Sự thật về cây dừa cạn diệt tế bào K

Thứ Tư, 01/07/2015, 16:20
Ngày cuối tuần, theo chân một đoàn thiện nguyện đến thăm và tặng tiền - quà cho 150 trẻ em bị ung thư tại Khoa Nhi-Bệnh viện Ung bướu TP HCM, người viết tình cờ nghe một số bệnh nhân K bị các chứng K vú, K tử cung, K phổi… râm ran về loại thảo dược chứa chất kháng ung thư rẻ tiền, dễ kiếm tìm nhưng dược chất thì rất "dữ dằn". Có người tin tưởng loại thảo dược mà họ đang đàm luận sẽ là phương thức hữu hiệu thay vì các giải pháp hóa trị, xạ trị.

"Đó là cây dừa cạn, nó có nhiều chất khu trú, ức chế và cả diệt tế bào K. Nếu dùng nó sẽ khỏe mạnh, hạn chế sự phát triển của tế bào ác tính… Cây này khoa học đã nghiên cứu rồi và có đúc kết cụ thể chớ không phải tin xằng bậy. Cây này ở quê tôi có nhiều lắm mà hồi nào giờ đâu có biết, cứ để trồng cho đẹp, ai ngờ có vị thuốc" - trên ghế đá, mấy bệnh nhân nữ đang trong giai đoạn hóa trị, xạ trị… trò chuyện.

Như chiếc cọc giữa dòng nước xoáy?

Đầu giờ chiều, vừa bước chân vào Bệnh viện Ung bướu TP HCM, chúng tôi như lạc giữa rừng người bệnh với nhiều lứa tuổi bị K. trong những hình hài đáng thương. Họ gầy guộc, hốc hác, khuôn mặt u uất, dúm dó… vì nhiều lẽ âu lo, sợ hãi chuyện sống nay chết mai, đau đầu vì các khoản viện phí và vì tác dụng phụ của các liều hóa chất "hành hạ".

Bệnh nhân gồm đủ lứa tuổi, ở khắp các vùng miền, đủ mọi tầng lớp, có cả trẻ em chỉ vài tháng tuổi (Khoa Ung bướu vệ tinh tại quận 2, TP HCM). Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải nên bệnh nhân ngồi, nằm chung giường, nằm la liệt dưới hành lang, gầm chân cầu thang… trông thật thương cảm!

Trò chuyện với một số bệnh nhân cả nam lẫn nữ, mới thấy phía sau từng chứng bệnh K mà họ mắc phải, có nhiều, rất nhiều câu chuyện thương đau. Trong cuộc chiế giành giật sự sống, bên cạnh việc vào bệnh viện chuyên ngành để được chữa trị theo phác đồ của Tây y, nhiều người muốn thải độc, để nâng cao thể trạng, để hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư… đã chọn giải pháp Đông -Tây y kết hợp.

Nghe ai mách chỉ, hay đọc được ở đâu đó thông tin cây thuốc này vị thuốc nọ chữa hay ức chế tế bào ung thư, vậy là họ quay cuồng, kiếm tìm dùng cho bằng được. Sau các cây xáo tam phân, sâm ngọc linh, các loại nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, tam thất, tinh dầu thông đỏ, nọc bọ cạp xanh (những thảo dược này đắt tiền nên đa phần bị rút chất, giá rẻ chỉ là dùng cây thuốc giả có hình dáng tương tự - PV)…, nay đến lượt người ta chĩa tầm ngắm vào cây thuốc có tên "dừa cạn"!

"Đâu phải ai cũng có tiền mà mua mấy thứ đắt tiền kia đâu. Linh chi, tổ yến là dành cho người có tiền, chứ nghèo như tui chỉ dám dùng cây cỏ mọc hoang thôi. Cái cây dừa cạn này ở chùa Di Đà Cổ Tự mọc nhiều lắm. Biết vậy tôi hái dùng xem sao, nếu nó hợp thuốc thì đỡ phải hóa trị rồi" -  bệnh nhân tên Hương, 42 tuổi, trò chuyện.

Lối vào chùa Di Đà Cổ Tự và những khóm hoa dừa cạn trong sân chùa.

Chùa Di Đà Cổ Tự nằm trên địa phận xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Người viết từng đến chùa này để tìm hiểu về nghề trồng bưởi của người dân địa phương, và đã dành thời gian vãn cảnh chùa. Chùa nhỏ nhưng ấm cúng, tạo cảm giác an lành với những khóm hoa dừa cạn tươi tắn với hai sắc màu hồng - trắng. Và bệnh nhân Hương, người viết chỉ biết dừa cạn là loài hoa cảnh! Thầy trụ trì cùng các phật tử ở đây cũng không biết rằng những khóm hoa dừa cạn xinh xắn tươi tắn kia là vị thuốc quý đang được người bệnh ung thư… quan tâm và nuôi hy vọng.

Biệt dược hay thảo dược?

