Sứ mệnh Sao Hỏa của Ấn Độ thành công: Thời đại thám hiểm không gian giá rẻ

Thứ Tư, 08/10/2014, 04:10

7 giờ 59 phút (giờ địa phương) sáng ngày 24/9, tàu vũ trụ Mangalyaan của Ấn Độ đã bay vào quỹ đạo sao Hỏa, đánh dấu sự thành công rực rỡ của ngành nghiên cứu không gian nước này, đồng thời mở ra trang sử mới trong ngành nghiên cứu không gian, hướng đến một tương lai nghiên cứu, chế tạo các loại tàu vũ trụ, vệ tinh thông minh phục vụ lợi ích con người.

Vào thời khắc trọng đại 7 giờ 59 phút sáng ngày 24/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chứng kiến giây phút bừng lên sung sướng của các nhà khoa học tại Trung tâm Điều khiển mặt đất của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) tại thành phố Bangalore, khi tàu sao Hỏa (Mangalyaan) thực hiện thành công Sứ mệnh sao Hỏa (MOM), bay vào quỹ đạo sao Hỏa. Các nhà khoa học tại ISRO vui mừng vỗ tay, ôm hôn nhau và chia nhau những viên kẹo ngọt. Ngoài đường phố, các em học sinh xếp hàng ngũ ngay ngắn, đồng thanh hô vang từng vần trong tên cơ quan vũ trụ ISRO.

Trên báo chí Ấn Độ, từ Mangalyaan (tiếng Hindu có nghĩa là "Tàu sao Hỏa") xuất hiện tràn ngập kèm theo những lời tán dương cao ngất. "Mangalyaan do Ấn Độ chế tạo đã chỉ cho Mỹ, châu Âu và Nga thấy như thế nào là thành công ngay lần đầu tiên" - tờ tin điện tử IBN Live viết. Còn kênh truyền hình Times Now thì chạy tít chương trình "Ấn Độ cho thấy mình làm được như thế nào", và bình luận thêm rằng thành tựu này đánh dấu một thời đại mới "thám hiểm không gian giá rẻ".

Thủ tướng Modi phát biểu trên truyền hình: "Sự thành công của chương trình không gian của chúng ta là một biểu tượng sáng chói cho khả năng chúng ta làm được với tư cách là một quốc gia. Ấn Độ hiện đại phải tiếp tục dẫn đầu thế giới". Trong đó chứa đựng cả một tham vọng lớn lao là vượt qua mặt Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác.

Kèm theo những lời hoa mỹ, người Ấn Độ không quên đưa ra những con số thống kê đáng tự hào: Toàn thế giới đến nay đã thực hiện 51 sứ mệnh sao Hỏa, trong đó chỉ có 21 lần thành công. Trong bối cảnh đó, với sứ mệnh MOM, Ấn Độ đã làm nên lịch sử ngay trong lần phóng đầu tiên. Không những thế, thành công này còn đưa Ấn Độ qua mặt Trung Quốc, gia nhập Câu lạc bộ sao Hỏa (gồm Mỹ, châu Âu, Nga và nay là Ấn Độ).

Trung Quốc đã nuôi tham vọng sao Hỏa nhiều năm nay, đã xây dựng một chương trình quy mô lớn hơn Ấn Độ nhiều, chi phí 1,2 tỉ USD/năm. Năm 2011, Trung Quốc từng nỗ lực phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa bằng tên lửa Nga nhưng đã không thành công. Trước đó, ngoài Trung Quốc, Nhật Bản cũng là nước có "tham vọng sao Hỏa", cũng đã phóng tàu lên sao Hỏa vào năm 1998, nhưng đến năm 2003, con tàu không thể đến được sao Hỏa vì hết nhiên liệu và thất lạc trong vũ trụ.

Thế giới đang đồng loạt khen ngợi Ấn Độ với thành công bước đầu trong cuộc chinh phục vũ trụ. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên gửi lời chúc mừng thành công đến Thủ tướng Ấn Độ, đồng thời ngỏ lời hợp tác với Ấn Độ trong các chương trình không gian trong tương lai. Cơ quan Quản lý Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng hết lời khen ngợi các nhà khoa học Ấn Độ với tiến bộ vượt bậc này.

