đôi mắt nhìn vào vật thể gì đó thì các tín hiệu sẽ được truyền đến vùng vỏ não thị giác (xử lý hình ảnh) cho phép nhận dạng vật thể. Nhưng, trên thực tế, các tín hiệu được truyền đến ít nhất 10 vùng não khác biệt nhau và mỗi vùng có những chức năng riêng biệt. Vỏ não thị giác chính là khu vực được các nhà khoa học thần kinh nghiên cứu nhiều nhất.

"Thị lực mù"

Vỏ não thị giác giúp chúng ta nhận thức được những gì được nhìn thấy - từ màu sắc cho đến mọi chi tiết nhỏ nhất trong thế giới mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên, những phần khác của não bộ cũng tham gia xử lý nhiều mẫu thông tin khác nhau và chúng có thể hoạt động một cách bí ẩn mà chúng ta không thể nhận thức được.

Những trường hợp may mắn sống sót sau khi bị tổn thương não giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động này. Khi vùng vỏ não thị giác bị tổn hại do tai nạn thì thị giác của nạn nhân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Dĩ nhiên, nếu vùng vỏ não thị giác bị hỏng hoàn toàn thì nạn nhân cũng sẽ mất khả năng nhận thức mọi hình ảnh - hiện tượng mà các nhà khoa học thần kinh mô tả là "mù vỏ não".

Khác hẳn với việc một người bị tước đoạt đôi mắt, người bị "mù vỏ não" không bị "mù" hoàn toàn. Hay nói cách khác, những vùng vỏ não khác vẫn hoạt động bình thường và tiếp tục xử lý những hình ảnh hiện ra trước đôi mắt mặc dù nạn nhân thực sự không "nhìn thấy" gì cả. Trong một báo cáo nghiên cứu khoa học được công bố  năm 1974, nhà tâm lý học người Anh Larry Weiskrantz giới thiệu thuật ngữ "thị lực mù" (blindsight) để mô tả hiện tượng các bệnh nhân khiếm thị vẫn có thể cảm nhận được thế giới xung quanh thông qua đôi mắt bất chấp vùng vỏ não thị giác đã bị hư hỏng.

 Dĩ nhiên, những người khiếm thị không thể đọc sách hay xem phim hoặc bất cứ hoạt động gì cần đến sự xử lý của vùng vỏ não thị giác như người bình thường song đôi mắt của họ vẫn có thể cảm nhận được ánh sáng trước mặt với mức độ chính xác tương đối. Vấn đề là, bất chấp việc vùng vỏ não thị giác không hoạt động, các vùng vỏ não khác vẫn nhận biết được ánh sáng và cung cấp thông tin về vị trí phát ra ánh sáng.

Theo các nghiên cứu khác, người khiếm thị vẫn có thể nhận thức khá tốt vật thể nào đó đang chuyển động trước mắt hay cảm xúc biểu lộ trên gương mặt người đối diện. Một nghiên cứu gần đây đối với một trường hợp "thị lực mù" có thể giúp giải thích hiện tượng chúng ta cảm nhận như có ai theo dõi sau lưng dù không hề nhìn thấy sự việc.

Bác sĩ Alan J. Pegna cùng với nhóm nhà khoa học Đại học Geneva (Thụy Sĩ) nghiên cứu trường hợp đặc biệt của một người đàn ông chỉ được gọi tên là TD (các bệnh nhân chỉ được gọi bằng những chữ cái trong các nghiên cứu khoa học nhằm mục đích giấu tên thật). TD, cũng là bác sĩ, bị đột quỵ dẫn đến việc vỏ não thị giác bị hư hỏng hoàn toàn và rơi vào trạng thái "mù vỏ não".

Những người bị tình trạng này khá hiếm cho nên TD tự nguyện tham gia và một loạt nghiên cứu khoa học giúp tìm hiểu một cách chính xác hơn về hiện tượng một số người bị hỏng vỏ não thị giác có thể và không thể "nhìn thấy" những gì. Trong những nghiên cứu như thế, đối tượng tự nguyện được yêu cầu "nhìn" vào những bức ảnh chụp chân dung có đôi mắt nhìn thẳng hay không nhìn thẳng vào mặt họ.

TD được yêu cầu hoàn thành công việc này trong một máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để đo hoạt động vỏ não trong lúc "nhìn" ảnh chụp. Kết quả cho thấy não bộ con người có khả năng cảm nhận những vật thể một cách vô thức. Một vùng não đặc biệt gọi là amygdala - mặc dù không chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc và thông tin về mọi gương mặt người - bắt đầu hoạt động tích cực hơn khi TD nhìn vào những gương mặt có đôi mắt nhìn trực diện so với những gương mặt có đôi mắt không nhìn trực diện.

Cụ thể là, vùng não amygdala bắt đầu có phản ứng khi có đôi mắt người trong bức ảnh nhìn thẳng vào mặt TD (mặc dù ông không hề biết điều này). Đối với người bình thường, dĩ nhiên vùng vỏ não thị giác cho phép họ nhận dạng gương mặt người khác , xem phim ảnh hay đọc sách báo. Nhưng đối với những người như TD, họ vẫn có khả năng nhận thức được thế giới xung quanh nhờ sự trợ giúp từ những vùng khác của vỏ não. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng chúng ta có thể bất chợt phát hiện - có lẽ bằng góc con mắt - có ai đó đang nhìn mình chằm chằm mặc dù bản thân không hề chú ý điều đó.