Chờ khi câu chuyện cây dừa cạn chữa ung thư giữa các nữ bệnh nhân lắng xuống, người viết hỏi một chị tên Vân, người được những người còn lại bật mí biết rất rành chuyện "dừa cạn diệt tế bào K". Khi được hỏi thăm, được lời như cởi tấm lòng, sau đôi lời tự bạch rằng mình bị ung thư buồng trứng, đã phẫu thuật cắt bỏ và đang hóa trị, chị Vân cho biết để tăng kháng thể, nghe theo lời quảng cáo, chị mua "nấm lim xanh" được thu hái từ rừng lim ở Tiên Phước (Quảng Nam) về dùng với giá 2,8 triệu đồng/kg: "Họ quảng cáo nói dùng mấy loại linh chi trôi nổi rất nguy hiểm nên tôi sợ, để chắc ăn tôi mua của họ. Uống được hơn nửa ký thì tôi phát hiện sự thật phũ phàng khi thấy ngoài Hải Thượng Lãn Ông chỉ bán có 800.000 đồng/kg, người bán thú thật cho tôi biết nấm ấy nhập từ Trung Quốc. Tôi nghe xong sợ quá không dám dùng, nhất là khi được một thầy thuốc đông y thức tỉnh cho biết rằng cây lim là loại danh mục trong nhóm gỗ quý, vì giá trị nên bị dân sơn lâm hạ sạch, rừng làm gì có cây lim mà mọc nấm lim?!".

Một người có thân nhân bị K đang hái cây dừa cạn về cho người thân diệt ung thư.

Theo chị Vân, càng tìm hiểu về thị trường nấm linh chi, chị như nhiều người bị K. bấn loạn vì mỗi người bán nói mỗi kiểu khác nhau, nhưng điểm chung là ai cũng bảo nấm linh chi, nấm lim xanh mình bán là chất lượng, chính hãng, được trồng theo công nghệ Nhật, Hàn Quốc đúng chuẩn. Trong khi đó nhiều thầy thuốc đông y tâm đức thì lưu ý chị điều ngược lại. Điều đó khiến chị không dám uống linh chi được bán tràn lan trên thị trường với đủ lời rao có cánh vì không biết khi trồng người ta phun những thứ thuốc gì trong ấy, sợ uống vào không những không thải được độc mà còn nhiễm độc nặng hơn: "Có người quen mách nên kiếm linh chi rừng sử dụng nhưng biết mua ở đâu bây giờ. Đang lúc đau đầu tìm kiếm cây thuốc thay thế thì được mấy người thân, bạn bè gửi cho đường link, bản photo nói về tác dụng trị ung thư của cây dừa cạn".

Chị chỉ mới biết nên chia sẻ thông tin cho mấy chị đồng cảnh biết mà dùng. Nhiều người đang bị ung thư giai đoạn cuối, bác sĩ bó tay rồi thì dùng cầu may, biết đâu?

Sau câu trả lời, chị Vân gửi cho tôi bản photo thông tin nói về tác dụng trị chữa ung thư của cây dừa cạn. Bài viết này có cái tiêu đề rất kêu rằng "Thảo dược mọc nhiều ở Việt Nam chứa chất kháng tế bào K", với lời nhấn nhờ có chứa nhiều loại chất kháng ung thư nên dừa cạn trở thành niềm hy vọng cho bệnh nhân mắc căn bệnh nan y này: "Cây dừa cạn còn có tên gọi khác nhau là rau dừa, hoa trường xuân, tứ thời hoa, bông dừa, hoa hải đăng… Cây có nguồn gốc xuất xứ ở đảo Madagascar thuộc châu Phi nhưng được trồng ở nước ta rất nhiều để làm cảnh và làm thuốc. Hoa dừa cạn mọc thành cụm, có nhiều màu đỏ, hồng trắng. Ở Ấn Độ, châu Úc, nam châu Phi, quần đảo Antilles người ta dùng dừa cạn sắc uống chữa bệnh tiểu đường cho thấy kết quả rất khả quan… Rễ dừa cạn dùng làm thuốc thông tiểu, điều kinh, trị tăng huyết áp, chữa sốt rét, kiết lị, tiêu hóa kém".

Ngoài các công dụng kể trên, qua tìm hiểu, người viết được biết không riêng gì bản photo của chị Vân, trên nhiều trang mạng, nhất là các trang chuyên "giật tít câu view" hoặc chuyên tung các tin giật gân cây thuốc chữa ung thư để bán thuốc, cũng đưa thông tin rầm rộ về tác dụng chữa bệnh của cây dừa cạn. Có trang nói từ kinh nghiệm chữa khối u từ cây dừa cạn của người Ấn Độ, các nhà khoa học người Canada đã nghiên cứu và phát hiện chất kháng ung thư trong dừa cạn được gọi tắt là Vinblastin. Chất này khi được kết hợp với muối sulfat là biệt dược để diệt khối u trong cơ thể người bệnh?!