Chỉ riêng về kinh phí cho việc phóng tàu vũ trụ, NASA cũng phải ngả mũ bái phục Ấn Độ khi làm một phép so sánh đơn giản: tàu Maven của NASA đến quỹ đạo sao Hỏa ngày 21/9 vừa qua đã tiêu tốn đến 670 triệu USD; còn tàu tự hành Curiosity đáp xuống sao Hỏa vào năm 2012 thì đã ngốn đến 2 tỉ USD. Trong khi đó, sứ mệnh MOM của Ấn Độ chỉ tốn 72 triệu USD, còn rẻ hơn chi phí làm phim giả tưởng về vũ trụ "Gravity" của Hollywood.

Tàu Mangalyaan bay vào quỹ đạo sao Hỏa.

Tuy nhiên, M. Pitchaimani, Phó giám đốc Trung tâm Điều khiển mặt đất của ISRO, cũng khiêm nhường thừa nhận rằng, sự thành công hôm nay của Ấn Độ không đến một cách ngẫu nhiên mà là kết quả dày công nghiên cứu từ những thất bại của nhiều nước trước đây, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về nguyên nhân thất bại để xây dựng tàu vũ trụ cho phù hợp dựa trên những bài học đó.

Bên cạnh đó, những kiến thức có được về sao Hỏa do những quốc gia đi trước cung cấp cũng giúp ích cho Ấn Độ trong việc đóng tàu Mangalyaan, trang bị các thiết bị đủ độ mạnh cần thiết, và thiết kế chương trình, lập lệnh điều khiển đường bay hợp lý.

Từ khi tàu Mangalyaan được phóng lên không gian bằng tên lửa PSLV-C25 vào ngày 3/11/2013, các nhà khoa học tại Trung tâm Điều khiển của ISRO đã liên tục theo dõi trong suốt khoảng thời gian 300 ngày trong hành trình con tàu đến quỹ đạo sao Hỏa dài đến 680 triệu km. Một thành công quan trọng của MOM chính là phương thức bay hợp lý và hiệu quả của con tàu.

Nhưng đối với các nhà khoa học Ấn Độ, thành công quan trọng nhất chính là việc đã thiết kế và chế tạo được Mangalyaan biết "tự suy nghĩ và hành động", do đó, trong suốt quá trình bay của Mangalyaan, các nhà khoa học tại Trung tâm Điều khiển mặt đất không can thiệp nhiều, chủ yếu là nạp lệnh điều khiển để con tàu tự vận hành.

Mangalyaan đã bay chính xác và ổn định trong suốt đoạn đường dài 680 km, tự điều chỉnh nhiệt độ thân tàu và độ cao thấp, biết tự định hướng ăng-ten quay về phía Trái đất để thu nhận tín hiệu và tự điều chỉnh bảng pin nhiên liệu quay về hướng Mặt trời để nạp năng lượng cung cấp điện.

Để khỏi bay lạc đường, Mangalyaan tự điều chỉnh đường bay nhờ được gắn một thiết bị "nhìn sao", cứ mỗi micro giây lại quét các chòm sao định hướng và đối chiếu với dữ liệu đã nạp sẵn trong "bộ não". "Bộ não" này của Mangalyaan còn được thiết kế để thu nhận và lưu trữ các lệnh hoạt động từ Trung tâm Điều khiển ở Bangalore 10 ngày trước khi con tàu tiếp cận quỹ đạo, và con tàu đã thực hiện một cách hoàn hảo những gì nó được "bảo".

Ngay trước khi bước vào quỹ đạo sao Hỏa, Mangalyaan đã tự động khởi động lại động cơ chính đã được cho tạm "ngủ" kể từ khi rời khỏi quỹ đạo trái đất ngày 1/12/2013.

Trong vài tháng tới, MOM sẽ duy trì bay quanh sao Hỏa, chụp ảnh và thu thập chi tiết về bầu khí quyển cũng như cấu tạo đất đá bề mặt của hành tinh đỏ, phân tích tìm nguồn khí mêtan, phân tích mức độ tỏa nhiệt, và gửi dữ liệu về trái đất

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.