Điều đó cho thấy não bộ chủ động thông báo cho chúng ta biết mình đang bị theo dõi phía sau lưng. Mặc dù không ngó xung quanh hay sau lưng song hệ thống thị giác vô thức vẫn giám sát môi trường xung quanh. Điều đó không phải là hiện tượng siêu nhiên nhưng tiết lộ nhiều bí ẩn của não bộ mà khoa học cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời. 

Một trường hợp đặc biệt

Một hiện tượng khác gây tò mò cho các nhà thần kinh học nhận thức là một phụ nữ mù tên là Milina Cunning cho biết mình có trực giác tuyệt vời nhất thế giới. Hiện nay, những người có "thị lực mù" không nhiều. Mặc dù bị mất thị giác song não bộ của họ vẫn nhận biết được môi trường xung quanh trong vô thức. Milina Cunning, người Scotland, bị mất thị lực trong độ tuổi 20 và sau đó bất ngờ phát hiện bản thân có khả năng "thị lực mù" đáng ngạc nhiên này.

Trường hợp của Cunning kích thích các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Jody Culham, nhà khoa học từng scan não bộ Cunning, cho biết: "Giả dụ như khi tôi ném một quả bóng bàn vào đầu Cunning thì bà nhận biết được và giơ cánh tay lên đồng thời né tránh mặc dù sự việc xảy ra bất ngờ mà không hề có cảnh báo trước".

Milina Cunning kể câu chuyện của mình: "Khi được đưa vào bệnh viện, thị lực tôi vẫn bình thường. Do có vấn đề về sức khỏe cho nên được các bác sĩ tiêm thuốc để đưa vào trạng thái hôn mê giả tạo kéo dài suốt 52 ngày. Khi tỉnh dậy, tôi chỉ nhìn thấy toàn màu đen. Tôi hoàn toàn không nhìn thấy gì cả. Các bác sĩ cho biết tôi bị mù do bất ngờ đột quỵ trong trạng thái hôn mê giả tạo. Sau vài tháng, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Tôi nghĩ mình nhìn thấy được một số màu sắc song không ai tin tôi cả. Thế là, gia đình đưa tôi tới gặp giáo sư thần kinh học Gordon Dutton. Giáo sư người Scotland hiểu ra ngay vấn đề đang xảy ra với tôi và khẳng định tôi có "thị lực mù".

Sau đó, giáo sư muốn tiến hành vài thí nghiệm. Ví dụ như trong một thí nghiệm, giáo sư yêu cầu tôi đi ngang qua những chiếc ghế mà ông đặt sẵn trước đó trong hành lang bệnh viện.

Giáo sư bảo tôi bước đi bình thường. Tôi làm theo lời ông và bị vấp phải những chiếc ghế. Rồi tôi được đưa đến đầu kia hành lang và giáo sư bảo 'bây giờ cô hãy bước đi với nhịp độ nhanh hơn ngang qua những chiếc ghế'. Lần này, tôi bước nhanh hơn và kỳ lạ là tôi bước qua từng chiếc ghế một mà không hề vị vấp phải. Thật là kỳ diệu".

"Điều đó cho thấy tôi được não bộ dẫn dắt cách hành động để tránh bị va phải những chiếc ghế.  Tôi có thể bước đi quanh nhà và dọn dẹp mọi thứ trong khi đôi mắt không hề nhìn thấy được mọi vật xung quanh mình. Nhưng, trong vô thức tôi vẫn biết sự hiện diện của chúng. Đó là nhờ sự chỉ dẫn của não bộ. Nếu như gia đình bày bừa đồ vật giữa sàn phòng khách, tôi bảo 'mọi người cần dọn dẹp các thứ này đi để tôi không bị va phải chúng. Nếu như có vật gì đó - ví dụ như chiếc túi xách hay đôi giày - nằm ngay trên sàn, tôi có thể nhận biết để tránh né hay nhặt nó lên. Nếu tập trung nhìn vào mặt bạn thì tôi biết ngay bạn đang ngồi khá gần mặc dù đôi mắt thực sự không hề nhìn thấy gì cả. Điều kỳ lạ là mặc dù bị mù nhưng tôi vẫn nhìn thấy mọi thứ".

Một lần nữa, trường hợp của Milina Cunning chứng minh rằng những người khiếm thị vẫn có khả năng nhận thức môi trường xung quanh không phải bằng đôi mắt mà là "giác quan" bí ẩn trong tiềm thức.

Theo giáo sư Marco Tamietto Đại học Tilburg (Hà Lan), Những người có "thị lực mù" có khả năng nhận thức thị giác vô thức, nhất là đối với cảm xúc con người. Ví dụ, mặc dù mất đi thị lực bình thường song họ vẫn "biết" được tương đối chính xác gương mặt người đối diện đang vui hay buồn, giận dữ hay ngạc nhiên.

Với người có thị lực bình thường, hình ảnh trên võng mạc được truyền đến các tế bào thần kinh vùng vỏ não thị giác và từ đây thông tin được truyền tiếp đến các vùng vỏ não khác. Đó là lý do tại sao người bị hỏng vỏ não thị giác vẫn có khả năng "nhìn thấy" trong vô thức. Nhà tâm lý học Larry Weiskrantz bình luận: "Mặc dù một số người hoài nghi song hiện tượng thị lực mù vẫn hiển nhiên tồn tại và vẫn được chấp nhận".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.