"Vinblastin sulfat là lựa chọn hàng đầu để điều trị ung thư thận, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư dạng nấm da. Y học hiện đại dùng chất này điều trị hiệu quả các chứng ung thư biểu mô thận, ung thư biểu mô da đầu… Đặc biệt hơn, chất này đặc biệt có ích đối với các bệnh ung thư máu" - ông Lê Quang D, 56 tuổi, ngụ phường 2, quận Tân Bình, căn cứ vào thông tin loan truyền trên mạng, trò chuyện.

Bệnh nhân bị K tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM.

Ông D. cho biết, ông đã nhờ người ở quê nhổ và đã sắc nước dừa cạn cho vợ uống để trị chứng ung thư tử cung giai đoạn cuối theo công thức "dùng độc vị (chỉ một vị dừa cạn - PV) ở dạng khô, liều dùng 15gr toàn thân cây phơi khô, sắc nước 3 chén còn 1 uống trong ngày". Hỏi thấy tín hiệu khả quan gì chưa, ông D. tặc lưỡi bảo mới dùng vài ngày nên chưa ghi nhận được.

Chớ nghe lang băm mà tiền mất tật mang!

Tìm hiểu về cây dừa cạn dưới góc độ y học cổ truyền, mới biết các tài liệu cổ không nhắc gì đến cây này. Theo Y sinh Tuệ Lâm (học viên Trường Y học cổ truyền Lê Hữu Trác tại TP HCM), cố GS-TS Đỗ Tất Lợi trong dược điển “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” cho biết theo kinh nghiệm sử dụng trong y học dân tộc của một số quốc gia thì rễ cây dừa cạn mọc hoang có tác dụng tẩy giun, chữa sốt, thân lá chữa bệnh ngoài da và đái đường: "Kinh nghiệm  dùng dừa cạn chữa bệnh đái đường được ghi nhận ở Ấn Độ châu Úc, nam châu Phi quần đảo Antilles nhưng chứng minh bằng thực tế khoa học thì chưa có. Những thí nghiệm trên thỏ (gây đường huyết thực nghiệm) và trên chuột cho những kết luận không rõ ràng" - trích từ y văn của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi.

Dừa cạn thuộc họ trúc đào, là cây thảo có hoa đơn độc ở nách lá phía trên, có màu hồng hoặc trắng, mùa hoa thường từ tháng 6 đến tháng 9, phân bố nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Dừa cạn có tính mát, vị hơi đắng, có tác dụng trấn tĩnh, an thần, giáng áp, thanh nhiệt, lương huyết và giải độc. Kinh nghiệm dân gian dùng cây dừa cạn chữa huyết áp cao không dùng độc vị mà phối với các vị gồm hy thiêm, thảo quyết minh và bạch cúc. Bài thuốc này được ghi chép trong y văn hẳn hoi và cần phải biết là cây dừa cạn có độc, không nên lạm dụng.

TS sinh học Võ Văn Chi khi nói về dừa cạn (Từ điển cây thuốc Việt Nam - bộ mới) bên cạnh bài thuốc chữa cao huyết áp đã có nhiều lưu ý về độc tính của cây dừa cạn, xin được tóm lược như sau: "Ở Trung Quốc gọi là trường xuân hoa… Ở Nuven Calêđôni, cây được xem là đắng, thu liễm, lọc máu, làm toát mồ hôi và trừ ly. Cây còn có tính chất khai vị, gây sẩy thai và chống bệnh lậu".

Về tác dụng trị ung thư như một số thông tin đề cập, qua trò chuyện với một số thầy thuốc y học cổ truyền, chúng tôi được những người hoạt động trong lĩnh vực bốc thuốc chữa bệnh cho biết chưa ghi nhận cũng như chưa từng gặp bệnh nhân nào hết các chứng bệnh K nhờ uống nước sắc cây dừa cạn. Lương y Kỳ Bá (quận 5) nói rằng đúng là có thông tin nói dừa cạn chữa được ung thư nhưng đó là thông tin ở nước ngoài, ở Việt Nam chưa thấy có công trình nghiên cứu nào khẳng định điều ấy.

Các tài liệu khoa học nước ngoài nói rằng để tách chất từ cây dừa cạn các chuyên gia nghiên cứu phải dày công bóc tách chất hóa học trong cây dừa cạn rồi phối hợp với chất khác thành hợp chất chữa một số chứng bệnh ung thư rất cầu kỳ, phức tạp. Nhưng hiệu quả đến đâu thì chưa có kết luận rõ ràng.

Đến nay các y văn cổ điển lẫn hiện đại ở Việt Nam chưa thấy tài liệu  nào đề cập đến việc hoạt chất của dừa cạn được dùng làm thuốc ở dạng tươi hay khô, ở cành lá hay rễ… Và khi mọi việc chưa rõ ràng, việc tự ý dùng dừa cạn hay dứt ngang phác đồ điều trị của Tây y với bệnh nhân đang hóa trị, xạ trị là điều vô cùng nguy hiểm đối với người bệnh...

Bích Kiều
.
.